Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Làm sao chống Tàu?

Sau thư bên dưới của LS Lưu Nguyễn Đạt, GS Vũ Quốc Thúc có yêu cầu LS Đạt đề nghị một giải pháp khả thi chống hiểm họa Bắc thuộc đang đe dọa nước ta trong giai đoạn lịch sử này.

Tất nhiên câu trả lời mà GS Thúc chờ là từ LS Đạt, nhưng đề tài mà GS Thúc đưa ra cũng là thao thức của những ai có quan tâm đến vận nước, nên có lẽ ai cũng có thể góp ý.


****

Với điều kiện nhân văn và địa lý giữa Trung Hoa và VN, hiểm họa Bắc thuộc không chỉ có ở giai đoạn này mà đã có từ ngàn năm trước và có lẽ sẽ kéo dài đến ngàn năm sau. Cả ngàn năm trước tổ tiên chúng ta cũng chống Bắc thuộc, lúc thành lúc bại, nhưng khó có thể tìm được một giải pháp vẹn toàn vì Trung Hoa lớn hơn VN bội phần.



Thời thế đã thay đổi. Tương quan giữa các nước Đông và Tây gần hơn đời nhà Trần, nhà Lý rất nhiều. Từ đó, ai cũng nghĩ đến giải pháp liên minh, hợp tác với các nước khác để chống lại thế lực phương Bắc khổng lồ. Giải pháp (1) này không cần nói thêm chắc ai cũng biết, tạm gọi là LIÊN MINH. Gọi là liên minh cho thanh nhã, nhưng kỳ thực muốn nhờ một cường quốc yểm trợ thì thực chất chỉ là một sự cầu viện. Thoát ách này thì lại tròng gông khác.

Nhiều người mong mỏi chúng ta có thể tự lực cánh sinh. 80 triệu người Việt tự lực, quyết chí hy sinh, chắc cũng sẽ đấu được đại lân bang Trung Cộng, nhưng sẽ như trước, thắng xong trận thì phải triều cống. Giai đoạn ấy cũng chỉ là sự chuẩn bị cho đợt Bắc thuộc kế tiếp. Dù sao thì đó cũng là một giải pháp cho hiện nay, tạm gọi là giải pháp TỰ LỰC (2).

Giải pháp liên minh (1), giải pháp tự lực (2), là những giải pháp không vẹn toàn nhưng có thể khả thi trong lúc cấp thời.

Vậy, có cách gì mà một nước nhỏ (so với Tàu) như VN, ở sát vách, mà có thể an toàn bên cạnh anh hàng xóm tối nào cũng nằm mộng bành trướng bá quyền chăng?

Có. Ngay trong lịch sử cận đại, có một anh hàng xóm, dân số chỉ bằng 1/5 anh bá quyền, nhưng đã từng đô hộ luôn cả anh bá quyền này. Đó là anh Nhật Bổn. Không phải nhỏ, ít là phải thua, vì mấu chốt của chiến thắng nằm ở tinh thần, trí óc. Muốn VN thoát được hiểm họa Bắc thuộc một cách dài hạn, VN phải mạnh như Nhật Bổn. Giải pháp dài hạn này tạm gọi là giải pháp TỰ CƯỜNG (3).

Nhưng không có cách gì một người dân không có tư thế lãnh đạo có thể đi tìm liên minh trên thế giới. Không có cách gì 80 triệu người thiếu tổ chức có thể cầm tầm vông, đào hố chông mà chống cường quốc như Tàu.

Giải pháp nào, đặc biệt là giải pháp tự cường, cũng cần và phải do tập thể lãnh đạo đảm đương. Tập đoàn lãnh đạo VN hiện nay là VC.

Có lẽ do đó mà 35 nhà trí thức đã ký một thư ngỏ đề đạt lên khối lãnh đạo VN hiện nay, mong đánh động lương tâm của họ, hay sâu hơn nữa, kích thích tâm lý đồng bào, hòng áp lực các tay lãnh đạo.

LS Trần Thanh Hiệp, LS Lưu Nguyễn Đạt và một khối đồng bào khác thì cho rằng tập thể lãnh đạo Việt Nam hôm nay, tập đoàn VC, không xứng đáng, không có ý chí và khả năng, thậm chí là những kẻ bán nước.

Thật vậy, muốn thực hiện được một trong ba giải pháp trên, hoặc tiến hành đồng thời cả hai hay ba giải pháp, thì những người lãnh đạo phải đặt quyền lợi dân tộc trên quyền lợi bản thân. Nhưng trước sự suy đồi đạo đức, trước tệ nạn tham nhũng của VN hiện nay, ai mà tin được CSVN là khối lãnh đạo xứng đáng.

Trong những nhân vật chóp bu của VC, có bao nhiêu người sợ Tàu, theo Tàu, làm tay sai của Tàu? Chắc không ít.

Trong tập đoàn lãnh đạo của VC hiện nay, đừng nói chuyện hy sinh bỏ mạng, có bao nhiêu người dám bỏ gia tài bạc triệu, bạc tỉ để lo cho đất nước, dân tộc? Chắc không có một mống nào cả.

Vũ trụ có thể vô thường nhưng sự ham quyền, cố vị, để hút máu đồng bào, bòn rút xương tủy VN, để nhét đầy túi tham của VC là bất di bất dịch.

Trong lịch sử VN không phải là không có những triều đại bạc nhược, thậm chí bán nước. Song rồi thì VN cũng dành được độc lập, nhờ vào những con người tài ba, rốt lòng vì dân, vì nước. Do đó, nhìn bàn cờ cổ kim giữa VN và Trung Quốc, chúng ta không nhất thiết phải quýnh quáng lên vì một khoảnh khắc hạ phong.

Bên cạnh đó, dù lòng yêu nước, tính quật cường của dân chúng thời nào cũng có, điều kiện đủ để thắng được Tàu là sự lãnh đạo. Cũng cùng là dân Việt trong một thời đại, Lê Chiêu Thống lãnh đạo thì mất nước, Nguyễn Huệ lãnh đạo thì vinh quang.

Lãnh đạo tồi, lãnh đạo tham lam vị kỷ, chính là mối họa mất nước.

Hiểm họa bành trướng của Tàu có thể xem là bất biến, điều này ta không thể thay đổi. Cái có thể cải biến được là cơ cấu lãnh đạo VN.

Theo thiển ý, không thể một bước là lên được trời. Không có cách gì trong một ngày, một buổi mà thoát được hiểm họa xâm lược của Tàu. Bước đầu tiên, cần phải làm nhất là lật đổ "Lê Chiêu Thống". Còn "Lê Chiêu Thống" thì không hy vọng gì tự lực, tự cường.

Người viết, do đó, không nghĩ rằng VN có một ngày thoát khỏi hiểm họa phương Bắc khi mà tập thể lãnh đạo là những người xem hầu bao của họ, quyền lợi của họ, to hơn hạnh phúc của đồng bào.

Tóm lại, chống Tàu là việc lâu dài, không phải một sớm một chiều, và Tàu cũng không thể chiếm toàn cõi VN trong một ngày một buổi như ngàn năm trước. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo tồi bại còn ngồi đó thì ngày mất nước không xa. Chuyện trước mắt, chuyện cần giải quyết trước tiên, là chống kẻ làm VN suy đồi, chống kẻ tham lam, theo Tàu, bán nước, thay đổi lãnh đạo. Giải pháp chống hiểm họa Bắc thuộc là thành lập một guồng máy lãnh đạo yêu nước, liêm chính, tài ba.

Nan đề của người viết đặt ra không phải là giải pháp chống Tàu mà là giải pháp dẹp VC.


Nguyễn văn Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét