Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 138 (01-01-2012)
Sự ra đi gần kề nhau (17-18/12/2011) và gây chấn động toàn cầu của hai nhân vật quốc tế là cựu Tổng thống Tiệp Vaclav Havel và đương kim Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Il đã làm cho thế giới nhớ lại rằng: từ khi chế độ Cộng sản xuất hiện trên trái đất (sau “cách mạng” Nga 1917) với kiểu cai trị cực quyền, cực gian, cực bạo chưa từng có, nó đã tạo nên nhiều nhân vật in dấu vết rất sâu đậm lên lịch sử theo hai chiều hướng: một là những tên ác nhân đồ tể giết hàng triệu đồng bào không ghê tay và đẩy toàn thể đất nước mình vào thảm họa, hai là những bậc chính nhân cứu tinh giải thoát nguyên cả một hay nhiều dân tộc đang rên siết dưới ách khủng khiếp của búa liềm và ra tay triệt hạ cái chế độ khốn nạn nhất hành tinh đó. Cuộc sống và ngôn hành của họ cũng gây ra nơi nhân loại những tình cảm hết sức sâu sắc: hoặc nguyền rủa không tiếc lời hoặc tôn vinh vô cùng long trọng. Và có thể nói đây là nét đặc trưng của lịch sử nhân loại thế kỷ 20 và 21.
Trước hết ta hãy điểm qua các nhân vật đã góp phần phê phán kịch liệt hay đã hạ đo ván chế độ Cộng sản mà đã được nhân loại tôn vinh bằng nhiều cách. Với giải Nobel như Nobel Hòa bình thì có nhà bác học Andrei Sakharov của Liên Xô năm 1975 (tên của ông sau đó được đặt cho một giải nhân quyền của Âu châu Nghị viện), tổng thống Lech Walesa của Ba Lan năm 1983, tổng bí thư Mikhail Gorbachev của Liên Xô năm 1990, nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc năm 2010; với giải Nobel Văn chương thì có nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn của Liên Xô năm 1970... Hai nhân vật có công lớn khác trong việc giải thể chế độ Cộng sản là giáo hoàng Gioan-Phaolô II của Công giáo và tổng thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ, tuy không giật giải Nobel, nhưng cũng được nhận những vinh dự khác. Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã được Giáo hội Công giáo hoàn vũ tôn phong Chân phước (chuẩn bị lên Hiển thánh) ngày 01-05-2011. Tổng thống Ronald Reagan -nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông (2011)- thì đã được dựng tượng tại Anh tháng 7, tại Ba Lan tháng 11 và tại nhiều nước Đông Âu khác như Hungary chẳng hạn. Về hai nhân vật này, chính người thợ điện từng làm chập mạch toàn bộ hệ thống Cộng sản Đông Âu là Lech Walesa đã nói với báo chí vào năm 2009, dịp kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ: “50% công lao thuộc về Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, 30% thuộc phong trào tranh đấu “Đoàn Kết” và sự hy sinh của nhân dân Ba Lan, 20% còn lại bao gồm những nguyên nhân khác: học thuyết chống lại đế chế Xô Viết của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, tư tưởng thức thời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, sự ủng hộ của chính phủ và công đoàn các nước dân chủ v.v…” Hôm 21-11-2011, tại buổi lễ khánh thành tượng đài Reagan ở thủ đô Ba Lan, cựu tổng thống Walesa còn khẳng định nước ông đã chẳng có tự do nếu không có vị tổng thống Hoa Kỳ này.
Về nhân vật chống cộng vừa mới từ trần ở tuổi 75 là ông Vaclav Havel -cựu Tổng thống Cộng hòa Tiệp, một trong những người khởi xướng Hiến chương 77 thời danh và tác nhân chủ chốt của cuộc Cách mạng Nhung tuyệt vời- lãnh đạo các quốc gia Âu, Mỹ và nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế khác nhau đã gửi lời phân ưu, tỏ lòng thương tiếc, cũng như tôn vinh ghi nhớ những đóng góp của ông trong việc cổ võ dân chủ, nhân quyền nói chung và trong tiến trình hòa hợp, thống nhất châu Âu nói riêng. Chẳng hạn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói Cộng hòa Tiệp đã mất đi “một trong những người con yêu nước vĩ đại... Nước Pháp đã mất một người bạn và châu Âu đã mất một trong những người khôn ngoan nhất”. Thủ tướng Anh David Cameron thì cho rằng châu Âu “nợ ông Vaclav Havel thật nhiều vì ông là người đã giúp mang tự do và dân chủ tới cho toàn châu Âu”, rằng “công lớn của ông là đã giúp người dân Tiệp thoát cảnh độc tài, bạo ngược. Hơn nữa, vũ khí mà ông đã dùng để chống bất công, bạo quyền và giúp dân mình thoát cảnh độc tài là một sự phản kháng ôn hòa chứ không phải là bom nguyên tử!” Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ghi nhận rằng chính sự đấu tranh hòa bình đó “đã làm rung chuyển nền tảng của cả một đế chế, phơi bày sự trống rỗng của một ý thức hệ hà khắc và chứng tỏ rằng sự lãnh đạo dựa trên những giá trị nhân bản còn mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã gọi ông Havel là “một cư dân châu Âu đích thực” và là “một người suốt cuộc đời mình luôn đấu tranh cho dân chủ và tự do”. Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon đã lập tức tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn tới gia đình và nhân dân Tiệp sau khi hay tin ông Havel qua đời. Giáo hoàng Bênêđíctô 16 của Giáo hội Công giáo thì trong thư tưởng niệm, đã ca ngợi sự dũng cảm của người lãnh đạo cuộc Cách mạng Nhung trong việc bảo vệ nhân quyền trong giai đoạn khó khăn gian khổ.
Tang lễ của con người vĩ đại này, như tang lễ của nhiều vĩ nhân khác, chẳng hạn Mẹ Têrêxa thành Calcutta hay Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, dù có hàng ngàn hàng vạn người tham dự với lòng tôn kính yêu mến sâu sắc, vẫn xảy ra trong bầu khí trầm lắng, chẳng có một sự ồn ào nào. Không ai khóc lớn, không ai than van, không ai lăn lộn, không ai kể lể. Niềm thương tiếc chân thành lắng sâu xuống tận đáy lòng của họ.
· Đang khi đó, cái chết của Kim Jong-Il, tên đồ tể của nhân dân Bắc Hàn, được toàn thể thế giới đón nhận ra sao? Ngoại trừ Cuba, Trung Quốc, Việt Nam –những nước Cộng sản còn lại– và một vài chế độ độc tài độc đảng khác, cái chết của Kim Jong-Il đã chẳng làm cho thế giới thương tiếc chia buồn hay tri ân tưởng niệm. Theo đài RFI ngày 23-12-2011, hôm 22-12 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có dành một phút mặc niệm cố lãnh tụ Bắc Hàn do yêu cầu của phái bộ nước này. Ông Nassir Abdulaziz Al Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng -trong sự miễn cưỡng- cho biết đây chỉ là vấn đề nghi thức và yêu cầu các đại biểu đứng lên mặc niệm. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, nói chung là tất cả các nước Liên hiệp châu Âu lập tức tẩy chay nghi thức tưởng nhớ này. Các nhà ngoại giao của mấy nước ấy nói rõ: Hội đồng Bảo an đã từ chối phút thủ tục trên, vì cho đây là một hành động không phù hợp đối với một nhân vật đã gây ra cái chết cho hàng triệu đồng bào mình. Theo ghi nhận của AFP, có chưa đến một phần ba trong số 193 quốc gia thành viên tham dự. Một nhà ngoại giao châu Á thổ lộ: phút mặc niệm này là giây phút khó chịu nhất mà ông đã phải chịu đựng. Ai đến ký vào sổ phân ưu của phái bộ Bắc Hàn đều bị quay phim, do đó một số chính khách và nhà báo đã từ chối ký hầu tránh việc hình ảnh của họ sau đó bị lợi dụng để tuyên truyền. Tưởng cũng nên nói thêm: trước đó, ngày 19-12, như thường lệ hàng năm, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án tình hình nhân quyền tại Bắc Hàn, chỉ vài giờ sau khi tin tức về cái chết của Kim Jong-Il được công bố. Có đến 123/193 phiếu thuận, 51 vắng mặt, và chỉ 16 phiếu chống, trong đó có phiếu của Trung Quốc.
Ngoài ra, cái chết của Kim Jong-Il đã làm cho một số nước láng giềng lo sợ và phải đặt trong tình trạng báo động. Ngay sau khi Bắc Hàn loan tin lãnh tụ của họ mất, quân đội Nam Hàn được lệnh ứng chiến vì chính phủ nước này lo sợ nguy cơ tấn công từ Bắc Hàn. Chính phủ Nhật triệu tập ngay Hội đồng An ninh Quốc gia để đề phòng bất cứ rắc rối về quân sự nào từ Bình Nhưỡng. Hai quốc gia này cũng lập tức hội đàm với Hoa Kỳ để phối hợp hành động trong trường hợp Bắc Hàn tỏ thái độ hung hăng và liều mạng xua quân nam tiến hay phóng hỏa tiễn liên lục địa. Cũng vì sợ có những động thái khiêu khích từ Bắc Hàn sau cái chết của ông Kim, nên thay vì gửi lời chia buồn, lãnh đạo các nước như Úc, Đức, Pháp kêu gọi chính quyền Bắc Hàn kềm chế và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cải thiện đời sống của người dân và duy trì an ninh trong khu vực.
Dĩ nhiên ai lên mạng toàn cầu hay theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng thì đều thấy đài truyền hình Bình Nhưỡng liên tiếp truyền cảnh dân Bắc Hàn, già trẻ lớn bé, nam cũng như nữ, khóc lãnh tụ của họ còn hơn khóc cha mẹ. Người ta gào thét, nức nở, gục xuống đất, kêu la thảm thiết, mồm méo xệch, chân dậm đất, tay đưa lên trời. Như thể đua nhau xem ai khóc to tiếng nhất, đau đớn nhất, chân thật nhất; chẳng khác chi một cơn lên đồng tập thể, một căn bệnh tâm thần lây lan cực mạnh, khó hiểu cho kẻ ngoại cuộc, người nước ngoài. Nhớ lại khi ông Hồ Chí Minh chết, dân miền Bắc cũng khóc tập thể thê thảm như thế. Tố Hữu mô tả: “Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”. Mao Trạch Đông cũng được “vinh dự” như vậy từ dân Tàu cộng. Staline cũng không kém chi từ dân Liên Xô. Thậm chí tên tàn sát hơn 10 triệu dân Nga này còn được Tố Hữu xưng tụng qua bài thơ bất hủ và quái đản: “Ông ơi ông hỡi ông ơi! Nay Ông đã mất đất trời còn không? Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương Ông thương mười”!?!
Phải nói là giữa đám dân khóc thương điên cuồng này, có nhiều người thành thật. Một là vì trong cái chế độ CS bất công chênh lệch ngút trời đó, họ đã được ân huệ dồi dào từ lãnh tụ. Hai là dù được những ân huệ nhỏ hơn (như tạm đủ ăn đủ mặc), họ vẫn cảm mến biết ơn, vì bị tuyên truyền nhồi sọ rằng đồng bào của họ ở vùng đất chưa “giải phóng” (Nam Hàn, Nam Việt, Đài Loan, Tây Đức) đang vô cùng khốn khổ. Còn đại đa số thì phải “khóc lên kẻo vong mạng” (vì các ống kính chĩa vào theo dõi hay các đôi mắt cú vọ rình mò), như dân miền Nam Việt Nam đã một thời phải “vỗ tay kẻo chết” trong các buổi học tập chính trị sau năm 1975. Đúng như nhà thơ Bùi Chí Vinh mới đây đã mô tả: “Bạo chúa phơi thây bằng hương vị tẩm thơm tho. Nhưng đằng sau cái xác khô là tiếng đời nguyền rủa. Từng đoàn người viếng thăm vờ vịt khóc như mưa. Nhưng đằng sau tiếng khóc là tiếng cười chó sủa”.
Tất cả những màn khóc thương thê thảm ấy trước cái chết của các lãnh tụ ác nhân sát tử đồng bào, từ Stalin đến Mao Trạch Đông, từ Hồ Chí Minh đến Kim Jong-Il, đều là những trò dàn dựng đáng ghê tởm, bộc lộ bộ mặt gian tà và độc ác của chế độ Cộng sản. Đó cũng là lời mời gọi nhân dân và nhân loại phải mau chóng xóa sổ cái chế độ chỉ biết lường gạt và khủng bố nhân dân này, sau khi đẩy họ vào cảnh khốn cùng đói khổ.
BAN BIÊN TẬP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét