Trần Gia Phụng
1.- VẬN MỆNH VIỆT NAM TRONG TAY NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Trong điều 1 hòa ước Pháp Việt ngày 6-6-1884, có đoạn nguyên văn như sau: “…Nước Pháp đại diện cho nước Nam trong các việc giao dịch với nước ngoài…” Như thế có nghĩa là từ năm 1884 tất cả những vấn đề ngoại giao của Việt Nam đều do Pháp quyết định.
Đến
thế chiến thứ hai (1939-1945), đế quốc Nhật Bản thao túng Đông Dương từ
năm 1940, nhưng mãi đến ngày 9-3-1945, Nhật Bản mới đảo chánh, lật đổ
Pháp. Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ngày 11-3-1945. Tuy nhiên nền độc lập quá mong manh, vì vua Bảo Đại dựa vào Nhật, mà Nhật sắp thất trận.
Sau
khi Đức đầu hàng ngày 7-5-1945, nguyên thủ các nước Hoa Kỳ, Anh và Liên
Xô họp hội nghị thượng đỉnh tại thị trấn Potsdam (gần Berlin,thủ đô
nước Đức), từ ngày 17-7 đến 2-8-1945, có mục đích bàn về các vấn đề hậu chiến tại Đức. Hoa
Kỳ thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 16-7, nên chọn ngày 17-7 để
bắt đầu hội nghị Potsdam, nhằm tăng uy lực cho Hoa Kỳ trong các cuộc
thương thuyết. Bên cạnh đó, cũng tại Potsdam, đại diện Hoa
Kỳ, Anh và Trung Quốc (không họp hội nghị Potsdam, nhưng đồng ý qua
truyền thanh) cùng
gởi một tối hậu thư cho Nhật Bản ngày 26-7-1945. Lúc đó, Nhật Bản còn tiếp tục chiến đấu ở Á Châu. Liên Xô không tham dự vào tối hậu thư vì Liên Xô chưa tham chiến ở Á Châu và chưa tuyên chiến với Nhật Bản.
Tối
hậu thư nầy, thường được gọi là tối hậu thư Potsdam, buộc Nhật Bản phải
đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận những điều kiện của Đồng minh, như
chấm dứt quân phiệt, giải giới quân đội, từ bỏ đế quốc... Cũng theo tối
hậu thư Potsdam, tại Đông Dương quân Nhật sẽ bị giải giới do quân Trung
Quốc ở bắc và do quân Anh ở nam vĩ tuyến 16. Như thế, qua tối hậu thư Potsdam, các cường quốc tự ý quyết định tương lai chính trị cho Việt Nam mà không có đại diện của Việt Nam.
Tối
hậu thư Potsdam không đề cập đến ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân
đội Nhật bị giải giới và rút về nước, nghĩa là không đưa ra một giải
pháp chính trị cho tương lai Đông Dương. Phải chăng các
cường quốc cố tình tạo ra một khoảng trống hành chánh và chính trị ở
Đông Dương, nhằm sử dụng Đông Dương làm chiến lợi phẩm đổi chác với
nhau, hay đổi chác với Pháp? Nhân cơ hội nầy, Pháp hết sức vận động với cả hai nước Anh và Trung Quốc để Pháp tái lập quyền bảo hộ Đông Dương.
Ngay sau khi Nhật Bản đầu
hàng ngày 14-8-1945, mặt trận Việt Minh (VM) do Hồ Chí Minh và đảng
Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) điều khiển, nhanh tay cướp chính quyền và lập
chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945. Trong
khi đó, để giải giới quân đội Nhật, tướng Douglas Gracey chỉ huy quân
Anh đến Sài Gòn ngày 13-9-1945 và tướng Lư Hán cầm đầu quân Quốc Dân
Đảng Trung Quốc đến Hà Nội ngày 14-9-1945.
Pháp ký với Anh Tạm ước về hành chính và tư pháp tại London ngày 8-10-1945, theo đó Anh giao quyền cho Pháp cai trị phía nam vĩ tuyến 16 ở Việt Nam. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, tr. 275.) Sau
đó, Pháp ký với Quốc Dân Đảng Trung Quốc hiệp ước tại Trùng Khánh
(Chongqing) ngày 28-2-1946, nội dung là Trung Quốc chịu cho quân Pháp
thay thế ở bắc vĩ tuyến 16, và ngược lại Pháp nhường cho Trung Quốc
nhiều quyền lợi kinh tế ở Bắc Kỳ cũng như ở Trung Quốc.(Chính Đạo, s đd. tr. 311.) Như thế các nước Anh, Trung Quốc,
Pháp xem Việt Nam như một món hàng trao đổi, buôn bán với nhau.
2.- VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH LẠNH
Sau khi Nhật Bản đầu hàng (14-8-1945), thế chiến thứ hai chấm dứt. Các nước thắng trận chia thành hai khối: một
bên là Hoa Kỳ cùng các nước Tây Âu theo chủ nghĩa tư bản, và một bên là
Liên Xô cùng các nước Đông Âu do Liên Xô mới chiếm đóng, theo chủ nghĩa
cộng sản. Hai khối tư bản và cộng sản tranh chấp quyết
liệt trên tất cả các lãnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự; tăng
cường sức mạnh cho mình và khối của mình, đồng thời tìm cách làm suy
yếu khối đối phương. Tuy nhiên hai
bên tránh đụng độ trực tiếp với nhau vì cả hai bên đều thủ đắc võ khí
nguyên tử, sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra thì cả hai bên đều thiệt hại
thảm khốc. Tình trạng tranh chấp căng thẳng nhưng không đánh nhau nầy gọi là chiến tranh lạnh. (Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử ngày 29-8-2040.)
Trong khi đó, sau thế chiến thứ hai, phong trào giải thực chống đế quốc lan tràn khắp nơi. Lợi
dụng hoàn cảnh nầy, Liên Xô tiếp tục chủ trương xuất cảng cách mạng,
xúi giục và giúp đở các nước nhỏ bị các nước Tây phương đô hộ vào thế kỷ
trước, đứng lên giành độc lập, rồi sau đó gia nhập khối Liên Xô. Các
cuộc võ trang nổi dậy, hoặc các cuộc nội chiến tranh chấp quyền lực,
tạo nên những cuộc chiến cục bộ, là những điểm nóng địa phương trong
chiến tranh lạnh toàn cầu.
Ở Á Châu, sau thế chiến hai, các điểm nóng quan trọng là Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, chiến tranh Quốc Cộng ở Trung Quốc tái diễn ngày 20-7-1946. Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) thành công, lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) ngày 1-10-1949. Sự ra đời của CHNDTQ tăng cường sức mạnh cho khối CS và gây nhiều ảnh hưởng ở Á Châu.
Trước sự thành công của đảng CSTQ, Hoa Kỳ rất lo ngại sự bành trướng của CS ở Á Châu. Từ
tháng 1-1950, thượng nghị sĩ Joseph Raymond McCarthy, thuộc đảng Cộng
Hòa, tiểu bang Wisconsin, phát động chiến dịch “tố cộng”, thịnh hành đến
nỗi người ta còn gọi là chủ thuyết McCarthy (Carthyism).
Tại
Triều Tiên, sau thế chiến thứ hai, Triều Tiên được chia ở vĩ tuyến 38:
phía Bắc do Liên Xô tạm chiếm và phía Nam do Hoa Kỳ tạm chiếm. Tại
miền Nam, năm 1948 quốc hội được bầu ra và soạn thảo hiến pháp, công bố
thành lập Cộng Hòa Triều Tiên (Republic of Korea), thủ đô là Hán Thành
(Seoul). Tại miền Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều
Tiên (Democratic People's Republic of Korea) được thành lập ngày
9-9-1949, thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyong-yang). Với sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc giúp Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên
ngày 25-6-1950. Nam Triều Tiên được Hoa Kỳ giúp đỡ, vận động đưa quân Liên Hiệp Quốc (LHQ) chống Bắc Triều Tiên. Sau
thời gian đánh qua, đánh lại, ngày 27-7-1953, hai bên Nam và Bắc Triều
Tiên đình chiến và trở lại vị trí trước chiến tranh ở vĩ tuyến 38 Bắc.
Tại Việt Nam, nhờ sự giúp đỡ của Anh, quân Pháp chiếm Nam Kỳ, rồi tiến ra Trung và Bắc Kỳ, đe dọa chính phủ VNDCCH. Hồ Chí Minh nhượng bộ, ký thỏa ước Sơ bộ
ngày 6-3-1946, sẵn sàng tiếp đón quân Pháp đến thay thế quân Trung Quốc
để giải giáp quân Nhật (điều 2), trái với lời Hồ Chí Minh thề khi đọc
bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2-9-1945: “Nếu Pháp đến xâm lăng lần
nữa thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho
Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.” (Tô Tử Hạ, 60 năm chính phủ Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Thông Tấn,
2005, tr. 26.) Hồ Chí Minh còn ký Tạm ước (Modus
Vivendi) tại Paris tối 14-9-1946 với Marius Moutet, bộ trưởng Pháp quốc
hải ngoại, gồm 14 điều khoản, một lần nữa nhượng bộ để cho Pháp tái tục
các hoạt động kinh tế, tài chính, giao thông, văn hóa trên toàn quốc
Việt Nam.
Sau hai hiệp ước nầy, quân Pháp đến Bắc Kỳ càng ngày càng đông. Tại Hà Nội, tự vệ VM dựng nhiều rào cản, gây trở ngại. Quân
Pháp gởi tối hậu thư cho VM ngày 18-12-1946, báo rằng nếu VM không duy
trì được an ninh ở Hà Nội, thì Pháp sẽ phụ trách an ninh kể từ
20-12-1946. Nếu quân Pháp giữ gìn an ninh Hà Nội, thì toàn bộ lãnh đạo VM, đảng CSĐD và cả Hồ Chí Minh ở Hà Nội, đều nằm trong tay Pháp. Không
thể để bị Pháp bắt và cũng không thể tự nhiên bỏ trốn khỏi Hà Nội, Hồ
Chí Minh
liền hô hào toàn dân kháng chiến chống Pháp tối 19-12-1946, nhằm tạo cơ
hội cho Hồ Chí Minh và lãnh đạo CS thoát thân khỏi Hà Nội mà không bị
tai tiếng chạy trốn. Từ đó bùng nổ cuộc kháng chiến chống Pháp.
Vì
không biết bị Hồ Chí Minh phỉnh gạt, lúc đầu toàn dân Việt Nam hưởng
ứng cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng càng ngày Hồ Chí Minh và mặt trận
VM càng để lộ chân tướng cộng sản, nên các thành phần theo chủ nghĩa
dân tộc quy tụ chung quanh cựu hoàng Bảo Đại. Bảo Đại thương thuyết với Pháp, đưa đến kết quả là cựu hoàng Bảo Đại ký kết với tổng thống Pháp Vincent Auriol hiệp định Élysée ngày 8-3-1949, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam (QGVN), chống lại VNDCCH. Từ nay, cuộc kháng chiến chống Pháp biến thành của
chiến tranh Quốc Cộng.
Sau
sự kiện trên, chiến tranh Việt Nam bước vào một giai đoạn mới khi Trung
Quốc (ngày 18-1-1950), rồi Liên Xô (ngày 30-1-1950) thừa nhận VNDCCH;
trong khi Hoa Kỳ (ngày 4-2-1950), rồi Anh Quốc (ngày 7-2-1950) thừa nhận
QGVN. Các cường quốc càng ngày càng góp lửa vào chiến tranh Việt Nam. Nhờ
sự viện trợ về mọi mặt của Liên Xô và nhất là Trung Quốc (nước láng
giềng phía bắc), Hồ Chí Minh và đảng CSVN thắng thế, cao điểm là trận
Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Trước tình hình mới, các cường quốc lại họp nhau tại Genève từ ngày 8-5-1954, tìm giải pháp cho chiến tranh Việt Nam. Theo giải pháp chia hai Triều Tiên, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam
được ký kết ngày 20-7-1954 tại Genève, chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17:
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, và
Quốc Gia Việt Nam ở phía nam do Bảo Đại làm quốc trưởng. Một lần nữa, số phận Việt Nam do các cường quốc sắp đặt với nhau, và buộc hai phe Việt Nam chấp
hành.
Trước
khi ký kết hiệp định Genève, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc mời Hồ
Chí Minh sang Liễu Châu (Liuzhou) thuộc tỉnh Quảng Tây, họp từ ngày 3
đến ngày 5-7-1954. Tại đây, Chu Ân Lai ép Hồ Chí Minh phải
chấp nhận giải pháp chia hai nước Việt Nam do các cường quốc đưa ra,
đồng thời Chu Ân Lai đưa kế hoạch cho Hồ Chí Minh rằng trước khi rút ra
Bắc, Hồ Chí Minh nên gài cán bộ ở lại miền Nam, đồng thời phân tán và
chôn giấu võ khí ở lại miền Nam, chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến
tranh.
Sau hội nghị Liễu Châu, và trước khi ký hiệp định Genève, Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động ngày 15-7-1954, trình bày mục tiêu chiến đấu mới của CSVN. Hồ Chí Minh tuyên bố: “Mỹ
không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ
thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Miên Lào...Mũi nhọn của ta cũng
như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7: 1953-1955, xuất bản
lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 314-315.) Lúc
đó Hoa Kỳ chưa chính thức can thiệp vào Việt Nam, mà Hồ Chí Minh đã
chỉa mũi nhọn vào Hoa Kỳ, chẳng qua chỉ vì Hồ Chí Minh theo chân Liên Xô
và Trung Quốc, tấn công Hoa Kỳ nhằm lập công với hai nước nầy.
Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Phía bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Phía nam là Quốc Gia Việt Nam và đổi thành Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1955. Khi
Hoa Kỳ viện trợ cho miền Nam Việt Nam tái thiết đất nước, chưa đem quân
vào Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 7-1-1959, trên báo Tin Tức
(Liên Xô), số đặc biệt về nước VNDCCH, rằng VNDCCH là tiền đồn của QTCS. “Như vậy là ở Đông Nam
Á, chúng tôi đã đứng ở tiền đồn của mặt trận dân chủ và hòa bình toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, 1958-1959, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 309.)
Phát
động chiến tranh tấn công miền Nam Việt Nam sau nghị quyết của Hội nghị
Trung ương đảng Lao Động ngày 13-5-1959 và sau Đại hội III đảng Lao
Động từ ngày 5 đến 10-9-1960, CSVN đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”. Thực chất, Lê Duẫn, bí thư thứ nhất đảng LĐ cho biết: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, tr. 422.)
Trong
khi đó, Hoa Kỳ và khối tư bản cho rằng khi một nước bị cộng sản chiếm
quyền, thì các nước lân bang dần dần sẽ bị mất vào tay cộng sản, nghĩa
là một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sụp theo. Đó là nguồn gốc thuyết domino tại các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Vận dụng thuyết địa lý chính trị nầy, Hoa Kỳ can thiệp vào các nước Đông Nam Á, hầu ngăn chận sự bành trướng của cộng sản.
Trước
sự bành trướng của CS tại Á Châu, đại diện ba nước Australia (Úc), New
Zealand (Tân Tây Lan), United States of America (USA) (Hoa Kỳ) họp tại
San Francisco (Hoa Kỳ) ngày 1-9-1951, ký hiệp ước thành lập khối quân sự
ANZUS, nhằm hợp tác phòng thủ nếu xảy ra các cuộc tấn công trên Thái
Bình Dương được xem là ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của mỗi nước và
các nước khác trong khu vực. Khối ANZUS không lập lực
lượng riêng, chỉ họp hằng năm cấp bộ trưởng ngoại giao để duyệt xét tình
hình và họp bất thường khi một trong ba nước thành viên yêu cầu vì an
ninh bị đe dọa.
Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Hoa Kỳ vận động ký kết Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, ngày 8-9-1954. Từ
đó ra đời Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty
Organization, SEATO), gồm các nước (theo thứ tự ABC) Australia, France,
New Zealand, Pakistan, Philippines, Thailand, United Kingdom (Anh), và
United States of America. Trong phụ bản của hiệp ước, ba nước Cambodia, Laos và Việt Nam được liệt kê
trong vùng lãnh thổ được bảo vệ. Hoa Kỳ dựa vào phụ bản hiệp ước nầy để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á.
3.- CHIẾN TRANH GIỚI HẠN TRONG CHIẾN TRANH LẠNH
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được khối CSQT hậu thuẫn, quyết định tấn công VNCH năm 1960. Việt Nam Cộng Hòa ở thế tự vệ, phải nhờ đến sự giúp sức của Hoa Kỳ và đồng minh chống lại cuộc tấn công của cộng sản. Khi
can thiệp vào Việt Nam, Hoa Kỳ nhắm mục đích chính là ngăn chận sự bành
trướng của CS, nhất là của CS Trung Quốc, nhằm phòng thủ từ xa để chủ
nghĩa CS không thâm nhập vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các chính phủ Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi chiến tranh Triều Tiên, nên chủ trương
“chiến tranh giới hạn”. (Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 306.)
Nguyên trong chiến tranh Triều Tiên, ngày 25-6-1950, Bắc Tiều Tiên (BTT) xâm lăng Nam Triều Tiên (NTT), chiếm Hán Thành. Ngày 12-9-1950, đại tướng Douglas MacArthur cầm đầu quân đội Liên Hiệp Quốc (LHQ), đẩy lui Bắc quân, tái chiếm Hán Thành. Ông
tiếp tục truy đuổi Bắc quân, vượt vĩ tuyến 38, chiếm Bình Nhưỡng và
tiến đến sông Áp Lục (Yalu River), vùng biên giới Trung Quốc. Lấy cớ quân LHQ đe dọa biên giới, khoảng 250,000 chí nguyện quân Trung Quốc vượt biên giới, giúp BTT ngày 26-11-1950. Trung Quốc dùng chiến thuật biển người,
đẩy lui quân LHQ, chiếm Hán Thành. Matthew Ridgway thay
thế tướng MacArthur, cầm quân LHQ, đuổi cộng quân khỏi vĩ tuyến 38 tháng
1-1951, chứ không tiến xa lên phía bắc.
Lần
nầy ở Đông Dương, tuy Hoa Kỳ giúp VNCH chống lại CSBV, nhưng vẫn lo
lắng Trung Quốc có thể dựa vào lý do Hoa Kỳ hăm dọa vùng biên giới phía
nam Trung Quốc để tung quân vào Việt Nam như đã từng làm ở Triều Tiên. Lúc đó, dân số Trung Quốc đông gấp bốn lần dân số Hoa Kỳ. Để
tránh trường hợp Trung Quốc can thiệp, Hoa Kỳ chủ trương “chiến tranh
giới hạn” (limited war), tức giới hạn mục tiêu tấn công, không đánh ra
Bắc, như trước đây Mac Arthur đã từng đánh ra Bắc Triều Tiên, nhất là
tránh khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Trong
cuộc chiến từ 1960 đến 1975 tại miền Nam Việt Nam, CSVN vừa dùng khủng
bố, vừa dùng chiến thuật du kích, rồi tiến lên chiến tranh quy ước. Du kích là rình mò tấn công lẻ tẻ, làm tiêu hao lực lượng đối phương. Khủng
bố nguy hiểm hơn, chẳng những là tấn công hủy diệt, mà khủng bố còn là
đòn chiến tranh tâm lý cân não, uy hiếp làm cho dân chúng kinh hoàng và
khiếp sợ suốt đời. Quân đội Hoa Kỳ cũng như quân đội VNCH
(khi còn được trang bị đầy đủ), đánh trả hữu hiệu những cuộc tấn công
lớn của CS, nhưng không có
đối sách nào có thể dẹp yên hoàn toàn được khủng bố và du kích CS.
Ai cũng biết khủng bố, du kích và cả chiến tranh quy ước luôn luôn phải có hậu phương yểm trợ. Khủng bố, du kích CS phát xuất từ Bắc Việt Nam. Bắc
Việt Nam hay VNDCCH chính là kẻ chủ trương, nuôi dưỡng khủng bố và du
kích ở Nam Việt Nam, là hang ổ của khủng bố, du kích và quân đội chính
quy CS ở miền Nam, là nguồn tiếp liệu to lớn về tất cả các mặt cho CS
miền Nam. Đánh rắn phải đánh đầu. Bứng cây phải đào tận gốc. Muốn
dẹp khủng bố, du kích CS
tại miền Nam Việt Nam, thì phải tấn công sào huyệt của khủng bố và du
kích ở Bắc Việt Nam, chận đứng hậu phương của CS, chận đứng nguồn tiếp
liệu liên tục của CS, và buộc Bắc Việt Nam từ bỏ cuộc tấn công Nam Việt
Nam. Nếu không đánh Bắc Việt Nam, CS Nam Việt Nam cứ tiếp tục khủng bố và du kích không ngừng nghỉ.
Các
tướng lãnh VNCH thấy rõ điều nầy và nhiều lần đề nghị Bắc tiến, đánh ra
phía bắc vĩ tuyến 17, lấy thế công làm thế thủ, buộc CSVN phải lui về
phòng ngự đất Bắc, ngưng hoặc giảm tiếp liệu cho du kích miền Nam, hoặc
dựa vào đó để thương thuyết với CS, buộc CS Bắc Việt chấm dứt tiếp tế du
kích miền Nam, như liên quân Liên Hiệp Quốc đã làm ở Triều Tiên.
Tuy
nhiên Hoa Kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn, không chấp nhận kế hoạch
Bắc tiến, không viện trợ phương tiện cho các kế hoạch Bắc tiến và chận
đứng ngay các kế hoạch Bắc tiến của quân đội VNCH.
Có thể kể các ví dụ: Ngày
4-5-1964, trung tướng Nguyễn Khánh đề nghị với đại sứ Cabot Lodge mở
rộng chiến tranh ra Bắc. (Vietnam Task Force - Office of the Secretary
of Defence, United States - Vietnam Relations 1945-1967, Washington D.C.: 2011. Part IV. C. 1., p. a-7.) Trong cuộc mít-tinh ngày 19-7-1964, thủ tướng Nguyễn Khánh công khai hô hào Bắc tiến. (John S. Bowman, The Vietnam War: Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tt. 42.) Kết quả, Nguyễn Khánh bị các tướng trẻ đẩy ra nước ngoài làm đại
sứ. Không biết Hoa Kỳ có nhúng tay vào vụ nầy hay không?
Ngày
1-12-1965, trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Vùng I Chiến thuật
kiêm tư lệnh Quân đoàn I viết thư cho chính phủ, đưa ra đề nghị Bắc
tiến. Tướng Thi cũng công khai đề nghị với người Mỹ. (Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam, một trời tâm sự, California: Nxb. Anh Thư, 1987, tt. 319-334.) Tướng Thi sau đó bị cách chức vào tháng 3-1966, đưa đến vụ Biến động miền Trung.
Khi
mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tấn công qua Hạ Lào tháng 1-1971, tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu đề nghị với Hoa Kỳ là VNCH đưa một sư đoàn tiến
qua phía bắc vĩ tuyến 17 như một chiến thuật đánh lạc hướng CSVN, nhưng
Hoa Kỳ không chấp thuận. (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter , Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., không đề năm xuất bản, tr. 75 và tr. 116.)
Trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, Bắc Việt tràn quân qua vĩ tuyến 17, tấn công VNCH. Viện
dẫn lý do nầy, Quân đoàn I đưa ra đề nghị đánh thẳng qua sông Bến Hải,
nhằm đe dọa hậu cứ địch, nhưng cố vấn Mỹ không đồng ý. Lo
ngại Quân đoàn I có thể tự ý tiến quân ra Bắc, các cố vấn Mỹ giới hạn
việc cấp bổng tiếp vận cho Lữ đoàn 1 Kỵ binh 20 gallons xăng mỗi ngày
cho một xe, đạn pháo binh chỉ được bắn 5 quả mỗi ngày cho một khẩu và
ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn. (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh,
Texas: 2005, tr. 103.) Cuối năm 1972, Hoa Kỳ rút hết quân khỏi Việt Nam.
Về Không quân, ban đầu Hoa Kỳ chỉ cung cấp các chiến đấu cơ loại cánh quạt cho Không quân VNCH. Trong
năm 1965, khi mở màn tấn công Bắc Việt, các phi công VNCH lái các loại
máy bay AD5 (2 chỗ ngồi) và AD6 (một chỗ ngồi) tức khu trục cơ cánh quạt
Skyraider (Thiên kích), bay xa nhất đến Hà Tĩnh lại phải quay về liền. Sau
năm 1965, Không quân VNCH không còn bay ra Bắc nữa. Khi cung cấp phản
lực cơ chiến đấu cho Không quân VNCH, Hoa Kỳ chỉ cung cấp loại phản lực
F-5 và A-37, chứa nhiên liệu ít, nên không ở lâu trên không trung và
không bay xa được để khỏi tấn công đất
Bắc.
Theo
hồi ký của đại tướng Cao Văn Viên, nguyên là tổng tham mưu trưởng quân
lực VNCH, thì vào năm 1966, ông đưa ra một chiến lược 7 điểm, trong đó
điểm thứ 6 là đổ bộ lên Vinh (tỉnh Nghệ An) hay Hà Tĩnh (tỉnh Quảng
Bình), tuy nhiên kế hoạch nầy không được thi hành. (Cao Văn Viên, Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, tr. 288.)
Cũng
trong năm 1966, nhận thấy quân Bắc Việt qua vùng phi quân sự, xâm nhập
tỉnh Quảng Trị, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, tướng William
Westmoreland đề nghị với bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dùng lực lượng quốc tế lập
phòng tuyến KANZUS, chận ngang qua khu phi quân sự, chống sự xâm nhập
và bảo vệ miền Nam Việt Nam. KANZUS viết tắt của các chữ Korea, Australia, New Zealand và United States. Đại
sứ các nước nầy tại Sài Gòn đều chấp thuận kế hoạch KANZUS, nhưng kế
hoạch KANZUS bị Washington DC bác bỏ. (William C. Westmoreland, A Soldier
Reports, New York: Da Capo Press, 1989, tr. 197.) Westmoreland không giải thích vì sao chính phủ Hoa Kỳ từ chối. Phải chăng Hoa Kỳ không muốn gây sự hiểu lầm về sự hiện diện của một lực lượng đa quốc tại vùng phi quân sự.
Rõ ràng vì chủ trương “chiến tranh giới hạn”, Hoa Kỳ không chấp nhận tất cả những kế hoạch tấn công Bắc Việt bằng bộ binh như ở Triều Tiên. Nếu
không tấn công hậu cứ CSVN ở Bắc Việt Nam để CSVN lui về thế thủ, chấm
dứt tiếp liệu cho CS miền Nam, thì không có cách gì có thể chận đứng nạn
khủng bố, nạn du kích ở miền Nam và cũng không thể chận đứng nguồn tiếp
liệu của CSVN, để CSVN có thể mở những trận đánh lớn trên khắp miền Nam
Việt Nam. Các tướng lãnh cầm quân Hoa Kỳ, dù thay đổi
chiến thuật, chiến
lược, dù được tăng cường tối đa và được trang bị tối tân, có thể thắng
chiến tranh quy ước, nhưng cũng không thể chận đứng thủ đoạn khủng bố và
chiến tranh du kích của CSVN.
Một
ví dụ cụ thể là sau biến cố ngày 11-9-2001 (Tòa Tháp đôi ở New York bị
đánh sập, chết 3,000 người), chính phủ Hoa Kỳ với phương tiện lớn lao,
hùng hậu, với sự tiếp tay của nhiều nước trên thế giới, mở chiến dịch
truy lùng khủng bố ở Hoa Kỳ và khắp toàn cầu, tấn công hậu cứ của khủng
bố ở Trung đông, Pakistan, Afghanistan, mà cuối cùng cũng chẳng diệt hết
được khủng bố.
Với
kinh nghiệm về việc truy diệt khủng bố rất khó khăn sau biến cố
11-9-2001, ngày nay chúng ta mới dễ hiểu được trước năm 1975, Hoa Kỳ và
VNCH chỉ hành quân bên trong lãnh thổ Nam Việt Nam, thì làm thế nào có
thể tiêu diệt được khủng bố và du kích CS ở miền Nam Việt Nam mà cái đầu
vốn ở miền Bắc Việt Nam? Loại khủng bố và du kích nầy còn được sự tiếp
tay của toàn khối CS trên thế giới.
Vì
chủ trương chiến tranh giới hạn, Hoa Kỳ không thành công về quân sự tại
Việt Nam, lại bị phong trào phản chiến trong nước chống đối mạnh mẽ,
nên Hoa Kỳ tìm cách ra khỏi chiến tranh Việt Nam và cứu tù binh Hoa Kỳ
về nước. Đặc tính nổi bật của nền ngoại giao Hoa Kỳ là rất
thực tế và linh hoạt, sẵn sàng thay đổi hay điều chỉnh chính sách để
phù hợp với tình hình và quyền lợi của người Hoa Kỳ. Vì vậy, Hoa Kỳ chuyển qua thế cờ mới trong chiến tranh lạnh toàn cầu.
4.- THẾ CỜ MỚI TRONG CHIẾN TRANH LẠNH
Trong chiến tranh Triều Tiên từ năm 1951, hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc trực tiếp đánh nhau. Liên Xô đứng ngoài, bảo toàn lực lượng, quan sát hai địch thủ lâm chiến tiêu diệt nhau. Lần
nầy, ở Việt Nam, Hoa Kỳ chủ trương “chiến tranh giới hạn”, không tấn
công Bắc Việt Nam bằng bộ binh, không tiến đến biên giới Việt-Trung,
không thách thức và không trực tiếp đụng độ với Trung Quốc.
Về
phía Trung Quốc, ngoài nguồn viện trợ cho Bắc Việt Nam, Trung Quốc chỉ
gởi quân qua bảo vệ phía Bắc Việt Nam, chứ không tham gia chiến đấu ở
miền Nam. Quân Trung Quốc không đụng độ trực tiếp với quân Hoa Kỳ tại Việt Nam. Vì vậy, về chính trị, lần nầy hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc chẳng trực tiếp thù oán nhau. Hai bên có thể nói chuyện với nhau khi có cơ hội thuận tiện, nhất là từ khi Stalin qua đời năm 1953, những tranh
chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô càng ngày càng trở nên căng thẳng.
Về
địa lý chính trị đối với Trung Quốc, Liên Xô có bom nguyên tử (năm
1949) như Hoa Kỳ, nhưng nguy hiểm hơn Hoa Kỳ vì Liên Xô ở sát biên giới
Trung Quốc, và bao vây Trung Quốc dọc theo biên giới dài giữa hai bên. Quân đội Liên Xô có thể tràn qua biên giới Trung Quốc bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Thực tế Trung Quốc và Liên Xô đã đánh nhau trên vùng sông biên giới Ussouri năm 1969. Còn Hoa Kỳ ở xa, bên kia bờ biển Thái Bình, muốn đổ bộ vào Trung Quốc cũng khó khăn.
Về phía Hoa Kỳ, từ thập niên 60, những nhà nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ cho rằng:"Bắc
Việt không thể tàn phá Hoa Kỳ trong vòng nửa giờ, hoặc tiêu hủy các
thành phố, giết một nửa dân số, nhưng với hỏa tiển nguyên tử, Liên Xô có
thể làm được việc đó. Trung Quốc tuy chưa ngang tầm của
Liên Xô vì ít vũ khí nguyên tử, nhưng lại đe dọa phần còn lại của Á châu
vì ý hệ chính trị cứng rắn và vì dân số đông đảo của họ." (Roger Warner, Shooting at the Moon, Steerforth Press, South Royalton, Vermont,
1996, tr. 333-334.) Vì vậy, Hoa Kỳ bắt đầu chuyển hướng, mở những cuộc vận động ngoại giao thẳng với Trung Quốc.
Sau nhiều cuộc thăm dò và đàm phán bí mật, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều tỏ thiện chí nhằm xích lại gần nhau. Tháng 12-1969, Trung Quốc trả tự do cho hai người Mỹ bị bắt vì vi phạm hải phận Trung Quốc trên một du thuyền. Ngày
20-1-1970, Lei Yang [Lôi Dương], một nhà thương thuyết Trung Quốc báo
cho Walter Stoessel, đại sứ Hoa Kỳ tại Varsaw (Ba Lan), biết rằng Trung
Quốc sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ gởi một nhà ngoại giao đến
Bắc Kinh để bàn luận về những vấn đề liên hệ song phương. Ngày 10-7-1970, Trung Quốc thả
giám mục Ky-Tô giáo La Mã, James Walsh, người Hoa Kỳ, thuộc dòng Marydnoll (Hoa Kỳ). Ông bị bắt năm 1958 và bị kêu án 20 năm cấm cố từ năm 1960. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 182.)
Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Time ngày 5- 10-1970, tổng thống Nixon tuyên bố: “Nếu có điều gì tôi muốn thực hiện trước khi từ trần, thì đó là đi thăm Trung Quốc.” Mao Trạch Đông đáp ứng ngay. Qua
cuộc phỏng vấn của Edgar Snow ngày 18-12-1970, Mao Trạch Đông hoan
nghênh việc Nixon thăm Trung Quốc dù với tư cách là một tổng thống hay
một du khách.
Ngày
14-4-1971, tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh, thủ tướng Trung Quốc
là Chu Ân Lai tiếp đãi và nói chuyện thân mật với đoàn bóng bàn Hoa Kỳ
sang đấu giao hữu với đoàn bóng bàn Trung Quốc theo lời mời của Tổng cục
Bóng bàn nước nầy.
Ngày
9-7-1971, trong một chuyến công du Pakistan, cố vấn an ninh quốc gia
Hoa Kỳ là Henry Kissinger bí mật đến Bắc Kinh và được Chu Ân Lai tiếp
kiến. Ngoài những vấn đề song phương và thế giới, Kissinger còn thảo luận với Chu Ân Lai về vấn đề Việt Nam và cho Chu Ân Lai biết: “Nhân
danh tổng thống Nixon, tôi xin thông báo với Thủ tướng một cách trịnh
trọng nhất rằng trước hết, chúng tôi sửa soạn rút quân hoàn toàn ra khỏi
Đông Dương và ấn định ngày giờ rút quân, nếu có một cuộc ngưng bắn và
phóng thích tù binh của chúng tôi. Thứ
đến, chúng tôi sẽ để cho giải pháp chính trị của Nam Việt Nam tự diễn biến và phó mặc cho một mình người Việt.” (Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư tổng thống Thiệu, California: Cơ sở Hứa Chấn Minh, 2010, tr. 617.) Trong cuộc họp hôm sau (10-7-1971), Kissinger nói thêm: “Điều chúng tôi yêu cầu là một khoảng thời gian chuyển tiếp giữa sự rút quân và diễn biến chính trị. Không phải là để chúng tôi có thể trở vào lại [Việt Nam],
nhưng chúng tôi có thể để cho dân tộc Việt Nam và dân tộc các nơi khác ở
Đông Dương tự
quyết định lấy số phận của họ... Hôm qua, tôi đã thưa với Thủ tướng, và
tôi muốn nhắc lại rằng, nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.” (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr. 624.)
Lót
đường cho cuộc bang giao với Trung Quốc, Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan, không
phủ quyết cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25-10-1971
theo đó CHNDTQ được giữ ghế đại biểu Trung Quốc thay Đài Loan. Sau đó, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon viếng thăm CHNDTH một tuần bắt đầu từ ngày 21-2-1972 mà ông Nixon cho rằng đây là “một tuần lễ sẽ làm thay đổi thế giới”. Trong cuộc họp đầu tiên với Chu Ân Lai ngày hôm sau 22-2-1972, tổng thống Nixon đề cập ngay đến vấn đề Việt Nam: “Nếu
tôi ngồi vào bàn với bất cứ nhà lãnh đạo nào của Bắc Việt Nam, và cùng nhau bàn bạc về
việc đình chiến và nhận lại tù binh của chúng tôi, tất cả người Hoa Kỳ
sẽ được rút ra khỏi Việt Nam trong sáu tháng kể từ ngày đó... Chúng
tôi đã đề nghị rút hết người Hoa Kỳ, mà không để cái “đuôi” đàng sau -
như cách nói của Thủ tướng - và ngưng bắn trên toàn Đông Dương, miễn là
chúng tôi lấy lại được tù binh. Sau đó, chúng tôi sẽ để cho dân chúng ở đó tự quyết định.” (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr. 627.)
Thế là xong, số phận Việt Nam lại do Hoa Kỳ và Trung Quốc quyết định và trao đổi với nhau. Dĩ nhiên hai nước nầy quyết định theo quyền lợi của nước họ và bất cần quyền lợi của các đồng minh. Những diễn tiến sau đó thì mọi người đều biết. Hoa Kỳ ngưng cung cấp đạn dược, nhiên liệu cho quân đội VNCH. Thế là VNCH hết phương tiện chiến đấu, phải buông súng.
5.- PHE NÀO THẮNG NHÂN DÂN ĐỀU THẤT BẠI
Trong
cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam, nếu nhìn cục bộ và ngắn hạn vấn đề Việt
Nam, thì rõ ràng Bắc Việt Nam tức VNDCCH hay CSVN thắng lớn; Nam Việt
Nam tức VNCH thất bại hoàn toàn và Hoa Kỳ kể như thua vì không thành
công trong việc giúp VNCH chống CSVN ở miền Nam Việt Nam. Tuy
nhiên, nếu nhìn toàn diện cuộc chiến từ năm 1945 cho đến năm 1975 và
đặt cuộc chiến Việt Nam trong toàn cảnh chính trị thế giới cho đến ngày
nay, thì lẽ thắng thua có phần khác.
Trước hết, để đi đến chiến thắng, CSVN phải cầu viện Liên Xô và Trung Quốc về mọi mặt. Vay thì phải trả. Không có gì để trả, CSVN lấy tài sản, đất đai tổ tiên để trả nợ. Đây là tội phản quốc không thể tha thứ, nặng nề hơn và tệ hại hơn bất cứ tội phản quốc nào đã qua trong lịch sử Việt Nam. Chiến thắng rồi rước tên ăn cướp vào phá nhà, để nó cướp mất đất của tổ tiên thì có phải là chiến thắng không?
Trung Quốc vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu sau khi nội chiến Quốc Cộng chấm dứt năm 1949. Do
chiến tranh Việt Nam, khi ngồi vào bàn Hội nghị Genève năm 1954, Trung
Quốc nghiễm nhiên trở thành ngang hàng với các cường quốc Anh, Pháp, Hoa
Kỳ, Liên Xô. Vào đầu hội nghị Genève 1954, ngoại trưởng
Hoa Kỳ John Foster Dulles không thèm bắt tay xã giao với Châu Ân Lai,
thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung Quốc. (Henry Kissinger, White House Years, Toronto: Little, Brown and Company, 1979, p. 1054.) Thế
mà gần
20 năm sau, do chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ bắt tay với Trung Quốc và
mở cửa cho Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc giữ ghế đại diện tại LHQ, thay
thế Đài Loan năm 1971. Trong cuộc gặp gỡ năm 1972, tổng
thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã tặng cho Trung Quốc một món quà lớn: Hai
bên ký bản thông cáo chung Thượng Hải ngày 28-2-1972, theo đó, Hoa Kỳ
xác nhận trong điều thứ 12 của thông cáo chung, rằng chỉ có một nước
Trung Quốc, và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Chẳng
những hưởng lợi về ngoại giao và lãnh thổ, Trung Quốc còn nghiễm nhiên
trở thành chủ nợ của CSVN và xem CSVN như là chư hầu, buộc CSVN chạy
theo chính sách của Trung Quốc, ép Việt Nam phải ký hiệp ước nhượng ải
Nam Quan (1999) và nhượng 10,000 Km2 mặt biển vịnh Bắc Việt (2000).
Cộng sản VN khoe rằng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Hoa Kỳ không chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, được kể là thua trận. Hoa
Kỳ mất 58,000 quân ở Việt Nam, nhưng khi quay lưng rời khỏi Việt Nam,
Hoa Kỳ chẳng mất một tấc đất nào của Hoa Kỳ, mà cũng chẳng một tấc đất
nào của Hoa Kỳ bị bom đạn quấy rầy. Chính sách của Hoa Kỳ từ trước đến nay là phòng thủ từ xa.
Mục
đích ban đầu của Hoa Kỳ là đến Việt Nam để ngăn chận làn sóng CS, nhất
là Trung Quốc, phòng thủ từ xa chống lại sự thâm nhập của CS vào Hoa kỳ. Do
chiến tranh Việt Nam, các nước Đông Nam Á có thời giờ xây dựng và củng
cố vòng đai phòng tuyến chống cộng, từ Thái Lan, Mã Lai đến Phi Luật
Tân, Indonesia. Cũng từ chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ bắt tay với Trung Quốc, tách Trung Quốc ra khỏi liên minh với Liên Xô. Như thế Hoa Kỳ cũng đã đạt được mục tiêu ban đầu đã đề ra. Sau năm 1975,
CSVN trải thảm đỏ rước Hoa Kỳ trở lại Việt Nam. Rõ ràng Hoa Kỳ không “cút”, mà còn mạnh hơn trước.
Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn thất bại, bị CS gọi là “ngụy”. Quân đội VNCH đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ nền dân chủ tự do son trẻ của miền Nam Việt Nam. Sau
thời kỳ quân chủ và thực dân đô hộ Việt Nam, sự hiện diện chuyển tiếp
trong 21 năm của QGVN rồi VNCH ở miền Nam Việt Nam, tuy ngắn ngủi nhưng
là bước mở đầu cho con đường dân chủ hóa Việt Nam. Chính thể VNCH đã gieo mầm tự do, dân chủ, dân quyền, nhân quyền, cho người Việt Nam. Ngược
lại, trong chừng đó năm ở Bắc
Việt Nam và cả cho đến bây giờ, người dân dưới chế độ CS chưa bao giờ
được nghe nhắc đến “Bản tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền” ngày 10-12-1948
của LHQ, chứ đừng nói gì chuyện thực thi dân quyền và nhân quyền. Sau năm 1975, người miền Bắc dưới chế độ CSVN bỏ nón cối, bỏ dép râu, bỏ đại cán và ăn bận theo người miền Nam. Dân chúng Việt Nam hiện nay đang ước mong bài học dân chủ VNCH trở lại. Còn nhà nước CSVN thì kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” quay về giúp nước. Như thế sao có thể gọi VNCH là “ngụy”? Có thể nói VNCH không “ngụy”, không “nhào”, mà vẫn hiện diện ở Việt
Nam.
Người xưa viết: "Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Một viên tướng thành công có hàng vạn người chết.) Ngày nay, nhà thơ Nguyễn Duy diễn đạt một cách khác nhưng không kém phần bi đát: “Xin tạc vào đá nầy lời chúc hòa bình/ Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng nhân dân đều thất bại...” (Nguyễn Duy, “Đá ơi”, Cambodia 28-8-1989.) Vâng, do CSVN gây chiến, hơn ba triệu người Việt Nam đã nằm xuống và dân tộc
Việt Nam đau đớn mất đi một phần đất đai của tổ tiên vào tay Trung Quốc.
KẾT LUẬN
Từ
sau thế chiến thứ hai, khi đảng CS cướp được chính quyền ở Việt Nam,
Việt Nam nằm giữa hai thế lực tư bản và CS, và bị các cường quốc áp đặt
những quyết định theo quyền lợi của họ.
Khi
can thiệp vào Việt Nam nhằm phòng thủ và ngăn chận CS từ xa, Hoa Kỳ chủ
trương chiến tranh giới hạn, không tấn công Bắc Việt để chận đứng nguồn
tiếp liệu của khủng bố và du kích phát xuất từ Bắc Việt Nam. Vì vậy, CS ở miền Nam Việt Nam được Bắc Việt Nam với sự tiếp tay của CSQT, nuôi dưỡng, tiếp liệu, đã
hoạt động liên tục, không nghỉ ngơi, thắng thua gì cũng cứ tiếp tục
chiến đấu theo lệnh của đảng Lao Động, hết keo nầy bày keo khác trên
toàn quốc. Hoa Kỳ chẳng những
không thành công trong việc giúp VNCH chiến thắng CS ở miền Nam Việt
Nam, mà càng ngày Hoa Kỳ càng sa lầy trong chiến tranh Việt Nam. Hoa
Kỳ liền thay đổi sách lược, bắt tay với Trung Quốc, rút quân khỏi Việt
Nam, bỏ rơi VNCH, theo một đường lối khác trong khi tiếp tục chống khối
CS trong chiến tranh lạnh.
Sự
chuyển hướng của Hoa Kỳ cho thấy rõ, trong chiến tranh lạnh giữa hai
khối tư bản và cộng sản, chiến tranh Việt Nam không phải chỉ được quyết
định trên chiến trường Việt Nam hay quyết định tại Sài Gòn và Hà Nội, mà
chiến tranh Việt Nam còn là kết quả của những trao đổi giữa Washington
DC, Moscow, Bắc Kinh, và cả Paris, London … Cần chú ý rằng
không riêng gì Việt Nam, mà trên thế giới, ở Trung Đông, ở Trung và
Đông Âu, ở Đông Nam Á, ở Phi Châu, ở Nam Mỹ, từ giữa thế kỷ 19, các
cường quốc đều lạm quyền đối với các nước nhược tiểu, xem các nước nhược
tiểu như những món hàng
tồn kho, chia chác với nhau trên lưng các nước nhược tiểu.
Đặt
chiến tranh Việt Nam trong toàn cảnh chính trị thế giới, trong chiến
tranh lạnh toàn cầu, rõ ràng kết quả cuối cùng chỉ có lợi cho ngoại
bang. Hai bên thắng thua đều bị chi phối bởi các thế lực quốc tế. Bên thắng trận chẳng có gì để hãnh diện trong vai trò con cờ của CSQT. Bên
thất trận được đánh giá là chế độ tốt hơn bên thắng trận (John McCain
tuyên bố tại Sài Gòn năm 2000), vì nền cai trị dựa trên nguyên tắc tự do
dân chủ, là lý tưởng bất biến của dân tộc, của nhân loại.
Do hoàn cảnh quốc tế, lý tưởng tự do dân chủ ở Việt Nam phải tạm
thời lép vế trước bạo lực, nhưng chắn chắn tương lai đất nước sẽ tiến
về phía lý tưởng tự do dân chủ, như hoa hướng dương luôn luôn quay về
ánh mặt trời.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 19-6-2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét