Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Những Mùa Xuân Qua

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền


Trong đời nguời, chắc chắn ai cũng có những mùa Xuân để nhớ mãi. Xuân buồn, Xuân vui, Xuân hạnh ngộ...

Riêng tôi, vẫn nhớ mãi về những mùa Xuân của một thuở Thanh Bình, vào thời kỳ đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, của tuổi ấu thơ, với những chiều ba muơi tết xun xoe, vuốt ve tà áo mới, chờ trông đêm giao thừa chóng qua, để sáng mai mùng một Tết, mặc áo mới, chạy ra con ngõ dài lát đá xanh, hai bên có hàng chè tàu thẳng tắp, đã đuợc cắt xén cẩn thận từ chiều hôm truớc. Để ra đứng nép mình vào thân cây buởi. Để xem cái đầu của mình đã cao hơn cái vết khắc trên thân cây buởi hay chưa?


Ngày ấy, tôi vẫn thuờng dùng những mẫu đá dăm khắc vào thân cây, phía trên đầu của mình. Để thỉnh thoảng tôi ra đứng đó, nép vào thân cây buởi để xem mình đã cao lên đuợc bao nhiêu. Tôi đâu biết tuổi của cây buởi còn non hơn tuổi của tôi nữa, nên tôi cao thêm một tí, thì cây buởi cũng cao thêm; bởi tôi thích làm nguời lớn, vì nghĩ rằng làm nguời lớn sẽ vui thích hơn nhiều.

Rồi tuổi thơ đã đi qua, khi đuợc làm nguời lớn rồi, thì mọi thứ đã không như cái đầu non nớt của tôi đã tưởng. Bởi lúc ấy, Miền Nam Tự Do đã bắt đầu những bất ổn, khi cái gọi là "Mặt trận giải phóng miền Nam" đã ra đời vào ngày 20/12/1960.Tuy đã được ngụy trang bằng cái mỹ danh "Mặt trận giải phóng miền Nam" nhưng thực ra là một tổ chức khủng bố trực thuộc đảng Cộng sản Bắc Việt. Sở dĩ tôi gọi là khủng bố vì tôi đã chứng kiến những hành động tàn ác, côn đồ, dã man của những tổ chức nầy từ khi còn bé. Vì thế, tôi đang cố gắng để hoàn thành một cuốn sách, trong đó, tôi sẽ chứng minh bằng những tài liệu, hình ảnh, tên họ, quê quán và những nhân chứng sống, mà tôi đoan chắc là những tên tội đồ của dân tộc nầy không có đường chối cãi.

Mặc dù vậy, nhưng vào thời kỳ ấy, nhờ có Ấp Chiến Lược nên người dân ở nông thôn vẫn còn có được một cuộc sống tương đối yên vui.


Mô hình của một Ấp Chiến Lược:

Tại quê tôi, ấp chiến luợc là những vòng đai có hai vòng rào gai rừng, ở giữa hai vòng rào là những giao thông hào sâu quá đầu nguời, rộng hơn hai mét, do dân làng cùng nhau đào, dưới lòng giao thông hào có cắm chông làm bằng những gốc tre già đã được vót nhọn, sắc, có ba cạnh. Còn vòng rào là những tấm gai cứng nhọn, có bề rộng hai mét, bề cao hơn hai mét được ghép lại. Chúng tôi xin nhắc rằng: Vì để bảo vệ tánh mạng và tài sản của chính gia đình của mình, nên mọi người dân quê đều hưởng ứng, họ rất vui vẻ với công việc này. Đặc biệt là lớp thanh niên, với những nụ cười, tiếng hát với nhau trong lúc cùng nhau thực hiện Ấp Chiến Luợc. Ngoài ra, dân trong làng còn dùng những chiếc thùng thiếc, loại thùng đựng dầu hỏa, hoặc thùng gánh nước đã bị hỏng, đem đục lỗ, cột dây thừng nhỏ đuợc tết bằng những sợi mây rừng, ban đêm sau 20 giờ các anh Dân Vệ đóng cổng ấp lại, rồi họ đem giăng dọc theo bờ rào Ấp Chiến Luợc và các lối đi ở bìa vuờn, để ngăn bước chân của Việt cộng nằm vùng ban đêm thường lẻn xuống giết hại dân lành và cuớp gạo, muối của người dân mang lên rừng để sống. Bọn trẻ như chúng tôi thì khoái đi giăng thùng lắm, chúng tôi đòi các anh Dân Vệ phải cho chúng tôi đi theo, giăng thùng xong chúng tôi còn trông cho có ai đó, hoặc con vật gì nó vướng dây để được đánh mõ còn nếu được "la làng" thì càng thích hơn nữa.

Tôi vẫn nhớ mãi về những năm tháng ấy thật vui, tôi nhớ dân quê tôi còn "phát minh" ra phong trào đánh mõ và la làng. Ngoài các trạm gác đêm của cá Chiến Sĩ Dân Vệ, thì nhà nào cũng sắm ra nhiều chiếc mõ tre; mỗi khi có tiếng thùng đổ thì mọi nguời đánh mõ ba hồi một dùi, nghĩa là đánh ba hồi dài, sau đó đánh một tiếng, còn nếu thấy có bóng dáng nguời xuầt hiện, thì đánh mõ hồi một, nghĩa là đánh một hồi rất gấp, rồi kèm theo chỉ một tiếng. Lúc đó, mọi nguời không ai đuợc đi lại phải chờ cho các Chiến Sĩ Dân Vệ kiểm tra xem tại sao thùng đổ, nếu là Việt cộng nằm vùng xuất hiện, thì các Chiến Sĩ Dân Vệ sẽ tri hô và mọi nguời đồng thanh la làng: "Cộng sản bớ làng, cộng sản bớ làng"; sau đó, dân làng tay cầm chiếc gậy có sợi dây thừng cuộn ở phía trên, tay cầm đuốc sáng trưng để vây bắt Việt cộng. Chính vì thế, mà tôi nhớ người dân đã bắt đuợc bốn cán bộ Việt cộng nằm vùng, nhưng tôi chỉ nhớ tên hai nguời là Duơng Đình Tú và Đỗ Luyện, cả hai đuợc đưa ra tòa sau đó họ ra Côn Đảo, đến khi trao trả tù binh họ chọn con đuờng ra Bắc. Còn nếu do một con chó thì họ sẽ la to: "Bà con ơi! chó vuớng thùng, đừng đánh nữa", thì dân làng họ mới thôi đánh mõ.

Một kỷ niệm mà không phải riêng tôi, mà có lẽ còn hai "nạn nhân" trong cuộc chắc chắn khó quên: Ấy là vào một đêm có đôi tình nhân đã hẹn hò nhau ở bìa vuờn, chắc họ đã ra đó lúc chưa giăng thùng, nên đến khuya khi họ quay về nhà, chẳng may họ đã vuớng phải dây và thùng thi nhau đổ, khi các anh Dân Vệ kiểm tra thì có bóng hai nguời họ hô: "Đứng im"; lúc ấy có tiếng cả hai xưng tên và nói: "Tụi em đây, xin các anh đừng bắn". Nhưng lúc ấy, dân làng đã đèn đuốc sẵn sàng, hai nguời mắc cỡ quá, nên đứng im không dám nhúc nhích trông rất tội nghiệp. Sau đó, đôi tình nhân ấy không hiểu tại sao họ lại chia tay. Bây giờ hai nguời đều có gia đình riêng, ở cùng làng đã có cháu nội, ngoại. Cô gái vuớng thùng năm xưa hiện nay lại là chị chồng của em gái tôi.

Tôi vẫn nhớ hoài những đêm vui kỷ niệm; ngày ấy, đêm nào bọn trẻ con trong làng cũng trông mong cho có ai đó, hay con chó, con mèo vuớng thùng để đuợc đánh mõ, vì cả làng đều đánh mõ hòa với tiếng trống ở các trụ sở thôn làng, nghe thật vui tai, chúng tôi đứa nào cũng thích, cũng đòi cha mẹ sắm cho những chiếc mõ thật tốt, kêu thật to. Chúng tôi thích đánh mõ, đánh dai lắm, cho đến khi các Chiến Sĩ Dân Vệ đã la to lên: "Chó vuớng thùng, bà con ơi đừng đánh mõ nữa"; các anh cứ la còn chúng tôi thì vẫn cố đánh thêm mấy hồi nữa, vì mấy khi thùng đổ để đuợc đánh mõ đâu!

Tôi cũng không bao giờ quên được những kỷ niệm ở làng tôi Tiên Giang Thượng, làng Thạnh Bình, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bên cánh Đồng Lớn là những vườn chè, đồi tiêu, đồi quế, nương dâu trải dài soi bóng xuống giòng Tiên Giang xanh ngát. Quê tôi, đất miền Trung nhưng đất cày lên không sỏi đá, cấy, tỉa, trồng, không cần tưới nước vì quanh năm đất ẩm, nhiều mầu mỡ do phù sa của giòng Tiên Giang mang đến. Dân quê tôi đa số theo Đạo thờ Trời mà từ thưở xa xưa các vua Hùng đã làm gương và khuyên con dân Việt hãy noi theo. Vì vậy, hàng năm trong công việc nông, tang họ thường làm lễ Đão Vũ để cầu Trời xin cho mưa thuận gió hòa, để quanh năm ruộng đồng xanh tốt, cho lúa trĩu bông, cho vườn dâu đâm chồi nẩy lá, để nghe những tiếng kêu reo vui no nê từ những nong tằm.

Thưở ấy, tôi, đứa bé thường hay mơ mộng,mỗi buổi trưa hè thường đi bẻ những cành cây rừng không tên, có những chùm hoa cánh mỏng, nhỏ màu trắng đem về cắm trước sân; loại cây này rất đặc biệt, là khi những chùm hoa, những chiếc lá héo rũ là lúc từng đàn bướm đủ loại, đủ sắc màu, chẳng biết từ đâu chúng bỗng tìm bay đến rồi đậu đầy chen chúc trên cành lá, mỗi lúc như thế, tôi cứ ngồi lặng yên dưới gốc cây Thiên Mộc Lan ở góc sân nhà để nhìn lũ bướm đến say mê quên hết mọi chuyện ở trên đời. Và vì loại cây hoa này chúng vốn không có tên, nên tôi đã gọi chúng là hoa Quy Điệp. Và tôi vẫn nhớ những buổi chiều thường được chị Thạnh người con nuôi của cha mẹ tôi dắt đi hái hoa kèn, một loại hoa vào mùa hè nở ra năm cánh mầu trắng sữa, có mùi thơm ngát bay rất xa. Mỗi buổi chiều sau khi hái hoa, đem về nhà chị Thạnh tôi đem gói cẩn thận vào chiếc khăn voan nhỏ, đặt bên chiếc gối, để hương kèn theo tôi vào giấc ngủ. Khi hoa tàn nhụy kết thành những quả nhỏ, dính liền từng nải mầu xanh, hình dáng giống như một nải chuối tí hon, đến lúc chín lại có mầu vàng lại càng giống nải chuối chín, ăn vào nghe ngọt lịm. Nhưng đặc biệt là những chiếc lá, khi đem tách làm đôi rồi vấn lại thành những chiếc kèn, khi thổi lên âm thanh nghe rất lạ, nên chúng tôi một lũ trẻ con, mỗi đứa tay cầm đôi ba chiếc kèn, miệng tập thổi lên những bài nhạc mà mình yêu thích. Tôi cũng vậy, cứ tập mãi, cho đến khi tôi thổi lên được một đôi câu:

“Chào bình minh hoa ban mai lả lơi, nhạc dịu êm âm vang theo ngàn nơi...sóng lúa chơi vơi xanh ngát chân Trời...”

Vì thế, anh Lê Vân Tiên hiện nay ở Úc châu, lúc ấy, dù nhỏ tuổi hơn Cha tôi nhưng anh vẫn thường đến nhà tôi chơi và chuyện trò với Cha tôi, vì đa số những người nhỏ tuổi hơn Cha tôi lại thích đến trò chuyện với Cha tôi, để nghe Cha tôi kể đủ thứ chuyện; nhưng đặc biệt nhất là những câu chuyện tiếu lâm, là được các vị thích hơn cả.

Bây giờ Cha tôi, và Bác ruột tôi đều là lương dân vô tội đã chết thảm dưới bàn tay của cộng sản. Tôi vẫn xem anh Lê Văn Tiên là hình ảnh của Cha tôi vậy, mỗi lần đọc thư của anh Lê Văn Tiên gửi sang, anh thường nhắc đến con ngõ dài lát đá xanh của gia đình tôi và đã "vấn kèn cho cô bé Tuyền cục cưng của ông Hai thổi" làm lòng tôi bồi hồi không sao cầm được nước mắt !!!


Hậu quả của việc phá bỏ Ấp Chiến Lược:

Mùa xuân năm 1964, Quê hương tôi không còn thanh bình nữa, bởi lúc ấy Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ. Ấp Chiến Lược bị phá bỏ, vì như mọi người đều biết, từ thưở xa xưa tổ tiên chúng ta ở thôn quê quanh vườn người ta thường trồng tre, gai làm bờ rào, còn nhà thì có bờ dậu có cửa ngõ, làng thì có cổng làng, mục đích để phòng gian, huống thay là trong thời chiến tranh, lúc cái "Mặt trận giải phóng miền Nam" đã ra đời, thì những kẻ vì ngu xuẩn hay cố tình kia lại ra lệnh phá bỏ ấp chiến lược, là phá bỏ mọi trở ngại, khó khăn để cho Việt cộng đánh chiếm các làng thôn một cách dễ dàng.

Tôi đã chứng kiến những ngày Xuân 1964, đầy khói lửa, hoang tàn, từng đoàn người bồng bế, hoặc gánh con thơ chạy trốn, dân quê tôi họ đã biết rất rõ về cái gọi là "Giải phóng miền Nam", vì cũng những người trong làng trước kia họ biết rõ là đảng viên cộng sản, sau đó, họ biệt tích, rồi một ngày họ bỗng dưng từ trên núi trở về lại tự xưng là "Giải phóng miền Nam", nên dân quê tôi đã phân biệt Quốc, Cộng là hễ ở trên núi xuống là cộng sản, chúng nói gì họ cũng không nghe, thấy bóng dáng cộng sản đâu là họ tìm đường chạy trốn, bởi họ có đầy kinh nghiệm rất rõ, nhưng cũng đành nuốt nước mắt để nhận làm "Mẹ bộ đội" mà "con bộ đội" đâu phải ít, có những gia đình có tới năm bảy "con bộ đội", không biết từ đâu nó ngang nhiên ôm tất cả vật dụng của nó vào nhà, trong đó có cái ruột tượng (một loại túi đựng gạo, may "Mẹ". Để rồi sau đó họ phải nhịn ăn, bắt con thơ phải chịu đói, cả nhà phải ăn khoai, sắn, để dành phần cơm nuôi "anh trai ăn no đánh thắng sau nầy sẽ đem no ấm cho mọi người nhiều hơn".Có con gà, cái trứng cũng dành để nuôi quân. Và rồi họ đã thấy tất cả, nên không còn lừa bịp họ được nữa.

Và cũng chính năm 1964, người Cha ruột của tôi: Ông Trần Tăng, một lương dân vô tội, đã bị bọn du kích bắn chết, cả gia đình tôi kinh hoàng gào thét, rồi năn nỉ xin được chôn cất Cha tôi, nhưng bọn du kích cương quyết không cho. Chẳng những thế mà tên Huỳnh Thuyên trung đội trưởng du kích, còn móc tay vào cái xác chết của Cha tôi để lấy ba mươi bảy nghìn đồng ( tiền VNCH). Rồi bắt tất cả gia đình tôi vào vùng bị chiếm. Chúng tôi đã sống trong vùng Việt cộng kiểm soát gần sáu tháng.

Sau đó, gia đình tôi được tin anh Huỳnh Xanh ( là cháu nội của cụ Huỳnh Thúc Kháng) đã đưa quân vào đem xác Cha tôi ra vùng an ninh chôn cất. Cho đến một ngày gia đình tôi được giải cứu trong một cuộc hành quân Việt-Mỹ.

Ngay hôm được giải thoát, chúng tôi đã đến nhà của anh Huỳnh Huy, em ruột anh Xanh. Tôi còn nhớ mãi lúc ấy, anh Huy nói với Mẹ tôi: "Anh em tôi đã lo chôn cất cho dượng ấm thân rồi". Nói xong, anh Huy dắt chúng tôi ra sau nhà, anh vừa nói vừa đưa tay chỉ: "Mã của dượng ở chỗ ni cô nè". Đứng trước nấm mộ của Cha tôi, cả nhà tôi chết lặng, những dòng nước mắt chảy dài, tưới lên ngôi mộ cỏ vừa mới lên xanh !!!

Phần Bác ruột của tôi: Ông Trần Thắng, thì bị chúng bắt đi vào "Trại cải tạo Đá Trắng". Ngày 13-3-1975, khi quận Tiên Phước rơi vào tay của cộng sản. Ngày 15-4-1975, Việt cộng đã bắt thanh niên Tiên Phước khởi công phá bỏ trại Đá Trắng vốn nằm dưới hầm, để đưa trại tù này lên trên mặt đất. Vì thế, sau khi hoàn thành Việt cộng đã chính thức đổi tên "Trại cải tạo Đá Trắng" thành "Trại cải tạo T.154" tại thôn 03 xã Phước Lãnh ( sau 30-4-1975, đổi tên là xã Tiên Lãnh), nên thường được gọi là "Trại Cải Tạo Tiên Lãnh". Trại gồm có Trại chính: Trại 1, và bảy phân trại khác, là "trại cải tạo" lớn nhất của Quảng Nam-Đà nẵng, đã giam giữ hàng ngàn Quân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ra trình diện tại “chùa” Pháp Lâm ở số 500, đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng.

Bác ruột tôi và các vị đã bị bắt cùng lúc với Bác tôi, đã chết tại trại Đá Trắng trong vòng sáu tháng đầu, vì không chịu được sự hành hạ và đói khát trong hầm tù, chúng tôi đã được nghe những lời kể lại của cụ Lê Uẩn người cùng bị bắt với Bác tôi lúc ấy may mắn sống sót trở về. Điều nầy không như Bùi Tín đã nói:"Nếu bác Hồ còn sống thì không có các trại cải tạo ở miền Nam". Vì "Trại cải tạo Đá Trắng" Việt cộng đã thành lập từ cuối năm 1959. Người đầu tiên ở quê tôi bị bắt vào năm 1960, và chết tại trại nầy là ông Nguyễn Phước Linh, Chủ Tịch Ban Đại Diện Hội Đồng xã Phước An, ( chủ tịch xã) ông Nguyễn Phước Linh là dòng dõi của vua Gia Long đã để lại nơi nầy trên đường tỵ nạn. Những năm tháng bi thương trên bước đường cùng giữa rừng núi hoang vu ấy; cả gia quyến của dòng họ Nguyễn Phước đã từng đói, khát, phải đào củ mài, củ chuối để ăn; đặc biệt là đã ăn trái bồn-bon để sống, đây là một loại trái cây thơm hiền, ngon ngọt, những cây bồn-bon này chẳng cần phải trồng, mà chúng vẫn cứ mọc tự nhiên rất nhiều ở quê tôi. Loại trái cây rừng này vốn không có tên, nhưng nhìn thấy nó giống như những viên kẹo, mà theo tiếng Pháp là bonbon, nên nó đã được gọi là trái bồn-bon. Sau này, khi lên ngôi, vua Gia Long đã đổi tên cho trái bồn-bon thành trái Nam Trân.

Nhưng không chỉ có ông Nguyễn Phước Linh và Bác ruột tôi đã bị Việt cộng hành hạ cho đến chết trong trại Đá Trắng vào năm 1960, trong lúc Hồ Chí Minh còn sống, mà còn nhiều vị lắm; nhưng tôi chỉ biết và thấy họ đã bị Việt Cộng trói thúc ké dính liền với Bác tôi, trong lúc áp giải như các vị sau đây:

Cụ Lê Uẩn, ông Huỳnh Lượng, ông Lê Kinh và em Nguyễn Văn Tùng17 tuổi, là học sinh lớp Đệ tứ của trường Trung Học Quận Tiên Phước. Riêng cụ Lê Uẩn người đã chôn xác của Bác tôi. Ngày 13-03-1975, khi quận Tiên Phước đã rơi vào tay của Việt cộng, cụ Lê Uẩn đã thoát chết trở về, cụ đã kể cho gia đình tôi về những cái chết của những vị cùng bị bắt với cụ, trong đó có Bác ruột của tôi. Chính vì vậy, mà suốt đời tôi luôn luôn gọi Bùi Tín là một tên đại gian, đại láo với lời tuyên bố "Nếu bác Hồ còn sống thì không có các trại cải tạo ở miền Nam".

Cái chết của người Bác ruột, tôi ghi khắc mãi trong lòng. Sau năm 1975, tôi cũng đã bị tù, qua hơn một năm ở các trại tạm giam Kho Đạn Đà Nẵng,Tam Kỳ và Hội An để thẩm cung. Cuối cùng tôi đã bị đưa vào "Trại cải tạo T.154" hậu thân của trại Đá Trắng. Trong suốt thời gian tám năm ở tù, tôi không hề hé nửa lời cho bất kể ai biết về cái chết của Bác tôi trong trại tù này, nhưng mỗi ngày lên rừng đốn củi, trồng sắn, hay lội xuống sình lầy cấy, gặt lúa... trên tất cả những con đường đã dẫm chân qua, tôi đều âm thầm cố tâm để tìm kiếm mộ của Bác tôi theo lời kể của cụ Lê Uẩn, nhưng cho đến ngày ra tù tôi vẫn không tìm ra được, có thể là mộ của Bác tôi đã bị Việt cộng san bằng ! Tôi cũng được biết thân nhân của các ông Nguyễn Phước Linh, ông Huỳnh Lượng, ông Lê Kinh và em Nguyễn Văn Tùng cũng không sao tìm được dấu tích gì của họ cả.

Rồi kể từ mùa Xuân 1964,, khi Ấp Chiến Lược đã bị phá bỏ, như một ngôi nhà đã bị phá tung cửa ngõ. Vì thế, Việt cộng đã đánh chiếm các vùng quê như vũ bão. Đến tháng 5 năm 1964, quận Tiên Phước gồm 15 xã, đã mất hết 11 chỉ còn 4 xã, mà chẳng có xã nào còn nguyên vẹn, xã nào cũng mất một, hai thôn. Riêng quê tôi, Tiên Giang Thượng, làng Thạnh Bình gồm có bảy thôn, mất hết sáu chỉ còn lại một thôn Đại Trung nằm bên bờ Tiên Giang Hạ. Và mỗi ngày càng thêm tiếng súng, khói lửa lan tràn, nên dân làng nhiều người đành phải bỏ quê chạy về thành phố để lánh nạn cộng sản. Vì thế, tôi đã có mặt tại thành phố Đà Nẵng.

Nhưng có điều tôi không ngờ được là tại Đà Nẵng tôi còn phải chứng kiến thêm nhiều cảnh đẫm máu, dã man, kinh hoàng hơn nữa! Từ cuộc thảm sát Thanh Bồ-Đức Lợi (24-8-1964) - Cuộc bạo loạn bàn Phật xuống đường (mùa hè 1966)- Cuộc thảm sát Tết Mậu Thân (1968) và những màn giết người để trả thù vô cùng man rợ vào những ngày trước 29-3-1975, là ngày thành phố Đà Nẵng bị rơi vào tay của Cộng sản Hà Nội.

Trở lại với những mùa Xuân. Tôi vẫn nhớ mãi về những ngày Xuân Mậu Thân, 1968, lúc ấy, nhà tôi ở gần chùa Tứ Bang, trước mặt trại Nguyễn Tri Phương. Tổng hành dinh Quân Đoàn 1, Quân Khu 1; vì nhà gần Quân Đoàn, gần phi trường, nên chúng tôi phải tìm nơi lánh nạn. Sau khi Quân đội VNCH đã đánh bật Cộng quân ra khỏi thành phố Đà Nẵng, gia đình tôi mới trở về nhà. Trên đường trở về tôi đã thấy những xác bé thơ nằm rãi rác bên cầu Trình Minh Thế, trên tay chúng vẫn còn đôi viên pháo chưa kịp đốt!!!


Mùa xuân 1975, khi thành phố Đà Nẵng rơi vào tay cộng sản. Tôi đã chứng kiến từ ngày 20/03/1975, với từng đoàn người di tản từ các tỉnh Trị-Thiên, Nam-Tín-Ngãi, đổ về Đà Nẵng mỗi ngày một đông, họ chỉ mong được lên tàu di tản vì ở những tỉnh đó Việt cộng đã hoàn toàn kiểm soát, không còn gì để hy vọng.

Tại Đà Nẵng, trong khi từng đoàn người bồng bế nhau chạy xuống bến Bạch Đằng, thì từng loạt pháo kích của VCiệt cộng cứ bắn theo nổ chặn đường, làm nhiều người chết và bị thương, ai còn sống bỏ tất cả lại để chạy thoát thân. Nhưng rồi chuyến tàu cuối cùng cũng đã rời bến Bạch Đằng; những người còn lại đành phải quay về. Trên đường phố từng toán người dìu dắt nhau trở lại, sau khi về nhà, họ đóng cửa, chỉ nhìn ra đường qua cửa sổ, họ đã sống trong những giờ phút hãi hùng, chờ đợi, không biết những gì sẽ xãy ra. Thành phố ngưng mọi sinh hoạt

Buổi sáng 29/03/1975, trong lúc đi tìm người thân bị thất lạc, nên lúc bấy giờ tôi có mặt tại ngã ba Huế, tôi cũng như đồng bào tại thành phố Đà Nẵng đã thấy hai đoàn xe đủ loại xe jeep, xe chở khách, xe nhà binh của các đơn vị bỏ lại. Trên các đầu xe phía trước đều có cắm song song một lá cờ ngũ sắc của Phật giáo và một lá cờ nửa xanh nửa đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng của "Mặt trận Giải phóng miền Nam" và đều có gắn loa phóng thanh đang ầm ầm tiến ra hai ngã Hòa Mỹ và Phước Tường.

Đến 13 giờ cùng ngày, cả thành phố đều nghe tiếng hô vang dậy: "Chúng tôi Lực lượng Hòa hợp, Hòa giải Thị bộ Đà Nẵng, yêu cầu đồng bào hãy mau mau mở cửa chào mừng và hoan hô bộ đội giải phóng miền Nam anh hùng"!

Cả thành phố đều mở cửa nhìn ra. Trên đường phố từng đoàn xe từ hai ngã Hòa Mỹ và Phước Tường đang tiến vào thành phố, đồng bào nhìn kỹ, thì ra là hai đoàn xe đã ra đi hồi sáng sớm, chỉ khác hơn là trên các xe bây giờ chở đầy bộ đội Bắc Việt, còn được cắm thêm những cành lá mà trước đây Việt Cộng thường gọi là "cành lá ngụy trang". Tiếp theo sau là những xe thiết giáp trang bị đầy đủ hỏa tiễn phòng không, đại bác... và tiếng hô vẫn tiếp tục vang vang, bây giờ mọi người mới nhìn thấy rõ ràng, tất cả các xe ở phía trước, ngoài người tài xế, còn có một "ông" hòa giải mặc thường phục và một "vị sư" mặc áo cà sa vàng, ngồi bên cạnh, và tiếng hô đó cứ thay phiên phát ra từ hai cái miệng của hai người nầy.


Và bây giờ, tôi xin viết về một mùa xuân, hay đúng hơn một cái tết trong nhà tù, đó là "Trại cải tạo T.154", Tiên Phước; một trại giam lớn nhất của Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hôm ấy, một buổi chiều cuối năm 1983. Nắng sắp tàn trên đồi nương, nhưng chúng tôi vẫn còn làm cỏ lúa ở Đồng Cừ vì "chưa đạt chỉ tiêu". Trong đội có người ngất xỉu. Tôi báo công an xin đưa bệnh nhân vào bệnh xá trại nam cấp cứu. Khi bệnh nhân hồi tỉnh, tôi đưa người đó trở lại hiện trường lao động. Khi đi gần đến cổng, bỗng thấy có hai người trong bộ áo quần tù màu xanh đã bạc màu, người nọ níu lấy cánh tay người kia, đứng ở cổng báo cáo: "Thưa cán bộ cho phép hai người xuất trại", nghĩa là được ra tù.

Thấy vậy, tôi đến góc nhà cùm để xem hai vị đó là ai, Khi đến gần, tôi mới nhận ra đó là Thiếu tá Đỗ Công Hào, thuộc Tiểu đoàn 10 Chiến Tranh Chính Trị, và Thiếu tá Phạm Sĩ Phú là Trưởng phòng 2, Tiểu khu Quảng Tín. Tôi biết anh Hào, trong một lần chuyễn gỗ đã bị một cành cây nhọn đâm xuyên bắp chân. Nhưng công an trại không cho đi bệnh viện, cũng chẳng cấp thuốc men gì cả, nên chân anh bị nhiễm trùng làm mủ. Cuối cùng anh đã bị què một chân. Còn anh Phú bị bệnh mắt hột, công an trại cũng không cho chữa trị bằng thưốc, mà lại ra lệnh cho Trung tá Tôn Thất Biên điều trị cho anh bằng cách...châm cứu. Kết quả là anh bị mù cả hai mắt. Sau ba năm bị mù và hơn mười năm tù anh mới được "phóng thích nhân đạo" để về quê ăn Tết. Anh Hào què nhưng còn đôi mắt, tay cầm gậy dắt anh Phú mất đôi mắt nhưng còn đôi chân. Hai nạn nhân khốn khổ dắt dìu nhau bước khập khểnh ra khỏi trại tù!!!

Trước cảnh đau lòng ấy, tất cả các anh ở "nhà cấp dưỡng" (nhà bếp) và làm vệ sinh đều ngưng làm việc. Những đôi mắt rưng rưng lệ nhìn theo hai anh, cho đến khi bóng hai người khuất hẳn sau nhà khách của công an. Giữa lúc ấy, tôi nhận ra tiếng của Giáo sư dân biểu Trần Công Định nói với Giáo Sư Trịnh Thể: "Một người què dắt một người đui biết bao giờ mới tới nhà !".

Sau này, khi tôi được ra tù, về đến bến xe Tam Kỳ, tôi đã được đồng bào ở bến xe kể lại rằng: Trước đây vào một đêm giao thừa có hai người tù, một què, một đui, đã nằm ngủ trên nền gạch của phòng bán vé. Đồng bào thương cảm mời hai người vào nhà cho đỡ lạnh, cả hai người cám ơn nhưng từ chối và nói rắng họ bị đui, què nên không muốn có mặt trong nhà của bà con vào sáng mùng một Tết. Thấy vậy, đồng bào đã đem trà, bánh, mứt ra tại nền gạch của phòng bán vé để mời hai anh cùng ăn và trò chuyện suốt đêm cho đến sáng.

Khi về Đà Nẵng, gặp anh Đỗ Công Hào, tôi kể lại chuyện đó. Anh Hào cho biết, hai người ngủ ở bến xe Tam Kỳ đêm giao thừa năm ấy chính là anh và anh Phú. Anh Hào kể:

"Khi ra trại vì không có tiền đi xe, nên hai anh em tôi đã phải làm "khất sĩ" nghĩa là anh em chúng tôi phải vừa xin ăn và xin tiền để đi xe. Khi đủ tiền rồi, thì hết xe, vì là 30 tết. Nhưng may mắn, có một người dân "kinh tế mới" dùng xe Honda chở chúng tôi được một đoạn đường đến chợ quận Tiên Phước. Sau đó, chúng tôi phải đi bộ. Đến Tam Kỳ thì đã giao thừa. Nhà anh Phú ở Tam Kỳ, nhưng vì mù nên không tìm được, tôi lại không biết nhà anh Phú. Trong đêm giao thừa, không biết giờ giấc, thân đui, mù chúng tôi không dám gõ cữa đồng bào, vì sợ đầu năm mang cái xui đến cho họ, nên chúng tôi quyết định ngủ lại ở bến xe, chờ đến sáng hôm sau tôi đưa anh Phú về tận nhà, tôi mới yên tâm tìm xe ra Đà Nẵng".


Nhắc đến chuyện Thiếu tá Đỗ Công Hào, không làm sao tôi quên được ngày 29/03/1975, khi anh và một số vị Sĩ quan nữa đến trình diện tại "chùa Pháp Lâm", các anh đã bị "Lực lượng Hòa giải Thị bộ Đà Nẵng" do La Thành Tỵ làm Chủ tịch. Hiện nay, La Thành Tỵ là "Chủ tịch Ban hướng dẫn gia đình Phật tử Quảng Nam-Đà Nẵng". Đám Hòa hợp-Hòa giải đóng tại "chùa" này đã làm tình làm tội các anh, chỉ vì các anh đã vứt mất súng, nên không có "súng ngắn" để nộp. Vì vậy, anh Hào và nhiều vị nữa, đã bị bọn "Hòa giải" này la hét, nạt nộ đủ điều:
"Các anh phải giao nộp vũ khí đầy đủ, các anh cất giấu súng để làm loạn hả, không có súng, chúng tôi không cấp giấy chứng nhận đã trình diện đâu".

Người đáng thương nhất là Thiếu tá Đỗ Công Hào, nghe vậy anh về nhà đi hết hang cùng ngõ hẻm, tìm được mấy cây súng M.16, mừng quá, vác lên chùa, nhưng không ngờ anh Hào còn bị la hét to hơn nữa:

"Anh có đem cả trăm cây súng dài chúng tôi vẫn không cấp giấy, vì Sĩ quan phải nộp súng ngắn".

Cuối cùng anh phải đưa tiền cho "Đội An ninh Hòa giải", đám này sẽ lấy những cây súng đang chất thành đống cao ngất trước sân "chùa" đưa cho để nộp mới yên thân.

Và giờ đây, mặc dù đã phải trãi qua cả chục năm trong nhà tù của Việt cộng, và dù tấm thân đã tàn phế, nhưng anh Đỗ Công Hào vẫn còn giữ nguyên cái cây... "súng ngắn". Vậy, chẳng biết bọn "Hòa hợp-Hòa giải" có còn muốn Thiếu tá Đỗ Công Hào phải...trình ra cái..."cây súng ngắn" nữa hay không ???

Khi viết những dòng này, thì một mùa Xuân nữa: Xuân Kỷ Sửu, 2009, lại trở về trên Cố Hương yêu dấu. Tại hải ngoại, có nơi người Việt tỵ nạn Cộng sản vẫn phải đi làm trong màn tuyết rơi trắng xóa lạnh lẽo; và lại phải đón Xuân trong nỗi niềm cay đắng, trong nhung nhớ khôn nguôi !!!

Riêng tôi, kể từ những mùa Xuân Thanh Bình của tuổi mộng mơ, êm đềm bên mái ấm gia đình vào những năm đầu của Nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa cho đến hôm nay, tính ra tôi đã được làm người lớn quá lâu rồi, nên giờ đây tôi đã trở thành một người già. Với 34 mùa Xuân mất nước, hơn 20 mùa Xuân trên đất tạm dung.

Một lần nữa Xuân lại đến. Nhớ về những mùa Xuân cũ. Bỗng nhiên tôi không còn muốn làm người lớn nữa, mà chỉ ước mơ được sống lại như những mùa Xuân xa xưa của một thời thơ ấu. Để mỗi sáng mùng một Tết được chạy ra gốc bưởi nơi cuối ngõ, nép mình vào thân cây, để đo, để thấy mình không bao giờ lớn, và để mỗi đêm về, ngồi dưới ngọn đèn dầu, ê a bài học thuộc lòng năm cũ:

Đẹp thay Chính Thể Cộng Hòa,
Vui thay tiếng hát câu ca Thanh Bình.
Cộng Hòa như ánh Bình Minh,
Như giòng nước mát như tình lúa xanh.

Pháp quốc, cuối Đông, 2008

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét