Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Nhớ Từ Dung và những “đêm độc thoại”

Trước tháng 4/1975, trong sinh hoạt âm nhạc ở miền Nam có vài cặp “đẹp”, tài năng và nổi tiếng. Người đàn ông vừa sáng tác là chính và vừa đàn vừa hát phụ với người đàn bà. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Lê Uyên và Phương, và … Từ Công Phụng và Từ Dung. Có thể còn nhiều cặp nữa nhưng có lẽ đây là ba cặp nổi tiếng nhứt trong quãng giữ thập niên 60 tới 4/1975. Trên mạng giờ bài viết và thu thanh thu hình về Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thì vô số, đọc hoài nghe hoài không hết. Lê Uyên Phương thì cũng vậy tuy không nhiều bằng. Còn Từ Dung và Từ công Phụng ? Bài viết và nhạc của Từ Công Phụng thì cũng nhiều, nhưng về Từ Dung thì hầu như không có gì hết (các bạn thử google “ca sĩ Từ Dung” thì biết liền). Đại khái cô chỉ là cái tên đôi khi được nhắc tới đi kèm với nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Từ Dung
May mắn làm sao trên mạng đâu lại có một lá số của một ông thầy bói tên Lê Thanh Thái bốc cho cô Từ Dung hồi tháng 11 năm 1972 [1]. Không có nguồn khác thì thôi đành dựa vào lá số này mà ghi ra vài chi tiết của cô vậy.
Cô sinh vào giờ Thìn ngày 6 tháng 10 năm Bính Tuất, tức là năm 1945. Cha cô là nhà văn Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, em của Nhất Linh và anh của Thạch Lam. Ông có bốn người con: ba gái, một trai; ông sang Tàu năm 1946 nên tôi đoán cô là con út. Năm lên ba tuổi cô mồ côi cha, nhà văn Hoàng Đạo lên cơn tim qua đời ngày 22 tháng 7 năm 1948 trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu [2]. Không nghe nói bốn anh chị em cô và bà Hoàng Đạo sau đó sống ở đâu, và sau cùng thì vào Sài Gòn năm nào.
Theo lời ông thầy bói thì cô “lúc sơ sinh đã phải long đong vất vả và cũng khó nuôi.” Cô “thường bất đồng ý kiến” với mẹ, “hợp với chị em hơn là với mẹ“. Số cô “đỗ đạt cao” và “có năng khiếu ca nhạc và nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật“.
Nhà văn Nhất Linh – bác của cô – qua đời ngày 7.7.1963, năm cô 18 tuổi. Tôi tìm được trên mạng tấm hình trong đám tang có cô đi theo linh cửu Nhất Linh [3].
Từ Dung trong đám tang Nhất Linh
Từ Dung đội mũ tang cúi mặt  (dưới cây kiểng, 1/3 từ cạnh trên và bên trái)
Năm sau, 1964, cô đậu Tú tài I, xong đậu Tú tài II năm 1965. Lên đại học cô vô học ở Văn Khoa và gặp Từ Công Phụng trong thời gian này. Cô tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa năm 1969 và thành hôn với nhạc sĩ Từ Công Phụng cùng năm đó.
Về sinh hoạt âm nhạc thì Từ Dung bắt đầu lên sân khấu hát cặp với Từ Công Phụng từ năm 1967. Nam Lộc có nghi nhận cô và Từ Công Phụng thường sinh hoạt ở Quán Văn trong khuôn viên Văn Khoa từ 1968, cùng thời với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn[4]. Sau khi Quán Văn đóng cửa cả đám kéo về Quán Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh [4].
Năm 1971 Từ Dung bắt đầu xuất hiện trên TV, và có mặt trong cuộn băng Tơ Vàng 3. Cô song ca với Từ Công Phụng hai bài: Vùng Trời Kỷ Niệm, Mùa Thu Mây Ngàn, và đơn ca ba bài: Đêm Không Cùng, Lời Cuối và Đêm Độc Thoại.
Theo Du Tử Lê thì Từ Dung xuất hiện sau Lê Uyên và Phương một chút và hai người “không được thành công lắm. Và, thời gian trên sân khấu của họ cũng không dài, lâu, vì biến cố 30 tháng 4-1975“. [5]
Theo lời ông thầy bói thì năm 1972 là năm cô “tiếp tục được nổi tiếng địa hạt ca nhạc mà còn ở lĩnh vực văn chương, báo chí, sáng tác nữa“. Tôi không nghĩ là thầy đoán mò, tuy nhiên không nghe nói cô viết lách gì cả. Và thầy khuyên là cô “phải giữ gìn sức khỏe và trong tình chồng vợ cũng phải hết sức cẩn thận nhẫn nhịn, kẻo chuyện bé xé to, có thể đi đến đổ vỡ vào những tháng cuối năm này và những tháng đầu năm 1973“.
Không rõ sau 30.4.1975 thì hai người sống ra sao. Theo lời ông Đinh Quang Anh Thái[6] thì tới năm 1976 Từ Dung và Từ Công Phụng vẫn còn là vợ chồng. Trên một diễn đàn, có người kể lại là sau tháng 4/1975 “Từ Công Phụng có mở 1 quán cafe ở Trần Quang Khải là Cafe Từ Dung, với cái đàn piano trắng. Quán thu hút nhiều khắch mê nhạc thính phòng và khi nào cảm thấy “an toàn” thì được chủ nhân hát và chơi piano” [7].
Ở một trang web khác có người viết là:
Sau 75 (khoảng đầu thập niên 80) hai vợ chồng này có cộng tác với gia đình tui mở một tiệm cà phê “bỏ túi” (tức là nhỏ lắm) ở đường Trần Quang Khải. Hầu như các nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ thời đó còn ở lại VN và ở Sài Gòn đều biết đến quán này. Quán có đàn piano, lâu lâu lại có violin, tức là chơi nhạc sống. Nhạc sĩ, ca sĩ hoặc ai lên hát thì khỏi phải trả tiền cà phê, và thường thì hát “nhạc vàng” hoặc “nhạc chui” tức là nhạc trước 75. TCS, Lệ Thu và nhiều nghệ sĩ khác từng lui tới quán này.
Sau này hai vợ chồng Từ Dung – Từ Công Phụng li dị...”[8]
Nếu những điều trên là đúng sự thật thì tôi đoán đại là hai người còn sống chung với nhau cho tới năm 1976 và chia tay nhau quãng giữa năm 1976 và 1980. Theo Du Tử Lê thì vì biến cố 30.4.1975 mà hai ngươi chia tay nhau [5]. Năm 1980 Từ Công Phụng vượt biên và qua Mỹ định cư. Ông thầy bói đoán vậy mà cũng gần đúng, cô “phải chịu nhiều lận đận trong vấn đề hạnh phúc gối chăn, nhất là vào những năm 1973-1975-1977 còn gặp nhiều đột biến bất ngờ trong vấn đề hôn phối.
Trong cuộc phỏng vấn trên báo Thanh Niên năm 2008, khi được hỏi về Từ Dung thì Từ Công Phụng trả lời: “Tôi đã quên rồi (cười). Cũng lâu quá còn gì. Chúng tôi chia tay vì một lỗi rất nặng của cô ấy, mà tôi bây giờ không muốn nhắc đến chuyện đó nữa…” [14]
Dù sao đi nữa thì cuộc hôn nhân của hai người cũng kéo dài được tròm trèm mười năm. Không biết là hai người có con cái gì không, nhưng theo Trường Kỳ thì Từ Công Phụng diễn tả một cách cụ thể những ngày còn ở lại Việt Nam hơn năm năm sau ngày 30 tháng Tư như sau: “Mỗi buổi sáng thức dậy kiếm được một ít cà phê pha cho mình uống và suy nghĩ về cuộc đời… Vấn đề nghĩ đầu tiên là trong ngày hôm nay tôi có thể làm thế nào kiếm được một ít tiền để cơm nước cho con cái thôi, không có mơ ước gì hơn.“[12]. Trong một cuộc phỏng vấn bởi Nguyễn Phước Nguyên trên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, Từ Công Phụng cho biết là ông vượt biên năm 1980 với gia đình [13]. Thành ra có thể  nói “con cái“, “gia đình” ở đây là nói về gia đình hiện tại của ông chớ không phải với Từ Dung trước đó.
Mới đây, khi nghe tin nhạc sĩ Từ Công Phụng bị bệnh ung thư, bạn bè thân hữu của nhạc sĩ mới xuất bản một cuốn e-book tập hợp những bài viết về ông [9]. Một số bài tôi đã đọc trước đây rải rác trên mạng, một số bài tôi rán đọc lướt qua, điều đáng ngạc nhiên là cái tên “Từ Dung” chỉ được nhắc đến mỗi một lần một, trong bài của Trường Kỳ, như là một trang điểm cho cái tên “Từ Công Phụng” mà không có thêm chi tiết nào thêm nữa. Công bằng mà nói, phần lớn cuốn sách viết về nhạc sĩ Từ Công Phụng từ khi ông qua Mỹ, tức là sau thời cô Từ Dung. Có thể trước đó không có gì đáng để viết (ngoại trừ mấy chục bài nhạc!), cũng có thể những người viết không biết hay không muốn viết.
* * *
Có bạn thắc mắc là tôi chắc vô công rỗi nghề nên kiếm chuyện viết về một cô ca sĩ cũ lúc còn phong độ đã không nổi tiếng cho lắm mà gia tài âm nhạc để lại cho hậu thế không có gì, dù rằng là cô là hậu duệ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và có một thời là vợ của nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Tôi thích nhạc của Từ Công Phụng, thích nhất hai bài Trên Ngọn Tình Sầu và Mắt Lệ Cho Người. Thêm vào đó thì tôi luôn “mê” những cặp nhạc sĩ / ca sĩ – dù có romance hay không gì đi nữa (miễn là đừng giống như hai cha con!) – như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Lê Uyên và Phương, Từ Dung và Từ Công Phụng… Không có may mắn được coi và coi Từ Dung và Từ Công Phụng hát live nhưng không hiểu tại sao hồi trước khi nhắc đến Từ Dung và Từ Công Phụng thì tôi thường liên tưởng tới hình ảnh ông đàn cho cô hát bài Bấy Giờ Tháng Mấy. Có lúc tôi nghĩ là mình chắc đã từng coi hai người hát trên TV, hay là nghe qua băng nhạc. Nay kiểm lại thì chắc là không phải. Có thể chỉ vì bàiBấy Giờ Tháng Mấy chăng.
Như đã tâm tình trong bài về bài ca chăn vịt[10], mấy năm đầu thập niên 80 tôi về Sài Gòn buôn bán chợ trời sống lây lất. Có một thời gian tôi và một người bạn thân thuê một căn phòng nhỏ trong một ngôi biệt thự xuống cấp dữ dội te tua trong cư xá Ngân Hàng (?) ở Quận Ba. Ngôi biệt thự hai từng rộng lớn, trước có vườn, bên hông có đường xe hơi vô được. Nghe nói là của một ông làm lớn trong ngành ngân hàng, trước 30.4.1975 ông di tản nhưng đủ thì giờ để sang tên lại cho người bà con là một ông Đại Tá. Ông Đại Tá thất trận đi tù, ở nhà còn bà vợ và bảy tám người con gì đó tôi không nhớ rõ. Phần chính của ngôi biệt thự khá lớn, gia đình bà chủ ở tầng trên và nửa sau tầng dưới. Bà cho thuê nửa trước tầng dưới và nhà phụ phía sau để có thêm thu nhập nuôi con. Phần phụ phiá sau tôi đoán ngày xưa là nhà bếp và cho gia nhân, trên dưới tổng cọng bốn phòng nhỏ. Hai thằng tôi mướn một phòng trên lầu. Có chỗ mướn được là mừng rồi, nhứt là không có hộ khẩu hộ khiết gì cả.
Người mướn phần nửa trước tầng trệt là cô Từ Dung, hay ít ra là theo lời bà chủ nhà và mấy cô con gái. Tôi đoán quãng này là lúc nhạc sĩ Từ Công Phụng đã vượt biên rồi.
Tôi không có thì giờ để ý tới những “người hàng xóm” của mình sống ra sao. Ban ngày vật lộn với cơm áo, buôn bán ngoài chợ Tân Định cứ phải canh chừng công an dẹp chợ, tối về phòng trọ ngủ thì phập phồng không dám ngủ say, để lỡ công an xét nhà thì còn nghe tiếng gõ cửa của mấy cô con gái bà chủ nhà báo động mà dọt lên trần nhà cho lẹ. Đại khái chuyện mình mình lo, cứ vậy mà cứ ngày qua ngày.
Buổi tối khi đạp xe đạp cọc cạch từ một quán cà phê nào đó về nhà trọ, mở cổng vô tôi thường thấy cô Từ Dung ngồi một mình trước thềm nhà, im lặng trong bóng tối, khỏa thân. Mấy cô con gái của bà chủ nhà nói là cô không được bình thường cho lắm. Khi biết cô là Từ Dung đôi khi tôi cũng muốn hỏi thăm nhưng nghe nói vậy và nhứt là lần nào cô cũng ăn mặc kiểu bà Eva, thành ra tôi chỉ lẳng lặng nhìn thẳng và đi thẳng ra nhà sau.
Ở đó một thời gian rồi cô dọn nhà đi chỗ khác. Tôi cũng không hỏi bà chủ là vì sao cô dọn đi và đi đâu.
* * *
Mới đây có người hỏi nhạc sĩ Từ Công Phụng là nếu muốn nghe cô Từ Dung hát thì nghe ở đâu. Ông cười hiền (và vui) trả lời là cũng không biết nữa[11]. Tôi tin là ông nói thật. Ông là nhạc sĩ tài ba nổi tiếng nhưng coi bộ thuộc loại tây nó gọi là “family man“, lo cho gia đình, thương vợ thương con… Cho nên ông không biết gì hết về người vợ trước thôi nhau đã ba mươi mấy năm là đúng rồi. Có điều ông không chịu viết hồi ký [1] thì có lẽ không ai biết được chuyện giữa ông và cô Từ Dung hồi xưa ra sao nữa. Nói theo kiểu tây thì là “none of my business”, nhưng kẹt một nỗi là những người trẻ yêu nhạc Từ Công Phụng trưởng thành trước 4/75 như tôi sẽ cứ thắc mắc hoài.
Phần tôi thì chắc không cần phải đi đâu để được nghe cô Từ Dung hát. Nhiều đêm khó ngủ, nghĩ lan man chuyện này đến chuyện nọ, tới chuyện “chăn vịt” mấy năm ở Sài Gòn thì lòng vòng một hồi tôi lại nghĩ đến cô Từ Dung và ngôi biệt thự cũ kĩ ở Quận Ba năm nào. Tôi thấy thương vô cùng mấy năm tuổi trẻ của mình hồi đó. Và thấy thương cô Từ Dung. Không biết cô nghĩ gì những khi khỏa thân ngồi một mình im lặng trong bóng đêm trước thềm nhà trọ. Về người cha cô không nhớ mặt… về những tháng ngày đẹp đẽ ở Văn Khoa… về ánh đèn sân khấu muôn màu muôn sắc từ khi cô ra trường cho tới tháng 4/1975… hay là về những truân chuyên và dâu bể sau đó… và cô có hát thầm trong đầu:
Ôi! tiếng hát em đêm nào mọc cánh bay
đi lạc vào vùng trời mưa lạnh giá

Ôi! những cánh tay đem buồn ghì lên vùng tuổi vắng

rót sầu trên tiếng hát đi hoang …
(Đêm Độc Thoại – Từ Công Phụng)
Bạn nào còn giữ cuộn băng Tơ Vàng 3 xin làm ơn tải lên mạng dùm. Xin cám ơn trước.
Nguyễn Sĩ Hạnh
26.6.2012
Chú thích
[1] Lá số và cuộc đời của nữ ca sĩ Từ Dung
[2] Hoàng Đạo (1907- 1948) – Người trí thức dấn thânh, Thụy Khuê
[3] Tưởng niệm Nhất Linh 7.7.1963 – 7.7.2008 (Nguyễn Tường Tâm)
[4] Nam Lộc & Trường Kỳ 1 , Nam Lộc
[5] Lê Uyên và Phương, “hợp đồng tác chiến” trên sân khấu. (Kỳ 2), Du Tử Lê
[6] Nhà Báo của Nhà Báo, Đinh Quang Anh Thái
[7] http://www.thaoluanvietnam.com/forum/archive/index.php/t-332.html
[8] http://lists.topica.com/lists/vnhạc sĩa/read/message.html

[9] Từ Công Phụng – Dưới Mắt Bằng Hữu, e-book
[10] Người chăn vịt “năm xưa”, Nguyễn Sĩ Hạnh
[11] http://hatnang.net/archive/index.php?t-40426.html
[12] Ðánh dấu 40 năm âm nhạc của tác giả “Bây giờ tháng mấy” với Từ Công Phụng nơi “Xứ Thâm Trầm”, Trường Kỳ
[13] Tâm Tình Cùng Nhạc Sĩ Từ Công Phụng, Nguyễn Phước Nguyên
[14] Nhạc sĩ Từ Công Phụng : Tôi đang sửa soạn hành trình để ra đi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét