Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Thuận Thiên di sử - Hồi 59

HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN

Quốc hiệu Đại Việt
    
Thấy nguy, Minh-Thiên đại sư để tay trước miệng hú lên một tiếng vang vang, inh tai nhức óc. Nhưng người công lực thấp phải bịt tai lại, mới đứng vững. Đợi cho giáo chúng Hồng-thiết giáo nghiêng ngả, Minh-Thiên mới ngừng. Ông nói lớn:
    — Các vị định đùng số đông hiếp chế bọn bần tăng ư?
    Khai-Quốc vương nghĩ được một kế. Vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Trần Tự-An. Tự-An mỉm cười bước ra, hướng Minh-Thiên xá một xá:
    — Đại sư! Tại hạ xin mạn phép đề nghị một giải pháp. Mong đại sư nhận cho.
    Minh-Thiên nghĩ rằng Tự-An thân với Hồng-Sơn đại phu, giải pháp đó hẳn có lợi cho Tống. Ông bình tĩnh:
    — Mong đại hiệp chỉ dạy.
    Tự-An hướng Nhật-Hồ lão nhân:
    — Giáo-chủ! Hôm nay giáo chủ ngồi chủ vị của võ lâm Đại-Việt. Mọi trách vụ do giáo chủ. Các vị võ lâm Trung-quốc quả có nhiều điều vô lễ trước bàn thờ tổ. Tội đó khó tha. Vậy tiểu bối đề nghị thế này. Bên Tống cử ra ba người đấu với ba người bên Đại-Việt. Nếu Tống thắng hai, thì giáo chủ tha cho họ về nước. Còn như ta thắng hai, họ phải quỳ gối trước bàn thờ Bắc-bình vương lễ đủ tám lễ, rồi mới cho về. Sau nữa tuyệt đối không được can thiệp vào việc quốc hiệu, niên hiệu Đại-Việt bữa.
    Nhật-Hồ lão nhân được chưởng môn phái Đông-a cung kính tôn làm chủ vị. Lão sướng quá gật đầu:
    — Triệu đại hiệp, xin đại hiệp cử ra ba người đi.
    Triệu Thành đưa mắt cho đám bộ hạ, rồi nói:
    — Cô gia cử ba người ra lĩnh giáo võ công Giao-chỉ. Người đầu tiên sư phụ tại hạ, Minh-Thiên đại sư. Người thứ nhì là Đông-Sơn lão nhân sẽ lĩnh giáo kiếm pháp Giao-chỉ. Người thứ ba trạng nguyên Địch Thanh. Không biết bên Giao-chỉ, ai sẽ ra đấu?
    Nhật-Hồ lão nhân bị giam hai mươi năm, lão không biết sở trường, sở đoản của anh hùng Đại-việt. Lão nghĩ:
    — Đã thế mình chỉ dùng người của Hồng-thiết giáo. Như vậy sau trận này anh hùng thiên hạ sẽ phải khuất phục giáo phái ta đơn phương đánh đuổi bọn Tống. Ta thừa sức hạ lão thầy chùa Minh-Thiên kia rồi. Còn lại Hoàng Liên xuất thân phái Mê-linh, không biết có đàn áp được lão Đông-Sơn không? Còn thằng Địch Thanh này, Nguyễn Chí thừa khả năng đàn áp y.
    Lão vuốt râu mỉm cười:
    — Như vậy còn gì bằng? Lão phu xin lĩnh giáo những cao chiêu của Thiếu-lâm thần tăng. Còn Hoàng Liên sẽ lĩnh giáo kiếm thuật của Đông-Sơn lão nhân. Địch trạng nguyên còn trẻ, phải có người trẻ lĩnh giáo. Trong các đệ tử của lão, Nguyễn Chí trẻ nhất, sẽ xin hầu tiếp Địch trạng nguyên. Không biết bên quý vị ai sẽ xuất thủ trước.
    Sư thái Tịnh-Tuệ nhân danh trưởng ban tổ chức, bà nói:
    — Trên lễ đài này chỉ dành cho đại tôn sư của môn phái, bang hội. Sứ đoàn qua đây, chúng tôi coi như một môn phái. Vậy mời Triệu vương gia ngồi trên lễ đài. Còn tất cả các vị xin xuống khán đài. Bần ni đã dành một chỗ quý trọng cho các vị.
    Triệu Thành đưa mắt cho bộ hạ. Từ Minh-Thiên đến Quách Quỳ đều xuống khán đài ngồi.
    Vương Duy-Chính biết bọn Hồng-thiết giáo sở trường về dùng độc. Y ngăn trước:
    — Tại hạ cũng xin đưa ra thể lệ cuộc đấu. Điều thứ nhất tuyệt đối không dùng thuốc độc, độc chưởng, ám khí. Điều thứ nhì, người ngoài không được trợ giúp. Nếu bên nào phạm vào, coi như bị thua. Điều thứ ba, ai rơi xuống đài, cũng coi như bị thua.
    Thanh-Mai than thầm:
    — Mụ Hoàng Liên nhận chức tước của triều Tống. Không chừng mụ giả thua Đông-Sơn lão nhân, để tha cho bọn Triệu Thành về. Phải làm cách nào giải quyết đây?
    Vương Duy-Chính nói với Địch Thanh:
    — Địch trạng nguyên hãy lĩnh giáo cao chiêu của đệ ngũ trưởng lão Hồng-thiết giáo đi.
    Địch Thanh dạ một tiếng, y tiến đến giữa đài, khoanh tay chờ. Nguyễn Chí từ dưới đài tung mình lên đứng đối diện với Địch Thanh. Hai bên chưa ai muốn xuất thủ trước.

    Ở dưới khán đài, Triệu Huy nhìn thấy Đoàn Huy ngồi trong đám tôn sư võ học. Bây giờ y mới tỉnh ngộ:
    — Thì ra bọn phóng độc ta ở trên sông Hồng-hà là một môn phái võ của Giao-chỉ. Tên cầm đầu ngồi kia, chắc y thuộc loại đại tôn sư. Bọn ta bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, dùng thuốc của Hoàng Văn tạm thoát chết. Còn phấn độc như con quỷ đòi mạng đe dọa bấy lâu. Ta ra công tìm chúng, đòi thuốc giải mấy tháng nay đều tuyệt vô âm tín. Bây giờ không tìm lại thấy nó ngồi ngay trước mắt.
    Triệu Huy tung người người lên đài, chỉ tay vào mặt Đoàn Huy:
    — Thì ra mi! Mi cũng có mặt ở đây sao? Chúng ta tìm mi suốt mấy tháng nay. Thực ông trời có mắt. Hôm nay mi còn trốn được nữa không?

    Nói rồi y nhảy đến vồ Đoàn Huy. Đoàn Huy ngồi im mỉm cười. Từ dưới đài, Chu Minh tung mình lên, chìa bàn tay phải đâm vào lưng Triệu Huy. Triệu Huy đang tấn công Đoàn Huy, y cảm thấy có áp lực đè lên lưng, vội trầm người xuống, vòng tay ra sau gạt. Bộp một tiếng, tay Triệu Huy cảm thấy như chạm vào phiến đá. Trong khi Chu Minh mỉm cười như không coi y vào đâu.
    Triệu Huy nhận ra Chu Minh là người trong bọn vô danh tấn công bọn y trên sông Hồng. Y chỉ mặt Chu Minh:
    — Bọn mi thực khả ố. Bọn mi đã ăn cắp vàng, ngọc, kinh thư của chúng ta, rồi còn phóng độc. Mi mau đưa thuốc giải độc ra đây. Bằng không mất mạng ngay lập tức.
    Chu Minh làm tới một trong tam công Đại-lý, văn võ toàn tài. Hôm trước Đoàn Huy với y giao chiến cùng đám Triệu Thành. Bên phía y nhờ có Chu An-Bình giúp sức. Bình phóng phấn độc vào kinh thư, rồi trả cho bọn Tống. Bọn Tống truyền tay nhau, đều trúng độc. Sau đó hai bên không gặp lại nữa. Hôm nay, vô tình cả hai tao phùng. Chu Minh hiểu Triệu Huy muốn nói gì rồi, nhưng y giả tảng:
    — Người là An-vũ sứ của Quảng-tây đấy ư? Dường như người đứng hàng thứ ba trong Tung-sơn tạm kiệt thì phải? Tại sao giữa lúc ngũ trưởng lão Hồng-thiết giáo sắp đấu với trạng nguyên Địch Thanh, mà mi lại lên đài đánh trộm vào lưng Trấn-Nam vương của ta? Mi có điên không?

    Triệu Huy bị trúng độc, đau đớn, lo sợ khốn khổ mấy tháng qua, lòng căm thù ngun ngút cháy. Bây giờ thấy kẻ thù, Triệu Huy y trút tất cả lên đầu Chu Minh:
    — Mi không đem thuốc giải ra, một mi chết. Hai cả chúng ta cùng chết.
    Nói rồi y phát chiêu tấn công Chu Minh. Chu Minh vừa đỡ, vừa lùi. Sau ba hiệp, y nói:
    — Triệu an vũ sứ. Người đến đây lễ tổ tiên ta người vai khách, ta vai chủ. Ta nhường người ba chiêu cũng đủ rồi. Người nói cái gì? Thuốc giải gì tại hạ không hiểu.
    Y đánh ra một quyền đến vù. Triệu Huy vung tay gạt. Nhưng Chu Minh đánh hư chiêu. Triệu Huy đỡ hụt. Y nổi quạu:
    — Con bà tụi Nam-man.
    Chu Minh nhảy lui lại hỏi:
    — Người nói sao?
    Biết mình lỡ mồm, có thể mất mạng như chơi. Y lảng sang truyện khác:
    — Mi có mau đưa thuốc giải ra không?
    Dư Tĩnh từ dưới đài nhảy lên. Y đến trước Đoàn Huy:
    — Đoàn vương gia. Xin vương gia ban thuốc giải.
    Đoàn Huy đứng dậy, ông nói thực lớn:
    — Anh hùng thiên hạ chứng minh cho. Chúng tôi xuất thân phái Thiên-tượng. Từ mấy trăm năm nay, Thiên-tượng nổi danh môn chính phái. Đến phi tiễn, ám khí cũng không dùng chất độc, chúng tôi đâu biết phóng độc hại các vị, mà các vị đòi thuốc giải?
    Cho đến bây giờ bọn Triệu Thành mới biết mình đã giao chiến với phái Thiên-tượng của Đại-lý. Y tự chửi thầm:
    — Mình ngu thực. Hôm đầu, mình thấy Dực-thánh vương nói rằng võ công bọn này không thuộc bất cứ môn phái nào của Đại-việt. Trong khi chúng nói tiếng Việt rất rõ ràng, hẳn phải biết chúng thuộc Đại-lý hay Mân-Việt chứ? Ôi thôi, thế thì bao nhiêu thư tín, tấu chương, mật kế cùng vàng ngọc châu báu của mình vào tay bọn Đại-lý rồi. Nguy thực. Bằng mọi giá, phải đòi thuốc giải. E không chỉ còn mấy ngày nữa tất cả bọn mình phải chết.
    Nghĩ vậy y nói với Đoàn Huy:
    — Trấn-nam vương. Nếu vương gia không ban thuốc giải, e tất cả anh em tại hạ đành liều mạng bồi tiếp quân tử.
    Sư thái Tịnh-Tuệ lách mình một cái, bà đã đứng trước Triệu Huy với Chu Minh:
    — Giữa sứ đoàn với phái Thiên-tượng có ân oán, xin chờ dịp khác. Ở đây sứ đoàn với võ lâm Đại-Việt đang có cuộc đua tài. Vậy xin các vị không có nhiệm vụ về chỗ cho.
    Dư Tĩnh, Triệu Huy đành về chỗ ngồi.

    Địch Thanh với Nguyễn Chí đứng đối diện thủ thế. Cả hai cùng chưa hiểu chút gì về nguồn gốc võ học của nhau. Thình lình Địch Thanh tung một cước vào giữa ngực Nguyễn Chí. Nguyễn Chí lùi lại một bước, chờ chân Địch Thanh lướt qua, y khẽ đẩy theo đà chân Địch Thanh. Địch Thanh đá hụt, sức của mình đã mạnh, lại thêm sức Nguyễn Chí, người y quay tròn.
    Nhanh trí, y vọt lên cao, tấn công vào đỉnh đầu Nguyễn Chí bằng một quyền đến vù một cái. Nguyễn Chí lộn một vòng, người y bật ra xa.
    Hai bên thăm dò, chiết với nhau mấy chiêu, vẫn chưa rõ bản lĩnh đối thủ ra sao. Nguyễn Chí phóng thẳng một chưởng về phía trước. Bây giờ y mới vận đủ mười thành công lực. Kình lực làm lễ đài rung động. Địch Thanh biết không đừng được. Y trả lại một chiêu Tuyết lạc Hoa-sơn. Hai chưởng gặp nhau, ầm một tiếng. Áp lực trên đài mạnh quá, khiến những nhạc công cạnh đài, phải nhảy ra xa để khỏi bị sức ép làm vỡ ngực.
    Cả hai cùng lui lại, gườm gườm nhìn nhau.
    Dưới đài, Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
    — « Thím » hai này. Thím thử nghĩ xem, ai sẽ thắng?
    — Khó biết lắm. Hai bên cùng kinh nghiệm chiến đấu. Nếu Nguyễn Chí dùng hết sức trong hai trăm chiêu đầu sẽ thắng Địch Thanh. Vì Hồng-thiết công thiên về dương cương. Khi xử dụng như sét nổ, bởi vậy hao tốn công lực vô cùng. Còn thần công Hoa-sơn, trong cương có nhu. Ngoài hai trăm chiêu, công lực vẫn chưa cạn.
    Trên đài Nguyễn Chí cũng biết vậy. Y tấn công ráo riết. Địch Thanh chỉ đánh cầm chừng. Cứ mười chiêu, y mới trả một chiêu. Lối đánh của hai người đều già dặn, vững chắc.
    Dưới đài, các gia, các phái đều nín thở theo dõi. Lần đầu tiên họ được thấy võ công Trung-nguyên đấu với võ công Hồng-thiết. Mà cả hai đều thuộc đệ nhất cao thủ.

    Chiêu số của Địch Thanh biến ảo khôn lường. Còn chiêu số của Nguyễn Chí cực kỳ dũng mãnh, thâm độc. Bình, bình, bình. Nguyễn Chí đánh liền ba chiêu như sét nổ. Địch Thanh ung dung đỡ. Nhưng mỗi lần đỡ, người y rung động cực mạnh.
    Bọn Thanh-Mai, Mỹ-Linh đang mải mê xem trận đấu thì Ngô Thường-Kiệt đã trở về. Nó ôm cổ Mỹ-Linh nói vào tai nàng:
    — Cô ơi! Con tìm thấy cô Bảo-Hòa rồi.
    Mỹ-Linh mừng quá, nàng hỏi:
    — Cô Bảo-Hòa đâu con?
    Thường-Kiệt chỉ vào khu giáo chúng Hồng-thiết:
    — Kià cô Bảo-Hòa với chú Thiệu-Thái kìa.
    Mỹ-Linh, Thanh-Mai suýt bật cười, vì thấy hai người trong lớp quần áo giáo chúng Hồng-thiết. Thanh-Mai dặn Thường-Kiệt:
    — Con nói sẽ với cô Bảo-Hòa rằng khi nào thấy cô đưa tay phất trước mặt một lần phải lên đài can thiệp. Còn thấy cô chắp hai tay lại, đến lượt chú Thiệu-Thái phải xuất hiện.
    Ngô Thường-Kiệt dạ một tiếng rồi nó len lỏi giữa đám người lớn tìm đến chỗ Bảo-Hòa.
    Trên đài, cuộc đấu giữa Địch Thanh với Nguyễn Chí diễn ra ác liệt. Một bên là võ trạng Trung-nguyên. Một bên là trưởng lão Hồng-thiết giáo, nội công thâm hậu.

    Thình lình Nguyễn Chí đánh ra một chưởng rất kỳ ảo. Địch Thanh lui một bước đỡ. Binh một tiếng. Người Địch Thanh lảo đảo. Nguyễn Chí đánh tiếp chiêu thứ nhì. Địch Thanh lui tới mé đài.
    Bọn Triệu Thành kinh ngạc vô cùng, vì hai chiêu Nguyễn Chí đánh ra không có gì đặc biệt, mà sao Địch Thanh lại không đỡ nổi?
    Không ai hiểu rõ nguyên lý. Nhưng phía khán giả, chỗ đệ tử phái Mê-linh cùng bật lên tiếng kêu:
    — Thiết kình phi chưởng.
    Địch Thanh vọt lên cao, đáp giữa đài, y phản lại bằng hai chưởng.
    Thanh-Mai không hiểu gì, nàng hỏi Mỹ-Linh:      — Sư muội! Thiết kình phi chưởng thuộc võ công của phái nào vậy? Chị thấy hai chiêu vừa rồi hơi giống võ công của Tôn Đản.
    Tôn Đản nói sẽ đáp:
    — Đúng đấy. Trong hai chiêu vừa rồi, chiêu đầu tên Kình ngư thăng thiên. Chiêu sau tên Kình ngư chuyển vĩ. Nguyên phái Mê-linh gồm có di thần các phái Cửu-chân, Hoa-lư, Long-biên thời vua Trưng hợp lại. Vì vậy võ công cuả họ bao gồm tinh hoa của ba phái trên. Vừa rồi Nguyễn Chí xử dụng võ công Cửu-chân, nên đệ tử phái Mê-linh nhận ra ngay.
    Tự-Mai nhớ lại một điều, nó ghé tai chị:
    — Trước đây bố thường nói rằng võ công Cửu-chân do Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung chế ra, nhằm khắc chế võ công Trung-nguyên. Vì vậy Nguyễn Chí đánh ba chiêu làm cho Địch Thanh lạc bại.
    Mỹ-Linh tường thuật sơ lược trận đấu giữa nàng với Hoàng Văn. Nàng dùng võ công Tiêu-sơn thì thắng được y. Ngược lại dùng võ công Cửu-chân lại suýt bị bại, rồi kiết luận:
    — Khi gặp võ công Trung-quốc, mà nguồn gốc có trước thời Hán,  mình dùng võ công Cửu-chân mới hiệu nghiệm. Còn võ công Trung-quốc xuất hiện sau thời Hán sẽ vô hiệu. Như tên Địch Thanh, võ công y thuộc võ công phái Hoa-sơn. Mà tổ sư phái Hoa-sơn nguyên xuất thân từ phái Tương-dương thời Hán. Vì vậy mấy chiêu Thiết-kình phi chưởng Cửu-chân, Nguyễn Chí đánh ra làm cho y choáng váng.
    Tự-Mai hỏi Tôn Đản:
    — Không hiểu sao Nguyễn-Chí lại chỉ biết có mấy chiêu đó thôi? Anh Đản này. Anh biết nhiều về võ công Cửu-chân, anh có thể mách nước cho Chí không?

    Cao Huyền-Nga giả làm một nữ đệ tử phái Đông-a. Bà đã hóa trang thành người có khuôn mặt khác hẳn, để tránh tai mắt bọn Hồng-thiết giáo. Bà ngồi im, quan sát các biến chuyển, nghe hai con, cùng các bạn đàm đạo. Bà thấy con trai không hiểu gì về Nguyễn Chí, bây giờ bà mới lên tiếng:
    — Trước đây Nguyễn Chí từng thống lĩnh giáo-chúng vùng Cửu-chân một thời gian dài. Vì vậy y học được mấy chiêu võ công Cửu-chân. Còn nội công thực không rõ.
    Trần Kiệt bảo Tôn Đản:
    — Cháu len lỏi lại chỗ Hồng-thiết giáo, tìm cách mách cho Nguyễn Chí xử dụng võ công Cửu-chân, mới hy vọng thắng Địch Thanh. Cơ chừng này, chỉ mấy chục chiêu nữa Nguyễn Chí bại đến nơi rồi.
    Tôn Đản đứng lên. Nó cùng Tự-Mai chạy lại chỗ giáo chúng Hồng-thiết. Không khó khăn, nó tìm ra chỗ đứng của Phạm Trạch. Thấy Phạm Trạch đang nói truyện với Phạm Hổ, Lê Đức. Tự-Mai nói thầm với Tôn Đản:
    — Đản này, hôm trước chúng ta cùng chị Mỹ-Linh đi cứu bá mẫu. Vô tình được biết mặt hết bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo. Nhưng bọn chúng lại không biết mặt chúng mình. Trong mười tên trưởng lão Hồng-thiết giáo, chỉ duy hai tên Vũ Nhất-Trụ, Nguyễn Chí đã biết mặt anh em mình hôm dự cuộc thẩm vấn chúng tại Khu-mật viện. Bây giờ mình đóng vai trẻ con được.
    Giáo chúng Hồng-thiết giáo thấy hai thiếu niên len lỏi vào khu vực của mình, họ ngăn lại:
    — Hai chú em. Hai chú đi đâu đây?
    Tự-Mai đã được Khu-mật viện cung cấp cho những tín hiệu mật khẩu của Hồng-thiết giáo. Nó trả lời:
    — Đi tự tử.
    Tên giáo chúng thấy Tự-Mai trả lời đúng mật khẩu hỏi tiếp:
    — Uống máu chưa?
    Câu này có nghĩa:
    — Chú thuộc cơ đội nào?
    Tự-Mai đưa ngón tay cái chỉ lên trời. Cử chỉ này có nghĩa rằng:
    — Tôi thuộc đội thông tin.
    Tên giáo chúng để hai đứa tự do. Chúng đến bên bọn thủ lĩnh đang tụ tập với nhau, bàn tán làm sao giúp Nguyễn Chí thắng Địch Thanh. Phạm Trạch hỏi một thủ lĩnh giáo chúng vùng Cửu-chân:
    — Người có biết ngũ trưởng lão học võ công Cửu-chân ở đâu không?
    — Đệ tử không biết rõ cho lắm. Hồi hơn hai mươi năm trước đệ tử thấy đệ ngũ lão gia luyện võ công Cửu-chân. Lão gia nói rằng người biết xử dụng ba chiêu Thiết-kình phi chưởng toàn vẹn. Còn lại, người chỉ biết phát chiêu, mà không biết vận khí.
    — Người có biết Thiết kình phi chưởng gồm bao nhiêu chiêu không?
    — Đệ tử không rõ.
    Trên đài, hai cao thủ bậc nhất tiếp tục phát chiêu. Mỗi chiêu Địch Thanh đánh ra, Nguyễn Chí phải vận hết công lực đỡ, râu tóc lão đựng đứng lên. Ngược lại mỗi chiêu Nguyễn Chí đánh ra, Địch Thanh phải lùi lại hai bước.
    Phía bên Tống, Dư Tĩnh hỏi Đông-Sơn lão nhân:
    — Sư phụ. Đệ tử thấy Địch đệ thắng khắp quần hùng Trung-nguyên, mà không hạ được lão già kia, thực võ ông Giao-chỉ cao thâm không biết đâu mà lường. Như vậy bọn Đại-việt ngũ long hay lão già Nhật-Hồ kia công lực sẽ cao đến đâu?
    Đông-Sơn lão nhân lắc đầu:
    — Người nên nhớ bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo đều là những quái kiệt võ lâm Giao-chỉ. Tên nào cũng trên bẩy mươi tuổi, kinh nghiệm sâu sa, công lực dồi dào. Chúng học võ của Hồng-thiết thần công, rồi học thêm võ công Giao-chỉ. Cho nên chúng bác học vô cùng. Bản lĩnh chúng chưa chắc thua Đại-Việt ngũ long làm bao đâu.
    Trên đài, Nguyễn Chí lại phát chiêu Thiết kình thăng thiên của phái Cửu-chân. Binh một tiếng, Địch Thanh loạng choạng lui lại hai ba bước. Tôn Đản cất tiếng ca thực lớn:

    Kình nhập biển Đông,
    Khí tụ Đản-trung,
    Truyền khắp lồng ngực,
    Phát chiêu cầu vòng.

    Trên đài, Nguyễn Chí biết sau khi phát chiêu Thiết-kình thăng thiên phải chuyển qua chiêu Kình-nhập biển Đông. Tay trái từ trên cao quay một vòng xuống dưới, rồi chuyển thẳng về trước. Khi kình lực phát ra rồi, tay phải đang từ dưới đẩy lên. Hai kình lực như mũi dùi quay tròn đâm thẳng ra. Nhưng y không biết vận khí ra sao. Giữa lúc đó, nghe tiếng Tôn Đản la lớn lên phép vận khí. Chân khí của y tòng tâm chuyển theo hai tay.

    Địch Thanh vừa bị chiêu Thiết-kình thăng thiên, tuy không mạnh hơn các chiêu trước của Nguyễn Chí làm bao, nhưng trong chưởng bao hàm sát thủ khủng khiếp, khắc chế chưởng pháp của y, khiến căn bản y tự tuyệt. Y lui lại ba bước. Nguyễn Chí không cho y thở, đánh thêm chiêu Kình-nhập biển Đông. Binh một tiếng nữa, Địch Thanh cảm thấy trời long đất lở.
    Nói thì chậm, chứ từ lúc Nguyễn Chí phát chiêu Thiết-kình thăng thiên. Tôn Đản đọc tâm pháp. Nguyễn Chí phát chiêu Kình-nhập Đông-hải chỉ thoáng cái. Tôn Đản đọc tiếp:
   
Đuôi kình đập sóng.
    Vận khí tâm không,
    Ý chuyển bụng dưới.
    Toả ra song song.

    Trên đài Nguyễn Chí co tay trái lại. Tay phải chém ngang vào ngực đối thủ, thành chiêu Kình vĩ lăng ba tức đuôi cá kình đập sóng bay lên. Trong khi đó y vận khí như Tôn Đản.
    Bình, Địch Thanh nghiến răng đỡ, y lảo đảo muốn ngã.
    Cứ như thế, Tôn Đản đọc đến chiêu  Ngũ kình đồng du thuộc chiêu thứ mười, Địch Thanh không đỡ nổi nữa. Y bay bổng lên cao, rơi xuống giữa đài, miệng ứa máu ra.
     Tôn Đản ngừng đọc. Nguyễn Chí thấy Địch Thanh ngã. Y mỉm cười:
    — Địch trạng nguyên, người thua rồi!
    Địch Thanh nghiến răng, từ từ đứng dậy. Nhưng y lảo đảo, ngã ngồi xuống. Theo luật lệ võ lâm, trong khi giao đấu, đối thủ thọ thương, không cử động được, người phát chiêu phải đỡ dậy. Nguyễn Chí thấy Địch Thanh quằn quại, y chạy lại đỡ hắn lên.

    Thình lình Địch Thanh chụm hai tay vào nhau, đẩy thẳng vào ngực Nguyễn Chí một chưởng như trời long đất lở. Bình một tiếng. Nguyễn Chí bay bổng khỏi đài, rơi xuống ngay trước khán đài của phái Tiêu-sơn. Mọi người kêu thét lên. Lê Đức chạy lại đỡ sư huynh. Nguyễn Chí nhăn nhó, y mửa ra búng máu tươi, rồi lắc đầu, không ngồi dậy được.
    Lê Đức nhảy lên đài chỉ vào mặt Địch Thanh:
    — Nhục nhã cho mi, xuất thân là một trạng nguyên, thuộc danh môn chính phái, mà có hành vi đê tiện như vậy sao? Trận này không kể.
    Dư Tĩnh cũng nhảy lên đài:
    — Tôi hỏi Lê trưởng lão câu này nhé. Khi mới đấu, sư thái Tịnh-Tuệ đã nói: Ai rơi xuống đài coi như thua. Sư đệ của tôi tuy ngã, nhưng ngã trên đài. Còn Nguyễn trưởng lão rơi xuống đài rõ ràng. Hơn nữa sư đệ của tôi dùng trí mà thắng Nguyễn trưởng lão. Dùng trí hay dùng lực mà thắng cũng là thắng.

    Dư Tĩnh đưa mắt nhìn xuống khu giáo chúng Hồng-thiết để tìm xem kẻ nào đã nhắc đòn cho Nguyễn Chí. Bất giác y giật mình, vì nhận ra Trần Tự-Mai với Tôn Đản hai thiếu niên y đã gặp trên núi Chung-chinh, rồi trong đại hội Lệ-hải Bà-vương. Sau cùng hai thiếu niên này làm cho bọn y khốn đốn ở Thiên-trường. Y tự hỏi:
    — Hai thằng này tại sao lại đứng trong đám đệ tử Hồng-thiết giáo?
    Y lên tiếng:
    — Kẻ nào đã lên tiếng đọc tâm pháp võ công? Nếu là anh hùng hảo hán, hãy lên đây đối thoại với ta!
    Tôn Đản vốn gan cùng mình. Nó như con nghé tơ, không sợ bất cứ cái gì. Nó vọt mình lên đài, khoanh tay, ưỡn ngực:
    — Tại hạ họ Tôn tên Đản, người trấn Thanh-hóa, xin sẵn sàng đối đáp với Dư đại hiệp.
    Dư Tĩnh chỉ Nguyễn-Chí:
    — Trước khi đấu, sư thái Tịnh-Tuệ nói rằng cấm người ngoài cuộc không được trợ giúp kẻ đang ở đấu trường. Tại sao tiểu huynh đệ lại giúp trưởng lão Nguyễn Chí?
    Tôn Đản cười lớn:
    — Anh hùng thiên hạ xin chứng giám cho. Tôi mới bằng này tuổi. Trong khi ngũ trưởng lão tuổi đã trên thất tuần. Tôi e, khi người nổi danh thiên hạ, thống lĩnh giáo chúng Hồng-thiết giáo nổi dậy ở Cửu-chân, lúc ấy thân phụ tôi chưa ra đời. Võ công người cao thâm biết chừng nào, mà bảo tôi trợ giúp người ư? Thực vô lý.
    Nó cười:
__ Dư đại hiệp bảo tôi giúp ngũ trưởng lão, đọc tâm pháp, vậy đó là tâm pháp gì? Tôi đâu biết võ công Hồng-thiết giáo!         
Dư Tĩnh lắc đầu:
    — Dĩ nhiên tiểu huynh đệ không biết võ công Hồng-thiết giáo. Tiểu huynh đệ đọc tâm pháp võ công phái khác ra, nên y mới đánh ngã Địch đệ cuả tôi.
    Những người ở gần chỗ đứng của Tôn Đản đều nghe thấy nó đọc một số câu tâm pháp, nhưng nay nghe nó cãi lý, cũng phải bật cười:
    — Đúng rồi.
    Tôn Đản chỉ cãi lý với Dư Tĩnh, chứ nó không qua mặt được những người của phái Mê-linh. Khi nó mới cất tiếng đọc, những người phái Mê-linh biết ngay đây thuộc tâm pháp võ công Cửu-chân xưa. Nay thuộc phái Mê-linh.
    Sư thái Tịnh-Huyền đã biết nhiều về Tôn Đản. Hôm mới gặp nó lần đầu, chính bà thấy nó dùng võ công Cửu-chân, Tản-viên thắng Quách Quỳ. Bấy giờ bản lĩnh nó còn rất non nớt. Vừa rồi nghe nó đọc tâm pháp Thiết-kình phi chưởng, bà thấy nó biết rất nhiều chiêu, mà chính phái Mê-linh cũng không ai biết. Bà dùng Lăng-không truyền ngữ nói với sư tỷ Tịnh-Tuệ:
    — Sư tỷ, thiếu niên này quả biết rất nhiều võ công Cửu-chân. Những chiêu Nguyễn Chí vừa đánh ra, chính y đã đọc tâm pháp lên, chứ không sai tý nào.
    Sư thái Tịnh-Tuệ là thần ni, chí công, vô tư. Bà gật đầu:
    — A-di-đà Phật. Dù Tôn tiểu thí chủ có nhắc ngũ trưởng lão hay không Địch trạng nguyên cũng thắng rồi. Xin các vị xuống đài cho. Bây giờ sang trận đấu thứ nhì. Nào mời Đông-Sơn lão nhân lên đài đấu với đệ thập trưởng lão Hồng-thiết giáo Hoàng Liên.

    Sư thái Tịnh-Tuệ không muốn Hoàng Liên nhân danh phái Mê-linh, đấu với Tống. Bà muốn cho mọi người biết, trận này Hồng-thiết giáo đấu với Tống, chứ không phải Đại-việt. Được, thua không liên quan gì tới phái Mê-linh.
    Hoàng Liên rời khỏi chỗ ngồi. Mụ khoan thai ra đứng giữa đài. Một tay cầm đốc kiếm. Một tay bắt kiếm quyết. Võ lâm Đại-việt vỗ tay hoan hô rung động quảng trường.
    Đông-Sơn lão nhân từ chỗ ngồi của sứ đoàn, vọt mình lên cao. Ở trên không y lộn liền ba vòng. Trong khi đang rơi xuống, y chắp tay hướng bốn phương thi lễ. Võ lâm lại hoan hô vang dậy.
    Đông-Sơn lão nhân chắp tay hướng Hoàng Liên:
    — Hoa-sơn hậu học Đông-Sơn xin được lĩnh giáo cao chiêu của di đồ Vạn-tín hầu Lý Thân.
    Toàn phái Mê-Linh nghe Đông-Sơn nói vậy, đều hiểu rằng kiếm thuật y rất cao minh. Y biết bên Đại-việt có pho Long-biên kiếm pháp khắc chế kiếm pháp Trung-nguyên. Không những y không sợ, mà còn thách thức nữa.

    Hoàng Liên tuy xuất thân phái Mê-linh, một trong danh môn chính phái. Nhưng y thị lại sa đọa nhất võ lâm, thân danh tàn tạ. Không cần lễ nghi. Y thị rút kiếm quay một vòng, rồi đẩy về trước.
    Dưới khán đài phái Đông-a, Tôn Đản, Tự-Mai đã trở về chỗ ngồi. Mỹ-Linh kéo Tôn Đản lại ngồi bên cạnh, khen:
    — Em giỏi thực, giúp Nguyễn Chí thành công. Tiếc rằng xưa nay bọn Hồng-thiết vốn xảo quyệt, mà lại không ngờ đến việc người ta xảo quyệt với mình, thành ra bị bại.
    Trần Kiệt bảo bọn Thanh-Mai:
    — Các cháu phải chú ý theo dõi kiếm pháp Hoa-sơn. Tham vọng bọn Tống còn dài. Chiến tranh Tống-Việt không biết lúc nào diễn ra. Ta nghiên cứu võ công của chúng, rồi chế ra các thức khắc chế, cho người sau dùng, như Vạn-tín hầu xưa.
    Mỹ-Linh, Thanh-Mai nghe Trần Kiệt nói, bất giác cả hai cùng nhìn nhau, trong lòng rộn lên những niềm vui vô cùng. Hơn ai hết, từ Thuận-thiên hoàng đế cho đến bách quan Đại-Việt đều lo lắng không ít về phái Sài-sơn với Đông-a. Sài-sơn đứng đầu về đạo đức, ân nghĩa thấm khắp đất nước. Đông-a nổi danh hào sảng, anh hùng. Cả hai phái, người nhiều, thế mạnh. Gần hai mươi năm qua, triều đình dùng đủ cách lấy lòng tôn sư hai phái, mà không được. Trong khi đó Tống cứ rình rập mua chuộc võ lâm Đại-việt để đem quân xâm chiềm.

    Thuận-thiên hoàng đế chỉ ước mong vạn nhất Tống mang quân sang, phái Đông-a không theo Tống chống triều đình cũng may mắn rồi, chứ chẳng hy vọng gì phái này cùng hợp tác chống giặc. Mối lo nghĩ này, Khai-quốc vương thường thố lộ với Thanh-Mai, Mỹ-Linh. Hai chị em đã tiết lộ cho vương biết rằng đối với năm ông cầm đầu phái Đông-a, chỉ cần lấy chính nghĩa ra nói truyện cũng đủ. Tuy vậy cho đến đêm hôm qua vương cũng chưa tin tưởng lắm, vì lo sợ Thiên-trường ngũ kiệt sẽ vì mối thâm giao hai đời với Lê triều, mà theo chủ trương của Hồng-sơn đại phu. Vô tình làm lợi cho Tống.
    Nay nghe cái túi khôn của Thiên-trường ngũ kiệt là Trần Kiệt dặn chị em phải nghiên cứu kiếm pháp Hoa-sơn, để chuẩn bị thế phòng Tống sẵn, hai chị em hiểu rằng trong tâm các ông chỉ biết có đất nước trên hết.
    Mỹ-Linh nói nhỏ với Thanh-Mai:
    — Từ đây đến chỗ chú hai xa quá. Nếu dùng Lăng-không truyền ngữ, cần có nội công thượng thừa. Trong bọn mình, thím có công lực cao nhất. Vậy thím tường trình cho ông nội với chú biết tình hình đi.

    Thanh-Mai vận khí, dẫn về Đốc-mạch, tới huyệt Mệnh-môn, chuyển qua Nhâm-mạch, đưa vào trung đơn điền. Nàng hướng Lý Long phát âm:
    — Thanh-Mai đây. Anh có nghe được không.
    — Anh nghe rất rõ. Nội công em cao thực. Có tin gì về phái Đông-a không?
    — Có.
    Rồi nàng trình bầy tất cả diễn tiến.
    Khai-quốc vương nói:
    — Tôn Đản với Tự-Mai hay thực. Đừng chạy đâu, lát nữa có việc.
    Trên đài Hoàng Liên ra chiêu Yến tử thoát sào như con chim én bay vọt khỏi tổ. Chiêu số rất ảo diệu, có sát thủ kinh người. Mỹ-Linh than thầm:
    — Mụ này thực vô lễ. Khi mới giao đấu mà ra chiêu này, còn gì lễ nghi Âu-lạc của Vạn-tín hầu nữa.
    Đông-Sơn lão nhân thấy chiêu kiếm hiểm độc, khắc chế với võ công của lão. Lão vọt người lên cao tránh khỏi. Hoàng Liên chuyển kiếm hướng mũi lên trời. Đông-Sơn lão nhân co chân lại, chĩa kiếm xuống quay một vòng. Mũi kiếm của lão trúng mũi kiếm Hoàng Liên. Lão đẩy mạnh một cái, hai thanh kiếm cong đi. Người lão bay vọt lên cao. Ở trên cao, lão đá gió hai lần người tà tà đáp xuống.
    Trong khi đó Hoàng Liên cảm thấy cánh tay tê rần, kiếm suýt rơi xuống sàn. Khi Đông-Sơn lão nhân đáp xuống, mụ không truy kích được.
    Qua một chiêu, hai đối thủ đã biết sức nhau, cùng cầm kiếm đứng nhìn, chờ đợi.
    Cho đến bây giờ, khán giả mới kịp vỗ tay hoa hô.
    Mỹ-Linh suýt xoa:
    — Mụ Hoàng Liên hiếu thắng, thành ra quên mất căn bản kiếm pháp Mê-Linh. Phàm kiếm pháp bản môn dùng kiếm chiêu, chứ không dùng kiếm khí. Dùng mau thắng chậm. Khi phát chiêu, đối thủ mất căn bản, lập tức chuyển chiêu khác, sao cho như mây trôi, nước chảy, đối thủ không còn trở tay kịp. Đây mụ đối chiêu với Đông-Sơn lão nhân, hoá ra dùng kiếm khí. Tức lấy sở đoản của mình, chống với sở trường của địch. Hỏng!
    Đông-Sơn lão nhân đưa kiếm quay một vòng, tia kiếm như một ánh chớp, rồi biến thành mấy chục chiêu, bao trùm khu đầu Hoàng Liên. Mụ không sợ, thụp người xuống, đưa mũi kiếm xuyên vào giữa vòng kiếm quang của Đông-Sơn lão nhân.
    Lão bước sang trái hai bước, đẩy ngược lại một chiêu. Thế là hai người quay tròn lấy nhau. Kiếm của Hoàng Liên cực kỳ tinh diệu, khi phải đấy, mà lại thành trái. Khi trái đấy, mà lại thành phải. Hư hư, thực thực.
    Vũ Anh hỏi Mỹ-Linh:
    — Công chúa! Tôi nghe công chúa học được trọn vẹn Long-biên kiếm pháp. Công chúa thấy kiếm pháp của Hoàng-Liên ra sao?      Nghe Vũ-Anh hỏi, Mỹ-Linh nghĩ thầm:
    — Ông này là một trong Thiên-trường ngũ kiệt, võ công, kiến thức trùm đất Việt. Thế mà ông lại hỏi ý kiến mình. Hẳn ông muốn trắc nghiệm mình đây. Chứ không lẽ ông không biết? Mình cứ trình bầy thực, có gì sơ xuất, ông sẽ chỉ cho.
    Nghĩ vậy nàng đáp:
    — Thưa sư thúc. Xưa Vạn-tín hầu đấu với anh hùng Trung-nguyên, nhân đó thu thập tinh hoa kiếm pháp của họ lại, rồi tìm ra nội công, cùng chiếu số khắc chế. Pho kiếm ấy đặt tên Long-biên kiếm pháp. Kiếm có 72 thức. Mỗi thức 36 biến hoá căn cứ vào tám quẻ của kinh Dịch gồm Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Lý, Khôn, Đoài. Tám mà đánh về sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới thành sáu biến nữa hoá ra bốn mươi tám. Như vậy mỗi chiêu biến thành bốn mươi tám chiêu. Tổng cộng 3456 chiêu. Đệ tử Mê-linh nào cũng biết xử dụng những chiêu này.
    Ngừng lại một lát, nàng tiếp:
    — Mỗi chiêu phân ra tấn công là dương, thủ là âm. Như vậy thành 6912 chiêu. Điều này bị thất truyền. Nếu ai học được 72 chiêu trấn môn, nối liền các chiêu lại với nhau sẽ xử dụng được đủ. Ai học được bài quyết biến hoá, sẽ biến thành hư thực. Cứ ba chiêu hư, có bẩy chiêu thực. Cộng tới 20.736 chiêu hư và 48.384 chiêu thực. Tổng cộng thành 69.120 chiêu.
    Vũ Anh lại hỏi:
    — Tôi nghe nói hôm trước công chúa đã xử dụng kiếm pháp này hạ Hoàng Văn, một trong trưởng lão kiệt hiệt của Hồng-thiết. Liệu lát nữa đây, nếu Hoàng Liên thua, công chúa có nên xuất thủ không?
    Mỹ-Linh lắc đầu:
    — Tiểu nữ không dám, và không có quyền. Tiểu nữ ở phận cháu, lại được sủng ái làm con nuôi, tiểu nữ chỉ xuất chiêu khi có lệnh của chú hai.
    Vũ Anh nghe Mỹ-Linh trình bày, ông nghĩ thầm:
    — Thực không hổ đệ tử của sư huynh Huệ-Sinh, lời lời đều có đạo lý hiếu thuận.
    Trên đài thình lình Hoàng Liên đổi hẳn kiếm pháp. Kiếm chiêu của mụ vẫn là Long-biên. Nhưng biến hoá khác hẳn. Mỗi chiêu đánh ra kình lực mạnh vô cùng. Phạm Hào bật lên tiếng khen:
    — Giỏi. Mụ Hoàng Liên giỏi!
    Bọn Mỹ-Linh, Thanh-Mai không hiểu gì. Trần Kiệt giảng:
    — Các cháu nhìn kìa. Kiếm chiêu, mụ vẫn dùng Long-biên kiếm pháp. Nhưng nội công, mụ dùng nội công Hồng-thiết. Kình lực mạnh vô cùng.
    Đúng như Trần Kiệt nói. Mỗi chiêu mụ Hoàng Liên đánh ra, kiếm khí cực mạnh, phát ra tiếng kêu vo vo.
    Đông-Sơn lão nhân không hổ đệ nhất kiếm khách Trung-nguyên. Y thư thả trả đòn. Kiếm chiêu của y thô kệch vô cùng. Nhưng mỗi chiêu đều bao hàm sát thủ khủng khiếp.

    Nguyên tổ sư phái Hoa-sơn xuất thân từ phái Tương-dương. Sau khi phái Tương-dương tranh dành, phân chia chém giết nhau trong thời Lục-triều. Ông cắp gươm ngao du thiên hạ, giao đấu cùng anh hùng khắp nơi, rồi trở về núi Hoa-sơn nghiên cứu, chế ra pho Hoa-sơn kiếm pháp. Ông thu dụng đệ tử, truyền nghề. Từ đấy Hoa-sơn kiếm pháp nổi danh vô địch Trung-nguyên. Đến đời thứ mười ba, nảy ra bốn tay kiếm khách lừng danh. Họ được đời tặng danh hiệu Hoa-sơn tứ lão. Gồm Đông, Tây, Nam, Bắc. Đông-Sơn lão nhân dạy là một trong Hoa-sơn tứ lão. Ông dạy rất nhiều đệ tử. Nhưng có hai người thành danh nhất phải kể Dư Tĩnh, hiện giữ chức An-phủ-sứ Quảng-tây lộ. Địch Thanh trúng cách Võ trạng nguyên năm trước tại Biện-kinh.
    Nhân Tống triều muốn mở rộng bờ cõi ra xa, mới ban hành chính sách trọng đãi, khuyến khích võ nghiệp. Triệu Thành nắm quyền thái-úy, nhờ Dư Tĩnh mời lão ra giúp. Lão nhận lời, nhân đó theo sứ đoàn sang Đại-Việt. Lúc đầu, lão tự cho mình vô địch thiên hạ, coi võ lâm Đại-việt bằng nửa con mắt. Từ khi qua Thiên-trường thăm phái Đông-a, rồi trên đường về Thăng-long gặp anh hùng Đại-lý. Lão mới biết ngoài bầu trời này con bầu trời khác.
   
Bây giờ, lão thấy mình đã cố gắng hết sức, mà không thắng được mụ ni cô già, lão càng thêm e dè.
    Thình lình lão nghe có tiếng Lăng-không truyền ngữ của Minh-Thiên nói vào tai:
    — Lão nhân nghe đây. Hoàng Liên cùng Đỗ Xích-Thập nhận sắc phong của ta. Mụ sẽ giả vờ thua, để cho ta rời khỏi Giao-chỉ an toàn. Vì vậy không được đả thương mụ.
    Trong khi đó Hoàng Liên nghe Đỗ Xích-Thập dùng Lăng-không truyền ngữ nói :
    — Liệu tìm cách thua đi là vừa.
    Nghe tình nhân nói, mụ Hoàng Liên chửi thầm:
    — Tổ bà thằng ngu! Chỉ vì tham miếng đỉnh chung mà cam chịu nhục. Thôi đã trót, phải trét. Ta chịu thua tên này cho xong truyện.
   
Nghe vậy, mụ quay kiếm vo vo, đánh liền mười chiêu, đẩy lui Đông-Sơn lão nhân tới góc đài, rồi bổ một chiêu như sét đánh vào đầu lão. Lão đưa kiếm đỡ, tay đẩy ra một chưởng. Choang một tiếng, kiếm của Hoàng Liên bị gẫy làm nhiều mảnh bay lên cao. Đông-Sơn chĩa kiếm đánh bốn chiêu liền. Mụ tránh được ba chiêu. Đến chiêu thứ tư, mụ lùi tới mé đài, hụt chân. Mụ lộn xuống đất.
    Vừa xuống tới đất, mụ rút kiếm của một đệ tử phái Mê-linh, vọt trở lên. Tay mụ ném cán kiếm gẫy vào người Đông-Sơn lão nhân. Lão phẩy tay một cái, cán kiếm hướng vào người Khai-thiên vương.
    Khai-thiên vương đứng hầu phụ hoàng, nhưng vương không chú ý đến trận đấu. Những biến cố vừa qua làm vương lo nghĩ không ít.
   
 Trước đây phụ hoàng đã phán với triều thần rằng, người không nhất thiết chỉ định trừ quân. Ngài đợi xem, trong các em, các con, ai tỏ ra có tài, có đức sẽ truyền ngôi cho. Vì vậy các con ngài đều được gọi là thái tử hết.
     Sau khi vương phi Triệu Liên-Hương từ trần do trúng độc Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Ngài biết cái chết đó có liên quan tới quốc trượng Đàm Can, cùng quý phi. Khai-quốc vương xin cho Khu-mật viện thụ lý, ngài gạt đi. Để đền bù, ngài phong cho con gái đầu lòng của vương là Mỹ-Linh tước công chúa Bình-dương. Với ngụ ý, sẽ truyền ngôi cho vương.
   
Hơn hai năm qua Bình-dương theo chú ra ngoài hoạt động, đã làm được nhiều điều kinh thiên động địa. Vương hy vọng tràn trề, cái ngôi vua kia. Nay thình lình Mỹ-Linh cứu được vương phi ra từ chốn giam cầm của Hồng-thiết giáo.
     Tuy Khai-quốc vương hết sức che chở. Nhưng một mai đây đem Đàm Can, Đàm Toái-Trạng, Đàm quý phi ra xử, chắc chắc chúng sẽ xưng ra việc dùng vương phi làm cây thuốc. Bấy giờ cái ngôi vua không hy vọng gì, mà đến cái tước vị Khai-thiên vương cũng mất.
    Vương đang mơ mơ màng màng, thì bị cái cán kiếm gẫy của Hoàng Liên ném trúng chân. Vương nhăn mặt tỏ vẻ đau đớn.
    Đông-Sơn lão nhân biết, chưởng của mình không thể đánh gẫy được kiếm của mụ. Chẳng qua, mụ dùng nội lực tự trấn gẫy kiếm của mình mà thôi. Lão lui lại, chắp tay:
    — Đa tạ sư thái nhẹ tay.
    Đối với Hoàng Liên, lão nói câu đó là thực tình. Nhưng đối với quần hùng, có nghĩa, mụ bị gẫy kiếm, mụ bị thua rồi.
    Mỹ-Linh chợt nghe thấy tiếng Khai-quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ nói:
    — Cùng Tự-Mai, Tôn-Đản lên đài gây sự với bọn Tống. Nhớ để Tự-Mai chủ động. Cháu đấu với Đông-Sơn lão nhân dưới danh nghiã đệ tử phái Mê-linh.
    Mỹ-Linh kéo hai ông mãnh lại gần, để cùng bàn kế hoạch.
    Trên đài Triệu Thành hớn hở đứng lên nói:
    — Như đã ước hẹn, chúng ta đấu ba cuộc. Bên Thiên-triều thắng hai. Coi như thắng. Vậy bên Giao-chỉ có gì khiếu nại không?
    Thấp thoáng, y thấy ba người tung lên đài. Y nhận ra được Tự-Mai với Tôn Đản. Người thứ ba là Mỹ-Linh, đã giả trang. Y không nhận ra. Y chửi thầm:
    — Suốt một năm qua, ta bị hai thằng ôn vật này phá rối hoài. Hôm nay đừng hòng ta nhịn chúng nữa.
    Mỹ-Linh tiến đến băng bó vết thương ở chân cho phụ vương. Dù nàng đã cải trang, nhưng Khai-thiên vương cũng nhận ra con gái. Vương để con gái băng chân cho mình.
    Trong khi đó Tôn Đản cười ha hả:
    — Đại-Việt có mười hai môn phái, bốn đại bang. Vừa rồi Hồng-thiết giáo đấu với Tống, chứ có phải võ lâm Đại-Việt đâu. Tôi không phục!
    Tự-Mai chỉ vào mụ Hoàng Liên:
    — Mụ này nguyên xuất thân phái Mê-linh, nhưng đã bỏ phái này đầu Hồng-thiết giáo. Mụ là tình nhân của tên Đỗ Xích-Thập. Cả hai phản Hồng-thiết giáo, nhận sắc phong Tống triều. Vì vậy vừa rồi mụ giả thua, trấn động gẫy kiếm, nhường cho Tống thắng.
    Đỗ Xích-Thập ngồi trên ghế của tôn sư phái Tản-viên. Y cười nhạt:
    — Này chú bé. Chú phải chứng minh rõ ràng ta làm gian tế của Tống. Bằng không chú là con của chưởng môn phái Đông-a. Chứ dù chú là chưởng môn phái này, ta cũng lấy tính mạng chú.
    Tự-Mai nhăn mặt, méo mồm trêu Xích-Thập:
    — Này Đỗ trưởng lão. Nếu Đỗ trưởng lão vẫn giữ địa vị cao nhân phái Tản-viên, đời nào tôi dám đụng đến! Ngay dù trưởng lão vẫn trung thành với Nhật-Hồ giáo chủ, tôi càng không nên đụng vào. Nhưng Đỗ trưởng lão âm mưu dâng giang sơn của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng cho Tống, vì vậy tôi không cần lễ phép với trưởng lão nữa.
   
Nhật-Hồ lão nhân đã biết truyện Xích-Thập, Hoàng Liên nhận sắc phong của triều Tống. Lão lại được tin hai tên này theo Lê Ba, giam lão. Nay lão được ra, chúng âm mưu tranh quyền với lão. Lão muốn trừ hai tên này, để tỉa bớt vây cánh Lê Ba. Nhưng lão chưa có chứng cớ. Bây giờ nghe Tự-Mai tố cáo, lão hỏi:
    — Tiểu huynh đệ. Người căn cứ vào đâu, mà tố cáo hai đệ tử của lão phu làm gian tế cho Tống?
    Tôn Đản móc trong túi ra một tập giấy, trao cho Nhật-Hồ lão nhân:
    — Đây, xin tiên sinh thử coi xem có phải bút tích của mụ Hoàng Liên với Đỗ Xích-Thập không?
    Nhật-Hồ lão nhân tiếp tập giấy coi. Hai tờ đầu gồm thư của Đỗ Xích-Thập viết cho Triệu Thành, tường trình về những việc y đã chuẩn bị cướp ngôi phái Tản-viên. Sau đó đem phái Tản-viên ép vua Lý thoái vị. Hai tờ kế tiếp của Hoàng Liên tường trình rõ ràng kế hoạch khống chế phái Mê-linh, rồi dùng phái này ép vua Lý thoái vị. Sau này quân Tống sang, cả hai phái nguyện làm nội ứng.
    Nhật-Hồ lão nhân đưa mắt hỏi Hoàng Liên, Xích-Thập:
    — Các người còn chối được nữa không?

    Triệu Thành kinh hoàng. Vì những thư tín đó, y trao cho Minh-Thiên cất cẩn thận, mà không biết bằng cách nào Khu-mật viện lấy được, rồi sai hai tên ôn con ra phá thối. Y hướng vào Trần Tự-An:
    — Côi-Sơn đại hiệp. Phải chăng quý công tử lên đây với tư cách đại diện cho phái Đông-a?
    Tự-Mai ỷ được bố cưng chiều. Nó cười lớn:
    — Triệu vương gia. Vương gia hỏi câu đó, tỏ ra không hiểu gì Đại-việt chúng tôi. Tôi lên đây không nhân danh Bố, cũng chẳng nhân danh phái Đông-a. Tôi nhân danh tôi. Vì tôi là con dân Đại-Việt, có toàn quyền bảo vệ quốc thể nước tôi.

    Cả quảng trường cười ầm lên vỗ tay liên tiếp. Vô tình đội nhạc Hồng-thiết giáo cùng đội nhạc phái Sài-sơn đồng nhất loạt cử bài Động-đình ca. Đâu đó, pháo thăng thiên bắn lên trời nổ ầm ầm, toả ra muôn ngàn thứ hoa đẹp vô cùng.


Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét