Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Sửa Hiến Pháp Cũng Có Bàn Tay Tầu ?

 
Ông bà ta đã bảo “lợn đã chẳng lành thì đừng làm cho nó què thêm” nhưng mà chuyện không hay ho nội bộ này của Việt Nam lại được đem trình cả với quan chức Tầu mới là điều nhục nhã cho kế họach việc sửa đổi Hiến pháp 1992 hãy còn trong giai đọan thảo luận.

Tính đến ngày 18-04 (2012), Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của đảng CSVN đã họp 4 lần nhưng kết luận chung cuộc chưa xong, dù Quốc hội đã dự trù thảo luận Bản dự thảo vào cuối năm 2012, sau đó tổ chức lấy ý kiến tòan dân trong 2 tháng.

Vậy tại sao Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phải “tâu” với Thượng tướng Trần Bỉnh Đức, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân (GPND) Trung Quốc vào chiều ngày 16-04 (2012) rằng: “Việt Nam không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng; việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới vẫn khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.” (Báo Quân đội Nhân dân, 16-04-2012)

Ai đã cho phép Tỵ làm việc này, Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng, chỉ huy trực tiếp của Tỵ hay đó là chỉ thị từ Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng muốn phiá Trung Cộng yên tâm rằng dù Hiến pháp có thay đổi thì đảng vẫn không đi ra ngòai đường lối một đảng cầm quyền như Trung Cộng?

Không thấy tờ báo của Quân đội CSVN viết gì về thắc mắc sửa đổi Hiến pháp từ phiá Tầu nên không rõ tại sao Tỵ đã phải “giải trình” như thế, hay là Tỵ đã tự ý “vung tay qúa trán” để chứng minh cho Trần Bỉnh Đức biết đó là lập trường của Quân đội và cũng là chủ trương của đảng?

Quân chiến đấu của CSVN có gần 5 triệu rưỡi người, kể cả Lực lượng trừ bị, Công an nhân dân và Dân phòng là chủ lực bảo vệ đảng và nhà nước nên vào ngày 27-03 (2012), với tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương, Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố tại buổi làm việc với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam rằng : “Quân đội là của nhân dân, vì nhân dân, là công cụ, chỗ dựa hết sức tin cậy của Đảng.”

Sau đó vào ngày 02/04 (2012) tại Tổng cục xây dựng lực lượng Công an Nhân dân, Trọng cũng nói : “Lực lượng Công an Nhân dân là lực lượng nòng cốt để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là thanh kiếm và lá chắn để bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân.”

Ai cũng biết nếu không có hai lực lượng Quân đội và Công an bảo vệ thì đảng CSVN đã tan rã từ lâu vì điều được gọi là “liên hệ máu thịt” giữa nhân dân và đảng không còn nữa.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 31/12/2011 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, phổ biến ngày 16/1 (2012) đã chứng minh như thế.

Nghị quyết thừa nhận: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”

Nghị quyết còn tiết lộ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

TỴ HỨA GÌ VỚI TẦU?

Cũng tại buổi họp với Trần Bỉnh Đức trước khi về nước ngày 17/04 (2012), Tỵ còn cam kết: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Mối tình hữu nghị Việt – Trung, tài sản vô giá do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông sáng lập, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã ngày càng phát triển mạnh mẽ và gần đây đã được nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện… Phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và bền vững lâu dài với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. “

Bài tường thuật của Phóng viên Đình Xuân của báo Quân đội Nhân dân còn tiết lộ: “Về vấn đề trên Biển Đông, hai bên nhất trí Quân đội phải là lực lượng gương mẫu đi đầu triển khai thực hiện nghiêm túc các Thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển”. Hai bên lưu ý, cần cảnh giác không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động chia rẽ mối quan hệ đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, gây mất ổn định chính trị ở mỗi nước.”

Có 2 vấn đề trong tuyên bố chung này: (1) “Thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển”. (2) “Không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động chia rẽ mối quan hệ đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.”

Thứ nhất, điều được gọi là “những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển” là thỏa hiệp 6 điểm giữa Nguyễn Phú Trọng, và Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Hoa đã ký ngày 11/10 (2011) tại Bắc Kinh, trong đó quan trọng nhất là vấn đề “hợp tác cùng phát triển” trên các vùng biển tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Biển Nam Trung Quốc.

Ba điểm quan trọng như sau :

Điểm 2: ”Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.”

Điều 4: ”Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.”

Điểm 5: “Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.”

Chủ trương “hợp tác cùng phát triển” là lập trường của Đặng Tiểu Bình, nguyên Lãnh tụ Trung Cộng đã từng nói với Việt Nam và các nước khác, kể cả Nhật Bản, từ hai thập niên 70-80 rằng hãy “cùng phát triển vùng tranh chấp trước khi thảo luận vấn đề chủ quyền”. (theo hai Giáo sư Lee Lai To và Chen Shaofeng, Đại học Quốc gia Singapore).

Tuy nói như thế nhưng họ Đặng và những người kế vị sau này vẫn một mực cho rằng chủ quyền của Trung Cộng bao gồm cả quần đảo Trường Sa, sau khi họ đã chiếm Hòang Sa của Việt Nam Cộng Hòa tháng 01/1974.

Như vậy, sau khi khai thác hết tài nguyên ở Biển Đông, như “Nguyên tắc 6 điểm” mà Trọng đã ký với Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh ngày 11 tháng 10 năm 2011 thì Việt Nam còn gì ?

Nhưng tại sao Trọng vẫn ký, và ngày 16/04 (2012), tại trụ sở Bộ Quốc phòng (Bắc Kinh) Đỗ Bá Tỵ cũng đã “cúi đầu” chịu “nhất trí Quân đội phải là lực lượng gương mẫu đi đầu triển khai thực hiện nghiêm túc các Thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển”?

Ngòai Tỵ, phái đòan Quân sự Việt Nam thăm Tầu từ 11 đến 17/4 (2012) còn có các “lãnh đạo chủ chốt của các Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng và một số cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng”, theo Báo Quân đội Nhân dân ngày 13/04 (2012).

Báo của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết Tỵ còn nói với Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa vào ngày 13-04 (2012) rằng: “Mục đích chuyến thăm Trung Quốc lần này của Đoàn là góp phần tăng cường hơn nữa nhận thức về chiến lược và sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước; đồng thời khẳng định quan hệ Việt-Trung là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.” (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.)

Trong thực tế, Nhà nước Trung Cộng mà phiá Việt Nam vẫn phải tung hô “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đã chứa dao găm trong bụng từ lâu. Họ vẫn tiếp tục đàn áp, sát hại, bắt người, cướp của các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt ở hai vùng biển Hòang Sa và Trường Sa; Bắc Kinh vẫn đang hợp tác với các hãng dầu nước ngòai tìm kiếm dầu khí vùng Hòang Sa và tổ chức du lịch, nghiên cứu, xây dựng cơ sở, bến tầu, sân bay ở Hòang Sa.

Tại Trường Sa, quân Tầu vẫn chiếm đóng 8 đảo đá ngầm sau trận hải chiến với quân CSVN năm 1988. Có 64 lính CSVN chết trong trận này và từ đó, Tầu đã xây sân đáp máy bay trực thăng, dựng đầu cầu cho tầu cập bến và vẫn thường xuyên thao dượt quân sự trong khu vực mà Việt Nam không dám hé môi !

Thế mà Đỗ Bá Tỵ, vẫn có thể nói với Tập Cận Bình, người sẽ thay Hồ Cẩm Đào lãnh đạo Trung Cộng vào năm 2013 rằng: “Trên tinh thần vừa là đồng chí, vừa là anh em, QĐND Việt Nam luôn mong muốn đất nước Trung Quốc không ngừng phát triển lớn mạnh, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày càng hiện đại, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.”

ÂM MƯU TẬP CẬN BÌNH

Về phần mình, Tập Cận Bình đã nhắc khéo Đỗ Bá Tỵ: “Quan hệ láng giềng là rất quan trọng, vì đã là láng giềng thì không thể thay đổi, phải ứng xử, quan hệ tốt với nhau mới sống chung ổn định lâu dài được. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rất thành công, kết quả chuyến thăm là cơ sở để hai nước triển khai thực hiện. Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ Trung-Việt, luôn quan tâm thúc đẩy các hoạt động tiếp xúc, giao lưu cấp cao, coi trọng hợp tác thực chất và tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai quân đội.”

Họ Tập cũng từng nói như thế với Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2011.

Những người theo dõi tình hình Việt-Trung cho rằng khi nói như thế là Tập Cận Bình muốn nhắc phía Việt Nam hãy nhớ đến cam kết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958.

Trong Công hàm ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa bao gồm cả 2 quần đảo Hòang Sa và Trường Sa do Chu Ân Lai công bố ngày 04/09/1958.

Tài liệu chính thức của Hà Nội chứng minh nguyên văn Công hàm Phạm Văn Đồng như sau:

"Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.

Ngày nay, phía Hà Nội lập luận rằng vào thời 1958 thì cả 2 quần đảo này thuộc quyền kiểm soát của chính phủ miền Nam Việt Nan, tức Việt Nam Cộng Hòa, nên Công hàm của Phạm Văn Đồng không có giá trị vì thực tế nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của miền bắc lúc đó không làm chủ 2 quần đảo này.

Báo Đại Đòan Kết của Mặt trận Tổ quốc, lần đầu tiên vào ngày 27/07/2011 đã viết bài đã bác bỏ “suy luận” của Bắc Kinh.

Với tiêu đề “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, bài viết có những đọan như sau :

“Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)…”

“…Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Một phần nội dung của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời cũng vi phạm nghiêm trọng các cơ sở pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận cũng như đã nhiều lần tái thừa nhận một cách minh thị là thuộc chủ quyền của Việt Nam….”

“…Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974…”

Nhưng phiá Tầu lại không “lẩm cẩm” như Hà Nội vẫn nghĩ nên không muốn bàn đến vấn đề Hòang Sa vì nay đã nằm trong tay Bắc Kinh, trong khi phía Việt Nam lại không dám dung võ lực để đánh quân Tầu ra khỏi 8 đảo đá ngầm ở Trường Sa !

Trong khi Hà Nội chỉ biết giằng co với Bắc Kinh bằng nước bọt “xác nhận chủ quyền” ở Hòang Sa và Trường Sa thì Trung Cộng tiếp tục hành động lấn chiếm chủ quyền bằng cách dung võ lực tấn công các ngư dân Việt Nam; tăng cường kiểm soát biển đảo; nghiên cứu khoa học đáy biển; cắm cờ trên các đảo ngầm dưới đáy biển; và quyết liệt chống “quốc tế hóa” các tranh chấp trên biển với Việt Nam.

Từ mấy năm nay, cứ mỗi lần Hà Nội đề cập đến Hòang Sa thì Bắc Kinh lại trưng Công hàm Phạm Văn Đồng ra.

Thứ hai, khi Tỵ đơn phương cam kết với Lãnh đạo Tầu “Không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động chia rẽ” hai nước khi họp với Trần Bỉnh Đức hay cũng hứa “Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại đoàn kết, gây chia rẽ hai nước Việt Nam và Trung Quốc của các thế lực thù địch” khi gặp Tập Cận Bình là Tỵ muốn đi theo vết giầy của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng khi sang thăm Tầu trước đây, để bảo đảm vơi các lãnh đạo Tầu rằng phía Việt Nam sẽ không để cho áp lực chính trị và ngọai giao từ bất cứ nước thứ ba hay cá nhân nào ảnh hường đến mối liên lạc ngọai giao và cam kết của Việt Nam với Bắc Kinh.

Nhưng vấn đề không phải là chỉ biết “phục vụ” cho quyền lợi của Trung Cộng mà phải biết đặt quyền lợi của Tổ quốc và dân tộc Việt Nam ở chỗ nào trong cuộc đấu tranh chủ quyền với lãnh đạo phương Bắc, những người lúc nào cũng chỉ muốn ăn tươi nuốt sống nước Việt Nam.

Như vậy thì khi Đỗ Bá Tỵ “báo cáo” với Trần Bỉnh Đức việc Việt Nam không chấp nhận “chế độ đa nguyên, đa đảng” và khẳng định sẽ tiếp tục “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam” trong Hiến pháp sửa đổi thì được “trả công” cho mấy thước vuông của hình Lưỡi Bò bao gồm cả Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh gọi là Đường 9 Đoạn, trong bản đồ mới của họ sắp công bố ở Biển Đông ?

Hay là Tỵ cũng chỉ muốn bắc loa qủang cáo cho bài viết của Hồng Hải cho rằng : “Những ý kiến “khuyên” nhân dân Việt Nam nên xây dựng nhà nước “tam quyền phân lập” thực chất là kích động tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; xóa bỏ vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước đã được xác định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992. (Báo Quân đội Nhân dân, ngày 27/02/2012)

Nhưng không phải chỉ có phe quân đội có súng muốn đảng “đã được thì phải ăn cả” mà ngay cả cái Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu cũng đã khẳng định trong phiên họp ngày 13/03 (2012) rằng Hiến pháp mới phải : “ Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội…Đồng thời sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”

Như vậy thì có khác gì chưa sửa đâu ?

Nếu “sửa” mà chỉ làm cho Hiến pháp 1992 cũ thêm, lạc hậu hơn và tiếp tục phủ nhận quyền làm chủ đất nước của người dân gấp trăm vạn lần hơn thì tốt hơn là hãy dừng lại, đừng làm cho con lợn đã què một chân thành què cả hai thì may ra còn tránh được tội sát sinh.

Chẳng may mà chuyện sửa Hiến pháp lại cũng có bàn tay Tầu nhúng vào như cung cách “báo cáo” của Đỗ Bá Tỵ thì những người trong Ban Biên tập dự thảo sẽ phải trả giá với lịch sử bằng hình phạt nào ? -/-

Phạm Trần
(04/012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét