Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đông Xám

Việt Phương

Mùa đông báo hiệu bằng bầu trời màu xám tro sũng nước. Những con chim cánh đen như những lũ quạ mới hôm nào còn tíu tít bên hiên, bỗng kéo nhau đi mất biệt. Tôi đâm ra nhớ tiếng kêu tíu tít gọi nhau của chúng, mới ác.
Thiếu vắng tiếng chim như thiếu đi một chút gì đó quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Tôi như ông già căn nhà bên cạnh đang chờ từng con chim xà xuống ăn thức ăn mỗi ngày. Tôi càng buồn hơn khi thấy ông già đang chờ trong nỗi tuyệt vọng. Dù ông đã biết trước. Ông ngồi co ro trong chiếc ghế mây rộng vành. Tóc ông lưa thưa vài sợi bạc không đủ che đậy được lớp da đầu màu trắng hồng bóng loáng. thỉnh thoảng, ông run hai tay, tay trái bưng dĩa, tay phải bưng tách cà phê, đưa lên gần tầm, nhấp. Tôi có để ý đến bộ tách, dĩa ông thường dùng uống cà phê buổi sáng. Có thể chúng đã theo ông rất nhiều năm.

Tuy nhiên, chúng vẫn được giữ gìn sáng loáng, trong khi đôi tay của chủ nhân chúng đang run rẩy làm chiếc tách chạm vào dĩa sứ tráng men phát ra những âm thanh nghe như tiếng phong linh. Tiếng phong linh không phải kêu tự nhiên bởi gió, mà vì một bàn tay nào đó va chạm, phát ra những tiếng, tức tưởi. Tinh tinh, tịch, tinh ting ting. Tiếng phong linh im bặt khi ông kê miệng vào vành tách, rồi lại bật lên. Tinh tinh, tịch, tinh ting ting, lúc ông cố gắng đặt chiếc tách trở lại dĩa, rồi sau đó lại được ông đặt xuống chiếc bàn con trước mặt. Âm thanh lúc đầu còn đục tiếng; sau đó, mỗi lúc một trong, theo dung lượng cà phê trong tách ông vơi dần.
Nhìn mười ngón tay của ông như những chiếc chân chim phóng lớn, tôi đâm ra sợ hãi. Tôi sợ thời gian rồi cũng sẽ làm cho đôi bàn tay của tôi không còn một chút thịt, chỉ còn lại lớp da đồi mồi bọc từng lóng xương khô như ông già kia. Lớp da mỏng đến mức độ tôi có thể nhìn thấy những khúc gân xanh và những đốt xương như muốn bung ra ngoài.
Tinh tinh, tịch, tinh ting ting. Ông già lại bắt đầu nhấp thêm ngụm cà phê nữa. Tôi thấy vành tách đang ở xa, nhưng đôi môi ông lại vều ra như chiếc phễu, sẵn sàng đón nhận những giọt cà phê chảy vào đó, trôi xuống chiếc cổ xương xẩu, được gói ghém bằng một lớp da đã bị thời gian phá đi tàn bạo. Còn khuôn mặt ông. Trời ơi! Trông như một bức tranh buồn thảm nhất nổi giữa bầu trời xám tro ảm đạm. Ông lão mong manh quá. Mong manh đến nỗi, tôi nghĩ có thể chỉ một cơn gió vô tình nào mạnh mẽ một chút, sẽ thổi tan xác ông ra, biến ông thành bụi và bay mất hút trong đám "tro xám" đó.
Mùa đông, trở lạnh. Ông già ngồi đó, những lớp áo choàng màu đất nặng nề phủ hết mình ông như mộ phần lấp vội. Tôi chỉ nhìn thấy được cái đầu, cái cổ, và hai bàn tay xương xẩu trồi ra ngoài, ngo ngoe, động đậy như cố níu kéo đời sống. Chung quanh ông, không gian đặc quánh một màu xám buồn bã. Những sợi khói thuốc của ông cũng màu xám như treo lơ lửng trên không. Những cuộn khói sương phả ra từ góc rừng trước mặt cũng phẫn nộ, quằn quại một màu tro xám ngắt. Thỉnh thoảng có một vài con chim lạc bầy, lạc giọng kêu khan giữa bầu trời u tịch.
Không có đàn chim cánh đen để ngắm. Tôi có một "thú" khác là "ngắm" ông già cô độc hàng xóm. Ông không bao giờ để ý đến tôi. Hình như mọi vật chung quanh đều không làm ông bận tâm khi đàn chim đã thiên di. Ông vẫn "cùng tôi" uống cà phê mỗi sáng cho dù cách nhau một hàng rào gỗ mục. Khu đất nhà tôi cao hơn đất nhà ông, nên tôi có "vị thế" hơn ông. Tuy nhiên, muốn "ngắm" ông ngồi uống cà phê, tôi phải đứng. Có sao đâu. Tôi tựa lưng vào vách nhà để chia sẻ với ông một phần tuổi già dù còn khá lâu tôi mới bước tới và "thấm thía" cùng ông.
Tôi không còn dịp ngắm ông uống cà phê buổi sáng nữa khi những ngọn tuyết đầu tiên rơi xuống thành phố và điểm trắng một góc rừng. Tôi có cảm giác thật bơ vơ khi đứng co ro phà hơi thuốc vào không khí sau khi chiêu một ngụm cà phê nóng. Mắt tôi không nén nổi tò mò phóng tia nhìn sang hàng rào gỗ mục. Chiếc ghế mây nằm trơ trọi bên cạnh chiếc bàn cà phê đang phơi mặt hứng những cụm tuyết đầu mùa. Tôi thấy trên mặt ghế ông thường ngồi cũng dát đều một lớp tuyết.
Ngày qua ngày, lớp tuyết cứ bám ngập dần mặt bàn ghế sau vườn nhà ông. Cả tuần rồi, không thấy ông. Tôi chợt thèm nghe tiếng "phong linh" từ chiếc tách và dĩa do hai bàn tay của ông run rẩy tạo thành. Tinh tinh, tịch, tinh ting ting. Âm thanh trong trẻo là tôi biết ông đã uống hớp cà phê cuối cùng trong tách.

***

Tôi dọn về căn nhà này thì ông bà Smith đã ở bên cạnh ngót nghét hai chục năm. Tôi nhớ nụ cười của bà Smith hiền hòa dễ kéo người đối diện gần hơn. Tôi thường nói chuyện với bà hơn ông. Ông có đôi mắt nghiêm nghị của một nhà mô phạm. Và tôi, tôi như một cậu học trò nhỏ, vụng về dưới mắt ông.
"Đôi mắt mô phạm" mà hơn một lần tôi gán ghép cho ông Smith bỗng không còn tinh anh, "nhìn thấu tim gan phèo phổi" tôi như tôi vẫn sợ, vẫn phải lẩn tránh mỗi khi đối diện. Đôi mắt đó đã bị mây tro kéo râm. Ông nhìn mọi vật như vô hồn từ ngày bà Smith qua đời. Tôi chỉ nói chuyện với ông lần cuối cùng khi đưa bà Smith ra nghĩa trang. Sau đó, thỉnh thoảng gặp ông, ông nhìn tôi như chưa từng quen biết.
Lúc đầu, tự ái làm tôi suy nghĩ về thái độ của ông rất nhiều. Nhưng sau đó, tôi thấy không phải ông chỉ khép kín với riêng mình tôi, mà cả mọi người. Tôi thấy, đôi mắt ông chỉ có hồn khi cho lũ chim ăn mà thôi. Hình như, một trong hàng trăm cánh chim đó, có mang theo linh hồn của vợ ông? Tôi không biết. Chỉ biết mỗi lần ông cho chim ăn, trông ông linh hoạt khác thường, linh hoạt như những chuỗi ngày có bà Smith bên cạnh.
Và như thế, tôi đã ngắm ông Smith cho chim ăn không biết bao nhiêu mùa, từ lúc ông còn đi đứng nhanh nhẹn, cho đến lúc ông chỉ đủ sức bước ra ngoài với tách cà phê trên tay, rồi lần mò ngồi xuống chiếc ghế mây. Bấy giờ, tôi đã thấy đầu tôi lấm tấm bạc, tóc đã bắt đầu rụng nhiều. Thời gian đâu chỉ tàn phá mình ông Smith? Tại tôi không chịu ngắm kỹ tôi trong gương mà thôi. Tôi sợ? Không. Sợ quái gì? Tôi tự hỏi và trả lời. Cuối cùng. Vâng! Tôi sợ. Tôi đầu hàng số mệnh.
Tôi đầu hàng số mệnh như thể hơn một lần tôi đã. Tôi nhìn thấy vợ con chết trước mắt trên chuyến tàu vượt biển. Tôi đã không làm gì được. Tôi đã đầu hàng số mệnh. Lúc ba tôi bị bạo bệnh qua đời ở quê nhà, tôi không về được. Tôi đã đầu hàng số mệnh.
Tôi đầu hàng số mệnh khi Thục Băng ùa vào đời tôi bằng tiếng hát của Barbra Streisand: "Love soft as an easy chair. Love fresh as the morning air. One love that is shared by two. I have found with you...". Thục Băng khiến tôi thảng thốt suýt kêu lên thành tiếng, nhưng sau đó tôi lại nén giọng:

"Tìm đâu ra bài hát này vậy?"
Thục Băng nheo mắt:
"Dễ ợt! Kiếm sẽ gặp. Hỏi sẽ được. Xin sẽ cho."
Tôi đánh trống lãng:
"Sao biết tôi thích bài Evergreen này?"
"Để ý sẽ biết."
Tôi cười:
"Cô đang đọc Kinh Thánh hả?"
"Thánh Kinh đâu có những câu này?"
Tôi cười thành tiếng:
"Tôi nghe quen lắm. Ừ, hình như là giọng nói của cô, giống như đọc Kinh."

Thục Băng và tôi làm chung sở. Tôi bắt gặp đôi mắt ngưỡng mộ của cô khi tôi từ văn phòng bước xuống xưởng. Ở đó, Thục Băng là một trong những công nhân làm việc theo lối dây chuyền. Sau đó, tôi biết thục Băng cũng vừa mới qua Mỹ, đang học thêm Anh Văn ban đêm. Tôi thường gặp thục Băng ở bãi đậu xe. Không biết vô tình hay cố ý. Đôi lúc chúng tôi có dừng lại trao đổi một vài mẩu chuyện. Càng ngày, tôi thấy Thục Băng càng dạn dĩ. Và cuối cùng tôi hứa kiếm thêm bài vở cho cô. Thục băng từ đó hay đến nhà tôi. Có Thục Băng, nhà tôi như có thêm sức sống. Cơm nước cũng được cô nấu nướng để sẵn cho tôi ăn dần, đôi khi đến cả tuần. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có một khoảng cách rất lớn. Khoảng cách của một người anh nghiêm khắc đối với một cô em gái bé bỏng. Khoảng cách của một mái đầu tiêu muối và một trí óc chưa được phát triển toàn bộ.

***

Chúng tôi ngồi nghe chung ca khúc nhiều lần. Cuối cùng thục Băng dựa đầu vào vai tôi. Tôi choàng tay, táy máy những ngón tay trên vai Băng:

"Không biết làm sao để cảm ơn Băng."
"Em nghèo quá, không có gì tặng anh trong mùa Giáng Sinh, đành kiếm cách sang lại bài hát này tặng anh."
Tôi nghe mềm lòng, đổi cách xưng hô:
"Đừng nói thế. Với anh, đó là món quà vô giá. Còn hơn anh, anh không có gì tặng em. Anh không chuẩn bị gì hết, ngay cả tâm lý."
"Không cần anh chuẩn bị gì cả. Chỉ cần anh biết em yêu anh, cần anh là đủ."
Tôi vẫn áy náy:
"Lẽ ra anh phải có quà cho em."
Thục Băng dỗi:
"Nói mãi. Thế thì cho em tình anh đi."

Tôi cúi xuống hôn Thục Băng. Hàm răng trắng bóng mở ra chờ đợi. Trời ơi! sao giống hàm răng của vợ tôi như thế này? Tôi xúc động cúi xuống gần hơn. Thục Băng vin cổ tôi xuống, làm hồi sinh bờ môi hạn hán lâu năm của tôi. Bàn ghế, tranh ảnh, chiếc đồng hồ treo tường, ngay cả những khúc củi đang cháy trong lò sưởi, với tôi, đều ngưng hoạt động. Chết. Tất cả chết hết. Những mảng tuyết bên ngoài cũng đứng lại - cùng một loạt - trong không gian, như những mảnh bông gòn được dán khéo trên cửa kính. Chỉ có nhựa sống trong người chúng tôi trở mình. Chúng tôi sống như chưa bao giờ được sống. Chúng tôi thở như suýt bị chết ngộp. Và, nhựa sống chảy trên từng lóng xương, chảy râm ran da thịt, như phún thạch chảy ngầm trong lòng đất tìm kẽ nứt phun ra, tràn mặt địa cầu. Tôi thua. tôi đầu hàng số mệnh.
Buổi sáng nghe tiếng còi cứu thương inh ỏi. Tôi vén màn nhìn ra, vài ba người hàng xóm đứng trước cửa nhà ông Smith xì xào, bàn tán. Tôi khoác vội chiếc áo choàng, chạy ra. Vài người y công đưa xác ông Smith lên xe. Tim tôi ngưng đập rất nhanh. Tôi lặng lẽ chào cô con gái ông Smith cùng người chồng tôi từng gặp đôi ba lần. Tôi không nhìn thấy được sự xúc động trên khuôn mặt họ. Họ tự nén hay ơ hờ? Tôi khó có thể nói được. Có điều gì đó nơi họ nói lên là vừa trút được một gánh nặng. Tôi chủ quan nghĩ thế? Có lẽ. Tôi hy vọng là tôi đã chủ quan. Đó là một buổi sáng kỷ niệm ngày Chúa sinh ra đời. Buổi sáng, tôi đợi hoài Thục Băng không đến. Không bao giờ đến nữa. Tôi không gặp lại Thục Băng từ dạo đó.
Tôi mất ông Smith láng giềng, và mất Thục Băng cùng một ngày Giáng Sinh. Hôm ấy, tôi thấy tuyết ngả màu xám tro phủ xuống hình hài ông Smith. Thêm một lần, tôi đầu hàng số mệnh.

***

Bây giờ, ngồi nhìn lại tôi (vẫn không dám đối diện trong gương). Tôi chỉ nhìn lại tôi bằng hình ảnh ông già Smith ngày xưa. Cũng trong căn nhà cũ. Bên cạnh đã có một gia đình khác vào ở. Tôi đã chứng kiến họ lấy nhau, sanh con từ đứa đầu đến đứa thứ hai. Hai đứa con nay cũng đã xong đại học, đã ra ở riêng, lâu lâu mới thay phiên về thăm bố mẹ một lần. Bây giờ, họ lại ngắm tôi như tôi đã từng ngắm ông Smith dạo nào. Không biết họ có tưởng tượng ra tiếng phong linh. Tinh tinh, tịch, tinh ting ting. Mà tôi đã bắt chước ông Smith uống cà phê với chiếc tách lúc nào cũng có dĩa đi kèm.
Mãi đến bây giờ, tôi cũng không hiểu lý do gì khiến thục Băng bỏ tôi đi. (Không thể nào cô ấy biết tôi vẫn lầm tưởng cô với vợ tôi?). Tôi chủ quan nghĩ thế. Có lẽ. Tôi hy vọng là tôi chủ quan. Nhưng dù Thục Băng có bỏ tôi đi dạo ấy hay không, tôi cũng biết mình là kẻ cô đơn, ngay từ lúc vợ và con tôi chết trên biển của một quá khứ mịt mù nào. Ở đó, buổi sáng nào cũng có ngùn ngụt khói sương màu xám tro, và xác vợ con tôi chìm sâu trong đó. Ở đó, khi thấy đám mây xám tro vần vũ trên những ngọn núi xa xa mà vỗ tay reo hò. Quên đi ngày hôm qua, vợ con mình cũng đã chìm khuất trong màu xám đó, với nỗi đớn đau rợn người.
Rồi, những ngày tháng mùa đông lướt qua đời tôi bằng một màu xám tro phủ kín bầu trời. Màu xám không còn làm tôi đau đớn lặng người, cũng không khiến tôi vỗ tay reo hò một cách vô thức. Tôi nghe tâm hồn bình an. Bình an một cách dửng dưng. Cảm giác không buồn, không vui. Những cụm tuyết cũng đã pha màu xám tro qua lăn kính thị giác vẫn không làm tôi ảo não. Tôi nhớ lại ngày ông Smith ra đi, tuyết cũng phủ một màu xám tro như thế này. Trong lòng tôi vẫn vang mãi câu hát khi mỗi sáng ngồi run rẩy uống cà phê sau hiên vườn: "Love soft as an easy chair. Love fresh as the morning air...". Và cả tiếng phong linh. Tinh tinh tinh, tịch, tinh ting ting...

Việt Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét