Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Anh hùng Tiêu Sơn - Hồi 23

HỒI THỨ HAI MƯƠI BA

Phục ngưu thần chưởng

— Nước Đại-tống có nhiều châu quận. Song không nơi nào triều đình lại cắt cử trọng thần văn mô vũ lược đến bằng ba lộ Quảng. Các lộ Quảng là vùng tiếp giáp với Đại-Việt. Thưa vương gia, Thiên-triều cho trọng binh trấn đóng ở đó. Về các quan thì mỗi lộ có một vị Kinh-lược an-phủ-sứ tổng trấn, coi cả văn lẫn võ. Còn về cai trị, lương thực, thuế khóa thì có một vị Chuyển-vận-sứ. Hai vị không ai dưới quyền ai.
Nàng chỉ vào Vương Duy-Chính:
— Vương đại-nhân đây, văn đậu tiến-sĩ, võ là đại cao thủ Võ-đang, lại thuộc hàng cháu Lưu thái hậu. Thiên-thánh hoàng đế nhà Đại-tống lên ngôi đã được năm năm. Nhưng người còn thơ ấu, mọi quyết định đều nằm trong tay Lưu-hậu. Việc Lưu hậu cử cháu mình, làm trọng thần ra biên cương, hẳn phải có thâm ý. Tiên sinh được phong Chuyển-vận-sứ Quảng-tây lộ. Vương tiên sinh hàng ngày đích thân chỉ huy hàng chục đoàn do thám sang Đại-việt. Mỗi việc, mỗi sự xẩy ra bên Đại-việt, tiên sinh đều phúc trình về Khu-mật-viện, thế mà vương gia bảo không biết thì cũng lạ.
Bị Huệ-Phương nói toẹt âm mưu ra, Triệu Thành cười gĩa lả:
— Phu nhân đúng là tiên-nữ, không gì qua mắt được phu-nhân. Việc biên sự, phải đề phòng là lẽ đương nhiên của bản triều. Đâu có gì lạ?
Huệ-Phương gật đầu:
— Như vậy vương gia nhận rằng Thiên-triều quả định sang đánh Đại-việt. Thưa vương gia, nước tôi nhỏ, phải tiến cống xưng thần. Tuy nhiên Thiên-triều định chiếm thì chưa chắc đã làm nổi.
Triệu Thành lắc đầu:
— Tôi xin minh xác, Thiên-triều không hề có ý định đánh Đại-việt. Những việc dò thám chẳng qua là biên thần hiếu sự bầy ra mà thôi. Nếu phu nhân nêu rõ ra người nào gây hấn với Giao-chỉ, cô-gia sẽ trừng-trị liền.
Huệ-Phương gật đầu:
— Vương gia quả xứng đáng là anh hùng. Vương gia là Bình-nam vương. Đại-việt là đất của Thiên-triều, không lẽ Thiên-triều lại đi quấy phá phiên thần của minh. Như vương gia phán những việc quan quân đại Tống quấy rối Bắc biên là do cá nhân. Vương gia sẽ trừng phạt. Vậy thì được, tôi xin nêu những rắc rối ấy ra.
— Xin phu nhân cứ nói.
Huệ-Phương chỉ lên bản đồ:
— Đây là bản đồ biên giới Tống-Việt. Việc biên phòng phía Bắc, giao cho Lạng-châu phụ trách. Lạng-châu trực tiếp thống lĩnh 207 khê-động. Hồi mới lên cầm quyền, Thuận-thiên hoàng đế ( vua Lý Thái-tổ) sai nghĩa đệ là lạc-hầu Thân Thiệu-Anh trấn nhậm.
Triệu Thành đưa mắt hỏi Vương Duy-Chính hỏi ý kiến.
Vương Duy-Chính đáp:
— Khải tấu vương gia, việc này sự thực như sau. Khi Lý Công-Uẩn định cướp ngôi nhà Lê. Y liên kết với Thân Thiệu-Anh. Lúc vua Lê Ngọa-triều sắp chết, Thiệu-Anh kéo trọng binh tuyên bố sẽ về diệt nhà Lê. Trong triều Lý Công-Uẩn, Đào Cam-Mộc cầm binh quyền. Triều đình Giao-chỉ sợ nội chiến, đành tôn Lý lên làm vua. Uẩn lên ngôi vua, phong cho Đào Cam-Mộc làm Trung-nghĩa- hầu, gả con gái cho. Uẩn cho Thân Thiệu-Anh làm vua vùng Bắc biên, và gả em gái là công chúa Hồng-Châu cho. Tiếp theo, Uẩn phong cho con gái thứ nhì làm Lĩnh-Nam bảo quốc hòa dân công chúa, gả cho con Thân Thiệu-Anh là Thân Thừa-Qúy. Quý hiện thống lĩnh 207 khê động gồm tòan tụi mọi, man giáp giới với Trung-nguyên.
Triệu Thành nhăn mặt:
— Thế tại sao người ta lại nói chính con gái Lý Công-Uẩn làm vua Lạng-châu?
Vương Duy-Chính gật đầu:
— Quả như thế. Nguyên 207 khê-động thường họp nhau lại, tìm người tài đức tôn lên làm vua. Con gái Lý Công-Uẩn được tôn là vua Bà.
Chuyến đi này của Triệu Thành có mục đích liên kết mua chuộc võ lâm Lĩnh-nam, khích động họ đầu quân, cầm binh Tống trấn vùng biên giới Tây-hạ, Kim, Liêu. Nhân tài trong đất Việt không còn. Sau đó cất quân đánh. Khi đi đường, y biết Hồng-Sơn đại-phu là một trong năm đại tôn sư võ học, thế lực, uy tín trùm Đại-Việt. Bằng mọi giá y phải mua chuộc bằng được. Bây giờ nghe đại-phu có vợ mới. Nhìn Huệ-Phương đẹp như thiên tiên. Y biết muốn mua chuộc Hồng-Sơn, phải được lòng Huệ-Phương. Y nhắc lại:
— Xin phu nhân cho biết phu nhân có điều gì không vừa ý?
Huệ-Phương mỉm cười. Môi nàng hồng tươi, mắt sáng như gương, da trắng mịn, thêm má lún đồng tiền. Nàng cười, làm tất cả đàn ông trong đại sảnh đều xao xuyến. Nàng chỉ lên bản đồ:
— Điều thứ nhất là việc giao thương giữa dân chúng hai nước. Từ khi triều Ngô, Đinh bên Đại-việt lên cai trị, dân Hoa-Việt vẫn buôn bán với nhau bằng bốn thị trấn, thường gọi là bạc-dịch-trường. Bạc dịch trường thứ nhất ở trại Vĩnh-bình, nằm ở phía Nam sông Nghi-hòa. Người Việt bán sang Trung-quốc các thứ hàng như : sừng tê, hương, ngà, vàng, bạc, muối. Mua của Trung-quốc các thứ vải, lụa, gấm vóc. Thế mà gần đây, không biết lý do gì biên thần Đại-tống đem binh đến trấn đóng, rồi cho người vào thu thuế. Vị lạc-hầu Vĩnh-bình là Vi Đại-An phản đối. Quan quân vẫn không chịu lui binh.
Nàng lại chỉ lên một khu khác:
— Bạc-dịch-trường thứ nhì nằm trên đất Tô-mậu, Cổ-vạn. Nơi này thương nhân hai nước buôn bán gia súc với nhau. Đại-việt bán cho Trung-quốc thú hoang như hổ, báo, gấu, hươu, nai, lợn rừng. Trung-quốc bán cho Đại-việt trâu, bò, ngựa. Thương nhân hai nước đi lại là thường. Gần đây thương nhân Việt sang vùng đất Trung-quốc, quan quân truyền bắt giam. Lạc-hầu Vi Thủ-Đan sai sứ sang biện luận. Biên thần Đại-tống truyền thả người, mà không chịu trả lại vàng, bạc, thú rừng. Thành ra giữa hai bên rất căng thẳng. Tôi e khó tránh khỏi giao tranh.
Nàng lại chỉ lên một khu khác:
— Bạc-dịch-trường Hoành-sơn vốn thuộc vùng tổng-quản của lạc hầu họ Lưu, trải đã mấy chục đời. Nơi đây là chổ giao thương ba nước Tống, Việt, Đại-lý. Luật lệ đặt ra rằng khi có những chuyến hàng lớn, thì quan trấn thủ Ung-châu phải có thư báo cho quan trấn thủ bên Đại-việt là Lưu lạc hầu biết trước. Gần đây quan quân Tống không tuân lệ đó, cứ cho quân hộ tống thương gia vào đất Hoành-sơn. Nếu vua Bà không ngăn kịp thì đã có chiến tranh. Đến truyện xẩy ra ở bạc-dịch-trường Giang-đông thuộc Khâm-châu mới đáng trách. Từ trước đến nay, thuyền buôn Chiêm-thành, Đại-việt cùng Trung-quốc giao thương đủ mọi mặt hàng. Cách nay bốn tháng, biên thần Đại-tống tự ý đem chiến thuyền đến khám xét thuyền buôn Việt-Chiêm, bắt giam nhiều người.
Nàng thở đài:
— Vương gia là tể thần, xin vương gia giải quyết ngay, nếu trễ e vua Bà là công chúa Đại-Việt khó ngăn cản nổi các trang-trưởng, động-trưởng. Chiến tranh sẽ xẩy ra. Khi chiến tranh đã xẩy ra, dù to, dù nhỏ võ lâm Việt sẽ nhập cuộc. Thì việc vương gia mời mọi người sang Biện-kinh thí võ e không thành.
Vương Duy-Chính cười :
— Thưa phu nhân. Dường như phu-nhân mới tới sơn-trang gần đây. Không biết lời nói của phu nhân là đại diện cho triều đình họ Lý, hoặc Vạn-thảo sơn-trang hay do cá nhân phu nhân?
— Tôi nhân danh cả ba. Thứ nhất, tôi là con dân Đại-việt, thì mọi việc xẩy ra bất lợi cho Đại-việt tôi đều có bổn phận bảo vệ. Thứ nhì, tôi mới được trang chủ nhận làm vị hôn thê. Theo luật lệ nứơc tôi, hai bên hứa với nhau một lời, thì coi như thành vợ chồng. Tôi là vợ trang chủ, đương nhiên có thẩm quyền của một người dân sơn-trang, mà đặt vấn đề với các vị. Thứ ba phu quân của tôi không hợp tính với Thuận-thiên hoàng đế, là giữa cá nhân Lý Công-Uẩn với cá nhân Lê Long-Mang. Còn vấn đề tôi đặt ra, là vấn đề lãnh thổ, chủ quyền của hai nước.
Triệu Thành dơ tay vẫy ba cái liền, cử chỉ ấy tỏ rằng cương quyết giữ lời hứa:
— Được! Khi cô gia về tới Đại-tống lập tức giải quyết vụ này.
Triệu Thành quay lại nói với Hồng-Sơn đại-phu:
— Hồng-Sơn tiên-sinh. Tôi nghe tiên sinh là một vị thân vương của triều Lê. Khi Lê Chí-Trung (Ngọa-triều) chết, dù y tàn ác, dù y bất đạo, thì con y không được quyền nối ngôi. Ngôi vua phải về các thân vương như tiên sinh. Thế mà Lý Công-Uẩn, cùng Đào Cam-Mộc, Thân Thiệu-Anh cướp ngôi. Bây giờ võ-công tiên-sinh trùm Lĩnh-nam, y-đạo vang hoàn-vũ, tại sao tiên sinh không phất ngọn cờ, bắt Lý Công-Uẩn giết đi, lấy lại chính-thống, có phải đúng đạo lý không?
Lời nói của Triệu Thành làm cả hội trừơng im lặng, không một tiếng động nhỏ. Hồng-Sơn đại-phu đưa mắt nhìn 9 đại đệ tử như hỏi ý kiến. Mọi người suy nghĩ, không ai biết trả lời ra sao. Khi họ mới nhập môn, Hồng-Sơn đại phu đều cho họ biết, ông là con vua Lê, em Lê Ngọa-triều. Ông nuôi chí trung hưng triều Lê. Các đệ tử đều nhất lọat tuyên thệ với chí hướng đó. Nhưng gần hai mươi năm qua, từ khi Lý Công-Uẩn lên trị vì, trong tổ chức nền nội trị thực hoàn hảo. Ngoài tổ chức biên phòng khiến Tống, Chiêm, Đại-lý nể vì. Lúc mới lên ngôi vua, họ Lý vẫn áp dụng chính sách thuế khóa cũ của triều Lê. Gần đây, công khố, kho lẫm, quốc dụng sung túc, vua Lý ban bố miễn thuế liền ba năm, rồi mấy năm sau, thấy công khố còn giầu, lại miễn thuế hai năm. Dân chúng trải qua thời kỳ thái bình, no ấm không kém gì đời vua Hùng, vua An-dương, vua Trưng. Vì vậy chính Hồng-Sơn đại-phu đã bỏ ý định khởi binh lập lại triều Lê.
Lê Văn đứng dậy. Nó tới trước Triệu Thành xá ba xá, rồi nói:
— Thưa vương-gia, tiểu-sinh là đệ tử thấp nhất của sơn-trang. Xin có đôi lời thô thiển. Mong vương gia cho phép.
Triệu Thành đứng dậy vỗ vai Lê Văn:
— Tiểu công-tử. Tôi nghe tiểu công tử tuổi mới mười ba, mà văn võ kiêm tòan, không thua Đào Kỳ khi xưa. Không biết công tử có ý kiến gì?
Lê Văn hắng rặng, lấy giọng, rồi hỏi:
— Nếu như họ Lê chúng tôi khởi binh, thì Thiên-triều có giúp không? Nếu giúp thì giúp những gì? Tại sao Thiên-triều lại giúp chúng tôi?
Triệu Thành đến Vạn-thảo sơn-trang với mục đích khích động cho Lê Long-Mang khởi binh đánh triều đình nhà Lý. Dù Lê thắng, dù Lý thắng, sau trận chiến, tinh lực Đại-việt cũng kiệt quệ. Bấy giờ Tống đem quân sang đánh một trận, chiếm nước, đặt thành quận huyện. Cho rằng Lê Văn là trẻ con bồng bột, đặt câu hỏi đúng vào điều Triệu Thành muốn nói.
Y vui vẻ lớn tiếng:
— Khi Thiên-phúc hoàng-đế (Lê Đại-hành) lên ngôi. Vua Thái-tông bản triều không chú ý đến biên sự. Vì vậy bọn Tôn Toàn-Hưng, Hầu Nhân-Bảo là những bọn biên thần đa sự, đem quân sang đánh. Lúc triều đình biết, lập tức ra lệnh gọi về chém đầu. Sau đó phong chức tước cho Thiên-phúc hoàng đế. Niên hiệu Thái-bình hưng-quốc năm thứ sau (981) vua Thái-tông bản triều sai sứ sang phong cho ông nội của chú em làm Giao-chỉ quận-vương, Tĩnh hải tiết độ sứ. Khi ông nội chú em băng hà, được truy phong Nam-Việt vương, kiểm-hiệu thái-sư, trung nghĩa thủ hiếu công thần. Như vậy đủ rõ bản triều ưu đãi họ Lê. Sau chẳng may, họ Lý cướp ngôi nhà Lê. Triều đình đều thương xót vô cùng. Cho nên mới gửi tôi sang đây tìm con cháu nhà Lê lập lại chính thống.
Thành ngừng lại cho cử tọa theo dõi, rồi tiếp:
— Nếu như họ Lê khởi binh, thì Thiên-triều sẽ điều động quân mã các lộ Quảng-đông, Quảng-tây đánh sang. Sau khi diệt họ Lý, quân Thiên-triều sẽ rút về.
Lê Văn vừa cười, vừa lắc đầu:
— Vương gia coi tôi là trẻ con thì được. Chứ coi tất cả những người ngồi đây là trẻ con thì không được đâu. Truyện mơí đây, mà vương gia đã bẻ quẹo đi như vậy thì còn trời đất nào nữa? Khi ông nội tôi mới lên ngôi vua. Vua Thái-tông bên quý quốc nhân lúc trong nước có sự tranh chấp, sai Hầu Nhân-Bảo đem hai mươi vạn binh, ba mươi vạn dân phu, với hàng trăm chiến thuyền sang đánh nước tôi. Nhờ các anh hùng võ lâm bỏ hết tỵ hiềm, giết chết các tướng Tống, đánh tan chủ lực ở Chi-lăng, diệt hạm đội ở Bạch-đằng. Vì vậy Tống triều bắt buộc phải phong vương cho ông tôi.
Hội trường nghe Lê Văn nói, vỗ tay vang dội liên tiếp mấy tràng. Lê Văn được khuyến khích, nó tiếp:
— Nếu bảo triều Tống ưu ái họ Lê chúng tôi, tại sao khi họ Lý lên ngôi vua thì vào niên hiệu Đại-trung tường-phù năm thứ ba (1010) đời vua Chân- tông, sai Lý Văn-Nhậm, Lê Tái-Nghiêm sang kết hiếu. Triều thần nhà Tống không một lời hỏi han họ Lê, sai sứ sang phong cho Lý Công-Uẩn chức tước như sau Kiểm-hiệu thái-phó, Tĩnh-hải tiết-độ-sứ, quan-sát-sứ, xử-trí-xứ, An-nam đô-hộ, Ngự-sử đại-phu, Thượng-trụ quốc Giao-chỉ quận-vương, suy-thành thuận-hóa công-thần, Đồng-bình-chương-sự. Tiếp theo từ hồi đó đến giờ Thiên-triều sai đến năm sứ đòan sang phong thêm chức tước cho vua Lý. Như vậy là hậu đãi họ Lê đấy?
Vương Duy-Chính đáp thay Triệu Thành:
— Lê tiểu công tử. Công tử nên biết rằng lực lượng Vạn-thảo sơn-trang không quá hai ngàn đệ tử. Lương thực không đủ ăn cho năm ngàn người trong ba tháng. Vạn nhất khỏi binh, thì tôi e chỉ mấy đạo quân trấn Thanh-hóa cũng đủ dẹp trong một ngày. Nếu không có quân Thiên-triều thì sao khởi binh có thể thành công? Chúng tôi sang đây là vì sự nghiệp nhà Lê, chứ không phải vì sự nghiệp nhà Lý. Trước kia Thiên-triều không tìm được con cháu nhà Lê, phải tòng quyền phong cho Lý Công-Uẩn. Bây giờ đã tìm được, ắt phải nghĩ tình cố cựu mà lập lại chính thống.
Lê Thiếu-Mai đứng dậy chỉ vào Đinh Toàn:
— Thưa vương gia, tiểu nữ Lê Thiếu-Mai, đệ tử bậc trung của sơn-trang. Tiểu nữ dám hỏi vương gia một câu. Nếu nói rằng chuyến đi này của vương gia là tìm con cháu họ Lê, lập lại triều Lê. Thế sao vương gia lại đem theo Vệ-vương Đinh Toàn của triều Đinh, trong mưu toan tái lập nhà Đinh?
Triệu Thành ngơ ngác:
— Cô gia không biết Đinh Toàn là ai cả.
Thiếu-Mai vẫy Đinh Toàn:
— Vệ-vương gia. Xin vương gia xuất hiện cho.
Suốt mấy chục năm qua Đinh Toàn chịu không biết bao nhiêu cay đắng, nằm gai, nếm mật, lặn lội bao phen từ Việt sang Tống, rồi từ Tống sang Việt, với hy vọng Tống cho mượn binh về đánh họ Lý, tái lập Đinh triều. Bây giờ nghe Triệu Thành, Vương Duy-Chính đối đáp cùng các đệ tử Vạn-thảo sơn-trang. Ông tức muốn nổ lồng ngực ra. Từ ghế phía sau, ông hùng dũng bước ra:
— Bình-nam vương gia, Vương chuyển-vận sứ, quốc sư. Đinh Toàn này ở trong sơn-trang đã mấy ngày. Hơn nữa ngồi đây từ nãy đến giờ, nghe hết mọi truyện. Không ngờ các vị lại xảo quyệt đến thế. Tống thiên tử cùng Lưu hậu đã hứa cho tôi mượn mười vạn tinh binh từ Quảng-tây lộ, kéo về tái lập triều Đinh. Vì vậy tôi mới cùng quý vị chịu đựng không biết bao nhiêu cay đắng, mới tìm ra bộ Lĩnh-nam vũ-kinh. Nay bộ sách này vừa tìm thấy, thì các vị lại trở mặt.
Triệu Thành hỏi Thiếu-Mai:
— Lê nhị tiểu thư. Lão già nhà quê này là ai vậy? Dường như y vừa xưng là Đinh Toàn thì phải. Cô gia chưa từng nghe, chưa từng biết Đinh hay búa gì cả. Có lẽ nó là một tên nhà quê điên khùng đấy thôi.
Triệu Thành là người mưu trí, ứng đối cực kỳ mau chóng. Khi thấy nói đến Đinh Toàn, y biết rằng sự không ổn. Bây giờ y phải chọn một trong hai người: Đinh Toàn họăc Lê Long-Mang. Đinh thân cô, thế cô, võ công bình thường, kiến thức hủ lậu. Vả lại triều Đinh không để lại làm bao công lao với người Việt. Trong khi đó, Lê Long-Mang văn mô, vũ lược, võ công trùm thiên hạ. Ông lại có tài phục-dược, ơn nghĩa trải khắp thiên hạ, lực lượng Vạn-thảo sơn-trang hùng hậu vô cùng. Y quyết định ném Đinh Toàn vào thùng rác.
Vương Duy-Chính hiểu ý chủ. Y cũng tiếp:
— Lê tiểu thư ơi. Ty chức biết rồi. Chắc lão nhà quê này là tên điên đang được điều trị tại qúi trang. Y bị mắc chứng bệnh ảo tưởng, rồi cứ sống trong ảo tưởng đó. Cô nương dư biết lão điên, nhưng muốn đem ra làm trò cười cho mọi người thì phải.
Đinh Toàn tức quá, chân tay run rẩy, miệng nói lắp bắp không ra hơi. Y chỉ bọn Triệu Anh:
— Tung-sơn tam kiệt. Các vị là nhân chứng cho tiểu-vương.
Triệu Thành gỉa tảng hỏi :
— Ủa, Tung-sơn tam kiệt. Các vị cũng đến đây ư?
Bọn Tung-sơn tam kiệt đã từng làm việc dưới trướng Triệu Thành. Gì mà chúng không hiểu ý chủ. Triệu Huy đứng lên nói:
— Khải tấu vương gia. Trên đường từ biên giới Tống, Việt về Chiêm, bọn tiểu nhân gặp vị lão nhân đây. Thấy người nghèo túng, đói khát. Bọn tiểu nhân giúp đỡ cho chút ít tiền bạc, nhờ lão nhân làm thông ngôn, cùng dẫn đường. Thế rồi lão nhân xưng là Vệ-vương Đinh Tòan. Bọn tiểu nhân cũng không cần biết sự thực như thế nào. Bây giờ lão lại thêm vào cái mục rằng Thiên-triều hứa giúp đoạt lại ngôi vua thì thực là nực cười chết được.
Từ đầu đến cuối, Hồng-Sơn đại-phu không nói một tiếng nào. Bây giờ ông mới dõng dạc nói:
— Vị này đúng là Vệ-vương Đinh Toàn. Chúng tôi đã từng sống chung với nhau bao nhiêu năm ở Hoa-lư, thì không lầm được đâu. Đinh huynh, mời Đinh huynh ngồi xuống đây.
Ông chỉ ghế cạnh mình cho Đinh Toàn ngồi. Đinh Toàn cảm động, tự nghĩ:
— Mình là kẻ thù đối đầu của y. Y chỉ dí tay một cái cũng đủ giết mình. Thế mà y không làm. Bây giờ mình bị bọn Tống làm nhục. Y lại thung dung gỡ cho mình. Y thực xứng đáng là đại tôn sư võ học Lĩnh-nam. Mình không thể bằng y. Bọn Tống trở mặt với mình, đã vậy mình phải phá hủy bộ Lĩnh-nam vũ-kinh, bằng không lọt vào tay chúng thì nguy cho đại cuộc.
Nghĩ vậy, ông phóng một chiêu chưởng đánh vào mặt Quách Quỳ. Quỳ kinh hoảng bật ngửa người ra sau. Ông biến chưởng thành trảo chụp cái túi trên lưng y. Biết Ngô Tích ắt đọat lại. Ông nhảy tới cạnh Hồng-Sơn. Quả nhiên Triệu Huy, Ngô Tích đều xuất chưởng tấn công Đinh Toàn.
Hồng-Sơn đại-phu mỉm cười, lách tay một cái, ông đã chụp hai tay Ngô, Triệu nhẹ nhàng. Bao nhiêu kình lực trên tay Triệu, Ngô biến mất. Ông nghiêm sắc mặt:
— Các người là phường trộm cắp, đột nhập sơn trang, ta chưa xử tội, mà còn dám dụng võ ư?
Đinh Toàn cầm cuốn sách mà Quách-Quỳ chép tất cả những gì trên bia đá dơ cho cử tọa coi, rồi ông tóm tắt nguồn gốc sách, cùng nguyên do nào Đinh Bộ-Lĩnh đã có cơ duyên gặp được. Khi sắp băng hà, ngài đã chỉ chỗ cất dấu cho ông. Việc ông sang cầu viện nhà Tống. Triều Tống hứa với ông sẽ cho mượn mười vạn quân đánh nhà Lý, nếu tìm được bộ sách này. Nhưng ông lờ đi không nói đến Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh bị bắt làm tù suốt mấy tháng qua.
Quách Quỳ cười khúc khích:
— Đinh vương gia. Vương gia kết tội anh em chúng tôi là phường trộm cướp. Thế mà giữa thanh thiên, bạch nhật, đô hội như thế này. Vương gia cướp sách của tôi thì còn trời đất nào nữa?
Nó ngửa bàn tay lên trời:
— Vương gia bảo cuốn sách đó là kinh thư võ học ư? Xin vương gia mở ra mà coi! Cuốn sách trong tay vương gia là bản sao bộ Luận-ngữ. Khi rời Trung-nguyên đi, tiểu bối mang theo, để dạy dân man di lễ nghĩa của đức thánh Khổng đó mà.
Đinh Toàn mở sách, lật xem, quả nhiên trong chép bộ Luận-ngữ. Ông mở thêm mấy trang nữa cũng vẫn là bộ Luận-ngữ. Mặt ông xám như tro. Tay ông run bần bật. Ông ném trả Quách Quỳ.
Quách Quỳ cười:
— Đinh vương gia. Nếu vương gia muốn, tiểu bối xin biếu vương gia, hầu vương gia học lễ nghiã Trung-quốc.
Quách Quỳ cầm sách mở ra, y ê a đọc:
— Tử viết: Học chi thời tập chi. Hữu bằng tự viễn phương lại bất duyệt lạc hồ? Nghĩa là đức thánh Khổng dạy: Học thì phải tập. Có người bạn từ phương xa đến, không vui sao? Chính vì lẽ đó, sư phụ tại hạ gặp vương gia dọc đường, đói không có gì ăn. Khát không có gì uống. Người cưu mang tiền bạc cho vương gia đấy.
Đinh Toàn biết bọn Triệu Huy đã dấu bộ di thư đi, rồi lấy bìa bộ Đại-Việt giản sử đóng ra ngoài bộ Luận-ngữ, để đề phòng bị đoạt lại. Giận quá chân tay ông run lật bật.
Dương Bình chỉ bọn Triệu Anh hỏi Triệu Thành:
— Vương gia, chẳng hay những vị này với vương gia là chỗ thế nào?
Từ khi chia tay ở đền thờ Lệ-hải bà vương, Triệu Thành ra lệnh cho bọn Tung-sơn tam kiệt đi tìm di thư. Trong khi y tiếp tục lên đường vào Chiêm. Suốt gần hai tháng, y không biết tin tức bọn chân tay mình ra sao. Nay thấy chúng ngồi trong hàng ghế quan khách Vạn-thảo sơn-trang, thì y cho rằng bọn này đến thuyết phục trang chủ, nhưng chưa thành công. Y trả lời:
— Họ là thuộc hạ của cô-gia, được sung vào sứ đoàn sang Đại-Việt.
Dương Bình cười nhạt:
— Thưa vương gia, đang đêm, các vị huynh đệ này đột nhập sơn trang chúng tôi, mưu bắt cóc lương gia thiếu nữ. Vì vậy trang chúng tôi phải giữ lại để giải lên quan.
Nói rồi chàng tường thuật chi tiết vụ Ngô Tích, Triệu Huy, Quách Quỳ cùng Đinh Toàn toan bắt cóc Mỹ-Linh, Bảo-Hòa. Kể dứt chàng hỏi:
— Thưa vương gia, việc này không nhỏ đâu. Vì hai cô gái bị bắt cóc có lai lịch rất lớn. Một cô là công-chúa Bình-dương. Một cô là quận chúa, ái nữ của vua Bà Bắc biên.
Nghe Dương Bình thuật, Triệu Thành chửi thầm bọn Triệu-Anh ngu như lợn. Ta đã ban chỉ dụ rằng phàm hành sự gì, cũng nên tìm cách xóa bỏ vết tích, đừng để võ lâm Đại-việt biết được. Nhất là không được gây hấn với võ lâm. Đây chúng làm việc lộ liễu, đổ bể hết, lại còn gây hấn với phái Đông-a và Tây-vu nữa, thực đần độn hết chỗ nói. Bây giờ đã trót thì trét, ta phải cứu chúng.
Triệu Thành chỉ mặt anh em Tung-sơn tam kiệt:
— Các ngươi phạm trọng tội như vậy. Cô gia phải đem về triều chặt đầu làm gương. Sự thực ra thế nào, hãy khai cho cô gia biết.
Ngô Tích đến trước Triệu Thành phủ phục xuống:
__ Khải tấu vương gia. Oan uổng cho bọn tiểu nhân. Bọn tiểu nhân bị quận chúa Thân Bảo-Hòa tung phấn độc, làm đại ca bị bệnh nặng. Đứng trước cái chết đó, bọn tiểu nhân đành tìm quận chúa ăn cắp thuốc giải. Chứ tiểu nhân gan to bằng trời cũng không giám vào Vạn-thảo sơn-trang là chỗ rồng nằm hổ phục mà bắt cóc con gái.
Thanh-Mai nghe Ngô-Tích nói láo qúa, nàng chịu không được, đứng dậy hướng vào Triệu Thành:
— Vương gia. Thanh-Mai xin tham kiến vương gia.
Từ khi gặp gỡ Trần Thanh-Mai, Triệu Thành đã bị nhan sắc của nàng làm cho hồn phách bay phơi phới. Sau ngày chia tay đến giờ, y những tưởng không bao giờ gặp nhau nữa. Duyên may, hôm nay lại tao ngộ ở đây. Y đứng dậy chắp tay đáp lễ:
— Trần cô nương! Cô nương cũng có ở đây sao?
Thanh-Mai chỉ vào anh em Tung-sơn tam kiệt kể hết tất cả mọi việc làm của họ hơn tháng nay. Nào là ăn cắp di thư, nào là phá hủy hết bia chép võ kinh. Cho đến việc bị Bảo-Hòa dùng thú rừng bắt. Nhưng nàng dấu việc Mỹ-Linh biết chữ Khoa-đẩu, học thuộc lòng di thư.
Vương Duy-Chính nghe Thanh-Mai kể tội anh em Tung-sơn tam kiệt thì nản vô cùng. Tuy nhiên y phải đỡ đòn cho chúng:
— Theo như Trần cô nương nói, thì Tung-sơn tam kiệt có tội với Đại-việt, chứ đối với Vạn-thảo sơn-trang quả họ không phạm tội thất kính. Việc họ nhập trang trong đêm không phải để bắt lương gia phụ nữ, mà để tìm thuốc giải. Mong trang chủ thứ tội.
Triệu Thành hỏi Lê Thiếu-Mai:
— Lê tiểu thư. Theo luật lệ Đại-việt, những người phạm tội trôm cắp, có thể dùng tiền chuộc ra. Vậy bốn người của sứ đòan tuy không phạm tội trộm cắp thực sự, mà can tội mưu trộm cắp thuốc giải. Vậy cứ coi như họ phạm tội trộm. Đây là lãnh địa sơn-trang, thuộc Lê triều, chứ không thuộc Lý triều. Xin tiểu thư cho chúng tôi chuộc ra.
Lê Thiếu-Mai nhìn Dương Bình:
— Dương đại ca. Xin đại-ca phát lạc vụ này.
Dương Bình gật đầu:
— Như vậy cũng được.
Vương Duy-Chính móc trong bọc ra bốn nén vàng trao cho Dương Bình:
— Dương thiếu hiệp. Xin thiếu hiệp nhận lấy số tiền chuộc này.
Dúng ra luật thời Lý, tội trộm nhẹ như thế, chỉ phải nộp phạt mỗi người một lượng vàng. Thế mà Vương Duy-Chính nộp số vàng gấp mười.
Huệ-Phương nói với Triệu Thành:
— Vạn dặm gặp nhau, đều do duyên trời. Sơn trang chúng tôi xin kính mời vương gia cùng các vị đại nhân ở lại dùng bữa cơm lạt.
Hồng-Sơn đại-phu mời bọn Triệu Thành ra ngôi nhà bát giác dự tiệc. Dương Bình đợi sư phụ với quan khách rời khỏi đại sảnh đường, rồi tuyên bố giải tán. Người người trở lại với công việc của mình.

Lê Văn dẫn chị em Thanh-Mai trở lại Nghinh-tân các. Trước khi đi khỏi, nó dặn:
— Chiều nay em phải luyện võ, không thể thù tiếp các chị được. Hồng-Mai, Thanh-Mai sẽ dọn cơm cho các chị ăn. Mai em trở lại.
Lê Văn đi rồi, Bảo-Hòa hỏi Thanh-Mai:
— Hồng-sơn đại phu thu chị làm đồ đệ. Vậy ông đã dạy chị những gì?
Thanh-Mai lấy ra cuốn sách để lên bàn:
— Ông bảo y-học rộng như rừng như biển. Đầu tiên ông dạy chị học khoa Châm-cứu. Không cần chị hiểu hay không, ông giảng cho chị nghe học thuyết âm dương, ngũ hành.
Mỹ-Linh cười:
— Tưởng gì chứ học thuyết đó, đệ tử võ phái nào mà chẳng học qua. Cần gì ông phải dạy.
Thanh-Mai lấy sách ra, chỉ vào trang đầu:
— Không hẳn như vậy đâu. Học thuyết âm dương áp dụng vào y học với võ học khác nhau rất nhiều. Nếu chúng ta học cả hai, thì võ học sẽ tiến rất xa. Tiếp theo ông dạy chị về học thuyết tạng phủ, học thuyết kinh lạc, nguyên do mắc bệnh. Rồi ông trao cho cuốn Châm-cứu đại-toàn này, bảo chị đem về học.
Thanh-Mai đem tất cả những gì mình học, giảng cho Bảo-Hòa, Mỹ-Linh nghe. Mỹ-Linh đề nghị:
— Bây giờ chúng mình đem cuốn Châm-cứu này ra cùng học với nhau cho vui. Biết đâu chúng ta không tìm được một chút gì áp dụng vào võ học.
Ba chị em khởi đầu bằng Thủ thái âm phế kinh. Chỉ lát sau, đã hiểu hết. Tiếp theo sang Thủ dương minh đại trường kinh, cũng không có gì khó. Khi học đến Túc khuyết âm can kinh Bảo-Hòa than:
— Như vậy Hồng-sơn đại phu phóng Hàn-ngọc hoàn vào đúng huyệt Trung-đô của em. Can chủ cân. Khi can kinh bị phong bế, thành ra cân mạch đều liệt cả. Hèn chi ông ta bảo, em không thể rời khỏi sơn trang.
Trơì về chiều, mặt trời chiếu ánh sáng xuyên qua rừng núi thành mầu vàng úa. Thanh-Mai chỉ đồi thông:
— Chúng mình lên đồi thông cho Bảo-Hòa luyện võ nữa đi.
Bảo-Hòa than:
__ Khó lắm. Chân em bị Hàn-ngọc đan phong bế, thì làm sao luyện những chiêu cần phải vận khí xuống chân?
Thanh-Mai ngẫm nghĩ một lúc, nàng bàn:
— Chị nghe Lê Văn nói, muốn hòa giải Hàn- ngọc đan, phải dùng Châm-cứu. Chúng ta cứ lên đồi, thử xem, biết đâu?
Lên tới đồi, Bảo-Hòa lại tiếp tục luyện chiêu Tứ ngưu phân thi. Khi nàng dẫn khí xuống tới chân, thì chân lại cảm thấy đau nhói một cái, rồi kình lực biến mất, chỗ huyệt Trung-đô sưng lớn lên. Mặt Bảo-Hòa tái mét, nàng ngồi xuống gốc cây nghiến răng điều tức.
Thanh-Mai lại bên Bảo-Hòa, dùng ngón tay cái chà xát nhẹ lên chỗ sưng cho nàng. Lạ thay, Thanh-Mai vừa để tay lên chỗ sưng, Bảo-Hòa cảm thấy cái lạnh chạy ngược trở lên tới đùi, rồi qua sườn, phân tán vào vùng dưới nách. Chỗ sưng đỏ từ từ biến mất.
Bảo-Hòa kinh ngạc:
— Chị Thanh, vết sưng biến mất rồi.
Mỹ-Linh hỏi Bảo-Hòa:
— Chị thử vận công lại xem sao?
Bảo-Hoà hít hơi vận khí luyện chiêu Tứ ngưu phân thi, chân khí xuống chân một cách dễ dàng. Không tin vào mình, nàng hít hơi vận thử một lần nữa, rồi xuất chiêu. Bình một tiếng, cây thông to bằng cổ chân rung lên như gặp bão. Ba chị em ngây người ra suy nghĩ.
Bảo-Hòa lại phát chiêu Tứ ngưu phân thi một lần nữa. Bình một tiếng, tiếp theo tiếng rắc. Cây thông gẫy làm đôi, từ từ đổ xuống.
Thanh-Mai đang đọc sách, chợt nàng kêu lên:
— Tìm ra rồi.
Mỹ-Linh ngạc nhiên:
— Chị tìm ra cái gì vậy?
— Chị tìm ra tại sao khi chị sờ tay vào huyệt Trung-đô, thì chỗ sưng của Bảo-Hòa biến đi. Đây trong sách nói kim khắc mộc. Huyệt Trung-đô thuộc Túc-khuyết âm can kinh. Chị dùng huyệt Thiếu-thương của Thủ thái-âm phế kinh nắn bóp. Can thuộc mộc. Phế thuộc kim. Kim khắc mộc. Vì vậy tay chị sờ vào chỗ sưng bị phá tan, Hàn-ngọc phân tán khắp cơ thể.
Mỹ-Linh tiếp tục đọc khẩu quyết cho Bảo-Hòa luyện. Tới khuya thì nàng luyện xong ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu thần chưởng.
Thanh-Mai đề nghị:
—Bây giờ Bảo-Hòa thử dùng Phục-ngưu thần chưởng đấu với chị xem sao nghe.
Bảo-Hòa hít hơi vận khí phát chiêu. Thanh-Mai dùng Đông-a chưởng pháp chống lại. Vì lần đầu tiên Bảo-Hòa xử dụng Phục-ngưu thần chưởng, nên Thanh-Mai phải xuất chiêu rất chậm chạp. Sau khi phát đủ ba mươi sáu chiêu, Bảo-Hòa trở lại từ chiêu đầu. Lần này nàng đã quen tay, chưởng phong phát ra khá mạnh. Thanh-Mai không phải nhân nhượng nữa. Đến lần thứ ba, nàng không đánh theo thứ tự, mà tòng tâm phát chiêu. Chiêu nọ nối chiêu kia liên miên bất tuyệt.
Thanh-Mai đánh xéo một chiêu rồi nhảy lùi lại:
— Phục ngưu thần chưởng quả thực danh bất hư truyền. Nếu em tiếp tục luyện mấy lần nữa, thì chị không còn là đối thủ của em nữa.
Ba chị em luyện đến khuya, mới ngừng lại trở về trang. Khi đi qua ngôi nhà thủy tạ, thấy đèn vẫn còn sáng. Bảo-Hòa chỉ ngôi nhà nói:
— Hồng-sơn đại-phu bàn gì với bọn Triệu Thành mà gìơ này chưa dứt. Chúng ta thử dò thám xem sao?
Nhưng ba người vừa tới gần, thì thấy bọn Triệu Thành từ trong nhà thủy tạ đi ra. Hồng-Sơn đại phu nói:
— Triệu vương gia. Chúng ta cứ thế mà làm. Trong Lĩnh-Nam ngũ long, tôi cam kết ít ra Trần Tự-An không theo tôi cũng không giúp Lý. Phái Tiêu-sơn, đã có Nguyên-Hạnh rồi. Tịnh-Tuệ của phái Mê-linh chỉ có danh, mà không có thực lực. Rút cục chỉ còn mình Đặng Đại-Khê, một cây làm chẳng nên non.
Ông tiễn khách ra, rồi trở lại nhà thủy tạ. Trong nhà chỉ còn Huệ-Phương, Thiếu-Mai, Dương Bình cùng với Lê Văn. Thiếu-Mai hỏi ngay:
— Bố! Bố nhận lời Triệu Thành khởi binh thực sao?
Hồng-Sơn đại-phu thở dài:
— Khi hoàng huynh qua đời, để di chiếu cho ta nối ngôi. Không ngờ Lý Công-Uẩn cướp mất sự nghiệp. Bao năm qua, nằm gai nếm mật, dùng hết tâm huyết mới xây dựng được trang này. Ta nghĩ trăm phương ngàn kế khởi binh, mà không có kế nào khả dĩ hoàn hảo. Bây giờ tuy bọn Triệu Thành không thực tâm. Nhưng ta vẫn cứ tòng quyền, mượn người Tống giúp sức. Đầu tiên quân Chiêm theo đường bộ, chiếm vùng Thanh-Hóa này trước. Thủy đội của Chiêm đổ vào vùng Thiên-trường tiến về Thăng-long. Trong khi đó một đạo quân Tống theo đường Ung, Liêm tràn vào. Bấy giờ Lý Công-Uẩn đem hết binh ra ngoài, Thăng-long bỏ trống. Ta suất lĩnh đạo kỳ binh bất thần đánh về. Chiếm được Thăng-long rồi, ta làm lễ khao quân Tống, lén bỏ thuốc độc, chúng sẽ chết hết. Đạo quân Chiêm ta chỉ đánh một trận thì đuổi chúng khỏi đất nước.
Thiếu-Mai lắc đầu:
— Bố ơi! Việc trả thù nhà đương nhiên phải làm. Phục hưng sự nghiệp tổ tiên là điều con cháu không được lãng quên. Nhưng bố ơi, quân Tống kéo vào đất nước mình, đánh người mình, võ lâm thiên hạ sẽ cùng sát cánh với triều Lý chống ngoại xâm như xưa kia ông nội đã được trợ giúp. Con sợ bấy giờ mình khởi binh, không ai hưởng ứng. Vả lại vua Ngọa-triều nhà mình quá tàn ác, sĩ dân đều oán triều Lê. Hiện không còn ai tưởng nhớ Lê triều nữa.
Huệ-Phương ngồi dựa lưng vào vai Hồng-sơn:
— Anh ạ. Vấn đề này phải cân nhắc kỹ lưỡng đã. Thủng thẳng mà làm. Hiện Lưu thái hậu bên Tống đang cầm quyền bính. Bà cương quyết chiếm nước mình trước, rồi thanh thế nổi dậy sẽ đánh Tây-hạ, Liêu, Kim sau. Em nghĩ mình cứ án binh, ắt bà cho đánh các nước kia trước. Sau khi đánh xong, tinh lực kiệt quệ. Bấy giờ mình khởi binh. Như vậy khi mình được nước, bà muốn đem binh sang đánh, thì kho tàng trống rỗng. Ta có thời giờ chỉnh bị binh mã. Vạn nhất sau bà thấy ta mạnh, bỏ ý định chiếm nước càng tốt. Bằng bà xua quân qua, ta dùng du kích, kéo dài chiến tranh, rồi cầu hòa, thì mới giữ được nước.
Dương Bình tiếp:
— Bây giờ sư phụ cho bọn đệ tử về Thăng-long đầu quân. Với võ công, tài trí của bọn con, chắc sẽ được trao binh quyền. Khi sư phụ khởi binh, chúng con làm nội ứng, đại cuộc tất thành.
Huệ-Phương nói với Hồng-sơn:
— Em xin góp một ý kiến thô thiển, mong anh không cho là ngu tối.
Hồng-sơn đại-phu, nhìn Huệ-Phương với đôi mắt nhu hòa:
— Em cứ nói. Ý kiến nào của em mà không hay, không đúng.
Huệ-Phương ngước mắt nhìn đại-phu. Đôi mắt của nàng óng ánh, tình tứ vô cùng. Nàng nói:
— Tự cổ, anh hùng tranh bá, đồ vương để lên làm vua. Làm vua được gì? Thứ nhất vàng bạc đầy nhà, thứ nhì uy quyền hiển hách. Thứ ba chúng nhân tôn phục, danh lưu thiên cổ. Thứ tư nhiều gái đẹp người hầu. Thế nhưng làm vua thì phải lo lắng, nay sợ người này phản. Mai sợ người khác bỏ. Trăm lo nghìn nghĩ, lao tâm khổ tứ.
Nàng nắm tay đại-phu:
— Còn anh bây giờ vàng ngọc e nhiều hơn vua. Võ công của anh vô địch thiên hạ. Uy quyền kém gì vua? Còn lưu danh thiên cổ ư? Chỉ nguyên tài phục dược của anh, khắp gầm trời này ai cũng cung kính như một thiên tiên. Cuối cùng để có gái đẹp ư? Anh là người trượng phu hào hùng, chỉ thích một vợ một chồng, thì cần gì nhiều? Như em, nhan sắc không thua ai, nhưng vì cái đức của anh, vạn dặm tìm đến. Anh chẳng phải lo nghĩ gì. Chả ai phản anh, mà chỉ lo giúp anh. Vì vậy, anh khởi binh chi cho mệt.
Lê Văn chạy đến nắm tay Huệ-Phương, nó ôm cổ nàng, hôn liền mấy cái:
— Dì này. Hồi mới gặp dì, cháu tưởng dì chỉ đẹp như tiên thôi, không ngờ kiến thức dì cao thực. Cao hơn mẹ cháu hồi xưa nữa.
Huệ-Phương ôm lấy đầu Lê Văn:
— Dì ước gì đẻ cho bố một đứa con thông minh như cháu.
Lê Văn cầm tay Huệ-Phương giật giật hai cái, nói với Hồng-Sơn:
— Bố, hay bố cho con gọi dì Huệ-Phương bằng mẹ đi.
Hồng-Sơn đại-phu đẩy Lê Văn:
— Báu gì cái thằng cà chớn này, mà em thích? Thôi anh cho em đấy.
Ngày xưa, một câu nói của cha mẹ hứa như vậy, tự nó đã thành mệnh lệnh. Lê Văn đứng dậy, sửa sang y phục ngay ngắn, rồi quỳ trước Huệ-Phương lạy đủ 8 lạy, rồi kêu::
— Mẹ.
Huệ-Phương nắm tay nó nâng dậy:
— Mẹ có ông chồng chỉ biết cứu người, không biết đánh người, lại có thêm đứa con như vầy thì dù cho mẹ làm hoàng hậu, mẹ cũng không nhận.
Hồng-Sơn lão nhân nghe vợ, con nói, ông nghĩ một lúc rồi thở dài:
— Lời của em nói, anh sẽ ghi nhớ. Ngày kia là ngày tốt, chúng ta phải làm lễ cưới cho danh chính ngôn thuận, em là mẫu nghi của sơn trang. Thôi chúng ta đi ngủ.
Chị em Thanh-Mai trở về Nghinh-tân-các. Ngửa mặt lên trời, thấy đôi chim ưng bay lượn. Bảo-Hòa vào nhà dùng giấy, bút viết liên tiếp ba tờ , rồi ra ngòai gọi chim ưng xuống. Nàng lấy thư bỏ vào ống dưới chân rồi huýt sáo ra lệnh cho chúng bay đi.
Ba chị em, mỗi người một góc, ngồi vận công. Trong khi vận công, vì mỏi mệt, Thanh-Mai mơ mơ màng màng nghĩ đến những bài học trong sách Châm-cứu. Vô tình chân khí chay theo các kinh mạch một cách dễ dàng. Nàng không cần kiềm chế chân khí, cứ để cho nó luân lưu. Chợt nàng nhớ lại một lần bố nàng giảng rằng:
— Lĩnh-Nam có học thuyết âm-dương, ngũ-hành cùng học thuyết kinh lạc. Xưa kia Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng Khất-đại-phu đã áp dụng vào võ học, chế ra lối vận khí theo kinh mạch. Sau khi vua Bà tuẫn quốc, thì võ học chỉ còn lưu truyền việc áp dụng học thuyết âm-dương, ngũ hành thôi. Còn vấn đề vận công theo kinh mạch thì thất truyền. Hiện võ công Lĩnh-nam có năm người, được đời truyền tụng là năm con thần long. Không ai hơn được ai. Nếu bây giờ người nào tìm cách áp dụng vận khí bằng kinh mạch, người đó sẽ là anh hùng vô địch.
Hồi chiều Mỹ-Linh đã đọc cả một chương chép về cách vận khí của Bắc-bình vương cùng Khất-đại-phu, cùng phương pháp luyện Lĩnh-Nam chỉ cho nàng. Nàng chú ý học thuộc. Nàng nghĩ:
— Người xưa chế ra được tại sao ta không học được?
Nghĩ vậy nàng định tâm hít hơi vận khí qua vòng Tiểu-chu-thiên. Nàng thấy dễ dàng qúa. Nàng lại tiếp tục vận khí vào đơn điền, rồi truyền ra Đốc-mạch, cuối cùng chuyển về huyệt Đại-trùy rồi đưa ra Thủ tam dương kinh. Kinh khí cuồn cuộn phát ra không ngừng. Các ngón tay nàng căng thẳng như muốn nổ tung ra. Nàng cứ thế luyện đi, luyện lại, rồi ngủ đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, tâm thức nàng vẫn tiếp tục làm việc.
Sáng hôm sau, nàng vừa thức giấc thì Lê Văn hớn hở chạy vào:
— Chị Thanh-Mai ơi. Hôm nay nghỉ học. Vì cả trang đang lo làm lễ cưới cho bố em với dì Huệ-Phương. Các chị tha hồ dạo chơi trong trang. Nhớ nhé, tuyệt đối không được đi vào khu cấm địa cỏ độc.
Ba chị em lại nhắm hướng đồi thông, nơi có thác nước chảy đi tới. Lên đồi, Mỹ-Linh tiếp tục luyện kiếm. Bảo-Hòa luyện chưởng, Thanh-Mai luyện nội công. Ba người đang say xưa luyện võ, thì Thanh-Mai khám phá ra đang có người đi lại phía mình. Nàng ra hiệu cho Bảo-Hòa, Mỹ-Linh cùng núp vào một bụi cây. Bọn người đi tới chính là Triệu Thành, Vương Duy-Chính và Tung-sơn tam kiệt.
Năm người kéo tới, ngồi đưới tảng đá, cạnh suối. Triệu Thành hỏi:
— Cô gia muốn các người tường thuật chi tiết về việc tìm di thư. Ngô Tích người nói trước đi.
Ngô Tích tường thuật tỷ mỷ từ lúc đi cùng Đinh Toàn, cho đến lúc đào được hầm, bị chị em Thanh-Mai hun cỏ suýt chết ngộp... cho đến lúc bị bắt. Triệu Thành quắc mắt nhìn Triệu Anh:
— Các người có biết rằng các người bị lọt vào lưới Khu-mật-viện Giao-chỉ rồi không?
Triệu Anh ngơ ngác:
— Xin vương gia dạy rõ hơn.
— Thứ nhất, các người cùng ta rời Thăng-long vào Thanh-hóa, thì bọn chúng không nghi ngờ gì cả. Chúng chỉ nghi ngờ khi các người đột nhập đền thờ Tương-liệt đại-vương làm bại lộ. Khi ở trên núi Chung-chinh chúng ta đã gặp một tên mưu trí trùm Lĩnh-Nam là Lý Long-Bồ, tước phong Khai-quốc vương, lĩnh chức thái úy, quản Khu-mật-viện. Ngay đêm đó y âm thầm bỏ đi với hai tên ranh con Trần Tự-Mai cùng Tôn Đản.
— Ai đã cho vương gia biết truyện đó?
— Đàm-toái-Trạng và Nguyễn Khánh.
—Y đùng chim ưng đưa thư về Thăng-long. Khu-mật-viện bèn ra lệnh cho tiết-độ-sứ Đinh Ngô-Thương. Vì vậy hôm sau chúng ta lên dự lễ Triệu Ẩu, nới có văn thư Khu-mật-viện bắt tiết-độ-sứ cho người hộ tống chúng ta tới biên giới Chiêm-thành. Một hình thức canh coi chúng ta. Thành ra khi vào đất Chiêm, ta mới cho các người tách rời ra, lộn trở về Thanh-hóa.
Anh em Triệu Anh gật đầu, tỏ vẻ hiểu biết.
Triệu Thành tiếp:
— Khi các người về tới biên giới Giao-chỉ, chúng cho chim ưng theo dõi bọn người. Lý Long-Bồ dùng chim ưng truyền lệnh cho Thân Bảo-Hòa, cùng Thanh-Mai, Mỹ-Linh phục kích ở đền thờ Tương-liệt đại vương. Các người hút bị đốt chết.
Triệu Huy hỏi:
— Thưa vương gia, Lý Long-Bồ thiếu gì cao thủ võ lâm, tại sao y không sai, mà lại sai mấy đứa con gái ngây thơ, võ công non kém?
— Y biết chúng ta khinh thường con gái. Y cho ba đứa con gái hành sự, ta mới không ngờ có bàn tay y nhúng vào. Khi các người chui xuống hầm, chép di thư, Long-Bồ đều biết hết. Lúc rời hầm lên đường đi Vạn-thảo sơn-trang, người có nhớ không? Bảo-Hòa xin vào bụi cây đi tiểu. Lúc đó là lúc y thị nhận mệnh lệnh của Lý Long-Bồ dặn phải làm gì. Lại khi trên đường từ Vạn-hoa sơn-trang đi Vạn-thảo, Bảo-Hòa cũng xin vào bụi cây đi tiểu, rồi gửi báo cáo bằng chim ưng về cho Long-Bồ.
— Thưa vương gia. Nếu vụ này do Lý Long-Bồ chủ xướng, sao y không cho Mỹ-Linh với Thanh-Mai biết?
— Người ngu quá. Phàm mật kế quốc sự, thì càng bí mật bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Một mình Bảo-Hòa đủ rồi, Nếu cho hai con kia biết, dễ bị lộ. Vì vậy Long-Bồ bố trí cho chở khẩn cấp đến Vạn-thảo sơn trang mấy con thú rừng đã được huấn luyện. Con nhỏ Bảo-Hòa nhân đó dùng thoát thân, cùng bắt các người, mà các người không biết.
Triệu Thành cười gằn:
— Chính Lý Long-Bồ bố trí cho cô gái bán bún riêu tống tình Ngô Tích. Các ngươi phải biết đời nào có con gái thôn quê xinh đẹp như vậy? Y lại bố trí một cặp nghệ sĩ từ Thăng-long vào chợ, vờ hát xướng, hầu đưa tin cho Bảo-Hòa.
Tất cả mọi điều Triệu Thành nói, bọn Triệu Anh đều tin hết. Duy việc cô hàng bún riêu tống tình Ngô Tích bọn y không tin, nhưng không dám cãi.
Triệu Thành hỏi Ngô Tích:
— Người hãy đưa bức thư cô gái trong Vạn-hoa sơn-trang viết cho người ra đây ngay.
Ngô Tích tím mặt lại:
— Cái đó... cái đó...
Triệu Thành vung tay chụp vào ngực Ngô Tích. Rọac một tiếng, y đã xé rách túi áo Ngô, tay y dở ra một tờ giấy. Y đưa cho Vương-duy-Chính đọc:
Ngô đại nhân nhã giám.
Được biết tiên sinh là đấng tài hoa văn nhã. Tiểu nữ mong tiên sinh có thời gìơ trở lại sơn-trang cùng uống rượu đánh cờ ngâm thơ .
Đào Thụy-Vi.
Ngô Tích thản nhiên:
— Tiểu nhân hành sự cũng như đi đâu đều cùng với đại-ca và tam đệ, thêm Quách Quỳ. Khi rời Vạn-hoa-trang, cô gái đánh đàn tặng tiểu nhân chậu hoa, trong khi đó nhét thư này vào túi. Vương gia đã ban chỉ thị chuyến này sang Giao-chỉ kiết thân với người Việt càng nhiều càng tốt. Việc kết thân với Vạn-hoa-trang đâu có làm nên tội?
Triệu Thành cười nhạt:
— Ngay cái đêm bị giam ở xã Vạn-thảo, mi được cô gái bán bún riêu tên Thanh-Trúc cởi trói, lấy ngựa dẫn mi đi trốn. Thay vì mi cởi trói cho anh em cùng trốn, mi lẳng lặng lên đường tới Vạn-hoa-trang. Vừa tới nơi Đào Thụy-Vi đã đón chờ mi. Sao mi ngu thế? Không lẽ y thị có phép tiên nhìn xa vạn dặm hay sao, mà mi vừa đào thóat, thị đã ra cổng sơn-trang chờ? Thế rồi thị dẫn người vào trang nghe đàn, đướng họa thơ, uống trà. Cuối cùng mi được Đào phu nhân hứa gả y thị cho mi. Mi có biết Đào phu nhân là ai không? Trang chủ Vạn-hoa là ai không?
— Thần không biết.
— Mi không biết cũng không sao. Y tên thực là Đào Cam-Mộc, tước phong Trung-nghĩa hầu. Vợ y là công chúa An-quốc, con đầu lòng Lý Công-Uẩn. Chị ruột Lý Long-Bồ đấy.
Khi Đào Cam-Mộc giúp vua Lý Thái-tổ dựng nghiệp, được ngài gả con gái đầu lòng là công chúa An-Quốc và phong tước Trung-nghĩa hầu cho. Đào Cam-Mộc làm quan có năm năm rồi xin cáo quan về điền viên. Ông cùng vợ lập ra Vạn-hoa trang hưởng thú thanh nhàn.
Mỹ-Linh nghe đến đây nàng mới giật mình:
— Ta ngu thực. Ngu thực. Khi thấy dáng người cùng tiếng nói Đào phu nhân rất quen thuộc mà ta đóan không ra. Thì ra cô ta. Cũng tại ta xa cô ta vào lúc còn nhỏ quá, trí nhớ chưa đủ. Thì ra cô ta, chú ta đứng trong bóng tối theo dõi bọn Tống. Chú ta quả thực giỏi, xếp đặt mọi việc, coi bọn Tống như con kiến trên bàn tay.
Vương Duy-Chính tiếp lời Triệu Thành:
— Vương gia dặn chúng ta kết thân với người Việt, nhất là con gái Việt, là muốn chúng ta theo gương Trọng-Thủy với Mỵ-Châu, hay như hồi Đông-Hán lợi dụng Cù-Thị chiếm nước Nam-Việt. Chứ không phải để chúng ta biến thành Nghiêm Tử-Lăng, hay Đô Dương vì gái Việt, bỏ cố quốc.
Triệu Thành tiếp:
— Người có biết tại sao Đào phu nhân lại bảo người về cởi trói cho anh em người không? Ta nói cho ngươi biết: nếu người bỏ ta, bỏ anh em theo mụ, thì người trở thành vô dụng với Giao-chỉ. Giao-chỉ thiếu gì người võ công, văn học hơn mi? Chẳng qua họ muốn mi vẫn ở Tống, mà làm con chó săn cho họ mà thôi. Sau đó mi lật đật trở về cởi trói cho anh em. Mi thử nghĩ xem, nếu không có bàn tay của Khu-mật-viện Giao-chỉ thì sao mi đi, đến xã Vạn-thảo dễ dàng vậy? Anh em mi thoát thân dễ dàng trong khi họ có mấy nghìn quân canh gác?
Triệu Thành nghiến răng:
— Người hãy xuất chiêu đi.
Ngô Tích biết rằng Triệu Thành không tha mạng y. Y chỉ còn một đường duy nhất để tự tồn là thắng được Thành. Y nhẩy vọt lên xuất chưởng tấn công liền. Vì liều mạng, y đánh toàn những chiêu hiểm độc. Triệu Thành như mèo vờn chuột, y đánh cầm chừng. Chờ cho Ngô Tích mệt nhoài rồi mới phản công. Y cười nhạt:
— Ta chỉ đánh có ba chiêu. Hễ mi chịu được thì ta tha mạng cho.
Y đánh ra chưởng thứ nhất, Ngô Tích loạng choạng ngã ngồi xuống, miệng phun máu. Tuy vậy y cũng cố vọt mình dậy đứng thủ. Thành xuất chiêu thứ nhì. Bình một tiếng, Ngô Tích bay vọt về sau. Triệu Thành cười:
— Ta kết liễu tính mệnh mi đây.
Tay y vung chưởng lên.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét