Đây
không phải là chuyện ông bầu Kiên, (người đứng thứ 4 trong số 100 người giàu
nhất Việt Nam 2010 với tài sản gần 3000 tỷ đồng), một đại gia tên tuổi lừng lẫy
cả trong làng bóng đá. Ông đã, đang, từng là chủ tịch, là nhân viên hội đồng
quản trị, là người hùn vốn trong vô số những ngân hàng, những đại doanh nghiệp,
đại công ty… vừa bị bắt đang gây sóng gió tại VN. Ngoài việc “làm bóng đá” và
ngân hàng, ông Kiên cùng những người trong đại gia đình ông kinh doanh những
“mặt hàng” dân VN gọi là “siêu khủng”, “siêu hot” như kinh doanh sân golf; xây
dựng hạ tầng giao thông; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp;
đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập khẩu vàng, mua bán vàng bạc đá quý... Người
dân há mồm không thể ngờ lại có người lắm chức, lắm quyền và giàu đến thế. Bây
giờ, qua báo chí mới được thấy căn nhà “vĩ đại” của ông trên mảnh đất kim cương
ở Hồ Tây mà choáng váng. Dân nghèo còn hết hồn khi được dịp chiêm ngưỡng chiếc siêu xe Rolls-Royce
Phantom Rồng, trị giá vài chục tỷ đồng của ông “trùm
Kiên”.
Biệt thự “vĩ
đại” của ông bầu Kiên trên khu đất kim cương bên hồ
Tây.
Tuy
nhiên, tối 23/8, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt và khám xét nơi ở, nơi làm
việc của ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á
Châu (ACB). Ông Lý Xuân Hải đã được dẫn giải về Trại tạm giam để điều tra làm rõ
vụ án.
Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước
VN đã chấp thuận bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Đỗ Minh Toàn
thay cho ông Lý Xuân
Hải.
Tóm tắt ban đầu, ông Kiên bị bắt điều
tra vì lý do gi?
Bầu
Kiên bị bắt vì những lý do: “kinh doanh trái phép” xảy ra tại 3 công ty khác
nhau. Đó là Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư
ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà
Nội.
Theo
nguồn tin ban đầu, ông Kiên bị cáo buộc đã dùng tư cách pháp nhân của 3 công ty
nêu trên để thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính dù các doanh nghiệp đó
không có chức năng này. Ông Kiên đã lợi dụng pháp nhân của 3 công ty để vay vốn
ngân hàng, mua bán cổ phiếu. Sau đó, dùng cổ phiếu thế chấp lại cho các ngân
hàng, lập các kế hoạch kinh doanh khống, nâng giá trị của các công ty. Cả ba
công ty này đều do ông Nguyễn Đức Kiên lập ra và giữ chức vụ chủ tịch hội đồng
quản trị (HĐQT). Còn phải chờ thời gian để có những thông tin rõ ràng hơn từ các
cơ quan điều tra.
“Quả
bom” này bạn đọc đã biết nhiều ở hầu hết các báo trong nước cũng như ngoài nước.
Tôi không tường thuật lại chi tiết bản tin. Tôi chỉ nhắc đến tâm trạng thật nhất
của người dân trước sự việc này. Những biến chuyển tiếp theo, xin để một kỳ
khác, có đầy đủ dữ kiện, tôi sẽ tường thuật chi tiết
hơn.
Tâm lý “gửi tạm” đang là xu thế tất
yếu
Ngay
sau khi tin đồn bầu Kiên bị bắt, sự trấn an của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đưa ra
gấp gáp, kịp thời, với lời kêu gọi của NHNN VN: “Ngân hàng Nhà nước kêu gọi
người gửi tiền tại ACB hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang theo
dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, trường hợp cần thiết, sẵn sàng hỗ trợ
thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống.” Nói cho rõ hơn là NHNN sẵn
sàng rót tiền cho NH ACB trả cho khách. Đồng thời nhiều ngân hàng đã đồng
loạt phủ nhận sự ảnh hưởng của ông Nguyễn Đức Kiên. Nhưng cái gì cũng có hai
mặt, càng trấn an nhanh bao nhiêu thì càng kích thích sự nghi ngại của “khô chủ”
bấy nhiêu. Cho nên, thật sự vẫn làm những người gửi tiền tại ngân hàng VN hoang
mang. Không cứ gì những người dân có tí tiền dành dụm gửi tại ngân hàng (NH)
ACB, là một NH lớn có liên quan ít nhiều đến ông bầu Kiên, mà ngay cả những
người gửi tiền ở các NH khác, dù lớn hay nhỏ cũng ngơ ngác, tìm hiểu xem… số
tiền để dành của mình liệu có giữ được không hay như ông nước hoa Thanh Hương
thì… cuộc đời đi đứt.
Tân
Tổng giám đốc NH ACB Đỗ Minh Toàn xác nhận lượng người tới rút tiền bắt đầu tăng
cao trong ngày 21/8 và tiếp tục tăng đột ngột vào hôm sau. Ông Toàn nói thêm:
“Tuy nhiên đến hôm nay đã dịu bớt và bắt đầu có khách gửi tiền trở lại”.
3 lý do người dân chưa dứt khoát gửi
tiền ở đâu
Trước
hết là nếu rút tiền chưa đến kỳ hạn thì số lời chỉ còn có 2% hoặc 3%, thay vì
9%.
Thứ hai
là rút tiền về rồi cất trong tủ, không sinh lời, tiền mất giá sẽ lỗ nặng.
Thứ ba
là chẳng biết đầu tư vào “kênh” nào, bởi chẳng có nơi nào đáng tin cậy. Lại gặp
tín dụng đen như thời kỳ ông NHNN mới “xiết đầu vào” thì tránh vỏ dưa gặp vỏ
dừa.
Thế
nên, cho đến lúc này, người dân đang vẫn cứ tạm thời để đấy cái đã, chờ xem tinh
hình biến chuyển ra sao rồi tính sau.
Tôi cần
nhấn mạnh cho rõ là tâm lý “gửi tạm tiền ở các NH” lúc này đang là “xu thế tất
yếu” buộc người gửi tiền phải tính đến. Có lẽ rồi đây những người gửi tiền thời
hạn lâu dài như 6 tháng, 1 năm sẽ bớt nhiều, chỉ còn lại những người gửi ngắn
hạn, 1-2 tháng. Họ đề phòng khi cần rút ra là rút được ngay. Đó chính là cái
“tâm trạng tạm thời” hiện nay và là sự đề phòng thụ động rất cần thiết. Bởi vậy
nếu có một biến động nào đó thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Còn
chuyện thị trường cổ phiếu hoảng loạn là chuyện của các “đại gia”, chẳng ăn nhậu
gì tới “dân Bàn Cờ, ba cọc ba đồng”.
Bây giờ
xin trở lại chuyện đáng nói nhất trong tuần này. Đó là chuyện bóng đá.
Nỗi đau của khán giả
VN
Trước
hết mời bạn đọc xem những hàng chữ sau đây của người hâm mộ bóng đá tại VN trong
mấy ngày qua:
“Tôi ngu như bò mới đi xem
trận hôm qua.”
Bạn
Doan Cong Minh “tự sỉ vả” mình: “Hôm qua hăm hở đi xem trận chung kết,
người đông như kiến...bon chen khổ sở để cuối cùng nhận ra 1 chân lý: tui thiệt
ngu như bò mới đi xem trận hôm qua”.
“Tôi
nghĩ muôn đời tôi không xem bóng đá Việt
nữa.”
Bạn Bá
sơn viết: Tôi nghĩ muôn đời tôi không xem bóng đá Việt nữa với lối đá như hôm
qua tôi xem mà buồn quá. Với lối chơi thể thao như vậy nếu Việt Nam đoạt được
chức vô định Seagames, tôi sẵn sàng ủng hộ đội bóng Việt 5 triệu
đô”.
“Chẳng bao giờ đọc những cái
tin về bóng đá VN.”
Bạn
Hoàng Anh viết: “Chán với các tin bóng đá VN. Thật sự các cầu thủ VN không có
đầy đủ tư cách, trình độ thì không bằng ai nhưng bệnh ngôi sao thì thôi rồi. Ai
biết được nội tình trong một đội bóng thì phải phát ngấy với mấy ông trời con
này! Cả các ông lãnh đạo và ông bầu các đội bóng cũng vậy
nốt!
Đây là
câu trả lời cho việc tôi chẳng bao giờ đi xem một trận bóng đá của VN, chẳng bao
giờ đọc những cái tin về bóng đá VN, vì có đọc chỉ tổ bực mình làm ảnh hưởng đến
công việc, gia đình”.
Như chuyện khôi
hài
Bạn
Nguyên Hải viết: “Không khi nào mà tôi cũng như người hâm mộ bóng đá VN đón nhận
tin kết thúc giải bóng đá VĐQG và nhà tân vô địch một cách hờ hững và nhạt nhẽo
đến như vậy, đúng như cách các cầu thủ Hanoi T&T ăn vạ, câu
giờ.
Làm
bóng đá cốt là khích lệ tinh thần dân tộc, màu cờ sắc áo và để người hâm mộ được
vui mà cuối cùng chẳng thấy đâu. Buồn quá, bóng đá VN cũng như xã hội, rõ ràng
đích thị ông Hiển có 2 đội bóng, quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã cấm nhưng
không xử được. Vì sao? Vì tên đăng ký đội bóng SHB Đà Nẵng ông Hiển có phải là
chủ đâu! Đúng như kê khai tài sản để chống tham nhũng vậy, thật khôi
hài”.
Mèo vẫn hoàn
mèo
Ông
Quảng than thở: “Sau khi thay tên gọi, rồi thay ban điều hành nhưng cuối cùng
thì mèo vẫn hoàn mèo. Bóng đá Việt Nam vẫn là sân chơi cho vài đại gia lắm tiền
nhiều chiêu và toàn là quái chiêu, cả thế giới chuyên nghiệp không ai dám làm
như vậy cả, các ông ấy đang ngồi xổm trên khán giả, ngồi xổm trên sự thăng tiến
của bóng đá nước nhà. Bởi vậy bóng đá Việt Nam vẫn đang ngồi xổm giữa cái ao
làng mà mồm vẫn ra rả đang ngồi ở biển với các nước khác. Chán
!!!!!
Không còn đủ kiên nhẫn yêu đội bóng
trên quê hương mình
Thưa
bạn đọc,
Đó chỉ
mới là vài nỗi công phẫn của hàng triệu khán giả VN khi xem xong trận chung kết
bóng đá tranh ngôi vô địch quốc gia năm
2012.
Thật ra
đã từ lâu, tôi không muốn nói đến bóng đá VN bởi tôi biết độc giả ở nước ngoài
cũng “chán mớ đời” những chuyện này rồi. Ngay như ở VN, những người hâm mộ bóng
đá cũng đã quay lưng lại với nền bóng đá “trên không chằng, dưới không rễ này”.
Các sân bóng cứ ngày một vắng dần khán giả. Có khi nhìn vào một trận thi đấu
bóng đá ngay trên sân nhà, đội nhà, cũng chỉ lèo tèo vài chục đến vài trăm khán
giả vào ngồi loạc choạc ở các bệ xi măng. Vài ông quan chức thể thao ngồi cho có
vị trên các hàng ghế VIP trống hươ trống hoác.
Tôi nói
“những người hâm mộ bóng đá VN” là chưa đủ nghĩa, thật ra có hàng chục triệu nam
nữ thanh niên VN yêu bóng đá, say mê bóng đá. Bởi đó đã trở thành môn thể thao
vua như “quốc hồn quốc túy” có truyền thống lâu đời tại VN rồi. Nhưng nếu trước
kia người hâm mộ VN yêu ‘mê mệt” những đội bóng như Hải Quan, Tổng Tham Mưu,
AJS… và những Tam Lang, Liêm,
Thanh, Ngầu, Há, Rạng, Đực… thì bây giờ họ không còn “đủ kiên nhẫn” để yêu đội
nào, yêu cầu thủ nào của VN nữa cả. Tại sao vậy? Vì một cầu thủ trẻ mới lên
chân, được khán giả yêu thích, đã tưởng mình là “sao”, tuần sau “lật kèo” với
đội bóng nghèo, nhảy sang đá cho đội giầu là khán giả chán
ngay.
Ở VN có
hàng chục tờ báo chuyền về thể thao và bóng đá. Nhưng người đọc bây giờ chỉ toàn
đọc chuyện bên Anh, bên Ý, bên Đức, bên Pháp, kể cả chuyện bên lề, chứ không cần
biết đến những cầu thủ VN tuần này đá thế nào, thắng thua cũng thây kệ. Chỉ
thỉnh thoảng coi vài cái tin cầu thủ này đi chơi với chân dài nào, mua cho chân
ngắn cái gì rồi tặc lưỡi “Thằng bé chăn trâu hồi này cũng xe “sì po”, căp kè tóc
đỏ môi xanh, làm nhà cho bố mẹ. Thôi cũng mừng cho nó, thằng con có hiếu”… Đại
khái như thế thôi.
Ở VN
chẳng thiếu gì những Câu Lạc Bộ yêu Arsenal, MU, Man City… Vắng hẳn những CLB
yêu đội bóng VN, chỉ còn vài ông chuyên đánh trống thổi kèn, nhảy múa lung tung
theo sau vài đội bóng, khua động trận đấu thêm om xòm cho
“dui”.
Đến sân xem bóng đá vào cửa tự do lại
được uống bia miễn phí
Ấy vậy
mà sân bóng trước đây được gọi là sân Cộng Hòa, nay được thay bằng tên sân Thống
Nhất, buổi chiều ngày chủ nhật 19-8 vừa qua đã đông nghẹt khán giả. Một phần vì
các báo đã tô điểm cho trận chung kết giải vô địch năm nay rất gay go, quyết
liệt, hào hứng giữa hai đội bóng Sài Gòn Xuân Thành và Hà Nội T&T. Mỗi đội
chỉ hơn kém nhau có 1 điểm nên ngôi vô địch tất nhiên sẽ là đội thắng. Ngoài ra
còn 2 yếu tố khác là các phương tiện truyền thông quảng cáo rầm rộ chỉ bán vé ở
khán đài chính, còn các khán đài cánh B-C-D đều được “tháo khoán” cho khán giả
vào xem tự do. Thêm một yếu tố câu khách đến sân là được uống bia miễn phí do
tổng công ty bia Sài Gòn Lê Hồng Xanh cung cấp. Có lẽ đây là điều chưa từng có ở
bất cứ sân bóng nào trên thế giới kể cả ở những nước nghèo khó châu Phi. Nó cho
thấy sự xuống dốc thê thảm của bóng đá VN đến nỗi phải có những “chiêu trò” mời
mọc như thế, khán giả mới chịu đến sân.
Các cô gái mời
bia khán giả đến sân bóng
Hơn 37
năm rồi, tôi mới lại được nhìn thấy khung cảnh sân bóng quen thuộc ấy đông đúc
đến như vậy. Nỗi nhớ nôn nao về những ngày ngồi trên sân xem bóng đá trước những
năm 1975. Thú thật là bây giờ tôi không còn muốn đến sân, hòa vào cái không khí
náo nức của khán giả như xưa, tôi chỉ còn đủ can đảm ngồi xem các đội bóng VN đá
qua Ti Vi. Gặp những buổi chiều hết Olympic, hết tennis Cincinnati Masters 2012
chẳng còn gì để xem, cũng gọi là có tí “máu” bóng đá nên ngồi xem một trận đấu
cho hết thì giờ.
Sân
bóng phải đóng cửa từ rất sớm vì hết chỗ. 4giờ chiều mới khai mạc giải, mới 2
giờ trưa, khán giả bình dân từ khắp nơi đổ đến sân bóng đông như kiến. Nhiều
khán giả leo trèo bất kể là hàng rào sắt đầy nguy hiểm, cố chen lấn may ra tìm
được cách nhảy vào sân. Có khá nhiều khán giả lặn lội từ Hà Nội đến Sài Gòn cổ
động cho đội nhà Hà Nội T&T. Cũng có rất đông khán giả từ những nơi gần
Saigon như Bình Dương, Long Khánh, Biên Hòa cũng “bay” về Sài Gòn ủng hộ gà nhà
Sài Gòn Xuân Thành. Cái cảnh chen chúc ấy gần 40 năm mới có một lần.
Đá “cụi”, đá
“đểu”
Vậy mà
họ được xem một trận vô địch như thế nào? Đáp lại lòng nhiệt tình, háo hức của
khán giả, cầu thủ đội nhất bảng đã đá một trận “cụi” nhất trong lịch sử những
trận chung kết trên thế giới. Khán giả bảo nhau: “Chúng nó đá đểu” là đúng. Quả
là đối với khán giả thì cầu thủ đá như thế là chơi đểu thật, phụ lại lòng mong
đợi của hàng triệu người. Hầu hết những tờ báo ở VN đều phải cay đắng đưa tin
“Mong đợi sẽ được xem một trận bóng hấp dẫn, với quyết tâm giành chiến thắng cao
của cả hai đội, trái lại, người hâm mộ bóng đá Việt Nam hăm hở đến sân lại phải
xem “một màn kịch vụng về” với nhiều màn câu giờ, đá “nhường”, đá cầm
hòa”.
Tại sao lại đá cầm hòa cho đội “đàn
em” vô địch?
Tất cả
đều nghĩ rằng với thế cuộc trước trận đấu: Hà Nội T&T đang dẫn trước với 46
điểm, Sài Gòn Xuân Thành kém hơn với 45 điểm, SH Đà Nẵng 44 điểm thì rất nhiều
người hâm mộ mong chờ, đây sẽ là trận đấu quyết liệt, với các pha tấn công dồn
dập, ăn miếng trả miếng hòng dành điểm. Chỉ cần có 1 trái thắng thua trên sân
Thống Nhất là đội Đà Nẵng dù có thắng bao nhiêu trên sân Ninh Bình cũng là thừa,
bởi vẫn kém điểm đội thắng trong trận
này.
Một đội
đang đứng nhất bảng (T&T Hà Nội), cần phải giành chiến thắng để lên ngôi vô
địch lại dùng mọi thủ đoạn để đá câu giờ, thay tiền đạo bằng hậu vệ… để có thể
kiếm được hạng nhì, nhường ngôi vô địch cho SHB Đà Nẵng. Đội Sài Gòn Xuân Thành
tấn công quyết liệt nhưng hầu hết các cầu thủ “Tây”, sút những trái bóng như mơ
ngủ, ngay trước cửa khung thánh mà sút bắn ra ngoài. Sự chậm chạp vụng về của
những cầu thủ “ngoại” đô con, dẻo dai được tiếng là “những hảo thủ hạng nhất”
làm cho người ta chán ngán. Có khán giả đã phải thốt lến “Cú đó tôi sút cũng
vào, cho thằng đó nghỉ việc đi”. Khán giả trở nên nghi ngờ “làm như cầu thủ Sài
Gòn Xuân Thành cũng chẳng muốn thắng vì một lý do khó hiểu nào đó, chứ chưa chắc
chỉ là thiếu may mắn”. Nhưng thật ra là họ vô duyên và thiếu may mắn thật. Có bị
cầm hòa thì cũng chỉ nên tự trách mình
thôi.
Mặt dạn mày dầy ăn vạ nằm
sân
Nhưng
màn bi hài kịch thuộc về đội Hà Nội T&T trình diễn mỗi phút càng lộ rõ khi
nghe tin đội Đà Nẵng thắng đội Ninh Bình một trái. Như vậy nếu hai đội ở sân
Thống Nhất hòa thì Đội Đà Nẵng sẽ có thêm 3 điểm là 47 (vô địch), trong khi Hà
Nội T&T 46 điểm (hạng nhì) và Sài Gòn Xuân Thành 45 điểm (hạng
ba).
Ai cũng
biết Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đều có cùng một ông chủ là bầu Hiển. Cho nên
đội Hà Nội T&T cố sống cố chết đá cụi, đá cầu hòa là để nhường ngôi vô địch
lại cho đàn em. Bởi đá “tử thủ” với Sài Gòn Xuân Thành dễ hơn là mong thắng.
Trong khi đội Đà Nẵng thắng đội Ninh Bình dưới cơ, dưới hạng dễ dàng hơn
nhiều.
Đặc
biệt khi biết tin đội Đà Nẵng đã ghi được ba bàn thì thái độ thi đấu của Hà Nội
T&T trở nên cực kỳ trơ trẽn. Họ không buồn tấn công mà chỉ lo ăn vạ hay câu
giờ.
Khán
giả la hét phản đối nhưng cầu thủ vẫn thản nhiên nằm dài trên sân, họ phục vụ
cho ông chủ
và
đồng tiền chứ không phải cho khán giả và bóng đá.
Đến
trọng tài chính cũng ngán ngẩm khi ông liên tục yêu cầu các cầu thủ của Hà Nội
T&T đứng lên thi đấu và thôi ăn vạ. Cầu thủ Hà Nội T&T nằm la liệt, anh
đầu sân, em cuối sân, cứ thế ăn vạ đủ kiểu, bất chấp sự la ó, chán chường của
khán giả. Đúng kiểu mặt dạn mày dầy, nằm được là cứ nằm, kệ khán giả, kệ bóng
đá, mặc kệ cả danh dự cá nhân, danh dự của cả đội bóng. Tất nhiên HLV Phan Thanh
Hùng của Hà Nội T&T là người đã bày ra chiến thuật và trực tiếp “chỉ đạo”
các cầu thủ đá cụi. Vậy mà ông HLV của đội này lại vừa lên chức làm HLV đội
tuyển quốc gia VN!!! Ông sẽ huấn luyện cho đội tuyển quốc gia theo kiểu nào đây?
Hủy bỏ giải đấu và không tuyển chọn
HLV đã chỉ đạo đá cụi
Còn rầt
nhiều điều đáng nói về chuyện bóng đá VN, nhưng e làm nhàm tai bạn đọc. Ở đây
tôi chỉ nêu ra ý kiến của một số khán giả nhiều tuổi vẫn say mê bóng đá.
Trước
hết, Liên Đoàn Bóng Đá VN (LĐBĐ VN) hãy nghe cho kỹ nỗi phẫn uất của khán giả
với những chứng cớ không thể chối cãi trong trận đá “cụi” tranh ngôi vô địch
này. Vậy theo đúng luật, LĐBĐ VN hãy hủy bỏ ngay kết quả của trận đấu này, coi
như năm nay không có đội vô địch. Có sao đâu.
Cũng
như tại Olympic Luân Đôn vừa qua. Một số cầu thủ sắp đặt trắng trợn theo cách
thức bôi nhọ và ngược lại tinh thần Olympic”, Ban tổ chức đã đuổi các lực sĩ có
mặt trong 2 trận vũ cầu rởm ra sân, hủy bỏ các trận đấu đó. Tám lực sĩ bị loại
thẳng khỏi nội dung đánh đôi nữ. Ngay cả khi võ sĩ lãnh huy chương rồi cũng có
thể bị hủy bỏ nếu dính doping. Đó là cách làm đúng luật, đúng tinh thần thể thao
trong sáng.
Đội Đà
Nẵng và khán giả sông Đà chắc cũng chẳng vinh dự gì khi đón nhận ngôi vô địch tử
trên trời rớt xuống. “Vui là vui gượng kẻo là” đấy
thôi.
Thứ hai
là không tuyển chọn HLV đã chỉ đạo trận đấu cụi làm HLV đội tuyển quốc gia. Có
thể thêm các biện pháp trừng phạt đội bóng và cả HLV đã bôi nhọ làng bóng đá.
Tôi
không biết LĐBĐ VN có đủ bản lãnh, đủ “khôn lớn” để làm được việc này
không?
Ngay cả
Bộ Văn Hóa - Thể Thao cũng cần chấn chỉnh lại ngay cái LĐBĐ VN, thay thế những
cái đầu già cũ bằng những những cái đầu thông minh, tâm huyết hơn.
Câu hỏi
còn ở phía trước mặt. Bạn đọc hãy đợi xem màn kịch này có chìm xuồng không?
Văn Quang
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày
24.8.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét