Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Aung San Suu Kyi: Cuộc Tranh Đấu Cho Dân Chủ Tự Do của Miến Điện

Luu Nguyen Dat TS.LS.
April 10, 2012
I. Aung San Suu Kyi là ai?
Aung San Suu Kyi tiêu biểu cho cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của Miến Điện.
Bà sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon, Miến Điện.[1] Thân sinh Bà, Tướng Aung San, là vị anh hùng bị sát hại bởi phe thù nghịch trong cuộc giải phóng giành độc lập cho Miến Điện và thân mẫu Bà, Khin Kyi, là một nhà ngoại giao lỗi lạc.
Sau trung học, năm 1960, Bà sang học tại New Delhi, khi thân mẫu Bà nhận làm Đại Sứ Miến Điện tại Ấn Độ.  Sau đó, Bà sang Luân Đôn, Anh Quốc học tại Oxford Universty.
Năm 1972, Bà kết hôn với Michael Aris, một viện sĩ tại Đại Học Oxford. Bà sinh được hai trai, Alexander [1973] và Kim [1977].
Năm 1988, khi từ Luân Đôn trở về nước để chăm sóc mẹ già lâm bệnh, Bà đã thấy tận mắt cảnh Miến Điện cực kỳ xáo trộn, dân chúng bị bóc lột, hành hạ, tù đày bởi bạo quyền quân phiệt.  Bà lập tức tham gia cuộc biểu tình chống chế độ, nhân dịp Tướng Ne Win từ nhiệm vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, mà lịch sử sau này gọi là cuộc Nổi Dậy 8888.[2]  Cuộc khởi nghĩa đã thất bại dưới bạo lực quân đội, tiếp nối bởi sự chấp chính của nhóm quân phiệt khác.

Theo gương bất bạo động của Mahātmā Gāndhī,[3] Aung San Suu Kyi nhập cuộc tranh đấu nhân dân một cách ôn hoà và ngày 28 tháng 9 năm 1988, Bà đứng ra triệu tập Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ [National League for Democracy] với vị trí Tổng Thư Ký của Tổ chức.  Gốc gác gia truyền chuẩn bị Bà vào thế lực này.[4]
Tức khắc, Bà bị nhà cầm quyền quản thúc tại gia[5] từ ngày 20 tháng 7 năm 1989, tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 1990, Liên Minh Dân Tộc cho Dân Chủ đã chiếm được 80% số ghế Nghị Viện.  Nhưng kết quả cuộc bầu cử đã bị chế độ quân phiệt hủy bỏ, nên Bà tiếp tục bị giam giữ tại gia ở Rangoon.
Trong thời giam bị quản chế, Bà đã nhận lãnh Giải thưởng Tự Do Tư Tưởng Sakharov[6] năm 1990 và Giải Nobel Hoà Bình[7] năm 1991.  Bà đã dùng số tiền trao tặng để lập Hiệp Quỹ Y tế và Giáo dục cho nhân dân Miến Điện.
Bà tiếp tục bị giam giữ tại nhà bà, trong nhiều giai đoạn tái diễn tranh đấu, cho tới ngày 13 tháng 11 năm 2010, khi đáo hạn án lệnh câu lưu, dù trước đó, các tổ chức quốc tế nhân quyền và Ủy Ban Bảo Vệ Nhân Quyền thuộc Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần can thiệp cho Bà, nhưng vô hiệu.
Lý do Bà được phóng thích trong năm 2010 có lẽ cũng vì chế độ quân phiệt cần Bà tham chính để thực hiện một bình phong chính trị đa nguyên, đa dạng, hầu cầu mong thế giới tự do giảm bớt áp lực phong toả.
Tuy nhiên, Bà vẫn giữ vững lập trường chống đối chế độ độc tài khi nhà cầm quyền còn nằm dưới trướng quân phiệt. Bà đã hy sinh lìa bỏ gia đình, chồng và hai con sinh sống tại Anh Quốc, để ở lại một mình trong nước tranh đấu cho toàn dân Bà.


2. Sau Tù Đày, Quyết Tâm Tham Chính

Năm 2012 là cơ hội để Aung San Suu Kyi lần đầu tiên tham chính, nhằm giữ một vài trò tối quan trọng tại Nghị Viện Miến Điện, sau hơn 20 năm cấm cố, tù đày.
Vai trò của Bà đáp ứng hai khía cạnh của bàn cờ chính trị:
[a] về mặt quốc tế, với cảm tình mà Bà đã gây dựng trong một quá khứ đấu tranh bền bỉ cho dân chủ tự do, sự tham chính của Bà sẽ là chìa khoá mở cửa hậu thuẫn Tây phương, với triển vọng Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ  thuận ý bãi bỏ lệnh cấm vận và các biện pháp phong toả ngoại giao gây khó khăn cho chính quyền Miến Điện;
[b] về mặt quốc nội, Bà sẽ linh động hợp tác hay cương quyết đối lập với chính quyền mà đa số còn thuộc phe thân quân phiệt để bảo vệ quyền lợi của dân hay giúp các sắc tộc thiểu số kết sinh ôn hoà.
Với tư cách Chủ tịch của Liên Minh Dân Tộc Cho Dân Chủ,[8] Aung San Suu Kyi lần đầu tiên dùng đài phát thanh và đài truyền hình để xác định trước công chúng lập trường chính trị của Bà gồm có ba điểm chính:
  • thực thi pháp trị;[9]
  • tôn trọng hoà bình quốc tế;[10]
  • tu chính Hiến Pháp.[11]

Cho tới giờ, Miến Điện không tôn trọng pháp trị khi ngành tư pháp trực thuộc guồng máy nhà nước quân phiệt; truyền thông báo chí bị quốc hữu hoá; và toàn dân bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận ở mọi địa hạt phát biểu tư tưởng, sáng tạo.
Do đó Bà chủ trương thực thi tự do dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hồi. Đòi hỏi công dân, nhân công, chính trị gia phải được luật pháp bảo vệ một cách chính đáng. Đòi hỏi ngành tư pháp và truyền thống báo chí phải thực sự độc lập để bảo vệ người dân trong nước. Đòi hỏi Hiến pháp năm 2008 phải được tu chính để phù hợp với các tiêu chuẩn dân chủ chân chính, công minh.
Bà đề cao đường lối ngoại giao ôn hoà nhằm thăng bằng tiến bộ kinh tế toàn cầu với quyền lợi của người dân trong nước; cải thiện hệ thống tài chính, kinh doanh và đầu tư nhân sự, với sự hợp tác của Ngân Hàng Thế Giới và các tổ chức phi chính phủ.[12]
Trong cuộc bầu cử ngày 1 tháng 4, 2012, Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ [NLD] đã chiếm được 43 ghế trong số 45 ghế dành cho cuộc bầu cử bổ túc năm nay để hoàn tất tổng số 664 ghế trong Quốc Hội.
ĐỂ TẠM KẾT
Sự thành công gây ấn tượng của Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ như vậy là công lao lãnh đạo của Aung San Suu Kyi, nhưng đồng thời cũng là do thiện chí hay “thâm ý” của Tổng Thống Thein Sein.
Thật vậy, sau khi nhiệm cách vào tháng Ba năm 2011, TT Thein Sein đã thi hành một số cải cách về mặt chính trị và kinh tế để ve vãn thế giới tự do, mong họ giảm bớt áp lực ngoại giao, đồng thời tìm cách hoà hoãn với các sắc tộc ly khai trong nước.  Do đó, cuộc bầu cử bổ túc khá cởi mở đầu tháng Tư năm 2012 tại Miến Điện có thể coi là tiến diễn mưu toan phù thủy trong sáng nhất của chế độ quân phiệt nhằm bày hàng mua và bán bùa dân chủ để lấy lòng đối tác Tây phương, theo đường lối thực tiễn: “không thắng địch thì kết hợp với địch”.[13]
Nhưng liệu sự kết hợp giao lưu ở cấp lãnh đạo – trước đây đối nghịch – nay miễn cưỡng liên kết như một cuộc “phối ngẫu” chẳng đặng đừng,[14] vì hoàn cảnh bắt buộc, vì lợi lộc đối tác, có đủ đảm bảo cho sự phát khởi thực sự của nền dân chủ chân chính hay không? — mà trọng tâm và cứu cảnh phải có liên hệ mật thiết với ý chí toàn dân trong nước, chứ không chỉ vì nhu cầu tạm bợ của phe đảng, của ngoại bang.
Nếu Aung San Suu Kyi và Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ không đủ bản lĩnh thực hiện đúng mức đường lối dân chủ như đã hứa hẹn, thì cuối cùng cũng chỉ trở thành những ngoại vi bất đắc dĩ, với tác dụng gây thêm vây cánh cho chế độ quân phiệt, không khác gì công lao của hai gánh xiếc đội lốt dân chủ sẵn có tại Miến Điện — Union Solidarity and Development Party (USDP) và Unity and Peace Party (UPP)– vẫn đặt dưới trướng Phe Quân Phiệt.
Song song, nếu bất cứ ai có ý đồ ứng dụng “gánh xiếc dân chủ” [nếu quả thật là như vậy] của Miến Diện cho Việt Nam, thì chúng ta có thể thấy:

  1. sự cấu kết thịnh vượng được”hợp thức hoá” một cách thuận lợi giữa các đại gia tài phiệt Mỹ và CSVN;
  2. sự “phối ngẫu bán chính thức” hay hiện tượng ngoại tình về mặt chính trị địa lý giữa Hoa Kỳ và CSVN được “tiêu chuẩn hoá” vững vàng hơn với mục đích chính là be bờ quyền bá chủ của Trung Quôc tại Đông Nam Á-Thái Bình Dương, vốn là của ngõ đột kích toàn cầu của Hán tộc;
  3. Và như vậy CSVN sẽ trở thành một cộng tác viên thuận tiện của Hoa Kỳ, nên sẽ được lưu nhiệm theo giao ước ngầm song thuận, mà không cần mặc cả gì thêm về mặt dân quyền và tự do trong nước.

Chỉ khi nào các đối tác thực sự muốn xây dựng và đôn đốc một nền tảng dân chủ tự do với khả năng tham dự và quyết định của toàn dân, trên ba diện kết sinh căn bản:
  1. Nhân quyền, dân quyền & công dân quyền;
  2. tổ chức xã hội dân sự;
  3. quyền tư hữu và chế độ kinh doanh tư nhân

thì lúc đó mới thực có dân chủ.

Còn nếu chỉ dùng ảo thuật dân chủ kiểu “ba lá” thì tất nhiên sẽ chỉ có tác dụng cấp thêm bùa và môn bài làm ăn lâu bền cho CSVN.  Thật vậy, nếu tiếp tục diễn trò “múa rối nước Hà Nội”, đem ảo thuật dân chủ để bôi bác sự thật, như trưng bằng giả che mắt thế gian, thì dù CSVN có giả bộ dân chủ mà bãi bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp 1992 của họ, thì họ vẫn sẵn có vài chục đảng và tổ chức ngoại vi, đội lốt “dân chủ đa đảng” vây quanh và bóp nghẹt số đảng đối lập, lon ton kéo về hay èo ợt nhô lên bầy vẽ dân chủ một cách khiếm diện, lép vế, trong khi Đảng Ta vẫn ung dung duy trì xã hội chủ nghĩa với độc quyền tham nhũng, bán nước, hại dân.

CSVN vẫn phè phỡn tồn tại vì mua được cái “bằng cớ dân chủ”, có dấu ấn chứng thực của thế giới tự do, có đồng minh hợp tác vì quyền lợi ngắn hạn, đặc cách.

Tháu cáy, bịp bợm chính trị chẳng khác mấy trò chơi đỏ đen sòng bài roulette.  Mại dzô, Mại dzô, trắng tay bất tử.[15]



Trong trường hợp đó, quý dân trong nước hãy ráng chịu cong lưng, bịt miệng, bịt tai, bịt mắt vài thế hệ nữa, vài thập niên nữa, cho tới khi quyết tâm nổi dậy một lần.
Trân trọng,
TS-LS Lưu Nguyễn Đạt
www.vietthuc.org
[1] Miến Điện, trước đây là Burma, Birmanie, nay đổi thành Myanmar, giáp ranh với India, Bangladesh, China, Laos và Thailand.
[28888 Uprising
[3] Mahātmā Gāndhī (1869-1948] sử dụng vũ khí bất bạo động để chống lại sự đô hộ của Nước Anh
[4] Thân sinh Bà, Tướng Aung San, là vị anh hùng bị sát hại bởi phe thù nghịch trong cuộc giải phóng giành độc lập cho Miến Điện và thân mẫu Bà, Khin Kyi, là một nhà ngoại giao lỗi lạc.
[5] house arrest
[6] Giải Thưởng Tự Do Tư Tưởng Sakharov là giải thưởng của Nghị viện châu Âu dành tặng cho những cá nhân hoặc tập thể có nhiều nhiệt tâm và đóng góp vào lãnh vực nhân quyền và tự do tư tưởng. Giải này được đặt theo tên của khoa học gia, nhà bất đồng chính kiến Liên Xô Andrei Dmitrievich Sakharov.  Ông được trao tặng giải Nobel Hòa bình vào năm 1975.
[7] Giải Nobel Hòa bình (tiếng Thụy Điển và tiếng Na Uy: Nobels fredspris) là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel. Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel hòa bình nên được trao “cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”. Có nhiều người cho rằng Nobel đã lập ra giải thưởng này trong di chúc như một cách đền bù cho các chất nổ phát minh của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh như dynamit hay ballistite. Thực tế thì ngoại trừ ballistite, không một loại chất nổ nào của Nobel được sử dụng trong chiến tranh khi ông còn sống
[8] National League for Democracy (NLD)]
[9] rule of law
[10] international peace
[11] tu chính Hiến Pháp = constituional amendments
[12] Non-governmental organizations [NGO]
[13] If you cannot beat them, join them.
[14] mariage forcé
[15] “Faites vos jeux.  Les jeux sont faits. Rien ne va plus.



Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đang tiếp xúc với đồng bào cử tri ngày bầu cử quốc hội mùng 1 tháng 4 tại Kaw Hmu, Myanmar/Miến Điện. (Mikhail Galustov/Getty Images)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét