Lan Bách-tộc, tượng trưng cho trăm họ tộc Việt, nói lên ý nghĩa 50 con theo cha, 50 con theo mẹ. Tên Hán-Việt là Mật Hoa Thạch Hộc, tên khoa học là Dendrobium dendrobio. Tôi in hình này để tặng nhà văn nghiên cứu Thái Thụy Vi, đã thi vị hóa, lãng mạn hóa Lan trong tập "Cho Cuộc Đời Thương".
HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT
Hậu thế tri âm như dục vấn
Đoạn trường tục ký thử dư âm
Dịch: Tri âm ai đó ngàn sau
Đoạn trường xin hãy vì nhau tỏ bày.
( Hà-thượng-Nhân) (1)
Vương lắc đầu:
— Con hiểu một mà không hiểu hai. Ta nay lâm thế cỡi cọp rồi. Bước xuống e mất mạng. Mạng ta mất đã đành, đến các con cũng khó an tòan. Thời Lê, tấm gương còn đó. Khi em tranh dành được ngôi vua, việc đầu tiên họ nghĩ ngay đến trừ mầm mống nội loạn. Ta là con trưởng, tay cầm trọng binh, đã từng xông pha trận mạc, công lao cũng nhiều, uy tín không nhỏ. Bây giờ bất cứ người em nào lên làm vua, việc đầu tiên họ nghĩ tới trừ ta trước.
Mỹ-Linh chợt nhớ lại Bắc-sử, những gì chép trong Chiến-quốc sách, trong Hán-sử, trong Tấn-sử, Tùy-sử, Đường-sử sống dậy. Khi người ngoài tranh dành ngôi vua với nhau, kẻ thắng dành cho người bại đất sống. Như khi vua Võ-vương đánh Trụ, vẫn phong cho con cháu vua Trụ một nước nhỏ để thờ cúng tổ tiên. Thế mà khi vua Hán Văn-đế lên ngôi vua, Triệu-vương Như-Ý bị giết thảm. Chỉ vì trước đó Cao-tổ Lưu Bang định truyền ngôi cho vương. Đường Thái-tôn tranh ngôi vua, lập tức giết anh là Kiến-Thành, em là Nguyên-Kiệt.HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT
Hậu thế tri âm như dục vấn
Đoạn trường tục ký thử dư âm
Dịch: Tri âm ai đó ngàn sau
Đoạn trường xin hãy vì nhau tỏ bày.
( Hà-thượng-Nhân) (1)
Vương lắc đầu:
— Con hiểu một mà không hiểu hai. Ta nay lâm thế cỡi cọp rồi. Bước xuống e mất mạng. Mạng ta mất đã đành, đến các con cũng khó an tòan. Thời Lê, tấm gương còn đó. Khi em tranh dành được ngôi vua, việc đầu tiên họ nghĩ ngay đến trừ mầm mống nội loạn. Ta là con trưởng, tay cầm trọng binh, đã từng xông pha trận mạc, công lao cũng nhiều, uy tín không nhỏ. Bây giờ bất cứ người em nào lên làm vua, việc đầu tiên họ nghĩ tới trừ ta trước.
Mỹ-Linh nghĩ đến Khai-quốc vương, nàng hỏi:
— Khai-quốc vương hiện nắm binh quyền trong tay. Không lẽ chú hai lại buông tay nhìn phụ vương bị hại sao?
Vương thở dài:
— Trong các anh em, chú hai là người duy nhất không hại ta, không tranh dành với ta. Nhưng giữa ta với chú hai có một hố ngăn cách. Vì mẫu hậu ta trước đây nghi ngờ chú hai, nên có nhiều lời dèm pha người. Rồi sau đó, phụ hoàng nghe lời xàm tấu của cung nữ, thái giám hầu hạ mẫu hậu ta nói rằng chú hai làm phản. Đang đêm phụ hoàng cùng ta đem quân đến Trường-yên, mới nảy ra việc chú hai bị hàm oan. Từ đấy hố chia rẽ càng lớn. Hai cung nữ, ba thái giám hầu mẫu hậu ta bị xử tử. Phụ hoàng còn trao trọng quyền cho chú hai vì biết chú hai không thích làm vua. Hôm trước ta có dò ý chú hai về việc giúp ta. Chú hai nói thẳng ra rằng chú không giúp bất cứ ai trong anh em ta tranh dành ngôi vua. Người nào được phụ hoàng truyền ngôi, thì chú hai giúp người đó.
Vương nhìn Bảo-Hòa:
— Ta tìm hậu thuẫn ở mạ mạ cháu. Mạ mạ cháu với ta vốn bất hòa từ nhỏ. Cho nên ta có nói cũng vô ích. Chỉ duy có công chúa An-Quốc là hứa giúp ta. Nhưng công chúa chỉ thích trồng hoa, tập võ, còn truyện triều đình không màng tới.
Bảo-Hòa suy tính, rồi hỏi:
— Trong các cậu, hiện ai là người thường cạnh tranh với cậu hơn cả?
— Có hai người. Một là chú ta, tước phong Dực-thánh vương. Em ta là Vũ-đức vương. Sở dĩ chú ta cũng tranh dành, vì phụ hoàng có lần muốn theo gương vua Tống Thái-tổ Triệu Khuông-Dẫn, nhường ngôi cho Tống Thái-tôn là Triệu Khuông-Nghĩa. Hai vị vương đều có võ công cao, cầm trọng binh trong tay.
Bảo-Hoà nhớ lại hành tung của Dực-thánh vương với bọn Tống, mà nàng cùng Mỹ-Linh gặp trên đường từ Thiên-trường về Thăng-long. Nàng định đem ra nói với Khai-thiên vương. Nhưng nhớ lại hôm mới về Thăng-long, Khai-quốc vương dặn mọi người không được tiết lộ vụ này. Theo vương, thì cứ để vậy theo dõi, mới biết rõ âm mưu bọn Tống. Còn tiết lộ ra, chúng sẽ mua chuộc các thân vương khác, e không biết đâu mà mò.
Nàng nói xa xôi:
— Thưa cậu, cháu nghĩ Dực-thánh vương không đủ tư cách làm vua Đại-Việt. Cho dù người có được truyền ngôi, thì võ lâm sẽ nổi lên chống đối. Cậu cứ mặc cho vương tranh dành.
Khai-thiên vương biết Bảo-Hòa không phải là người gặp đâu nói đó. Nàng đưa ra nhận xét về Dực-thánh vương, chắc có những yếu tố quan trọng mà nàng không thể nói ra.
Khai-thiên vương thấy Bảo-Hoà có nhận xét chính xác. Ông gật đầu:
— Đành rằng thế. Nhưng Dực-thánh vương lại rất được lòng mạ mạ cháu. Người đã hỏi cháu cho đứa cháu trai đích tôn. Dường như tên Hưng-Long thì phải. Hưng-Long học văn, học võ đều thành. Tính tình lại mẫn tiệp, được phụ hoàng rất mực sủng ái. Do vậy thanh thế phủ Dực-thánh càng cao.
Bảo-Hoà nhăn mặt:
— Thưa cậu, cháu xin nói thực. Dù mạ mạ đánh què, cháu cũng không lấy thằng Hưng-Long mặt trắng đâu. Cái thứ đó chẳng không làm lên bất cứ việc gì. Không biết y học võ với ai?
— Y là đệ tử chân truyền của đại sư Nguyên-Hạnh chùa Sơn-tĩnh Cửu-chân. Hiện y thống lĩnh lực lượng thiếu niên Hồng-hương vùng Thăng-long và Thiên-trường, Trường-yên. Thế lực rất lớn.
Nghe đến Nguyên-Hạnh, Bảo-Hoà, Mỹ-Linh đưa mắt nhìn nhau. Nhưng hai người không giám tiết lộ những gì mắt thấy tai nghe ở Thanh-hoá, vì Khai-quốc vương dặn giữ kín.
Khai-thiên vương ngừng lại một lát, tiếp:
— Chỉ lát nữa, phụ hoàng ta sẽ họp tất cả con cháu tại lầu Thúy-hoa. Ta linh cảm thấy việc này rất quan trọng. Cho nên ta cho con biết trước, hầu liệu mà đối đáp.
Ông nhìn Thiệu-Thái:
— Còn cháu, cháu liệu mà trả lời với phụ hoàng ta. Vì các quan trấn Thanh-hóa đều thượng biểu rằng cháu với Bình-dương có tình ý. Cháu đã được mạ mạ hỏi vợ cho. Vợ cháu là con động trưởng động Vật-ác tên Vi Huệ-Chân. Chỉ còn chờ ngày cưới. Cháu không thể làm như thế. Hơn nữa việc dựng vợ, gả chồng do cha mẹ. Không có phép cha mẹ, mà trai gái tằng tịu với nhau là trọng tội. Kể từ giờ này, ta cấm cháu với Bình-dương gần nhau. Bằng trái mệnh ta chặt đầu cả hai. Ta đã quyết gả Bình-dương cho em trai Đàm quý phi tên Đàm An-Hòa.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nghe vương nói, hai người như bị dội một thùng nước lạnh lên đầu giữa mùa đông. Cả hai nhìn nhau, mặt nhợt nhạt.
Bảo-Hoà hỏi lại vương:
— Thưa cậu! Cậu có biết rõ về Đàm An-Hòa không? Lại nữa cái chết của mợ hai có liên quan tới anh em họ Đàm. Cậu không nên gả Mỹ-Linh cho y. Vả y là một đứa lêu lổng. Văn không thông, võ không lực. Suốt ngày ăn chơi trên ghẹo lương gia phụ nữ, chỉ biết dựa hơi cha, anh, chị.
Khai-thiên vương cau mày:
— Đành rằng thế. Nhưng trong các thiếu niên ngang tuổi với Mỹ-Linh, không ai hơn An-Hòa. Đàm Can hiện là tể thần số một của triều đình. Năm con trai, thì bốn làm tiết độ sứ, tuyên vũ sứ, an vũ sứ trọng trấn ở ngoài. Con gái làm quý phi. Ông ta đang giữ chức đô nguyên soái, thái phó, tổng trấn Thăng-long.
Khai-thiên vương tiếp:
— Mỹ-Linh chưa tập võ, bây giờ cũng nên luyện tập cho thân thể khoẻ mạnh, chứ chỉ học văn không thì không đủ.
Nghe phụ vương nói, Mỹ-Linh mừng thầm, vì phụ vương chưa biết những gì xẩy ra cho nàng hơn năm qua. Về võ công, hiện giờ trong triều khó ai bằng nàng. Thế mà phụ vương nàng không biết . Nàng hy vọng sư thái Tịnh-Huyền, cùng với sư phụ Huệ-Sinh có thể giúp nàng với Thiệu-Thái được.
Khai-Thiên vương tiếp:
— Thôi chúng ta trở lại võ đường.
Vương đi trước, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa theo sau. Vào võ đường, vương ngồi trên ghế chủ vị. Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái đứng ra sau vương, khoanh tay hầu.
Giáo đầu lại cho Kim-Thành với Hồng-Phúc tái đấu. Mỹ-Linh chú ý theo dõi. Nàng kinh ngạc đến ngẩn người ra, vì Kim-Thành dùng võ công Tiêu-sơn. Còn Hồng-Phúc dùng một thứ võ công rất lạ. Bảo-Hòa, Thiệu-Thái cũng quay lại nhìn nàng như cùng hỏi tại sao. Mỹ-Linh trả lời bằng cái lắc đầu.
Kể về công lực, Kim-Thành với Hồng-Phúc ngang nhau. Nhưng về chiêu số Kim-Thành sút kém rõ rệt. Mỹ-Linh biết rõ nguyên do. Đối với các võ công phái khác, chỉ tập một năm đã có một bản lĩnh khá. Còn võ công Tiêu-sơn phải luyện tới năm thứ ba trở đi mới có kết qủa. Nhưng bất cứ võ công môn phái nào, luyện tới năm thứ tư trở đi, đều thua võ công Tiêu-sơn.
Tuy Hồng-Phúc dùng những quái chiêu, nhưng Kim-Thành vẫn công thủ giữ kín môn hộ vững chắc. Mỹ-Linh biết Kim-Thành được phụ vương nàng huấn luyện căn bản rất vững, nhưng không ra ngoài bộ Pháp-vân quyền hoặc bộ Tiêu-sơn hộ thể quyền.
Thình lình Hồng-Phúc tấn công liền ba quyền, Kim-Thành lùi ba bước, gần tới chân tường. Hồng-Phúc lui lại phát một chưởng. Chiêu số rất quái dị. Kim-Thành đành khoanh tay trước ngực chịu đòn. Khai-thiên vương chuyển thân mình một cái, tay ông xuyên vào giữa Kim-Thành với Hồng-Phúc. Hồng-Phúc bị đẩy bật lui lại. Khai-thiên vương tát Hồng-Phúc hai cái liền. Người Hồng-Phúc bị bật văng về sau. Nàng ôm mặt đứng tần ngần.
Khai-thiên vương quát lên:
— Mi học ở đâu ra chưởng pháp này? Vương mẫu Hồng-Phúc là con gái Đinh Ngô-Thương, hiện giữ chức tiết độ sứ, tổng trấn vùng Thanh-hóa, thanh thế rất lớn. Bà nhập tuyển cung trước vương mẫu Mỹ-Linh, nhưng chỉ được phong phu nhân. Bà thấy con gái bị đòn, thì chạy xa xoa má cho Hồng-Phúc rồi hỏi:
— Vương gia. Hai trẻ đang dượt võ với nhau. Tại sao vương gia bênh Kim-Thành, mà đánh Hồng-Phúc? Chiêu chưởng vừa rồi do thân phụ thần thiếp dạy cho nó đó. Ông ngọai dạy cháu, nào có gì lạ?
Khai-Thiên vương đang định cật vấn con gái, thì có tên thái giám bước vào hành lễ:
— Khải tấu vương gia. Đã đến giờ khởi hành đi chúc thọ hoàng thượng. Hoàng thượng có chỉ dụ truyền vương gia đem tất cả thế tử, các vương phi, cùng quận chúa nhập Hoàng-Thành chầu ngay lập tức. Hoàng thượng đang thiết đại yến.
Thời vua Lý Thái-tổ mới lên ngôi, ngài ấn định thiết đại triều một tháng sáu lần vào ngày ba, tám, mừơi ba, mười tám, hai mươi ba và hai mươi tám. Còn tiểu triều thì bất cứ lúc nào có việc khẩn, hoàng đế sẽ cho thiết. Tiểu triều gồm các thái tử, tam-công, tể tướng, sáu vị thượng thư sáu bộ, đô nguyên soái, các quan trong Khu-mật viện. Còn đại triều cũng vẫn những vị trong tiểu triều thêm các thân vương, vệ điền tiền chỉ huy sứ cùng các quan văn từ cấp thái bảo trở lên.
Linh tính báo cho Khai-thiên vương biết có biến cố quan trọng, nên phụ-hoàng mới cho thiết tiểu triều khẩn cấp như vậy. Ông truyền:
— Các bà chuẩn bị thực mau.
Ông nói với Mỹ-Linh:
— Con với Thiệu-Thái, Bảo-Hòa cũng đi cùng. Con có gia nhân nào theo hầu không?
Mỹ-Linh nghĩ tới Đỗ Lệ-Thanh, nàng nói:
— Con có đem theo một nữ nô bộc, tuổi trên bốn mươi.
— Vậy con cũng nên cho theo vào hoàng cung luôn.
Khai-thiên vương cùng ba bà phi đi trên một chiếc xe ngựa. Xe của Mỹ-Linh tương đối rộng lớn, nàng cho hai em gái Kim-Thành, Trường-Ninh đi cùng. Còn lại các con của ba bà phi đi trên một chiếc, do Hồng-Phúc dẫn đầu. Chị em xa cách lâu ngày, bây giờ gặp lại nhau. Mỹ-Linh kể về chuyến đi của mình cho các em nghe. Tính tình nàng chân thật, ôn nhu. Vì vậy dù những biến cố nguy nan, nàng cũng chỉ thuật lướt qua mà thôi. Kim-Thành nhỏ hơn Mỹ-Linh một tuổi, Trường-Ninh nhỏ hơn Mỹ-Linh hai tuổi. Hai nàng nghe chị kể, trong lòng thầm mơ sẽ được đi ra ngoài như vậy.
Mỹ-Linh nhớ đến người em trai út, hỏi Kim-Thành:
— Nhật-Tôn đâu?
Kim-Thành thở dài:
— Mấy bà vương phi thường khắt khe, ác độc với nó, nên phụ vương cho nó ở trong cung Long-thụy tại Hoàng-thành với nhũ mẫu. Trên đường đi, chúng ta sẽ đón nó.
Xe vào trong Hoàng-thành, đến cung Long-thụy. Xe ngừng lại. Kim-Thành bước xuống, định vào tìm em, đã thấy nhũ mẫu dắt nó ra.
Nhũ mẫu Nhật-Tôn là một thiếu phụ tuổi khỏang hai mươi, hai mốt, tên Nương. Dáng người bà cao, mảnh khảnh. Khuôn mặt thanh tú. Chồng bà hiện giữ một chức quan văn nhỏ trong phủ Khai-thiên vương. Bà thấy Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Thiệu-Thái vội hành lễ. Mỹ-Linh tháo chiếc vòng ngọc trên tay, mà hôm trước tiết độ sứ Đinh Ngô-Thương đã tặng nàng làm lễ diện kiến. Nàng cầm tay vú Nương, đeo vòng ngọc vào, rồi nói bằng giọng nhu mì:
— Hơn năm nay mới gặp vú. Hồi này trông vú khỏe mạnh hơn trước. Tôi thay mặt ông nội Nam du, mang quà về tặng vú đấy. Thế nào em tôi ngoan chứ?
Vú Nương cảm động, nước mắt rưng rưng:
— Đa tạ công chúa. Hồi này thế tử bắt đầu học chữ. Quan thái phó Lý Đạo-Thành khen thế tử thông minh lạ thường. Còn võ thì thế tử chưa có sư phụ.
Mỹ-Linh vẫy tay gọi Nhật-Tôn. Nó chạy lại. Nhật-Tôn sinh ra hơn ba năm thì mẹ mất. Tuy được nhũ mẫu săn sóc, nhưng nó vẫn thấy thiếu một cái gì, mà tuổi nó, không biết diễn tả. Nó chỉ biết đeo theo các chị gái. Nhưng các chị gái bị phụ vương ép học văn, học may, học thêu, cùng học cung cách của một quận chúa. Chiều tối còn phải luyện võ nữa. Vì vậy nó cảm thấy bơ vơ cô đơn. Trong các chị gái, nó thích nhất Mỹ-Linh. Không may cho nó, năm trước đây, Mỹ-Linh lại phải rời phủ Khai-thiên vương về ở trong phủ Khai-quốc vương. Gần năm nay, bây giờ nó mới gặp lại nàng.
Vừa trông thấy Mỹ-Linh, nó chạy tới ôm lấy cổ nàng, rồi không hiểu nghĩ gì, nó tu lên khóc. Nó khóc nức nở, khóc nghẹn ngào. Mỹ-Linh bế bổng em vào lòng, tay nàng ôm chặt đầu nó vào ngực, lấy khăn lau nước mắt cho nó:
— Nín đi! Nín đi! Chị đã về đây. Chị thương em nhiều.
Nhật-Tôn lại càng khóc lớn hơn. Nó nói trong nức nở:
— Mẹ chết rồi! Bố bỏ em! Chị cũng bỏ em. Em ở một mình. Em khổ lắm.
Hai tay Nhật-Tôn ôm thực chặt cổ Mỹ-Linh, như sợ nàng đi mất. Mỹ-Linh dỗ em:
— Thôi nín đi. Chị sẽ dẫn em đi chơi! Dẫn em ăn quà.
Rồi không kiềm chế được, nàng cũng khóc. Thế là trên xe, Bảo-Hòa, Kim-Thành, Trường-Ninh cũng khóc theo. Nhật-Tôn ngừng khóc trước, hai tay bá cổ chị, nó hỏi:
— Chị Linh đừng bỏ em đi nữa nhé. Xa chị Linh em khổ lắm.
Nước mắt Mỹ-Linh lại rơi trên mặt Nhật-Tôn. Nàng dỗ em:
— Ừ chị ở lại với em. Em học chữ đến đâu rồi?
Nhật-Tôn nói như con két. Nó thuật tất cả những gì nó học được cho chị nghe. Trong khi nó thuật, xe chuyển bánh tới lầu Thúy-hoa, là nơi nhà vua truyền con, cháu tới đó hội họp.
Mỹ-Linh cùng các em lên lầu. Viên thái giám có bổn phận xếp đặt chỗ ngồi dẫn nàng vào Long-hoa đường là phòng hội lớn nhất trên lầu Thúy-hoa.
Trong Long-hoa đường tiệc đã bầy. Một cỗ lớn nhất, đặt trên sập sơn son thiếp vàng, chạm trổ hình hai con rồng chầu. Đó là cỗ dành cho hoàng đế và các hoàng hậu cùng quý phi. Phía trái, còn ba cỗ nữa, đặt trên ba sập, cũng chạm hình hoàng long, dành cho các bà phi tần, mỹ nữ của vua.
Phía phải có một sập, trên chạm hình con phụng hoàng, dành cho Vũ-uy vương. Một sập chạm hình con kỳ lân dành cho Dực-thánh vương. Phía đối diện có bốn dẫy sập. Một dẫy chạm hình bạch mã dành cho Khai-thiên vương cùng vương phi, con cháu. Riêng Khai-quốc vương chưa có vương phi, con cháu, nên chỉ có một sập, trên bầy cỗ chay. Vì vương thường ăn chay. Một dẫy sập chạm hình con hổ dành cho Đông-chinh vương cùng vương phi, con cháu. Một dãy sập nữa chạm hình con voi, dành cho Vũ-đức vương với vương phi, con cháu. Tiếp sau, có mười ba cỗ trên mười ba sập, dành cho mười ba công chúa cùng phò mã.
Mỹ-Linh được mời ngồi vào sập thứ nhì trong dẫy sập dành cho phủ Khai-thiên vương. Nàng ngồi chung cỗ với Kim-Thành, Trường-Ninh, Nhật-Tôn. Còn sập thứ ba dành cho các em nàng, nhưng là con của Mai, Vương, Đinh phi.
Thiệu-Thái, Bảo-Hòa là con của đệ nhị công chúa, nên được mời ngồi vào sập dành cho mạ mạ nàng. Vô tình nàng được ngồi gần sập của công chúa An-Quốc cùng phò mã Đào Cam-Mộc.
Mỹ-Linh đã quen với những cuộc hội họp như thế này, riết rồi nàng thuộc hết mọi thủ tục lễ nghi. Thông thường, mỗi năm vào các ngày sinh nhật, ngày lên ngôi vua, ngày giỗ các tiên tổ và ngày tết Nguyên-đán đều có cuộc họp. Cuộc họp hôm nay không nằm trong thông lệ, chắc ông nội nàng định loan báo một quyết định gì.
Mỹ-Linh đưa mắt quan sát một lượt. Kinh nghiệm cho biết cứ mỗi cuộc họp mới, số người lại tăng lên. Vì các vương thu dụng thêm tỳ thiếp, cũng như sinh thêm con. Hiện giờ mới có bậc cháu của hoàng đế. Nàng tỷ mỷ nhìn một lựơt, nói với Kim-Thành:
— Này em, trong các gia, chú hai không có con, cũng chẳng có vợ, thành ra trống trơn. Còn đông nhất thì phủ Vũ-uy vương với Vũ-đức vương. Phủ nhà mình đứng hàng thứ ba.
Trường-Ninh nhìn sang phía phủ Vũ-uy nói:
— Dực-thánh vương là em của ông nội. Vì vậy các thế tử, quận chúa bên đó đều trên chúng mình một vai. Có người lớn tuổi hơn phụ vương. Vì vậy con cháu họ lớn hơn bọn mình. Bên phủ Dực-thánh không chú trọng văn học, ai cũng phải tập võ. Võ công họ rất cao.
Đến đó, một thiếu niên mặt trắng, môi hồng, trang phục lòe loẹt từ phía bên phủ Dực-thánh dơ tay vẫy chị em Mỹ-Linh. Mỹ-Linh nhận ra y là Hưng-Long. Mỹ-Linh vẫy tay đáp lại. Kim-Thành nói nhỏ:
— Thằng Hưng-Long kỳ lạ lắm. Suốt ngày tô son, điểm phấn, õng ẹo như con gái. Coi thực chướng mắt. Miệng nó luôn xưng em, nhún nhẩy. Ai cũng tưởng nó là con gái.
Mỹ-Linh hỏi em:
— Các em luyện võ đến đâu rồi?
Kim-Thành buồn rầu:
— Hồi vương mẫu còn tại thế, phụ vương cho chúng mình luyện võ. Sau khi vương mẫu qua đời, phụ vương chỉ cho chúng mình học văn. Rồi hồi đầu năm nay lại bắt luyện võ trở lại. Vì vậy võ công chúng mình thua sút anh chị em phủ khác.
Hồng-Phúc cười nhạt:
— Chỉ có chị em nhà các cô võ công thua sút người, chứ quận chúa phủ Khai-thiên, có ai chịu thua người đâu? Hôm qua người đấu với ta súyt mất mạng, mà không nhớ ư?
Mỹ-Linh chậm rãi khuyên Hồng-Phúc:
— Em không nên nói những lời khinh bạc như vậy. Chúng ta là con cùng một cha, như hoa cùng gốc. Kim-Thành với em luyện võ với nhau, chứ có phải ra trận đánh nhau với quân thù đâu, mà phải kẻ sống người chết?
Hồng-Phúc vẫn cứng đầu:
— Người tuy lớn tuổi hơn ta, nhưng người chưa từng học võ, thì người lên mặt khuyên ta thế nào được? Ta biết người tự thị văn hay chữ tốt, vậy nếu nay mai có giặc, người hãy cầm bút viết sao cho giặc chết hết mới giỏi, chứ người mang đạo đức ra nói trong nhà nó thối hoăng lên ai mà chịu nổi?
Mỹ-Linh vẫn kiên nhẫn:
— Hồng-Phúc ơi. Tại sao em cứ thích gây truyện như vậy? Gây như thế có ích gì không? Bộ em tưởng võ công cao, rồi muốn đánh ai, chửi ai cũng được sao?
Hồng-Phúc dơ tay tát Mỹ-Linh bằng một chiêu quyền pháp rất kỳ lạ. Nếu Mỹ-Linh muốn, nàng chỉ búng tay một cái, Hồng-Phúc mất mạng ngay. Nhưng nàng thản nhiên để em tát mình. Bộp một tiếng. Hồng-Phúc khoan khóai:
— Chỉ có những cái tát như vậy mới có thể dạy dỗ cho những đứa vô duyên, thích lên mặt dạy đời. Ối chao ôi, chỉ có chiêu võ công hạng bét mà tránh cũng không nổi.
Mỹ-Linh chịu để cho em tát một cái, rồi lên tiếng khuyên giải. Nàng vừa định nói, thì có tiếng hô:
— Im lặng. Chuẩn bị hành đại lễ. Các vương phi, công chúa , phò mã gía lâm.
Trong phòng có hơn trăm người, đang cười nói ồn ào, bỗng im lặng. Từ các cửa của hai bên Long-hoa đường, các bà quần áo sang trọng, ngọc ngà sáng chói bước vào.
Theo nghi lễ Hoàng-cung thời Lý, trong những lần hội như thế, thì các thế tử, quận chúa tập hợp. Sau đó các vương phi, công chúa, phò mã mới tới. Tất cả mọi người phải quỳ gối cho đến khi các bậc trưởng thượng an tọa, rồi mới được đứng dậy.
— Bình thân.
Tất cả đứng dậy.
Mười ba công chúa, mười ba phò mã cùng hai mươi bốn bà vừa là vương phi, vừa là phu nhân của các vị thân vương vào Long-hoa đường. Long-hoa đường ồn ào hẳn lên, người này hỏi thăm người kia về công việc hàng ngày, về con cái học tập.
Mỹ-Linh chú ý nhất đến công chúa An-quốc cùng phò mã Đào Cam-Mộc.
Kim-Thành hỏi Mỹ-Linh:
— Kìa Đào phò mã vẫn còn sống. Mà sao người ta nói người đã tạ thế. Đến nỗi sử quan cũng chép như vậy. Chị có biết ngyên do tại sao không?
Mỹ-Linh đáp sẽ:
— Trước đây phò mã Đào Cam-Mộc giúp ông nội thành đại nghiệp, rồi được ông nội gả cô là công chúa An-quốc cho. Khi ông nội thu dụng chị của Đàm Toái-Trạng làm Tây-cung qúi phi, Đào phò mã cực lực phản đối, vì người thấy võ công anh em họ Đàm có đôi phần tà môn. Nhưng ông nội vẫn thu dụng. Vì vậy phò mã với cô cáo quan, ngao du sơn thủy. Trong hơn năm không có tin tức gì. Triều đình cho rằng người đã tạ thế. Chỉ có chú hai biết rõ người ẩn ở Thanh-hóa, lập ra Vạn-hoa sơn trang. Chị đã kể cho em nghe ban nãy, về những gì diễn ra khi chị đến đấy. Chị đoán chắc chú hai tâu lên ông nội. Ông nội sai sứ giả triệu hồi, vì vậy cô An-quốc với người phải về hội kỳ này.
Công chúa An-quốc lại bên công chúa Bảo-hòa thăm hỏi. Công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa nắm tay chị, rơm rớm nước mắt:
— Em ở Bắc-biên được tin anh chị cáo quan, vân du sơn thủy, rồi tuyệt tích. Phụ vương cho tìm khắp nơi không thấy. Cho đến hôm cháu Thiệu-Thái khám phá có người nuôi chim ưng, hàng ngày sai chúng tuần tiễu canh chừng động tĩnh bọn gian nhân ở chùa Sơn-tĩnh. Nó báo về cho chị. Chị biết ngay là vợ chồng em. Chị cho cậu hai biết. Cậu hai tìm ra chỗ ẩn thân của anh chị. Không biết nó sai anh chị những gì?
Công chúa An-quốc cảm động:
— Anh chị ẩn thân, lập ra Vạn-hoa sơn trang, tưởng vui với cỏ hoa. Nào ngờ chạy không khỏi tầm tay của nó. Nó ghê thực. Nó dùng chim ưng truyền lệnh cho anh chị, bắt làm đủ mọi truyện. Rồi cách đây hai ngày, nó sai chim ưng đem chiếu chỉ triệu hồi anh chị về kinh, làm anh chị phi ngựa bất kể ngày đêm về đây. Cái thằng ghê thực, giá công-chúa Phùng Vĩnh-Hoa, hay tể tướng Nguyễn Phương-Dung thời vua Bà sống dậy cũng không hơn nó.
Công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa hỏi sẽ:
— Tháng giêng năm trước nghe phụ vương tuyển trăm mỹ nữ nhập cung. Nghe đâu dành cho nó một cô đẹp nhất, rồi không ai thấy cô đó đâu. Cuối năm lại tuyển một trăm mỹ nữ, phụ hoàng cho nó cô xinh dẹp nhất, dường như là đệ nhất ca kỹ Long-thành tên Đào Hà-Thanh. Nhưng bấy giờ nó đang đi vi hành Thanh-hóa, nàng chờ nó gần năm. Khi trở về, nó đem nàng đi đâu mất.
An-quốc gật đầu:
— Nó hành sự thần không biết, quỉ không rõ. Có lẽ hỏi Mỹ-Linh hay con Bảo-Hòa mới biết được. Cái thằng... hành sự gì cũng xuất quỷ nhập thần không ai hiểu nổi. Được cái nó thương các cháu. Cứ hỏi con Mỹ-Linh hay Bảo-Hòa con thì biết ngay. À, phụ hoàng cứ bảo nó có tim sắt, không bao giờ động trước người đẹp. Thế mà nó mới gặp một cô gái trong giới võ lâm là mê ngay.
Công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa mở to mắt kinh ngạc:
— Cô nào mà diễm phúc thế? À, em nghĩ ra rồi, trong lần gặp gỡ ở trấn Thanh-hóa, em thấy một cô xinh đẹp tuyệt trần, võ công kiến thức rất cao. Cô ấy là con vị chưởng môn phái Đông-a thì phải.
Đào phò mã nói sẽ:
— Cái cô đi cùng Bảo-Hòa con, với Mỹ-Linh đến trang nhà ta đó. Lúc bấy giờ võ công cô ấy ngang với công chúa. Nhưng bây giờ e hơn.
Phò mã Thân Thừa-Quý kinh ngạc:
— Tôi tưởng trên đời này, không có người đàn bà thứ nhì võ công bằng chị An-quốc. Nào ngờ lại có một vị cô nương võ công cao đến như thế ư?
Đào Cam-Mộc cười :
— Võ công thì còn có người sánh với nàng. Còn mưu trí, tôi e tể tướng Phương-Dung thời vua Bà có sống lại cũng không hơn.
Nội công Mỹ-Linh hiện rất cao thâm, vì vậy hai bà cô nói truyện với nhau, nàng nghe rõ hết. Nàng biết tiếng nó hai bà dùng để chỉ Khai-quốc vương. Nàng nảy ra ý so sánh giữa phụ vương với Khai-quốc vương. Nàng thấy Khai-quốc vương quả là nhân vật có tài kinh thiên động địa, tính tình lại đằm thắm. Còn phụ vương nàng tính tình nghiêm nghị, nhưng có tài cầm quân. Nếu nàng là ông nội, chắc chắn nàng truyền ngôi cho chú hai, chứ không truyền cho phụ vương.
An-quốc chỉ sang phía sập của phủ Khai-quốc vương lo lắng:
— Phụ hoàng dành cho nó hai đệ nhất mỹ nhân, chả biết bây giờ hai nàng đó đâu? Lát nữa phụ hoàng hỏi đến, không biết nó sẽ trả lời sao? Chị e người nổi giận lôi đình chứ đừng hy vọng bỏ qua. Bấy giờ hai chị em mình cùng quỳ xuống xin tội cho nó, may mới thoát khỏi.
Thân Thừa-Quý lắc đầu:
— Đúng ra, đối với người ngoài, cậu hai thừa sức trả lời. Nhưng cậu là người con chí hiếu, nên tôi e cậu ấy sẽ không dám nói dối. Phụ hoàng hỏi hai cô đó đâu, cậu không dám nói thực, chỉ im lặng chịu tội.
Công-chúa An-quốc tát yêu Bảo-Hòa một cái:
— Con cháu thơm này đẹp thực. Hôm trước nó với Mỹ-Linh ghé Vạn-hoa sơn trang. Chị thử chiết chiêu với nó. Công lực nó cao thâm không thua gì chị. Không biết nó học được ở đâu trọn bộ Phục-ngưu thần chưởng với Lĩnh-Nam chỉ pháp. Cứ đà này, hơn năm nữa nó hơn chị đấy.
Rồi bà thuật chi tiết mọi việc đã xẩy ra cho em nghe. Cuối cùng bà nói nhỏ:
— Việc em định gả nó cho Hưng-Long, nên xét lại cẩn thận. Vì Nguyên-Hạnh với Hồng-hương thiếu niên, không phải thiện nhân đâu.
Bỗng tiếng chiêng trống cùng trỗi dậy, trong Long-hoa đường im phăng phắc. Dứt ba hồi chiêng trống, có tiềng hô:
— Hoàng thượng giá lâm. Tất cả quỳ gối.
Thuận-thiên hoàng đế đi trước, phía sau ba bà hoàng hậu Tá-quốc, Lập-nguyên, Lập-giáo, Tây-cung qúi phi, rồi tới các vị thái tử.
— Bình thân.
Mọi người đứng dậy. Thuận-thiên hoàng đế ngồi vào cái sập lớn, có hai con rồng sơn son thiếp vàng chầu. Các bà hoàng hậu, quý phi cùng ngồi trên một sập. Vũ-uy vương, Dực-thánh vương là anh, em hoàng đế, được về chỗ ngồi. Còn các vị thái tử đứng hai bên sập, khoanh tay hầu hoàng đế với các hoàng hậu.
Thuận-thiên hoàng đế vẫy tay cho phép các vị thái tử về chỗ. Sập nào cũng đầy người. Sập của Khai-quốc vương chỉ có mình bé Thường-Kiệt ngồi đó từ bao giờ với Đỗ Lệ-Thanh. Trừ Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, ai cũng ngạc nhiên không hiểu Lệ-Thanh với Thường-Kiệt thân thuộc với vương ra sao? Công chúa An-quốc hỏi Bảo-Hòa:
— Con bé thơm! Ai ngồi trên sập cậu hai vậy?
— Thiếu phụ đó tên Đỗ Lệ-Thanh, nữ tỳ của anh Thiệu-Thái. Còn bé Thường-Kiệt, là con trai của tương Ngô An-Ngữ, quản Khu-mật viện Nam Đại-Việt.
Hồng-Phúc nghe Bảo-Hoà nói, nàng liếc nhìn Đỗ Lệ-Thanh với Thường-Kiệt. Trong lòng nàng nổi lên cơn giông tố:
— Ta là quận chúa, còn phải ngồi sập nhì, đâu dám ngồi sập nhất với phụ vương! Còn mụ tôi tớ với đứa trẻ con viên mạt tướng, mà lại ngồi sập nhất ư?
Nàng định chạy lại đuổi Lệ-Thanh cùng Thường-Kiệt đi, thì Nhật-Tôn đang ngồi trong lòng Mỹ-Linh, nó chạy lại bên Khai-quốc vương. Vương bồng cháu vào lòng, hôn lên mớ tóc nó. Rồi không biết nghĩ gì, hai giọt lệ vương rới trên mặt cháu. Nhật-Tôn hỏi:
— Chú hai nuôi chị Mỹ-Linh làm con hả?
— Ừ!
— Chú hai có thương con không?
— Chú hai thương con nhất! Hơn cả chị Mỹ-Linh.
— Chú hai nuôi con đi!
Vương nhìn cháu, hai mắt ngây thơ chờ vương trả lời. Vương tự biết, mình không thể hứa rồi bỏ qua được. Vì vậy vương im lặng suy nghĩ. Nhật-Tôn òa lên khóc:
— Chú hai không thương con rồi.
— Nín đi! Nín đi! Chú hai hương con. Chú hai cho con người bạn nghe.
Vương chỉ bé Thường-Kiệt:
— Thường-Kiệt chơi với Nhật-Tôn nào.
Nhật-Tôn nín ngay, một tay nó ôm chặt lấy vương, như sợ vương đi mất. Một tay nó nắn lấy Thường-Kiết. Sảnh đường đông đến mấy trăm người, không ai chú ý đến hai đứa bé nắm tay nhau. Có ai ngờ cái nắm tay đó, sau này làm nghiêng ngửa giang sơn Đại-tống, Chiêm-thành, Chân-lạp.
Thuận-thiên hoàng đế phán:
— Cùng các con, các cháu. Hôm nay ta cho hội các con, các cháu lại đây để cùng nhau hưởng sơn hào hải vị của nước Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua tiến cống. Sau đó, ta sẽ ban hành một số chỉ dụ.
Chú giải.
(1) Hai câu thơ trên đây của Hà Thượng Nhân. Hà tiên sinh nhân cảm hứng đề tựa thi tập Con đường cải tạo của Dương Tử do Tổ-hợp xuất bản miền Đông Hoa-kỳ (1990) xuất bản. Bài thơ chứa chan tình cảm ngậm ngùi của người Việt trước cảnh tang thương có một không hai trong lịch sử. Xin mạn phép Hà tiên sinh cùng thi hữu Dương Tử ghi vào đây để độc giả thưởng lãm:
Phiên âm:
Khoái tai Dương-Tử Long Giao Ngâm
Nhất phiến u hoài quán cổ câm.
Báo quốc vô tài thân dĩ ngụy
Lâm lưu hữu ý thủy do thâm.
Thiên nhai viễn vọng sương vi vũ,
Khúc tận tương khan lệ mãn khâm.
Hậu thế tri âm như dục vấn
Đoạn trường tục ký thử dư âm.
Dịch:
Trời ơi một khúc Long Giao,
Nỗi lòng Dương-Tử nghẹn ngào xót xa.
Chính là cũng nỗi lòng ta,
Cổ kim dồn cả tinh hoa vào người.
Những mong giúp ích giống nòi
Bất tài giờ biến thành người Ngụy quân.
Đọc thơ vạt áo ướt đầm
Sông sâu xem thử tinh thần có sâu?
Tri âm ai đó ngàn sau
Đoạn trường xin hãy vì nhau tỏ bày.
THUẬN-THIÊN DI SỬ
Lịch-sử tiểu thuyết
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
Quyển II
(356 trang)
THUẬN-THIÊN DI SỬ, Q2
Lịch sử tiểu thuyết
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
Thư viện ViệtNam tại California Hoa-kỳ tái bản
Tác giả giữ bản quyền.
Copyright @ Trần Đại-Sỹ
All right reserved.
Cùng một tác giả
Do Nam-á Paris xuất bản, tái bản nhiều lần.
Anh hùng Lĩnh-Nam, 4 tập, 1318 trang.
Động-đình hồ ngoại sử, 3 tập, 880 trang.
Cẩm-khê di hận, 4 tập, 1305 trang,1992.
Do Thư viện Việt-Nam và Xuân-thu Hoa-kỳ ấn-hành. Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản:
Anh hùng Tiêu-sơn, 3 tập, 1120 trang,
Thuận-Thiên di sử, 3 tập, 1080 trang,
Anh-hùng Bắc-cương, 4 tập, 1556 trang,
Anh-linh thần-võ tộc Việt,4 tập,1708 trang,
Do Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành. Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001.
Cốt tủy Tử-vi tuổi Tý, 1 tập, 362 trang,
Nam-quốc sơn-hà, 5 tập, 2230 trang,
Anh hùng Đông-a : Dựng cờ bình Mông, 5 tập 2566 trang.
Sẽ xuất bản:
Anh-hùng Đông-a, Gươm thiêng Hàm-tử.
Giáo huấn tình dục bằng y học Trung-quốc,
(Sexologie Médicale chinoise)
Do Thư-viện Việt-Nam, California,
Hoa-kỳ ấn hành.
Muôn vàn tiếc thương
Bào đệ Trần Huy Quyền
từ trần tại Úc, tháng 1 năm 2001
Em vừa là em, vừa là học trò của anh, rồi trở thành cố vấn cho anh khi thuật huân nghiệp tổ tiên. Sao em đã vội ra đi, trong khi công việc vẫn còn cần đến em về đức kiên nhẫn, trí minh mẫn và nhất là tấm lòng son đối với tộc Việt.
Những chữ viết tắt trong sách này.
AHBC Anh-hùng Bắc-cương
AHLN Anh-hùng Lĩnh-Nam
AHĐA-DCBM Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình
Mông
AHTS Anh-hùng Tiêu-sơn
ALTVTV Anh-linh thần võ tộc Việt
ANCL An-Nam chí lược
CEP Coopérative Européenne
Pharmaçeutique (Liên hiệp các viện bào chế châu Âu)
CKDH Cẩm khê di hận
CMFC Commité Médical Franco-Chinois
(Ủy ban trao đổi y học Pháp-Hoa)
DTLSVH Di tích lịch sử văn hóa được xếp
hạng
IFA Institut Franco-Asiatique (Viện
Pháp-Á)
KĐVSTGCM Khâm định Việt sử thông giám
cương mục
ĐĐHNS Động-đình hồ ngoại sử
ĐNLTCB Đại-Nam liệt truyện chính biên
ĐNLTTB Đại-Nam liệt truyển tiền biên
ĐNNTC Đại-Nam nhất thống chí.
ĐNTLCB Đại-Nam thực lục chính biên
ĐNTLTB Đại-Nam thực lục tiền biên
ĐVSTT Đại-Việt sử ký toàn thư
MCMS Mông-cổ mật sử
NS Nguyên-sử
TS Tống sử
TTDS Thuận-thiên di sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét