Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Về Thăm Bidong, Galang 5-6/2012

Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Saigon thất thủ, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam sẽ tổ chức 2 chuyến đi “Về Bến Tự Do” để thăm lại các Trại Tị Nạn xưa và thu thập kỷ vật cho Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân.

Thấm thoát mà đã 37 năm kể từ khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Như thông lệ hàng năm, cộng đồng người Việt ở nước ngoài tổ chức nhiều Lễ Kỷ Niệm và meeting phản đối. Ngoài việc tham gia vào các sinh hoạt đó, Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (một tổ chức bất vụ lợi, đặt cơ sở tại Melbourne, Australia) còn tổ chức 2 chuyến đi trở về Malaysia và Indonesia vào giữa tháng 5 cho đến đầu tháng 6 – gọi là Về Bến Tự Do – để thăm lại các trại tị nạn xưa, trùng tu nghĩa trang cho những thuyền nhân xấu số – và hi vọng tìm kiếm thêm những di tích, kỷ vật, hình ảnh cho một Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam trong tương lai.


Bích chương.
Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam được thành lập hồi năm 2005. Theo ông Trần Đông, Giám Đốc của Tổ Chức, sinh hoạt của VKTNVN được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là 6 năm đầu tiên và giai đoạn thứ 2 là từ nay đến năm 2015, khi cộng đồng người Việt ở nước ngoài kỷ niệm 40 năm định cư.


Mục tiêu của VKTNVN trong 10 năm đầu tiên là trùng tu các khu nghĩa trang và mộ phần Thuyền nhân VN ở các quốc gia Đông Nam Á và công tác nầy sẽ chấm dứt vào năm 2015. Cùng lúc đó, VKTNVN cũng sưu tập những di tích lịch sử, kỷ vật, hình ảnh cho mục tiêu dài hạn là xây dựng Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân Việt Nam.

Ngọc Hân phỏng vấn ông Trần Đông về các sinh hoạt trung hạn và dài hạn nầy.

Ngọc Hân: Thưa anh Trần Đông, Văn Khố Thuyền Nhân VN sắp tổ chức 2 chuyến đi từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 2012, gọi là “Về Bến Tự Do”. Ngoài mục đích trùng tu nghĩa trang của các thuyền nhân, chuyến đi nầy có hi vọng làm được gì khác hay không?

Trần Đông: Thưa chị Ngọc Hân và tất cả quý vị, một trong những công việc quan trọng trong năm 2012 nầy của VKTNVN là tổ chức hai chuyến đi về thăm di tích tị nạn Việt Nam. Chuyến thứ nhất đi về vùng quần đảo Anambas, tức đến các trại Kuku, Air Raya và Galang ở Indonesia. Chuyến thứ nhì là đi về thăm một số di tích tị nạn Việt Nam tại Malaysia, trong đó điểm dừng chính là đảo Bidong . Mục đích chính của hai chuyến đi là để tảo mộ. Song song với vấn đề trùng tu mộ thuyền nhân, chúng tôi cũng đi thăm và tìm hiểu về di tích thuyền nhân Việt Nam ở tất cả các nơi nói trên và đồng thời cũng sưu tập về hình ảnh và kỷ vật cũng như tài liệu liên quan đến vấn đề thuyền nhân. Công tác tìm kiếm và sưu tập tài liệu cũng sẽ được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2, tức là từ 2012 đến 2015.

Tượng đàì bị đập bể ở Galang, Indonesia.
Ngọc Hân: Như vậy, ý định lâu dài của VKTNVN là gì? Thành lập một Bảo Tàng Viện Lịch Sử Thuyền Nhân phải không?

Trần Đông: Hiện giờ thì chúng tôi chỉ nghĩ đến nỗ lực tìm kiếm thật nhiều, càng nhiều càng tốt, các chứng từ cũng như hồ sơ, di vật liên quan đến biến cố thuyền nhân. Chúng tôi chỉ nghĩ đến việc sưu tập (collect) và chuyển những hồ sơ đó sang dạng kỹ thuật số (digitalize) có thể giữ lại được trong máy điện toán để đưa vào trong các hệ thống văn khố (archive). Tuy nhiên, cũng không loại bỏ trường hợp là sau năm 2015 thì chúng ta tiến đến giai đoạn thực hiện một Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân VN, có thể tại Úc hay một nơi nào đó, để trưng bày những hình ảnh, di vật về thuyền nhân. Đồng thời cũng là nơi giúp mọi người – không riêng gì người Việt - mà kể cả người bản địa (như Úc, Mỹ, Pháp…) – có thể biết được về giai đoạn gian khổ của người Việt và lịch sử hình thành của cộng đồng người Việt tại các quốc gia nầy.

Ngọc Hân: Ngoài công tác quan trọng và dài hạn như anh vừa nói, Tổ chức VKTNVN có xây dựng tượng đài kỷ niệm không? Chẳng hạn như tại Úc hay tại các nơi khác?

Trần Đông: Trong giai đoạn đầu tiên vừa qua, cũng là giai đoạn mà VKTNVN tổ chức chuyến đi đầu tiên năm 2005 trở về thăm di tích tị nạn ở Indonesia và Malaysia. Trong chuyến đi đó chúng tôi đã dựng lên hai tấm bia tưởng niệm ở tại hai đảo Bidong và Galang. Hai tấm bia này ở Galang và Bidong về sau đã bị đập vỡ, bị phá hoại…

Tượng đaì thuyền nhân ở Melbourne.
Ngọc Hân: Vì lý do gì mà hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân tại Galang và Bidong bị đập vỡ, bị phá hoại, thưa anh?

Trần Đông: Do áp lực của Hà Nội, hai tấm bia tưởng niệm thuyền nhân tại Galang và Bidong bị đập bỏ. Sau sự đập bỏ đó thì đồng bào của mình ở khắp nơi cảm thấy rất phẩn uất vì sự tàn bạo của nhà cầm quyền Hà Nội cho nên đã có nhiều tượng đài thuyền nhân khác được xây dựng lên ở nhiều nơi; thí dụ như là ở tại Nam Cali, như ba tượng đài thuyền nhân ở tại nước Đức, rồi tượng đài thuyền nhân ở tại Bỉ, tại Pháp và tại Thụy Sĩ. Đó là những tượng đài thuyền nhân được đồng bào mình dựng lên ở các nơi sau khi hai bia tưởng niệm ở Bidong và Galang bị đập vỡ.

Cầu tàu ở Bidong.
Ngọc Hân: Còn tại Úc, thưa anh?

Trần Đông: Hiện nay tại Úc, có Tượng đài do VKTNVN dựng lên ở Melbourne, bên cạnh đó cũng có Tượng đài Thuyền Nhân của Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW dựng lên ở Sydney. Trong tương lai cũng sẽ có một số tượng đài khác dựng lên ở vài nơi khác tại nước Úc nữa.

Ngọc Hân: Xin cảm ơn anh Trần Đông, Giám đốc VKTNVN, về cuộc phỏng vấn ngắn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét