Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Bài thứ 4 - Kỳ 1 - Phê bình cuốn sách của ông tiến sĩ Lê Mạnh Thát

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam. Phê bình (5).
01 – 54 (58).
(KỲ 1)
Tới bài Phê bình thứ 4 này tôi phê bình tập 3 của bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát.
Khi phê bình tới Tập 3 thì điều này không có nghĩa rằng những sai lầm trong Tập 2, và cả Tập 1, đã được nêu ra hết, không còn gì để nói! Lấy vài thí dụ:
Ở Tập 2 (trang 236), Lê Mạnh Thát viết:
        Về huyện An Thuận, Nguyên Hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 15a1-3 mô tả: “Huyện vốn là huyện đất Cư Phong đời Hán. Nhà Ngô đổi là Di Phong, lại chia đặt thêm huyện Thường Lạc thuộc quận Cửu Chân. Tùy Khai Hoàng năm thứ 10 (590) đổi làm hyện Ái Châu, năm thứ 16 (596) đổi làm huyện An Thuận. Hoàng triều nhân theo”.
Về huyện An Thuận ở đoạn trên, Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí chép như sau:
- An Thuận huyện. Hạ. Tây bắc chí Châu cửu lý.
Bản Hán Cư Phong huyện địa, Ngô cải vi Di Phong, hựu phân trí Thường Lạc huyện - thuộc Cửu Chân Quận. Tùy Khai Hoàng thập niên cải thuộc Ái Châu, thập lục niên cải vi An Thuận huyện. Hoàng triều nhân chi.
        /  Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí. Qu. XXXVIII. Lãnh Nam đạo 5. An Nam  /.
- Huyện An Thuận. Cấp Hạ. Châu trị ở phía Tây bắc 9 dặm.
Vốn là đất của huyện Cư Phong đời Hán, Ngô triều đổi tên là huyện Di Phong, lại phân một phần (của huyện Di Phong) lập huyện Thường Lạc - thuộc Quận Cửu Chân. Vào năm thứ 10 Niên hiệu Khai Hoàng Tùy triều đổi lại, cho thuộc Ái Châu, tới năm thứ 16 đổi thành huyện An Thuận. Hoàng triều (của ta) giữ y như vậy.
[Phụ chú. Thời Đường phân Huyện ra 7 cấp: Xích, Điện, Vọng, Khẩn, Thượng, Trung, Hạ.
Xích huyện là huyện trực thuộc Kinh đô. Điện huyện là những Thành ấp ở kế bên Kinh đô.
Còn các cấp Vọng, Khẩn, Thượng, Trung, Hạ thì tùy dân số nhiều, ít, đất đai tốt xấu, mà phân đẳng cấp.
Tham khảo: Thông Điển. Qu. XXXIII. Chức quan 15. Châu Quận - Hạ. Huyện lệnh.
                    Văn Hiến Thông Khảo. Qu. LXIII. Chức quan 17].
Ta thấy, huyện Thường Lạc tới năm thứ 16 Niên hiệu Khai Hoàng Tùy triều đổi lại, cho thuộc địa hạt Ái Châu, nhưng Lê Mạnh Thát dịch saiđổi làm huyện Ái Châu”.
Cần nói thêm: Quận Cửu Chân tức Ái Châu, cả 2 chỉ là một, chỉ đổi tên thôi! Nói rõ hơn ở đây chỉ là đổi danh xưng Quận thành Châu về mặt Hành chánh mà thôi.
Cũng về Địa lý Hành chánh, Lê Mạnh Thát viết:
        Cũng Nguyên Hòa quận huyện đồ chí 38 tờ 15a8-9 và 15b2 cho biết: “Huyện vốn là đất huyện Cư Phong đời Hán. Nhà Tấn chia đặt Tân Ngô. Tùy Khai Hoàng năm thứ 10 (590) cắt đất huyện Nhật Nam thuộc Ái Châu. Hoàng triều nhân theo. Biển ở phía đông của huyện 70 dặm”.
(LSPGVN Tập 2, cuối trang 235 đầu trang 236).
Nguyên văn đoạn trên của Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí như sau:
- Nhật Nam huyện. Hạ. Bắc chí Châu tam thập lí.
Bản Hán Cư Phong huyện địa, Tấn phân trí Tân Ngô huyện, Tùy Khai Hoàng thập niên tích trí Nhật Nam huyện, thuộc Ái Châu, hoàng triều nhân chi.
Tạc Sơn tại huyện Bắc nhất bách tam thập lí. Tích Mã Viện chinh Lâm Ấp trở phong ba nãi tạc thử sơn loan vi thông đạo, nhân dĩ vi danh.
Hải, tại huyện Đông thất thập lí.
         /  Nguyên Hòa Quận Huyện Đồ Chí. Qu. XXXVIII. Lãnh Nam đạo 5. An Nam  /.
- Huyện Nhật Nam. Cấp Hạ. Châu trị ở phía Bắc huyện 30 dặm.
Vốn là huyện địa Cư Phong đời Hán, Tấn triều phân ra lập huyện Tân Ngô; năm thứ 10 Niên hiệu Khai Hoàng Tùy triều phân lập huyện Nhật Nam, thuộc Ái Châu, Hoàng triều (của ta) giữ y như vậy.
Tạc sơn ở phía Bắc huyện 130 dặm. Xưa Mã Viện đi đánh nước Lâm Ấp, gặp sóng gió trở ngại nên đục núi ở vịnh biển làm đường lưu thông, nhân đó mà đặt tên là Tạc Sơn.
Biển ở phía Đông huyện 70 dặm.
Nguyên tắc trích dẫn: - Nếu lược bỏ một câu, hay nhiều câu của một đoạn trích dẫn thì những gì lược bỏ phải được chấm, chấm……
Thế nhưng, đối chiếu Nguyên tác và đoạn trích dẫn trên đây của Lê Mạnh Thát ta thấy giữa câu “hoàng triều nhân chi” và câu “Hải tại huyện Đông thất thập lí” của nguyên tác có 2 câu “Tạc sơn…… nhân dĩ vi danh- Lê Mạnh Thát đã lược bỏ 2 Câu sau này mà không chấm chấm…… Đoạn Lê Mạnh Thát lược bỏ tôi dịch và gạch bên dưới.
Trích dẫn như trên sẽ làm người đọc không có tài liệu Lê Mạnh Thát sử dụng nghĩ rằng các câu văn nằm liền nhau.
Tóm lại, cả 2 đoạn trích dẫn trên đây của Lê Mạnh Thát nếu không sai vì dịch sai cũng không thông căn bản về nguyên tắc trích dẫn (phương pháp làm việc).
Sau hết, sau Bài này tôi tạm thời quyết định trong thời gian tới sẽ không phí thời giờ để phê bình một cuốn sách có quá nhiều sai lầm như bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam.
Trước khi chép lại vào CD tôi đã duyệt lại những Bài phê bình trước đây, coi có những chỗ nào sơ sót, lầm lẫn hay không.
Và tôi đã tìm ra 2 chỗ:
(1). Lầm lẫn. Lầm lẫn về Tọa độ của địa danh Tỉ Ảnh (Tỉ Cảnh).
Bài Phê bình 1 ghi Tọa độ của Tỉ Ảnh:
Kinh độ 106o 25’.
Vĩ độ 17o 46’.
Bài Phê bình 3 ghi:
Kinh độ 106o 34’.
Vĩ độ 17o 40’.
Tức về Kinh độ sai số giữa 2 bài là 9’, và về Vĩ độ6’.
Tới đây tôi cẩn thận đo lại thì con số chính xác về Tọa độ của Tỉ Ảnh là:
Kinh độ 106o 26’.
Vĩ độ 17o 42’.
Khổng Tử chỉ nói có cái tai, chỉ nói “nhĩ thuận- nhưng tai tôi lại “nghễnh ngãng- mà không nói con mắt, mắt già “ngờ nghệch”, có cái thước đo ngang rồi lại đo dọc, và li và phần mấy li chia tới chia lui, bên đây lệch một chút, bên kia lạc một ít…… mà sai!
Xin điều chỉnh lại cho đúng
Bản đồ Lịch sử tôi sử dụng ở đây là:
~ Trung Quốc Lịch Sử Địa Đồ Tập. (Đệ nhị Sách) Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.
Tây Hán thời kỳ. Bản đồ 35 – 36: Giao Chỉ Thích Sử Bộ.
Bản đồ có tỉ lệ 1 / 4,900,000.
Mỗi ô vuông trên Bản đồ có cạnh là 44 mm, mỗi ô = 2o.  
Tỉ Ảnh nằm trong khoảng Kinh độ 106o đến 108o. Vĩ độ 16o đến 18o.
Kinh độ của Tỉ Ảnh từ 106o đo từ Tây qua Đông được 9.5 mm.
Vĩ độ của Tỉ Ảnh từ 16o từ Nam lên Bắc đo được 37.5 mm - tức từ Bắc đo xuống Nam là 6.5 mm, tức 15.5 mm đo từ Vĩ độ 17o (ở giữa ô) Nam lên Bắc tới vị trí Tỉ Ảnh.
Ngoài ra, cũng trong Tập Bản Đồ Lịch sử kể trên, địa danh Tỉ Ảnh cũng được ghi trong Bản đồ thời kỳ Đông Hán, Bản đồ 63 – 64: Giao Châu Thích Sử Bộ.
Tiện đây tôi xin giới thiệu Bộ Bản đồ Lịch sử nêu trên. Đây là một Bộ Bản đồ Lịch sử giá trị liên quan Cổ sử Việt Nam.
Bộ Bản đồ Lịch sử này gồm 8 Tập:
(1). Nguyên thủy xã hội. Hạ. Thương. Chu. Xuân Thu. Chiến Quốc thời kỳ.
(2). Tần. Tây Hán. Đông Hán thời kỳ.
(3). Tam Quốc. Tây Tấn thời kỳ.
(4). Đông Tấn Thập Lục Quốc. Nam Bắc Triều thời kỳ.
(5). Tùy. Đường. Ngũ Đại thời kỳ.
(6). Tống. Liêu. Kim thời kỳ.
(7). Nguyên. Minh thời kỳ.
(8). Thanh thời kỳ.
Bộ Bản đồ này được vẽ theo kỹ thuật vẽ Bản đồ ngày nay, nghĩa là có Tỷ lệ xích, và có Kinh độ, Vĩ độ.
Xuất bản lần đầu tiên (Sơ bản) năm 1982, năm 1996 in lần thứ 3. Tôi có cả 2 Ấn bản.
Có 2 loại Ấn bản, Bản bìa mỏng (Bình trang Bản) và Bản bìa cứng (Tinh trang Bản).
Chúng ta lệ thuộc Trung Quốc từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 938 Tây lịch, tức từ khoảng giữa thời Tây Hán (206 tr. Cn - 25 Cn) đến giữa thời Ngũ Đại (907 - 960).
Trong khoảng 1049 năm lệ thuộc này Địa lý Hành chánh của ta tức Địa lý Hành chánh của Trung Quốc, những kiến thức về Địa lý cổ của ta được vẽ lại rõ trong 4 Tập bản đồ từ Tập (2) đến Tập (5) trên đây.
Nghiên cứu Địa lý và Lịch sử cổ Việt Nam thì đây là Bộ Bản đồ không thể thiếu.
Cách đây mấy năm, có một ông bên Pháp viết về biên giới Việt Nam và Trung Quốc cổ khi nói về Động Như Tích thời Triệu Tống (960 - 1279), vì không thông Địa lý cổ, ông ta viết rằng “địa vực của Như Tích không thể xác định cụ thể”.
Căn cứ Bản đồ Lịch sử thời Tống (Tập 6), tôi chỉ rõ ra vị trí của Động Như Tích với cả Kinh độ lẫn Vĩ độ thì ông ta vặn vẹo hỏi rằng Tọa độ của Như Tích tôi lấy ở đâu ra?
Thiệt tức cười, những người nghĩ một cách tự mãn rằng kiến thức của mình đã đầy cho nên những gì mình không biết thì cho rằng không ai biết hết!
Những người như kể trên tôi thấy, và tôi nghĩ nhiều người cũng thấy, rất nhiều trên các Diễn đàn.  
(2). Sơ sót. Dịch thiếu.
Trong bài Phê bình 3, phần [Phụ chú] (trang 16, 17) về Luật sư Trí Hoằng, khi trích dẫn đoạn “Đại Đường Tây Vực Ký” tự thuật về Thế Thân (Vasubandhu) Bồ Tát tôi đã sơ ý không dịch câu đầu của đoạn trích dẫn:
- Vô Trước giảng đường cố cơ Tây bắc tứ thập dư lí chí cố Già lam, Bắc lâm Cắng Già hà, trung hữu chuyên Toát đổ ba cao bách dư xích, Thế Thân Bồ Tát sơ phát Đại Thừa tâm xứ.
Thế Thân Bồ Tát tự Bắc Ấn Độ chí ư thử dã……
- (Từ) nền cũ của giảng đường của Vô Trước, theo hướng Tây bắc, đi hơn 40 dặm thì đến một ngôi Chùa cổ, mặt Bắc Chùa day ra Sông Hằng, bên trong (tường rào) Chùa có Tháp miếu, xây bằng gạch cao hơn 100 thước, đây là nơi Bồ Tát Thế Thân mới bắt đầu phát tâm Đại Thừa.
Lúc Bồ Tát Thế Thân từ Bắc Ấn Độ tới đây……
Xin bổ túc đoạn dịch thiếu dẫn trên.
Sau cùng:
+ Ngày 27 / 2, năm 2006, bạn thân tôi, anh Lê Hòa Huyền Thanh Lữ (không còn nữa) gởi cho tôi một Bài viết 14 trang của Lê Mạnh Thát nói về bài thơ Thiệu Long Tự của Thẩm Thuyên Kỳ (? - ?) đời Đường.
Sau đó tôi viết bài Chỉ Một Phần Của Một Bài Viết, phê bình bài viết 14 trang kể trên của Lê Mạnh Thát.
Sau này, khi mượn được Bộ LSPGVN tôi mới hay Bài viết nói trên của Lê Mạnh Thát là một phần (từ trang 201 đến trang 217) trong Tập 2 của Bộ LSPGVN, được trích ra làm một bài viết riêng.
Và như vậy Bài phê bình năm 2006 nói trên của tôi chính là Bài phê bình đầu tiên trong loạt bài Phê bình Bộ LSPGVN. Và bài này đây là Bài thứ 5.
                                                                           #
Bài này phê bình một phần trong Tập 3 của bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam.
Phần này Lê Mạnh Thát tự thuật về cuộc chiến giữa Lý triều (1009 - 1215) Việt Nam và triều Bắc Tống (960 - 1127) bên Trung Quốc, vào cuối năm 1075 (năm Ất Mão), và đầu năm 1076 (năm Bính Thìn), rồi sau đó là vào cuối năm vừa kể.
Tài liệu chủ yếu Lê Mạnh Thát sử dụng để viết Phần này là bộ Sử thư hết sức trứ danh chép về thời kỳ Bắc Tống, bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, của Sử học gia Lý Đáo (1115 - 1184) triều Nam Tống (1127 - 1279).
Có điều, ở đây người ta vẫn thấy cái “thông lệ” của ông Lê Mạnh Thát khi trích dẫn các tài liệu, Sử liệu Hán văn! “Thông lệ” này là trong hầu hết các trường hợp trưng dẫn ông Lê Mạnh Thát chỉ cho biết Sách đó, sách đó “cho biết” như vậy, như vậy...... không dẫn nguyên văn, nhất là những đoạn quan trọng, hoặc những đoạn cần phân tích thêm để làm rõ nghĩa câu văn, từ đó ý của tác giả...... có hơn là cho biết Quyển thứ (mấy), và ở tờ nào (a, b, c......) của Sách.
                                                                           & 
CUỘC TIẾN CHIẾM CÁC CHÂU KHÂM, LIÊM VÀ UNG CHÂU NĂM 1075.
Lê Mạnh Thát viết:
        “Trước hết Vương An Thạch cho lệnh tổ chức lại quân đội vùng biên giới…… Tiếp đến, họ Vương bổ nhiệm tên hiếu chiến Thẩm Khởi coi Quế Châu kiêm luôn chức Kinh lược sứ Quảng Tây và cho phép y “từ nay nếu ở Quảng Tây có vụ việc biên giới, sẽ theo lệ Thiểm Tây, để ty kinh lược được xử trí rồi tâu sau”, như Tục tư trị thông giám trường biên 242 tờ 14a đã ghi. (1073). Thẩm Khởi là kẻ đã tuyên bố: “Giao Chỉ là đồ hèn mọn, không lẽ gì là không lấy được”.
(LSPGVN. tr. 118).
Tra lại Quyển CCXLII (242) Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên” thì không thấy chỗ nào chép câu từ nay nếu ở Quảng Tây có vụ việc biên giới, sẽ theo lệ Thiểm Tây, để ty kinh lược được xử trí rồi tâu sauở đâu hết! Quyển CCXLII này có đoạn chép:
- “Hi Ninh lục niên.
Nhị nguyệt. Ất Hợi sóc……
Tân Sửu. Quyền Đạc Chi Phó sứ, Hình Bộ Lang Trung, Tập Hiền Điện Tu soạn Thẩm Khởi vi Thiên Chương Các Đãi chế, tri Quế Châu”.
- “Năm thứ 6 Niên hiệu Hi Ninh.
Tháng 2. Mồng 1 ngày Ất Hợi…….
Ngày Tân Sửu. Quyền Phó sứ Đạc Chi, Lang Trung Bộ Hình, Tu soạn Tập Hiền Điện Thẩm Khởi (được chỉ định) làm Thiên Chương Các Đãi chế, trấn nhiệm Quế Châu.
[Phụ chú. Ngày Ất Himồng 1 tháng 2, tính lần tới, ngày Tân Sửu là ngày 27 tháng 2]. 
Sau đoạn dẫn trên cho đến hết Quyển CCXLII (Quyển 242) không có chỗ nào ghi chép câu (in đỏ, gạch dưới) mà Lê Mạnh Thát viết ở đoạn dẫn trên!
(BỘTư Trị Thông Giám” của Sử học gia Tư Mã Quang (1019 - 1086) - biên soạn vào khoảng đầu triều Bắc Tống (960 - 1127) - chỉ chép đến hết thời Ngũ Đại (907 - 960).
Sử học gia Lý Đáo (1115 - 1184) thời Nam Tống (1127 - 1279) tiếp theo đó đã bỏ ra 40 năm để biên soạn Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên”, là Bộ Sử nghiên cứu tinh tường nhất về thời kỳ Bắc Tống, hơn bất cứ Bộ Sử nào soạn về cùng thời kỳ này!
Và sau cùng, đến Thanh triều (1644 - 1911), Sử học gia Tất Nguyên (1730 - 1797) lại biên soạn Bộ “Tục Tư Trị Thông Giám”. Bộ Sử thư này lại chép thêm 1 giai đoạn nữa, nối tiếp từ thời kỳ  Nam Tống [1127 - 1279] đến hết triều Nguyên [1279 - 1368]. Bộ này ghi chép rất sơ lược.
Để phân biệt, Sử học Trung Quốc đã giản lược gọi Bộ Sử của Lý Đáo là “Trường Biên”, và Bộ Sử của Tất Nguyên là “Tục Tư Trị”)
Lê Mạnh Thát viết:
        Tục tư trị thông giám trường biên 272 tờ 7b cho biết ngày 23 tháng giêng năm Bính Thìn (1 / 3/ 1076), sau hơn 40 ngày đánh phá với việc dùng thang dây, bao đất, cùng các phép hỏa công, thổ công, v.v..., quân ta đã lọt vào thành và làm chủ hoàn toàn”.
(LSPGVN. tr. 128).
 + “Thang dâymà Lê Mạnh Thát nói ở đoạn trên, bộ “Trường Biên” ghi là “vân thê”.
Vân thê không phải là thang dâynhư Lê Mạnh Thát dịch sai!
Sau đây là hình cái “vân thê”.
                                                           Vân Thê.
Minh Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét