Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Việt Nam không thể để Trung Quốc biến việc cưỡng chiếm Hoàng Sa thành sự đã rồi

Trung Quốc điều tàu ngư chính xuống Hoàng Sa vào đầu tháng 9/2011, công khai vi phạm chủ quyền Việt Nam, ít lâu sau khi cuộc biểu tình tại Hà Nội phản đối Bắc Kinh ngày 21/08/2011 trên đây đã bị chính quyền trấn áp.
Trung Quốc điều tàu ngư chính xuống Hoàng Sa vào đầu tháng 9/2011, công khai vi phạm chủ quyền Việt Nam, ít lâu sau khi cuộc biểu tình tại Hà Nội phản đối Bắc Kinh ngày 21/08/2011 trên đây đã bị chính quyền trấn áp.
REUTERS/Tu Quang
Hồ sơ Hoàng Sa đang nổi lên thành một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Làm sao ngăn không cho Trung Quốc biến hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa thành một sự kiện đã rồi và được quốc tế mặc nhiên chấp nhận ? Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Hoa Kỳ), Việt Nam cần phải thay đổi chiến lược, phải kết hợp mọi nguồn lực để đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước công luận quốc tế, trên mọi diễn đàn, chứ không nên bó hẹp mình trong khuôn khổ ASEAN.
Với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 mở ra từ ngày mai, 02/04/2012 tại Phnom Penh, hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam cùng với nhiều nước khác lại nổi cộm trong dòng thời sự. Riêng đối với Việt Nam, trong thời gian gần đây, vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đặc biệt được nêu bật với hàng loạt động thái của Bắc Kinh nhằm củng cố hành động chiếm đóng trong thực tế từ hàng chục năm nay.
Chỉ cần điểm qua các lời phản đối chính thức từ phía Việt Nam cũng đủ thấy là Bắc Kinh đã không ngừng đẩy mạnh việc thực hiện các hành động trong chiều hướng chứng tỏ với thế giới rằng quần đảo Hoàng Sa bị họ chiếm đóng từ năm 1974 hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Thứ Sáu 30/03/2012 vừa qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị đã tố cáo Trung Quốc cho tổ chức cuộc đua thuyền buồm gọi là “Cúp Ty Nam”, xuất phát từ Tam Á, phía nam đảo Hải Nam, đến quần đảo Hoàng Sa. Đối với Việt Nam, hành động này « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông ».
Quyết định tổ chức cuộc đua thuyền đó là một âm mưu mới cụ thể hóa các chủ trương khai thác quần đảo Hoàng Sa về mọi mặt, từng bị Việt Nam chính thức phản đối trước đó hai tuần. Cụ thể là ngày 15/3/2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối một loạt hành động của Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa, trong đó có chủ trương của Tổng cục Du lịch Trung Quốc tổ chức du lịch đến Hoàng Sa, được tiết lộ vào thượng tuần tháng 03/2012.
Ngoài ra phía Việt Nam cũng tố cáo việc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNOOC gọi thầu thăm dò dầu khí gần đảo Cù Mộc (Tree Island - Trung Quốc gọi là đảo Triệu Thuật), một trong những hòn đảo chính của quần đảo Hoàng Sa, hay việc Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong vùng này.
Bên cạnh các hành động kể trên, như họ vẫn làm từ trước đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục sách nhiễu, thậm chí bắt giữ các ngư dân Việt Nam đến đánh cá tại Hoàng Sa, khu vực ngư trường truyền thống của mình, nhưng đã bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.
Sự vụ nổi cộm mới nhất buộc Bộ Ngoại giao Việt Nam phải chính thức lên tiếng phản đối ngày 21/3, là vụ bắt giữ tàu cá cùng 21 ngư dân Việt Nam ngày 03/03 về tội « đánh cá trái phép » tại khu vực Hoàng Sa, đòi nộp tiền chuộc thì mới thả ra.
Ngoài các vụ nổi cộm trên, các hành động cướp bóc, hạch sách ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên xẩy ra như tường thuật của báo chí Việt Nam. Gần đây nhất, tờ Thanh Niên ngày 31/03/2012, đã tiết lộ hai vụ tàu cá Việt Nam hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị Trung Quốc sách nhiễu, một chiếc thì bị cướp hải sản đánh bắt được, một chiếc thì bị tấn công khi chạy vào đất liền tránh bão, hải sản và ngư cụ bị ném xuống biển.
Trung Quốc muốn quốc tế công nhận "sự đã rồi" tại Hoàng Sa

Đối với giới quan sát, các động thái kể trên của Trung Quốc đều nhắm vào mục tiêu khuyến khích quốc tế chấp nhận tình trạng đã rồi trên một vùng lãnh thổ mà họ đã dùng võ lực để chiếm đóng từ tay Việt Nam.
Trước thái độ nói trên, cho đến nay, đối sách của Việt Nam chủ yếu là vừa phản đối bằng con đường ngoại giao, đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông đã ký kết với ASEAN vào năm 2002, vừa yêu cầu Trung Quốc mở đàm phán về tranh chấp chủ quyền trên Hoàng Sa.
Vấn đề là cho đến nay, Bắc Kinh luôn luôn bác bỏ đòi hỏi thương thuyết của Việt Nam, viện lẽ rằng chủ quyền của họ trên Hoàng Sa, cũng như phần còn lại của Biển Đông là điều « không thể tranh cãi ». Đối với Bắc Kinh, Hoàng Sa không hề là vùng đang tranh chấp, mà là lãnh thổ của họ. Những lời phản đối của Việt Nam cũng chỉ là nước đổ lá khoai vì Trung Quốc đã mặc nhiên chiếm đóng Hoàng Sa từ hàng chục năm nay và không ngần ngại dùng sức mạnh để khẳng định đòi hỏi chủ quyền của họ.
Việt Nam đã cố gắng tranh thủ các diễn đàn khu vực, đặc biệt là ASEAN để bảo vệ lập trường của mình về vùng Biển Đông, nhưng vấp phải thái độ thờ ơ tương đối của các láng giềng mỗi khi đề cập đến vấn đề Hoàng Sa.
Một ví dụ cụ thể là vào cuối thập niên 1990, khi khối ASEAN bắt đầu bàn về các quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông, sau vụ Trung Quốc lấn chiếm đảo Mischief nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines vào thời điểm đó. Việt Nam đã từng muốn nêu rõ phạm vi áp dụng của các quy tắc này là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đề nghị của Việt Nam vào khi ấy đã bị nhiều nước ASEAN bác bỏ - cụ thể là Malaysia – với lý do là tranh chấp Hoàng Sa không liên can đến các nước Đông Nam Á khác, trái với tranh chấp Trường Sa. Chính vì lý do đó mà sau cùng, thuật ngữ được dùng là South China Sea (Biển Đông), mang tính chất khái quát, chứ không nêu cụ thể tên hai quần đảo có tranh chấp.
Giải pháp ASEAN không mấy hiệu quả ?

Giải pháp ASEAN thì cho đến nay vẫn không thấy hiệu quả. Giới quan sát từng ghi nhận là phải mất gần 10 năm từ khi Bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC được ký kết vào năm 2002 thì ASEAN mới thuyết phục được Trung Quốc ký kết bản hướng dẫn thực thi vào năm ngoái, sau khi nhượng bộ Bắc Kinh trên một số điểm.
Giờ đây, với việc ASEAN bắt đầu tiến trình soạn thảo bộ Quy tắc Ứng xủ (COC), giới phân tích tự hỏi là phải mất bao nhiêu thời gian nữa thì văn kiện này mới được đúc kết xong, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc chỉ chấp nhận văn kiện này một cách miễn cưỡng, và được cho là không ngần ngại dùng uy thế chính trị và kinh tế để gây sức ép trên một số thành viên ASEAN để xóa nhòa các nội dung ràng buộc bất lợi cho Bắc Kinh.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đã tỏ ra không mấy tin tưởng về hiệu quả thực tế của bộ Quy tắc Ứng xử này kể cả khi được hình thành. Trả lời phỏng vấn hôm 30/12/2012 vừa qua, ông phân tích như sau :
« ASEAN chỉ mới ở giai đoạn đầu trong việc soạn thảo bộ Quy tắc Ứng xử COC giữa các thành viên. Philippines đã cho lưu hành một dự thảo từ tháng Hai vừa qua. ASEAN sẽ phải mất một thời gian nhất định để nghiền ngẫm và đạt đồng thuận trên văn kiện này.
COC sẽ không mang tính ràng buộc, trừ phi bao hàm được các quy định cưỡng hành. Trung Quốc, vốn đã tự cho mình quyền đứng ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp ghi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, sẽ không chấp nhận các thỏa thuận mang tính ràng buộc.

ASEAN sẽ phải tiến từng bước trong việc soạn thảo bộ Quy tắc Ứng xử COC. Bước đầu tiên là phải tìm kiếm đồng thuận giữa các thành viên. Kế đến là phải thương lượng với Trung Quốc. Trung Quốc đã liên tục bày tỏ thái độ dè dặt khi tuyên bố là chỉ chấp nhận văn kiện này khi "điều kiện thích hợp" hoặc khi điều kiện đã hội đủ.

Tất cả những gì mà bộ Quy tắc Ứng xử COC có thể làm được là đề ra các giới hạn đối với những hành vi cụ thể. Còn việc áp dụng thì sẽ tùy thuộc vào thiện chí của từng nước ký kết. Có rất nhiều phạm vi được để ngỏ, mở đường cho Trung Quốc bỏ qua những gì họ không thích.
 »
Tóm lại, hồ sơ Hoàng Sa đang nổi lên thành một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Làm thế nào để ngăn chặn không cho Trung Quốc biến hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa thành một sự kiện đã rồi và được quốc tế mặc nhiên chấp nhận ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
 
02/04/2012
by Trọng Nghĩa
 
 
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Biển Đông tại Đại học Maine (Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi chiến lược, phải kết hợp mọi nguồn lực để đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước công luận quốc tế, trên mọi diễn đàn, chứ không nên bó hẹp mình trong khuôn khổ ASEAN.
Trung Quốc « bị động » trên vấn đề Hoàng Sa vì đã lấn chiếm bằng võ lực

« Tôi thấy không có gì căng thẳng hơn. Trước hết, Trung Quốc họ lúc nào cũng làm như vậy. Nếu họ thấy người ta không để ý thì họ đẩy thêm một chút. Vấn đề là như thế này : đối với Hoàng Sa, Trung Quốc bị động hơn là Trường Sa

Trường Sa thật xa. Trung Quốc mà xuống chiếm thì sẽ bị nhiều nước trên thế giới thấy và Việt Nam có thể sử dụng điều đó để giành sự ủng hộ từ những nước không chỉ ở gần như Malaysia, Indonesia, mà từ cả các nước khác, vì vùng này sát eo biển Malacca.

Còn về vấn đề Hoàng Sa, Trung Quốc cho như là chuyện đã rồi. Chuyện chiếm đã xong, nhưng thực ra là chiếm bằng quân sự. Dẫu họ có chủ quyền về lịch sử nhưng họ đã sai trái vì đã dùng võ lực để chiếm, thay vì chờ giải quyết. Cho nên Trung Quốc lúc này hùng hổ để cho mọi người thấy chuyện đã rồi thì nhượng bộ.

Nhưng mà không được vì vấn đề lãnh hải. Trung Quốc như thế có thể đẩy lãnh hải ra 200 dặm và điều đó dính líu đến bản đồ hình chữ U.

Tấm bản đồ hinh chữ U là một thứ Trung Quốc đưa ra để thương lượng, để có thể giữ Hoàng Sa. Đến một lúc nào đó, họ nói là họ có thể rút lại tấm bản đồ hình chữ U đó, nhưng vẫn giữ Hoàng Sa, và đòi cho quần đảo này phải có cái lãnh hải và vùng đặcquyền kinh tế EEZ.

Vì Trung Quốc vẫn chơi ván bài nhùng nhằng, các nước khác phải có chính sách thông minh để tranh đấu với Trung Quốc, phải vận động thế giới, đặc biệt là về vấn đề an ninh cho tất cả khu vực chứ không chỉ chủ quyền của các hòn đảo.

Nếu Việt Nam mà chỉ nói đến chủ quyền các hòn đảo mà thôi, thì tôi nghĩ là lúc đó Việt Nam đã thua Trung Quốc rồi. Thành ra chúng ta cũng nên để ý vấn đề này.

Hai bất lợi đối với Việt Nam : Hoàng Sa đã bị chiếm cứ trong lúc Hà Nội bị đơn độc trước Bắc Kinh ?

"Đúng là như thế. Nhưng mà Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực, cho nên bây giờ Việt Nam phải có cách tiếp tục thúc đẩy vấn đề đó, phải vận động chính trị, phải đưa vấn đề này ra cho thế giới, chứ không phải chỉ đưa ra ASEAN.

Đưa vào ASEAN không ăn thua gì hết vì họ cho là chuyện đã rồi, trong lúc có biết bao chuyện khác phải làm. Phải đưa ra thế giới, để báo chí nói đến. Trong hai, ba năm qua, báo chí nói nói đến vấn đề này rất tốt. Ngoài ra, phải để cho người Việt Nam trong nước nói đến vấn đề này.

Trong thực tế, Việt Nam có đầy đủ lý lẽ về chủ quyền lịch sử trên Hoàng Sa, kể cả những lý lẽ về chủ quyền trên phương diện pháp lý. Trung Quốc chỉ hiện diện trong một thời gain ngắn thôi, nhưng mà ởphiá Bắc của đảo Hoàng Sa. Nếu không tranh đấu, vận động thế giới trên vấn đề Hoàng Sa, thì Việt Nam sẽ bị bất lợi".

Khuôn khổ ASEAN không còn thích hợp ?

"Không, tôi không nói rằng phải bỏ ASEAN. ASEAN là diễn đàn rất quan trọng để Việt Nam vận động. Nhưng nguyên tắc của ASEAN là mọi người phải đồng thuận, thành ra muốn thảo luận vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN, thì không những phải lôi kéo mấy nước có quyền lợi ở Biển Đông, mà cũng phải thương lượng với những nước không có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông nhưng lại có những lợi ích khác, chẳng hạn như vấn đề sông Mêkông, hay các vấn đề khác dính líu đến quyền lợi của các nước trên đất liền.

ASEAN cũng là một diễn đàn để vận động, để thảo luận. Nếu bị cản trở không cho đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận, thì Việt Nam có thể đẩy vấn đề sông Mêkông ra (để đánh đổi), rồi thì hai bên lúc đó sẽ phải đi đến một sự đồng ý nào đó.

Cho nên tôi nghĩ là không nên chỉ chú mục đến duy nhất hồ sơ Biển Đông, mà phải gắn vào nhiều vấn đề khác và dùng ASEAN làm diễn đàn cho mình.

Tuy nhiên, ASEAN chỉ là một trong những diễn đàn mà Việt Nam có thể sử dụng, vì còn có nhiều diễn đàn khác. Theo tôi, Việt Nam sẽ bị bất lợi nếu không dùng những diễn đàn khác, như báo chí trên thế giới, Quốc hội Mỹ, các toà án quốc tế, hay là Liên Hiệp Quốc...

Việt Nam phải cố gắng thúc đẩy (hồ sơ Hoàng Sa) và có phương pháp đàng hoàng. Chứ còn chỉ dựa vào một tổ chức duy nhất như ASEAN, tôi nghĩ, một phần nào đó,Việt Nam cũng hơi bị bó tay.

Phải tập trung và tranh thủ mọi nguồn lực để quốc tế hóa hồ sơ Hoàng Sa

Đây cũng như là đánh ván cờ vây. Có nhiều chỗ vừa tấn công vừa thủ, không chỉ cứ nhắm vào một vài chỗ nhất định, mà chú ý đến cả một vấn đề lớn, cả một ván cờ trên thế giới.

Đối với Việt Nam, nếu thấy rằng Biển Đông là tương lai của đất nước, là chỗ để đất nước phát triển, đi ra với thế giới, và đó là vấn đề chính, thì Việt Nam phải tập trung sức lực của tất cả các ngành để đẩy vấn đề này, chứ không phải chỉ dành riêng cho quân đội hay bộ Ngoại giao. Có thể là bộ Thương mại, hoặc các bộ khác cũng có thể nhảy vào để vận động, cho thấy chẳng hạn là trong việc buôn bán với các nước trên thế giới, vấn đề an ninh trên Biển Đông có thể gây khó khăn cho thương mại hay thông thương trong khu vực...

Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn cho đất nước thì chính phủ và cơ quan trong nước pải có chính sách hợp tác toàn diện như thế và cũng phải vận động người nước ngoài, kể cả Việt kiều.

Tôi thấy rằng Việt Nam hiện không những không làm đồng bộ chuyện này, mà ngay trong nước, cũng không cho những học giả nghiên cứu đàng hoàng nhũng vấn đề này. Tôi thấy rằng là đúng là Việt Nam chưa có một chính sách đồng bộ.

Các giáo sư Trung Quốc nghiên cứu rất nhiều. Họ qua Mỹ, đi nói ở các hiệp hội, trong khi đó, Việt Nam không làm được chuyện này.

Trong nước không làm được chuyện này, nhưng khi có những người Việt Nam ở ngoại quốc có nghiên cứu vấn đề, đi nói chuyện chỗ này chỗ kia, thì ở trong nước nhiều cơ quan cũng không bằng lòng, họ làm như chuyện đó là chuyện của riêng chính phủ, người ngoài không được xen vào. Nói như thế thì làm sao vận động được thế giới !

Tôi nghĩ Việt Nam đã làm khác với thời kỳ những năm còn chiến tranh. Từ 1965 đến 1975, Việt Nam rất khôn khéo sử dụng cộng đồng trên thế giới tranh thủ cho Việt Nam. Bây giờ tôi thấy không còn đường lối như vậy.

Gần đây tôi thấy trong nước có những cách làm rất tốt. Ví dụ như đi với Philippines về vấn đề Biển Đông. Nhưng không đủ.

Philippines có thể thay Việt Nam đẩy mạnh vấn đề Biển Đông ở ASEAN để cho Việt Nam khỏi đối nghịch với Trung Quốc hay Cam Bốt, những nước sát Việt Nam, khiến họ bực mình. Người khác làm giùm minh, mình đứng sau cũng được, nhưng không phải chỉ có duy nhất Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN này là nơi Việt Nam có thể nêu ra hồ sơ Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét