Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Anh linh thần võ tộc Việt - Hồi 109

HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN

Trăm năm chữ tòng
   
Tiếng Bảo-Hòa vẫn nhắc Lê Văn. Nó nhìn nhà vua rồi nói:
    _ Mắt của đại ca là mắt rồng, mũi lân, miệng sư tử. Tướng đi ngay, mắt nhìn thẳng. Ôi! Thực đệ chưa từng thấy ai có qúy tướng như vậy.
    _ Liệu ta thi tiến sĩ có đậu không?
    _ Không! Đại ca không thể là tiến sĩ, vì thi không bao giờ đậu, nhưng văn mô, vũ lược đến bậc thầy tiến sĩ cũng không bằng. Đại ca sinh trong gia đình cực kỳ phú quý. Nhưng vừa sinh ra đã gặp bất hạnh, phải ly cách một trong hai thân.
    Nhà vua gật đầu:
    _ Giỏi.
    _ Đại ca có mẹ nuôi. Mẹ là người học ít, mà thành công lại nhiều. Chính nhờ người này, mà đại ca có công danh sự nghiệp vượt hơn anh em mình.
    _ Giỏi.
    _ Đại ca được đến sáu anh em. Người nào cũng có sự nghiệp hiển hách, nhưng không thể nào bằng đại ca.
    _ Đúng qúa.
    _ Đại ca là người nhân từ, bình dị ít thấy trên đời.
    Cứ thế Lê Văn đoán trúng ba mươi sáu câu. Nhà vua hỏi:
    _ Văn đệ nói ta sắp gặp biến cố lớn trong đời. Biến cố đó tốt hay xấu?
    Lê Văn nháy mắt cười:
    _ Vấn đề này cực kỳ quan trọng. Đệ xin đoán, nếu trúng, sau này đại ca phải làm cho đệ một việc.
    Nhà vua nhớ lại vụ bán núi của tổ tiên xưa, nên cẩn thận hơn:
    _ Việc gì, Văn đệ phải nói trước, xem ta có đủ sức không đã?
    _ Dễ lắm, nếu bọn đệ dự thi, trường hợp có thể, đại ca gà cho bọn đệ trúng tuyển. Thế thôi.
    Nhà vua quên mất mình đang giả làm Nho-sinh, ông nghĩ thầm:
    _ Thằng bé này định thi tiến sĩ chắc? Tài của nó cho đến ba lần trạng nguyên cũng đáng. Ta nên hứa.
    Nhà vua dơ tay:
    _ Ta hứa giúp.
    Lê Văn nói nhỏ vào tai nhà vua:
    _ Từ trước đến giờ đại ca như cọp trong chuồng, voi trong cũi, phượng hoàng trong lồng. Chỉ nay mai thôi, có quý nhân phương xa tới sẽ phá cũi xổ lồng. Đại ca gặp mọi sự như sở cầu.
    Nhà vua nắm tay Lê Văn:
    _ Ta sẽ tặng Văn đệ ba mươi sáu bài thơ.          Mỹ-Linh từ trong chạy ra, nàng kéo tai Tự-Mai:
    _ Em giả thái giám vào cấm thành chơi đấy à?
    _ Giả mà thực.
    Mỹ-Linh cốc lên đầu Tự-Mai:
    _ Giả hay thực không thể giống nhau. Em đừng quên rằng mình đi sứ để kết hiếu. Kết hiếu mà làm truyện phi pháp sau lưng hoàng đế Tống, như vậy là vô phép, là thiếu tự trọng.
    Tự-Mai lè lưỡi trêu Mỹ-Linh:
    _ Đúng là ngôn từ của công chúa, cha mẹ dân.
    Nó chắp tay:
    _ Tấu lạy công chúa điện hạ. Hạ thần thấy Thiên-tử Tống lâm nguy, phải giả thái giám cứu người. Sau đó được Thiên-Thánh hoàng đế ban thưởng bằng cách cho phép mặc quần áo thái giám, rồi dắt đi khắp cấm thành.
    _ Thực không?
    _ Nếu em nói dối thì không đáng làm em bà chị xinh đẹp nữa. Em nói cho chị mừng, Hoàng-đế còn rót sâm thang thưởng cho em uống.
    Nó chỉ nhà vua:
    _ Có anh Lê Luyện làm chứng. Anh là Nho-gia chính tông, anh không nói dối đâu.         
Mỹ-Linh thấy nhà vua, hỏi:
    _ Ai đây?
    _ Anh bạn mới của em tên Lê Luyện. Anh là nhà Nho.
    Mỹ-Linh cúi chào:
    _ Kính chào Lê công tử. Mời công tử vào chơi.
    Nhà vua thấy Mỹ-Linh, trong lòng nảy ra mối cảm hoài:
    _ Cứ như Tự-Mai nói, cô này là Lý Mỹ-Linh, được phong công chúa Bình-Dương đây. Gái Việt đẹp thực. Trong hậu cung mình làm gì có  người như thế này. Những lời nàng trách Tự-Mai, tỏ ra Đại-Việt có thiện chí kết hiếu với Tống bằng tất cả chân tình. Hà! Một cô gái, cháu nội Lý Công-Uẩn mà tư cách đã như thế này, thì đủ biết y đạo đức biết chừng nào! Tự-Mai nói đúng. Bọn biên thần của mình tâu láo hết.
    Nhà vua nắm tay Tự-Mai:
    _ Công chúa yên tâm. Chính mắt tôi hấy Thiên-tử dắt tay nhị đệ dạo chơi khắp cấm thành. Người còn lưu nhị đệ ngủ tại tẩm cung nữa.
    Mỹ-Linh dặn Tự-Mai:
    _ Em nhớ nhé, tuy Thiên-tử kết huynh đệ với em, nhưng vẫn phải giữ lễ. Em đừng quên Định-vương Nguyên-Nghiễm là sư phụ, là chú thiên tử, mà người vẫn giữ lễ như quần thần.
    Tự-Mai biết câu này Mỹ-Linh dặn thực. Nó tỉnh ngộ:
    _ Dĩ nhiên trước mặt mọi người em cũng phải giữ lễ như thường. Còn trường hợp hai người với nhau không lẽ ???
    _ Đạo lý Hán, Việt rất trọng trung nghĩa. Em kết thân với Thiên-tử tức là mang nhiều trọng trách lắm. Một là trọng trách của bậc tôi đối với vua. Hai là trọng trách người em đối với nghĩa huynh.
    _ Em sẽ noi gương Quan Vân-Trường đời Tam-quốc.
    Mỹ-Linh vuốt tóc nó:
    _ Ít ra phải như vậy.
    Mỹ-Linh hỏi Tự-Mai:
    _ Em cứu giá trong trường hợp nào?
    _ Em không thể nói ra được. Khi nào Hoàng-đế cho phép, em mới dám nói.         
Lê Văn vào nhà lấy ra tấm lụa, nó mài mực, để bút trước mặt nhà vua:
    _ Đại ca là nhà Nho, chữ viết hẳn đẹp lắm, xin thứ cho thầy tướng ba mươi sáu bài thơ đi.
    Nhà vua cầm bút thoăn thoắt đưa lên tấm lụa, phút chốc đủ ba mươi sáu bài. Mỹ-Linh nhìn ba mươi sáu bài thơ nhà vua chép vào lụa; nàng thấy cả ba mươi sáu bài đều tình ý đậm đà, nhưng toát ra nỗi cô đơn của tuổi niên thiếu. Nàng nói:
    _ Lê đại ca là nhà Nho, mà tình cảm lại trầm hùng, đâu kém gì Ngụy Võ-Đế thời Tam-quốc?
    Thiệu-Thái, Thuận-Tông, Thiện-Lãm cùng ra. Tự-Mai đi một vòng giới thiệu. Thấy vắng mặt Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thông-Mai, Bảo-Hòa nó hỏi Tôn Đản:
    _ Ông kẹ Thông-Mai với hai bà chằng đâu rồi?
    Tôn Đản chỉ vào trong nhà:
    _ Anh cả với chị Thanh ở trong đó. Còn anh Thông-Mai với chị Bảo-Hòa có bao giờ cho chúng mình thấy mặt đâu? Hai ông bà ấy như chim vậy.
    Nó nói với Thiệu-Thái:
    _ Ông ỉn ơi. Người này là nghĩa huynh của em, nhân từ nhất thiên hạ. Không may bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng. Xin ông ỉn trị cho anh ấy với.
    Thiệu-Thái xòe tay ra:
    _ Trị cũng được, nhưng em phải trả tiền cho thầy lang chứ? Cứu một mạng người chứ có ít đâu?
    Tự-Mai thấy từ xưa đến giờ bất cứ nó với Lê Văn nói gì Thiệu-Thái cũng chiều theo. Tự nhiên lần này chàng lại lý sự đòi tiền, thì chắc Bảo-Hòa xui đây. Nó hậm hực hỏi:
    _ Thầy lang đòi bao nhiêu tiền?
    _ Ta trị bệnh vẫn có lệ chia làm hai loại người. Có loại người anh phải năn nỉ để xin trị cho. Có loại người trả bao nhiêu tiền anh cũng không trị.
    _ Nói rõ hơn một chút đi ông ỉn!
    _ Loại ác đức, không những anh không trị, mà còn truyền độc chất vào người cho chết luôn. Còn loại chính nhân quân tử thì anh xin trị không lấy tiền.
    Tự-Mai chỉ nhà vua:
    _ Lê đại ca của em là nhà Nho, dĩ nhiên là chính nhân quân tử rồi còn gì nữa.
    Thiệu-Thái lắc đầu:
    _ Nho có Nho quân tử, Nho tiểu nhân. Khi anh sang Tống, đi đâu cũng thấy dân chúng, võ lâm, nhân sĩ ca tụng Thiên-Thánh hoàng đế là một nhân quân. Trong triều có những bậc quân tử như Trương Sĩ-Tổn, Lý Điệt, Vương Tùy, Lý Ty, Vương Đức-Dụng, Phạm Trọng-Yêm, Yến Thù. Ngược lại họ chửi bọn khuyển Nho như Lã Di-Giản, Trương Kỳ, Hạ Tủng, Trần Nghiêu-Tá, Phạm Ung, Triệu Thực.
    Nghe Thiệu-Thái nói, Tự-Mai biết muôn ngàn lần ông ỉn không thể có ngôn từ đó. Nó đoán chắc là Bảo-Hòa mớm cho. Những người mà Thiệu-Thái nói là quân tử chắc thuộc phe thân Đại-Việt. Còn bọn mà chàng bảo là tiểu nhân chắc thuộc phe chủ Nam xâm.
    Nhà vua tò mò:
    _ Vì lý do gì họ thống mạ sáu người ấy là khuyển Nho?
    _ Họ nói: Khuyển Nho còn khá. Bọn chúng đều phạm tội khi quân cực kỳ gia trọng. Nhưng Hoàng-đế vô quyền nên chưa thể tru lục chúng.
    Nhà vua kinh ngạc:
    _ Họ nói chúng khi quân ra sao?
    _ Chúng a tùng với Lưu thái-hậu, đưa nhà vua vào đường đại bất hiếu. Chúng biết nhà vua không xuất từ Lưu thái-hậu, mà xuất từ Lý phi. Thế nhưng chúng ngậm tăm, hùa theo Thái-hậu, soạn chiếu để Hoàng-đế phong Lý phi làm Thuận-dung đầy ra coi lăng tiên đế. Ôi, trong lịch sử cổ kim chưa có ông vua nào lại đầy mẹ như vậy. Hết hạn lưu đầy, chúng đem bà về cung Ôn-đức hầu hạ công chúa Huệ-Nhu. Như vậy còn trời đất nào nữa không?
    Tự-Mai biết Bảo-Hòa ở quanh đây đang dùng lăng không truyền ngữ nhắc Thiệu-Thái, chứ muôn ngàn lần ông ỉn cũng không nói được những lời đó. Thấy mặt nhà vua tái đi, trong lòng nó khoan khoái:
    _ Chị Bảo-Hòa hay thực, sai ta đem nhà vua ra đây, rồi dùng lối khích ông. Có như thế mới hạ được bọn chủ chiến. Đã vậy ta phải đổ dầu thêm vào mới đựợc:
    _ Chắc vì bọn khuyển Nho này sợ Thái-hậu, hoặc giả chúng bị khống chế bằng Chu-sa độc chưởng nên mới phải a tòng chăng?
    Mỹ-Linh bẹo tai Tự-Mai:
    _ Nói thế mà cũng nói. Phàm làm nhà Nho, là kẻ sĩ, phải lấy chính đạo, lòng trung phò tá quân phụ. Chị đọc Xuân-Thu thấy nói nhiều kẻ sĩ nhìn chúa bị nhục, biết rằng nói ra sẽ chết, mà dám khẳng khái đối địch với giặc. Em chẳng nghe quan thái sử Giản nước Tề, quan thái sử Đổng-Hồ nước Tấn, khi cường quyền kề gươm vào cổ bắt chép sai lịch sử. Hai ông cứ chép sự thực rồi thung dung chịu chết đó sao? Đây bọn này đẩy chúa vào đường vô đạo, bất hiếu, tội ấy phải tru di tam tộc.
    Tự-Mai văng tục:
    _ Con bà nó, bọn này ăn cơm chúa, mặc áo chúa, mà đưa chúa vào đường bất hiếu, bất nghĩa. Anh cả cấm bọn mình không được xử dụng võ công trên đất Tống, nhưng em không thể tuân lệnh trong vụ này. Em phải bắt tụi nó đánh cho nát thây, cạo đầu bôi vôi, rồi bắt đeo bảng mang chữ Khuyển Nho dong khắp phố cho thiên hạ xem mới được.
    Lê Văn reo:
    _ Cho em đi với. Bọn mình làm vậy nhất định Thiên-Thánh hoàng đế khoan khoái lắm.
    Mỹ-Linh lắc đầu:
    _ Nhưng Hoàng-đế lại không biết sự thực. Hai em làm vậy e người nổi lôi đình lên thì nguy.
    Tự-Mai đang cầm chung trà trong tay, giận qúa, nó bóp mạnh,  bốp  một tiếng, chung vỡ nát. Nó vo thành bột rồi tung lên cao:
    _ Em cứ làm. Dù nghĩa huynh Hoàng-đế có phải vì quốc pháp chặt đầu em, em vẫn làm. Trước khi bị chém, em cười thỏa mãn mà không giận hờn chi hết.
    Nhà vua nói với Tự-Mai:
    _ Nhị đệ. Theo ta nghĩ nếu như nhị đệ làm điều đó, không chừng nghĩa huynh Hoàng-đế còn ban thưởng cho nhị đệ nữa. Khai-Quốc vương cấm nhị đệ xử dụng võ trên đất Tống do lòng tôn trọng Tống mà ra. Khi nhị đệ làm truyện đó, thì nhị đệ không còn nhân danh sứ đoàn, mà nhân danh nghĩa đệ Hoàng-đế. Ai dám trách nhị đệ. Vả lại sử cũng ghi một gương tương tự.
    Mỹ-Linh cười:
    _ Lê huynh nói đúng đó. Thời Tam-quốc, Tiên-chúa truyền cắt ba quận thuộc Kinh-châu trả cho Ngô. Khi sứ Ngô đến nhận đất, Quan Vân-Trường không trao, ông lý luận: Đất trong thiên hạ là của nhà Hán. Huynh trưởng ta là hoàng thúc, khởi binh trung hưng Hán thất, trao cho ta trấn Kinh-châu, mà ta cắt cho Ngô, thì ra ta trao đất cho giặc ư? Rồi ông đuổi sứ đi.
    Nhà vua nhìn Mỹ-Linh, trong lòng khâm phục:
    _ Cô công chúa này kiến thức không tầm thường. Hèn chi Đại-Việt muốn đòi lại cố thổ Lĩnh-Nam.
    Thiệu-Thái vái nhà vua:
    _ Mời Lê đại ca ngồi im, giống như người ngủ. Nếu có thấy khó chịu, cũng đừng vận công chống lại, để tôi trị bệnh cho.
    _ Thân huynh vẫn chưa nói rõ ta phải trả bao nhiêu tiền mà?
    _ Chỉ cần mấy câu nói của Lê huynh, đệ biết Lê huynh là chính nhân quân tử.
    Thiệu-Thái để tay lên huyệt Bách-hội nhà vua, dồn chân khí sang. Nhà vua rùng mình một cái, rồi mồ hôi toát ra như tắm. Mùi hôi thối bốc ra khủng khiếp. Khoảng ăn xong bữa cơm, Thiệu-Thái thu công lại. Tự-Mai nói:
    _ Đại ca đứng dậy thôi. Độc chất thúc ra khỏi cơ thể đại ca rồi.
    Nhà vua hướng Thiệu-Thái:
    _ Đa tạ Thân huynh, nguyện sẽ có ngày báo đáp.     Tự-Mai nói với Tôn Đản:
    _ Anh Đản cho Lê đại ca mượn bộ quần áo, rồi chúng ta đại náo Biện-kinh một ngày cho thỏa thích. Ngày mai phải ứng tuyển phò mã rồi.
    Nhà vua hỏi:
    _ Trong sứ đoàn Đại-Việt có mấy người ứng tuyển phò mã?     
Mỹ-Linh chỉ Tôn Đản, Lê Văn:
    _ Hai cậu này với Tự-Mai là ba. Công tử có phải ứng viên phò mã không?
    _ Không. Vì võ công tôi thấp lắm. Tuy văn thì dư thừa.
    Lê Văn nói nhỏ:
    _ Tôi đâu có muốn làm phò mã? Tôi bị bố bắt buộc đấy chứ. Khi đấu võ, tôi sẽ giả thua để bị đánh trượt. Anh Đản cũng thế. Anh ấy có Ngô Cẩm-Thi rồi. Cuối cùng chỉ còn Tự-Mai thôi. Mà coi bộ Tự-Mai cũng không muốn làm phò mã. Anh ấy đang si tình một cung nữ.
    Nhà vua hỏi:
    _ Cung nữ Đại-Việt hay Tống?
    Mỹ-Linh đáp thay em:
    _ Cung nữ Tống triều. Chứ nếu cung nữ Đại-Việt tôi đã tâu ông nội gả cho y rồi. Ông nội tôi là con nuôi một vị Bồ-tát, là đệ tử một Bồ-tát mà.
    Nhà vua tò mò:
    _ Công chúa! Tôi nghe nói Hoàng-đế Đại-Việt hai lần kén khắp nước mới được hai giai nhân cho Khai-Quốc vương. Vương tuy say mê hai nàng, nhưng nghe hai nàng nói có ý trung nhân, vương cho tiền bạc để hai nàng về với tình quân. Hơn nữa tình quân của hai nàng là hai người lăm le khởi loạn chống triều Lý. Có đúng thế không?
    Mỹ-Linh nhoẻn một nụ cười, ánh mắt nàng sáng long lanh:
    _ Kiến thức Lê huynh rộng lắm nhỉ. Quả chú tôi có làm việc đó.
    _ Khai-Quốc vương thực rộng lượng. Nhưng khi vương làm truyện đó, thì phạm trọng tội đối với phụ hoàng. Lý hoàng-đế không nói gì ư?
    _ Lúc mới nghe truyện, ông tôi định đem chú hai ra chặt đầu. Hoặc phế làm thứ dân. Nào ngờ ý trung nhân của hai giai nhân kia sau khi nghe các nàng thuật lại lý do được trả về... Hai vị ấy cảm động, bỏ ý định chống triều đình. Hơn nữa còn trở thành hai trợ thủ đắc lực.
    Nhà vua suýt xoa:
    _ Chỉ mất có hai người đẹp, mà tránh đổ biết bao nhiêu máu. Hỡi ơi! Vua Lý cũng như Khai-Quốc vương thực là những người tài trí nhất thiên hạ. Trẫm... à tôi nghĩ Thiên-Thánh hoàng đế cũng không bằng vậy.
    Mỹ-Linh chắp tay:
    _ Đa tạ Lê huynh qúa khen.
    Nhà vua nói với Lê Văn:
    _ Lê công tử! Ta coi tướng của công tử, biết công tử thế nào cũng thành công trong việc ứng tuyển phò mã này.
    _ Nhưng tôi không muốn làm phò mã Tống.
    _ Sao vậy? Làm phò mã cao sang cực điểm, lầu son, gác tía. Hơn nữa công chúa Huệ-Nhu vừa xinh đẹp, vừa ôn nhu văn nhã.
    _ Tôi biết vậy. Nhưng bọn tôi ba đứa, mà chỉ có một công chúa thôi. Tôi nhường cho Tôn Đản, Tự-Mai. Vì tôi đã có một công chúa khác rồi.
    _ Công chúa Đại-Việt chăng? Nàng tên gì?
    _ Không! Công chúa Thái. Nàng tên An-Nan Tam-gia La-sun Nong-Nụt.
    Nhà vua hỏi Tự-Mai:
    _ Nhị đệ. Em si tình cô cung nữ nào vậy? Nhị đệ gặp nàng bao giờ?
    Tự-Mai xấu hổ:
    _ Em gặp nàng hồi nàng chưa bị tuyển cung.
    _ Nàng tên gì? Hiện thuộc cung nào? Ty nào?
    Trong lòng Tự-Mai nảy ra tia sáng:
    _ Tại sao ta không nói với đại ca gả Thuận-Tường cho ta? Việc gì ta phải tranh dành khổ sở? Lỡ ra hôm ấy Thái-hậu gả cho ta người khác thì hỏng bét.
    Nó đáp nho nhỏ:
    _ Nàng tên Thuận-Tường. Dường như thuộc cung Ôn-đức phục thị Lý thần-phi.
    _ Cung Ôn-đức à? Cung Ôn-đức của công chúa Huệ-Nhu. Hồi tiên đế còn tại thế Lý phi chỉ là cung nữ thôi. Vì Lý phi là nhũ mẫu công chúa Huệ-Nhu, nên ở cùng.
    Nói đến Lý phi long tâm cảm thấy đau nhói một cái. Nhà vua hỏi:
    _ Nhị đệ. Ta nhớ trong cung Ôn-đức không có cung nữ nào tên Thuận-Tường cả. Ta e nhị đệ nhớ lầm đấy.
    Lê Văn cãi dùm Tự-Mai:
    _ Lê đại ca ơi, tên người yêu làm sao mà nhớ lầm được. Chính đệ cũng gặp nàng. Mọi người đều gọi nàng là Thuận-Tường mà.
    Nhà vua chau mày:
    _ Nhị đệ có thể kể cho ta nghe chi tiết về cuộc gặp gỡ với nàng chăng?
    Tự-Mai chưa kịp đáp, Lê Văn đã thuật vắn tắt việc phái Hoa-sơn sang Đại-Việt cùng trận đánh Tản-lĩnh cho nhà vua nghe. Nhà vua hỏi:
    _ Em có chắc Thuận-Tường là học trò Bắc-sơn lão nhân không?
    Tự-Mai gật đầu:
    _ Đúng vậy. Nàng gọi ông bằng sư phụ.
    Mặt nhà vua biến sang mầu hồng, cười mà không phải cười:
    _ Ta biết nàng là ai rồi. Nhị đệ ơi! Nhị đệ có thương yêu nàng thì phải hết sức trong cuộc tranh đua này. Lúc đầu nàng chỉ là cung nữ. Sau khi tuyển cung, vì thấy nhan sắc diễm tuyệt, võ công cao, văn chương quán thế, Thái-hậu nhận nàng làm con nuôi. Nàng chính là một trong mười tám giai nhân sẽ gả cho các ứng sinh đấy. Ta nói cho nhị đệ biết, có ít nhất ba người cũng xin ứng tuyển phò mã vì muốn được kết hôn với nàng, chứ không phải muốn làm phò mã.
    _ Những ai thế?
    _ Triệu Tiết, Khúc Chẩn.
    Tự-Mai cười:
    _ Hai tên đó em thừa sức thắng. Còn người thứ ba?
    _ Y chính là trạng nguyên Địch Thanh.
    _ Ái chà!
    _ Nhị đệ đã đấu với Địch Thanh rồi à?
    _ Chưa, nhưng đã thấy y đấu với một trưởng lão Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Gay nhỉ. Nhưng nếu đại ca giúp em thì mười Địch Thanh em cũng không sợ. Đại ca hứa không?
    Nhà vua cầm tay Tự-Mai:
    _ Ta hứa. Nhị đệ yên tâm. Nào bây giờ chúng ta đi chơi.
    Tôn Đản chỉ ra ngoài:
    _ Hôm nay anh cả cho chúng mình tự do đi chơi. Nào, chúng mình năm đứa, thêm anh Lê Luyện nữa là sáu. Chúng mình tiếu ngạo Biện-kinh nào.
    Tự-Mai, nhà vua vào trong nhà thay quần áo. Sáu người lên một chiếc xe song mã. Lê Văn nói:
    _ Để em đánh xe.
    Lê Văn cho xe chạy khắp những con đường lớn trong thành Biện-kinh. Khi mặt trời đứng bóng, Thuận-Tông đề nghị:
    _ Chúng mình kiếm một tửu lầu nào đánh chén đi?
    _ Ừ nhỉ. Đói lè lưỡi ra rồi đây.
    Lê-Văn ngừng lại trước tửu lầu Cô-tô:
    _ Chúng ta vào đây. Hôm nay có Lê đại ca, chúng ta đãi đại ca một bữa. Nhưng Lê đại ca à, đệ nói một câu, đại ca đừng giận nghe.
    _ Văn đệ cứ nói.
    _ Sau nửa ngày đi chơi Biện-kinh, đệ có cảm tưởng lần đầu tiên đại ca du ngoạn đế đô qúa.
    _ Văn đệ nói đúng đó. Ta vì lý do riêng, chỉ biết đọc sách, chứ nào có biết ngoài đời là gì.
    Chủ tửu lầu Cô-tô thấy có sáu thiếu niên quần áo sang trọng vào, vội chạy ra tiếp. Nhà vua nói như ra lệnh:
    _ Người cho ta một bàn, càng yên tĩnh càng tốt.
    Thấy dáng điệu uy nghiêm của nhà vua, chủ nhân chắp tay chỉ vào cầu thang:
    _ Mời mấy công tử lên lầu.
    Y thân dẫn sáu người tới căn phòng. Trong phòng chỉ có hai bàn. Bàn nào cũng chưng hoa thực đẹp. Bốn vách đều treo tranh cùng bút thiếp.
    Nhà vua hỏi:
    _ Nhà hàng có những món gì đặc biệt?
    Chủ nhân đáp đầy vẻ tự hào:
    _ Bản tửu lầu có thể cung cấp hầu quý công tử bất cứ món gì quý nhất thế gian. Ngoài ra còn có ba hoa khôi. Ba nàng đều thuộc con nhà danh gia bị hàm oan. Các nàng chỉ nhận tiếp thiếu niên công tử, với lời ước hẹn: Nếu nói lên được mối oan khuất của phụ thân, các nàng nguyện theo hầu trọn đời.
    Nhà vua gật đầu hài lòng:
    _ Vậy nhà người đem cho ta sáu cân Thái-tổ ngự tửu. Hai con gà nướng xứ Thục. Ba con cá hồ Động-đình hầm nấm Đại-lý. Sáu con cua Liêu-Đông hấp tương Đàm-châu. Còn tráng miệng thì cam Giang-Nam, quýt Tương-dương. Người cho chúng ta gặp ba đóa hoa tươi được không?
    Chủ nhà tửu lầu nghe nhà vua gọi toàn món trân quý, thì biết đây là những thiếu niên con nhà danh gia. Y cúi đầu chào, rồi lui xuống lầu. Lát sau ba thiếu nữ tuổi khoảng mười tám, y phục tha thướt bưng rượu lên. Ba người mặc quần áo ba mầu khác nhau: Hồng, thanh, tím. Cô mặc áo hồng giới thiệu:
    _ Chúng em được chủ nhân sai lên hầu tiếp sáu vị công tử. Em tên Hồng. Con hai cô này tên Thanh và Tử.
    Tự-Mai giật mình, vì cả ba thiếu nữ đều nhan sắc tuyệt thế, không thua gì Mỹ-Linh, Hà-Thanh, Huệ-Phương. Nét mặt nàng Hồng trông quen quen, mà Tự-Mai không nhớ ra đã gặp ở đâu.
    Ba nàng thay nhau rót rượu. Nhà vua bưng chung rượu uống một hớp, cầm đũa khuấy lên ba lần rồi uống hớp nữa. Ông gật đầu nói:
    _ Được! Đúng là Thái-tổ ngự tửu đây.
    Nàng Tử nói:     
_ Công tử thực sành sỏi. Bọn em tiếp vương tôn quý khách tới hàng nghìn người. Họ cứ gọi Thái-tổ ngự tửu rồi uống như trâu uống. Nào có biết gì thực hay giả. Chỉ công tử biết thử mà thôi.
    Thiện-Lãm thực thà:
    -- Cô nương ơi! Trong sáu anh em tôi , chỉ mình Lê đại ca biết giá trị của Thái-tổ ngự tửu. Còn chúng tôi thì chưa từng nghe danh loại rượu này bao giờ, nên dù có uống cũng uống như trâu mà thôi.
    Ba nàng bật cười.
    Nhà vua thấy Thiện-Lãm thực thà thì vừa lòng:
    _ Hà đệ tính tình trung thực đấy. Thái-tổ ngự tửu nguyên do thừa tướng Cao Hoài-Đức nghiên cứu, tìm ra một thứ nấm trong hang Tý-Ngọ đất Thục về cấy thành men, rồi nấu với nếp trồng trên sườn núi vùng Kinh-châu. Khi cất phải cất đến bốn lần. Sau khi cất, bỏ hũ rượu xuống đáy sông hay giếng. Lúc uống mới lấy lên.
    Bỗng chủ tửu lầu dẫn thêm hai người khách vào phòng. Y mời khách ngồi vào cái bàn còn lại, rồi nói:
    _ Xin các vị đại nhân thông cảm. Phòng này đã có sáu tiểu công tử chiếm một bàn. Còn một bàn dành cho các vị.
    Một khách phất tay:
    _ Thôi được rồi. Người dọn các món ăn ta đã đặt sẵn ra đi. Gọi con hát lên tiếp ta.
    Tôn Đản liếc nhìn hai thực khách. Nó thấy dáng điệu quen thuộc, nhưng không nhớ đã gặp nhau ở đâu. Nó đưa mắt cho Lê Văn. Lê Văn dùng Lăng-không truyền ngữ nói cho cả bọn nghe:
    _ Phải cẩn thận. Ngồi im, đừng quay lại. Hai tên đại địch đã tìm tới. Có lẽ chúng theo dõi, biết ta lên đây, nên theo sau định mưu đồ gì.
    Tôn Đản hỏi:
    _ Chúng hoá trang chăng?     
Lê-Văn đáp:
    _ Đúng vậy. Hai lão già kia chính là Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vượng. Lê đại ca nội công thấp quá, không thể dùng Lăng-không truyền ngữ nói với anh ta. Làm sao bây giờ?
    Tự-Mai đưa hai ngón tay ra hiệu ngụ ý: Tuyệt đối không xử dụng võ công. Nó dùng ngón tay viết lên đùi nhà vua, kể cho nhà vua nghe về lý lịch hai tên Sử-vạn, Khiếu. Nhà vua cũng dùng tay viết lên đùi Tự-Mai:
     “Ta nhận ra chúng rồi. Chúng hóa trang chắc có mục đích riêng. Nhị đệ hứa trừ bọn chúng cho ta. Vậy làm đi thôi. » 
    Tự-Mai viết:
     « Không vội. Chúng theo lên đây ắt có mưu đồ. Cứ chờ xem.»
    Nhà vua viết:
    « Sử-vạn Na-vượng trước thống lĩnh Ngự-lâm quân. Còn Khiếu-tam-Bản thống lĩnh Thị-vệ cùng tế tác của thái hậu. Không hiểu chúng có nhận diện được ta không? Nhị đệ trị được hai tên này, ta mới hy vọng nắm quyền. »
    Tự-Mai viết:
     « Đại ca yên tâm. »
    Nó tảng lờ hỏi nhà vua:
    _ Đại ca có biết nguyên lý cất rượu Thái-tổ ngự tửu không?
    _ Không.
    Lê Văn cười khì khì:
_ Phương pháp không có gì lạ hết. Để em giải thích cho các anh nghe. Ai đã tìm ra phương pháp cất rượu này thực tuyệt! Giống nấm ở trong hang không mặt trời vốn thuộc vật chí âm. Lúa trên núi hứng ánh nắng thuộc chí dương. Khi cất, hơi bốc lên thành dương khí. Sau lại bỏ xuống nước tẩm âm khí. Vậy rượu này uống vào sẽ có vị ngọt, vị cay, cùng hương thơm rất lâu trong miệng. Còn uống bình thường với uống sau khi quậy lên quả tình em không biết.
    Nhà vua nắm tay Lê Văn:
    _ Văn đệ giỏi y lý thực. Thái-tổ ngự tửu có tính chất rất đặc biệt. Nếu uống bình thường, hương tỏa ra khắp miệng, cổ hầu, cay cay, ngọt ngọt. Còn quậy lên uống, thì chỉ còn ngọt ngọt thôi, cay cay giảm phân nữa.
    Ba thiếu nữ cúi đầu tạ:
    _ Công tử thực sành điệu.     
Cả bọn bắt chước nhà vua, uống một hớp, rồi lấy đũa quậy lên uống. Cả năm đều gật đầu:
    _ Đúng như đại ca nói.
    Tửu bảo dọn các món ăn lên. Nhà vua giảng chi tiết những hương vị khác nhau cho năm người bạn mới. Trong năm trẻ, Tự-Mai đã được hưởng hầu hết thực vật trân quý của Đại-Việt. Còn những món ăn Trung-quốc quả tình nó chỉ biết lờ mờ. Nay vừa được ăn, vừa được giải thích, khiến nó muốn nuốt cả lưỡi vào.
    Chợt nhà vua để ý đến một bức trướng lụa treo trên tường. Ông hỏi nàng Hồng:
    _ Ai viết bức trướng này thế?
    Nàng Hồng chỉ vào nàng mặc áo tím:
    _ Nguyên bức này của Tử muội mang đến. Tử muội vốn con nhà danh gia. Phụ thân bị hàm oan. Người buồn khổ qúa, đã viết bức trướng này để tỏ mối ẩn ức của bậc tôi trung. Tử muội hứa rằng: Nếu ai hiểu thấu tâm tư phụ thân nàng. Nàng nguyện theo hầu cả đời.
    Nàng ngừng lại chỉ vào nàng Thanh:
    _ Còn Thanh muội thì hứa rằng, nếu ai đoán đúng tên tuổi, chức tước của người viết. Thanh muội cũng xin dâng cả cuộc đời. Nàng liếc mắt nhìn Khiếu Tam Bản:
    _ Còn tiểu nữ. Tiểu nữ lại đi tìm một vị nam tử thực thông minh hầu trao thân gửi phận.
    Nàng chỉ Sử-vạn Na-vượng:
     _ Hai vị đại nhân đây đã thử, nhưng không vị nào đạt được cả.
    Sử-vạn Na-vượng giật mình:
    _ Ta... ta đã thử bao giờ đâu mà cô nương bảo không đạt được?
    Nàng Hồng vội chắp tay:
    _ Nếu vậy tiểu tỳ xin lỗi hai đại nhân. Tiểu tỳ thấy hai đại nhân hao hao giống hai đại thần tên Sử-vạn Na-vượng cùng Khiếu Tam Bản. Hai vị đó thường hay tới đây xơi rượu, đã từng dự việc bình văn này, nhưng không trúng cách.
    Khiếu Tam Bản chỉ bức trướng:
    _ Mỗi lần cô nương đưa ra một bức khác nhau. Hôm trước cô nương đưa ra bức trướng viết bài Ly-tao của Khuất-Nguyên, nói rằng của thân phụ cô. Còn hôm nay sao lại là bức này? Tuồng chữ hoàn toàn khác với tuồng chữ hôm trước.
    Tự-Mai cười thầm:
    _ Tên này dấu đầu hở đuôi rồi. Sử vừa nói: Chưa thử bao giờ. Thế mà tên Khiếu lại phun ra: Hai bức trướng khác nhau, thì rõ ràng đã thử rồi.
    Nàng Hồng đáp:
    _ Thưa tiên sinh, bức viết bài Ly-tao là bút tích của thân phụ Thanh muội. Bức hôm nay là bút tích của thân phụ Tử muội.
    Mọi người đều nhìn vào bức trướng bằng lụa, trên viết bài Tiền xuất sư biểu của Gia-cát Lượng, Thừa-tướng Thục đời Tam-quốc. Đối với Tôn Đản, Thuận-Tông, Thiện-Lãm, chữ Hán của chúng chỉ đủ để đọc những bản văn thông thường thì sao hiểu được bài biểu uẩn súc trên? Còn Tự-Mai, Lê Văn, cả hai đã thuộc làu hai bài Xuất sư biểu của Gia-cát từ hồi chín mười tuổi.
    Nhà vua hỏi Tự-Mai:
    _ Nhị đệ có biết hai bài văn này không? Nhị đệ thử kiến giải, biết đâu không trúng ý Tử cô nương? Người đẹp thế kia, thực xứng làm nhà vàng cho ở.
    Tự-Mai lắc đầu:
    _ Đệ có học Bắc-sử. Nhưng bản văn này bây giờ mới thấy lần đầu. Mà dù văn gì chăng nữa, đệ chỉ đọc một lần thì thuộc ngay.
    Nàng Hồng, Thanh, Tử cùng lắc đầu:
    _ Công tử khéo đùa thì thôi. Bài Tiền xuất sư biểu này dài thế kia, dù người thông minh nhất cũng phải học hàng chục lần mới thuộc. Có đâu công tử chỉ đọc một lần đã thông.
    Lê Văn biết ý Tự-Mai, nó nói:
    _ Anh tôi học chữ Hán không làm bao, nên bản văn trên có thể nhiều chữ không biết đọc, dĩ nhiên làm sao hiểu nổi. Tuy nhiên nếu có ai đọc cho nghe một lần, ắt anh ấy thuộc.
    Nàng Thanh nói:
    _ Vậy chúng ta đánh cuộc.
    _ Cuộc gì nào?
    Lê Văn hỏi: Cả ba tiểu thư đánh cuộc hay một mình Tử tiểu thư?
    Nàng Hồng đáp:
    _ Bây giờ thế này. Nếu như tiểu nữ bình lên một lần, mà Trần công tử đọc lại được. Tiểu nữ nguyện làm tỳ nữ cho công tử cả đời. Còn như Trần công tử đoán được tâm sự người viết, Tử muội hoàn toàn thuộc Trần công tử.
    Nhà vua để ngón tay lên đùi Tự-Mai viết mấy chữ:
     Nhị đệ đừng sợ. Ta nói gì mặc ta, nhị đệ ậm ừ cho qua.
    Nhà vua nói:
    _ Nếu như nhị đệ của tôi tìm ra được lý lịch người viết, thì các cô tính sao? Tôi nói cho các cô hay, nhị đệ của tôi chỉ nhìn nét chữ, có thể biết tiểu sử người viết nữa.
    Cả ba cô đều trợn mắt lên kinh ngạc. Nàng Thanh đáp:
    _ Nếu Trần công tử có thể gọi ra tên người viết thôi. Tiểu nữ cũng xin làm tỳ nữ cho Trần công tử. Nhưng còn trường hợp Trần công tử thua thì sao?
    Trong khi mọi người truyện trò, bàn bên cạnh, bọn Sử-vạn Na-vượng vẫn thản nhiên đánh chén, nói truyện thì thào.
    Tự-Mai đáp:
    _ Tôi cũng xin làm nô bộc cho ba cô nương.
    Nàng Hồng đáp:
    _ Bọn tiểu nữ đâu dám thế. Tiểu nữ chỉ yêu cầu; nếu Trần công tử thua cuộc, xin sáu vị công tử giết dùm sáu người.
    Lê Văn lắc đầu:
_ Chúng tôi từ muôn dặm tới đây, phải tuyệt đối tuân theo phép vua Tống. Có đâu giết người Tống. Tuy nhiên nếu sáu người mà các cô muốn giết thuộc loại ác bá, giết đi mà vua Tống vui lòng, thì chúng tôi xin tình nguyện ra tay.
    Nàng Tử đáp:
    _ Thế thì dễ quá rồi. Xin thưa với sáu công tử rằng sáu tên mà bọn tiểu nữ nhờ giết tội ác ngập đầu. Hoàng-đế đều muốn giết chúng, nhưng ngài cũng không giết được.
    _ Vậy thì hay quá. Nào chúng ta bắt đầu cuộc đánh cuộc.
    Tự-Mai nghĩ thầm:
    _ Tuy ta thuộc lòng, nhưng cũng nên dò lại xem, bản chép này có giống bản mình học chăng? Lỡ có chỗ không giống nhau, hoá ra mình đọc sai, thì thua cuộc mất.
    Nàng Tử cất cao giọng đọc. Tự-Mai đọc theo. Thỉnh thoảng vờ không biết đọc một vài chữ, nó ngừng lại chỉ vào hỏi, rồi đọc tiếp cho đến hết. Nó nhận ra bản này với bản nó học không khác nhau một chữ nào. Nhưng có nhiều chữ người viết cố ý bớt đi vài nét, viết nhỏ lại, đó là những chữ: Nghĩa, Trinh. Nó biết người viết kiêng tên vua Thái-Tông, Chân-Tông, Thiên-Thánh. Như vậy ắt là thần tử Tống triều.
    Đọc xong nó nói:
    _ Bây giờ tôi quay lưng lại bức trướng đọc. Xin ba vị cô nương dò xem có sai không?
    _ Bọn tiểu nữ chờ công tử.
    Nó hắng rặng một tiếng, rồi đọc:
     « Thần, Lượng ngôn: Tiên đế sáng nghiệp vị bán, nhi trung đạo băng tồ; kim thiên hạ tam phân, Ích-châu bì tệ, thử thành nguy cấp, tồn vong chi Thu dã. Nhiên, thị vệ chi thần, bất giải vu nội; trung chí chi sĩ, vong thân vu ngoại giả: Cái truy Tiên-Đế chi thù ngộ, dục báo chi ư bệ hạ dã... »
    Trung khí Tự-Mai cực hùng hậu, nó đọc lớn, khi trầm khi bổng, mọi người đồng theo dõi bản văn trên vách xem có chỗ nào sai không. Trong khi đó Thiện-Lãm hỏi Lê Văn:
    _ Văn gì mà trúc trắc qúa, mình hiểu lờ mờ. Lê Văn dịch cho nghe đi.
    Lê Văn dịch nhỏ:
     Thần là Lượng, xin tâu: Tiên-Đế sáng lập nghiệp rồng chưa được một nửa, mà giữa đường đã sớm băng. Nay thiên hạ chia ba, Ích-châu nghèo khó, nguy cấp đến trong sớm tối. Tuy nhiên bậc thần trong triều không quản ngại khó khăn; trung, chí sĩ bỏ mình ở ngoài đều vì ơn Tiên-Đế tri ngộ, muốn báo đáp ở bệ hạ vậy...
    Cứ như thế Tư-Mai đọc cho đến câu  Kim đương viễn ly, lâm biểu thế khấp, bất tri sở vân . Nghĩa là :  Nay phải đem quân đi xa, dâng biểu lệ ứa, nói không hết lời , rồi ngừng lại. Tôn Đản reo:
    _ Chú Sáu của tôi thắng rồi. Hồng cô nương! Cô nương tính sao đây?
    Sử-vạn Na-vượng cười khúc khích:
    _ Thằng nhỏ láu cá này bịp cô nương đấy. Có khi nó được học từ nhỏ, nay vờ đóng kịch, rồi đọc lại mà thôi.
    Tôn Đản cãi:
    _ Đó chẳng qua là tiên sinh tưởng tượng mà thôi. Anh Sáu của tôi đâu có phải người Hán mà thuộc áng văn cổ kính này?
    _ Được, bây giờ đánh cuộc lại. Ta sẽ đưa ra bài thơ, nếu mi đọc một lần thuộc, ta mới chịu phục, không can thiệp vào truyện này nữa.
    Lê Văn hỏi nàng Hồng:
    _ Ông cụ này là người ngoại cuộc. Chúng tôi chỉ xin hỏi cô nương mà thôi. Cô nương có chịu thua cuộc hay còn nghi ngờ như ông cụ kia?
    Nàng Hồng phân vân nghĩ một lát rồi nói:
    _ Trần công tử. Xin Trần công tử cho tiểu nữ được kiến thức trí thông minh một lần nữa.
    Lê Văn hỏi:
    _ Mình anh Sáu thôi ư? Có cho bọn này thử không?
    _ Xin tùy lượng chư quân tử.
    Nàng Hồng lui ra ngoài một lúc, khi trở lại mang vào một cuốn trục lụa treo lên tường, rồi cung kính nói:
    _ Đây là một bài từ, mà trên thế gian này chỉ có chưa đầy năm người biết. Xin Trần công tử cho tiểu nữ được thấy thần thông của công tử.
    Trong khi Tôn Đản cãi, Lê Văn dùng lăng không truyền ngữ nói với Tự-Mai:
    _ Dễ qúa, anh cứ đọc qua một lần, rồi quay lưng lại. Em dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai anh. Anh đọc lên cho họ khiếp vía một bữa.
    Mọi người nhìn lên bức trướng. Trên bức trướng vẽ một giai nhân đang đứng bên vườn đầy hoa. Cạnh giai nhân, đề một bài từ, nét chữ không lấy gì làm đẹp cho lắm. Thoáng nhìn, bọn Tự-Mai nhận ra giai nhân chính là Khấu Kim-An, vợ của Trần Bảo-Dân. Bất giác cả bọn đưa mắt nhìn nhau.
    Nhà vua thấy bức trướng, long tâm dâng lên mối buồn vô hạn. Kỷ niệm hơn mười năm trước trở về:
     Năm ấy vua Chân-Tông đang buồn bực vì quần thần phản đối, muốn truất phế Lưu hoàng hậu. Vì hoàng hậu xuất thân bần hàn. Một lần đến dinh tể tướng Khấu-Chuẩn, vô tình liếc thấy tiểu thư Khấu-kim-An, Chân-Tông như ngây như dại. Rồi không đừng được, ngài sai đón nàng về, những tưởng sẽ phong nàng làm hoàng hậu. Vì Kim-An là con tể thần, lập nàng làm hoàng hậu, không ai bàn tán dị nghị được nữa. Khi đón nàng về, ngài sai họa sĩ vẽ hình. Chính ngài cầm bút viết lên bài từ tả nhan sắc nàng. Đêm ấy ngài cùng nàng uống rượu. Khi sắp động phòng, nhà vua bị một võ lâm đột nhập bắt nàng đi mất. Khấu thừa tướng lại tưởng Lưu hậu ghen tuông, sai người hại Kim-An. Để đền bù, nhà vua tặng lại bức tranh cho Khấu Chuẩn. Sau vua Chân-Tông có ngự bút tặng nhà vua một bản. Nhà vua đọc riết rồi thuộc làu.
     Nay nhìn nhìn nét chữ của phụ hoàng, nhớ lại mối nhu tình tuyệt vọng của người, mà lòng nao nao.
    Nhà vua nghĩ thầm:
    _ Ba nàng này thế nào cũng có liên hệ với Khấu Chuẩn.
    Nhà vua nói với Tự-Mai:
    _ Nhị đệ, người nhường cho đại ca đánh cuộc được không?
    _ Đệ xin nhường.
    Nhà vua cất cao giọng đọc. Bài từ gồm hơn bốn mươi câu. Giọng nhà vua tuy không hay, nhưng cũng diễn tả được hồn thơ tả người đẹp. Đọc xong, nhà vua nói:
    _ Hồng tiểu thư. Ta xin đọc lại. Tiểu thư kiểm xem có sai không nghe.
    _ Xin công tử diễn cho.
    Nhà vua lại cất cao giọng ngâm. Lần này giọng ngân dài hơn lần trước. Thoáng một cái, hơn bốn mươi câu được ngâm xong.
    Tự-Mai vỗ tay:
    _ Hồng cô nương. Người chịu phục đại ca tôi chưa?
    Sử-vạn Na-vượng cãi:
    _ Gã họ Lê kia cũng thuộc bài từ này trước rồi.
    Nhà vua nghĩ mình là đế vương, không muốn đánh lừa người con gái của bầy tôi, ông định lên tiếng xác nhận mình thuộc từ trước. Nhưng nàng Hồng đã nói:
    _ Sử lão gia. Bài từ này chưa quá năm người đọc qua, muôn ngàn lần Lê công tử không thể thuộc trước được.       
    Nàng Thanh hỏi:
    _ Cuộc thứ nhất Trần công tử thắng. Cuộc thứ nhì Lê công tử thắng. Vậy Hồng thuộc về ai bây giờ?
    Tự-Mai nói:
    _ Tôi xin nhường cho đại ca.
    Nàng Hồng tươi mặt lên, vén vạt áo quỳ trước nhà vua:
    _ Tiểu tỳ xin tham kiến công tử. Từ nay đến hết đời, tiểu tỳ nguyện theo hầu công tử. Theo hầu một thiếu niên thông minh nhất thiên hạ, thực không uổng tấm hồng nhan.
    Nhà vua tháo sợi dây vàng trên cổ có tượng Tống Thái-Tổ đeo vào cho nàng Hồng:
    _ Gọi là chút qùa diện kiến. Sau này ta sẽ tặng nàng nhiều món khác.
    Nàng Hồng chắp tay đứng hầu sau nhà vua.
    Nàng Tử chỉ lên bức trướng viết bài Tiền xuất sư biểu nói:
    _ Các công tử thử đoán tâm sự người viết. Ai đoán đúng, thân của tiểu nữ thuộc về người đó.
    Nhà vua viết trên đùi Tự-Mai:
    _ Xin được nghiên cứu một khắc.
    Tự-Mai vội đáp:
    _ Đại ca được nàng Hồng. Còn lại hai nàng, tôi xin nhập cuộc. Hãy cho tôi suy nghĩ một khắc, sẽ trả lời cô nương.
    Nó ngồi mở to mắt lên đọc. Trong khi đó nhà vua viết lia lịa trên đùi nó. Chưa hết một khắc, nhà vua viết xong. Tự-Mai làm bộ cau mày, kỳ thực nhắc lại những gì nhà vua viết:
    _ Xưa Vũ-hầu được Tiên-đế Lưu Bị thác con côi là Hậu-Chúa cho. Lúc ông xuất sư đánh giặc, dâng bài biểu này lên Hậu-Chúa. Vậy người viết cũng là đại thần nhận cố mệnh của chúa, cùng một tâm sự với Vũ-hầu.
    Nàng Tử gật đầu khen:
    _ Đúng.
    _ Nét bút người này hoa dạng, mà lại sắc. Hai thứ đó hợp lại, hẳn đã đỗ đại-khoa, rồi lên tới bậc tể thần. Có là tể thần mới được chúa thác con côi cho.      Nàng Tử gật đầu:
    _ Giỏi.
    _ Nết chữ hoa dạng ắt là tay văn chương quán thế. Sắc, hẳn là người  trực tính. Khi một tể thần, lại trực tính muốn thi hành đạo Nho cho chính đạo, bên cạnh ấu quân sao khỏi bị dèm pha, tôi e đường công danh khó toàn vẹn được.
     Cả ba nàng đều gật đầu:
    _ Tuyệt.
    _ Người này chắc cũng được chúa thác cô, phù ấu quân. Nhưng tại sao văn chương ông quán thế, không làm thơ, văn ký thác tâm sự như Khuất Nguyên mà phải chép lại bản văn của người xưa? Có lẽ ông được chúa ủy thác con côi. Một tấc lòng son vì chúa. Nhưng bị vu oan, bị hiểu lầm, nên bị cách chức, phải xa chúa. Đau đớn thay, mình là tể thần, được tiên đế ủy thác đại sự, tài có, chí có, mà không được giúp chúa hành đạo. Hơn nữa bị vu hãm oan khuất, dù chết cũng khó nhắm mắt nên mất bình tĩnh, đâu có thể làm thơ văn ký thác tâm sự? Nên đành chép văn của Vũ-hầu, để lại cho hậu thế, may ra có ai thấu tấm lòng cô trung cho chăng?
    Nàng Tử ôm mặt bật lên tiếng khóc thút thít, rồi tới trước mặt Tự-Mai quỳ gối lạy:
    _ Trần công tử. Kể từ nay, tấm thân bèo bọt này thuộc về công tử. Công tử đã minh oan dùm cho phụ thân tiểu tỳ.
    Tự-Mai phất tay một cái, kình lực đỡ nàng dậy:
    _ Cô nương! Tự-Mai này vốn vô tài, sở dĩ tôi đoán trúng là do...
    Nó định nói thực do nhà vua mách nước. Nhưng nhà vua viết trên đùi nó:
    Cứ nhận nàng làm tỳ nữ đi. Sau này có nhiều điều hay. Tặng nàng vật gì làm lễ diện kiến.
    Tự-Mai tiếp:
    _ ... nhờ ơn trên giúp cho.
    Nó nói câu này, dự trù sau đây sẽ thú thực do nhà vua ám trợ. Rồi nó tháo sợi dây vàng trên cổ có tượng con rồng với con chim âu tượng trưng Quốc-tổ, Quốc-mẫu đeo cho nàng Tử:
    _ Đây là vật bố tôi cho tôi năm mười hai tuổi. Xin tặng cô nương làm lễ diện kiến.
    Nàng Tử tạ ơn, rồi chắp tay đứng sau Tự-Mai.
    Nhà vua hỏi nàng Thanh:
    _ Thế nào, Thanh cô nương có còn muốn đánh cuộc với nhị đệ tôi không?
    Nàng Thanh đáp:
    _ Tiểu nữ vẫn không đổi ý. Trần công tử. Xin công tử tiếp cho.
    Tự-Mai không thấy nhà vua viết trên đùi nữa. Nó biết vị tể thần thân sinh nàng Tử bị Lưu hậu cách chức oan, nên nhà vua không muốn bàn tới lỗi lầm của mẹ. Nó kết hợp những gì Thiệu-Cực nói, những gì Lý thái-phi tiết lộ, và những gì nhà vua viết trên đùi nó, rồi nói:
    _ Xét cho kỹ, tấm lụa còn mới, chắc viết chưa lâu. Vị tể tần này cũng mới viết mấy năm gần đây thôi. Vậy việc ủy thác con côi ứng vào với triều Tống. Con côi không ai khác hơn Thiên-Thánh hoàng-đế.         
Nhà vua bẹo đùi Tự-Mai một cái, mỉm cười. Nó tiếp:
    _ Thiên-Thánh hoàng đế năm nay mới mười tám. Như vậy khi ngài lên ngôi năm mười hai tuổi. Chắc chắc đức  Ứng phù, kê cổ, thần công, tuyên đức, văn minh, võ định, chương thánh nguyên hiếu hoàng đế tức vua Chân-Tông khi băng hà đã thác côi cho người viết bản văn này.
    Nàng Thanh thản nhiên:
    _ Xin công tử tiếp cho.
    Tự-Mai xua tay:
    _ Tôi đã nói hết đâu! Dường như năm Càn-hưng nguyên niên (Nhâm-Tuất, 1022), tháng hai ngày Giáp-Thìn vua Chân-Tông phong cho Đinh Vị tước Tào-quốc công lĩnh Thái-tử thiếu-sư môn hạ thị lang. Phùng Thừa tước Ngụy-quốc công lĩnh Thiếu-phó lại bộ thượng thư, đồng bình chương sự. Tào Lợi-Dụng tước Hàn-quốc công lĩnh Thiếu-bảo đồng bình chương sự. Như vậy ba ông là tể thần bấy giờ. Sau vụ thăng chức tước này mười bốn ngày sau tức ngày Mậu-Ngọ vua băng. Vậy chắc chắn ngài thác cô cho ba ông Đinh, Phùng, Tào chứ không phải ai khác.
    Cả ba cô đồng reo lên:
    _ Tuyệt.
    _ Có ba đại thần được ủy thác con côi. Thế nhưng tháng bẩy năm đó, ngày Tân-Mão, Đinh quốc-công bị cách chức, biếm làm Nhai-châu tư hộ tham quân. Năm sau, Thiên-Thánh nguyên niên ( Quý-Hợi, 1023) tháng chín, ngày Bính-Dần, đến lượt Phùng quốc công bị cách chức, Vương Khâm-Nhược lên thay. Cũng năm, tháng đó ngày Kỷ-Hợi, tức chín ngày sau Phùng quốc công chết. Hiện nay trong ba tể thần được ủy thác con côi chỉ còn có mình ông Tào Lợi-Dụng. Vậy người viết bản văn này là một trong hai ông Đinh, Phùng.
    Nhà vua gật đầu khen:
    _ Giỏi.
    _ Cứ lý mà suy, ông Đinh bị đầy, hy vọng có ngày được phục chức, vì vậy đâu dám chép văn người xưa ký thác tâm sự? Bởi khi chép lời người xưa ủy thác tâm sự, tức cho rằng mình bị hàm oan. Chúa đầy, mà mình cho rằng oan, có nghĩa rằng chúa bất minh, là hôn quân. Còn ông Phùng, bị cách chức oan uổng, tâm tư rối loạn đến nỗi chết, viết văn ký thác tâm sự không nổi, nên đành chép văn người tỏ lỗi lòng mà thôi. Vậy người viết bản văn này là ông Phùng Thừa.
    Nó hỏi nàng Thanh:
    _ Tiểu thư. Thì ra tiểu thư là ái nữ của Ngụy quốc công Phùng Thừa đó ư?
    Đến lượt nàng Thanh quỳ gối hành lễ với Tự-Mai.
    _ Trần công tử đã minh oan cho tiên phụ. Tiểu tỳ nguyện theo hầu cả đời.
    Nhà vua vỗ vai Tự-Mai:
    _ Nhị đệ! Mừng cho nhị đệ. Nhị đệ thấy con gái Hán tộc giữ lời hứa không?
    Lời nói của nhà vua làm hình ảnh Đỗ Lệ-Thanh hiện lên trước mặt Tự-Mai. Nó vội lắc đầu:
    _ Đệ không thể, không dám nhận hai tiểu thư khuê các này làm tỳ nữ đâu. Còn thu nàng làm tỳ thiếp, đệ lại càng không dám. Trong tâm đệ chỉ có Thuận-Tường mà thôi. Đệ nhường cho đại ca đấy.
    Nhà vua nói như ra lệnh:
    _ Nhị đệ là em ta, thì bất cứ cô gái trong thiên hạ này làm tỳ thiếp cho nhị đệ cũng là vinh hạnh. Nhị đệ cứ thu nhận hai nàng, thêm Thuận-Tường là ba, có sao đâu?     
_ Đệ là người Việt, không phải người Hán, cũng chẳng là vua là quan, đệ chỉ muốn một vợ thôi.
    Nó nói với hai nàng:
    _ Tôi thực không xứng đáng làm chồng hai tiểu thư, lại càng không thể làm chủ nhân hai vị. Vả lại việc kiến giải này do người trên dạy dỗ tôi. Tôi... tôi không muốn lừa dối hai nàng. Thôi, hai tiểu thư có thể đi được rồi.
    Nàng Thanh nói:
    _ Công tử ơi, công tử hiểu cho tiểu tỳ. Kinh Thi nói Phiếm bỉ bách chu, nghĩa là thân con gái như chiếc thuyền lênh đênh. Khi gặp được đấng quân tử mình mơ ước, thì dù chết cũng không bỏ. Chị em tiểu tỳ nhất định theo công tử đến cùng.
    Tự-Mai vò đầu:
    _ Trời đất ơi! Tuổi tôi còn nhỏ, trên có cha, anh, chị. Tôi đâu dám quyết định càn. Huống hồ Hán, Việt khác nhau, tôi đâu có thể...
    Đến đây nó chợt nhớ lại: Thuận-Tường cũng là người Hán, chứ đâu phải người Việt. Nó xua tay:
    _ Vạn vạn lần tôi không dám nhận hai vị cô nương làm tỳ thiếp hay nô bộc. Thôi hai cô nương nên rời đây. Xung quanh có hàng vạn vạn đấng quân tử khẩn cầu.
    Hai nàng òa lên khóc:
    _ Nếu công tử không thu dụng, bọn tiểu tỳ đành tự tận thôi.
    Tự-Mai hoảng kinh:
    _ Thôi, đừng! Đừng làm thế. Hai cô mà tự tử, bản sư nghe biết ắt đốt tôi thành than mất.
    Nó thở dài:
    _ Hôm nay tôi đi chơi, không mang theo vật dụng làm lễ diện kiến. Đợi lát nữa trở về, tôi sẽ xin chị tôi mấy món tặng hai nàng. Tôi nói trước: Tính tôi ưa nghịch, ưa phá. Các cô theo tôi e mang khổ vào thân.
    Thiên-Thánh hoàng đế quên mất mình là Lê Luyện. Ông phán như truyền chỉ:
     _ Hai nàng cứ theo hầu nhị đệ. Hễ nhị đệ vui lòng, thì tương lai trẫm... ta tin rằng phụ thân các nàng sẽ được truy hồi chức tước.
    Sử-vạn Na-vượng nói với Khiếu-tam-Bản:
    _ Hiền đệ coi sáu thằng nhãi ranh chưa ráo máu đầu bịp bợm ba cô gái. Nhất là cái tên họ Lê kia làm như Hoàng-đế không bằng.
    Nhà vua quát:
    _ Không được vô phép.
    Sử-vạn Na-vượng cười ha hả:
    _ Ta cứ vô phép, thì mi tính sao?
    Nói rồi y cầm cái chung trà bóp vỡ ra thành bột tung về phía nhà vua. Tự-Mai phất tay một cái, đám bụi bay chéo ra sau lưng nó.
    Tôn Đản là người thâm trầm, nó dùng lăng không truyền ngữ nói với anh em:
    _ Chưa chắc nhà vua đã thực sự ghét hai tên này. Ta phải làm sao cho chúng vô lễ với nhà vua. Trong khi anh em ta càng tỏ ra sức nhũn nhặn, như vậy chúng càng làm tới. Thuận-Tông khéo nói, hãy lên tiếng trước đi.
    Thuận-Tông đứng dậy chắp tay hướng Sử-vạn:
    _ Lão tiên sinh! Hôm nay tam sinh hữu hạnh anh em vãn sinh được ngồi ăn cùng phòng với tiên sinh. Chẳng hay anh em vãn sinh có chỗ nào vô phép, bịp bợm, mong tiên sinh chỉ cho.
    Nói rồi nó xá một xá nữa. Sử-vạn Na-vượng thấy dáng điệu Tôn Đản, Lê Văn rất quen, kể cả giọng nói. Nhưng vì hôm trước hai đứa hóa trang, nên y không nhận được. Thấy Thuận-Tông nói năng lễ độ, Sử-vạn cho rằng đám thiếu niên này sợ y. Y càng lớn lối:
    _ Ba thiếu nữ sắc nước hương trời này là của hiếm có trên thế gian. Hôm nay đại giá ta đến đây, các thị phải hầu hạ chúng ta. Vậy kể từ lúc này, ta cấm bọn mi không được đụng tới ba nàng.
    Nhà vua bực mình hỏi:
    _ Phải chăng mi tên Sử-vạn Na-vượng trước đây thống lĩnh Ngự-lâm quân? Còn lão kia tên Khiếu Tam Bản trước làm tổng lĩnh thị vệ. Các người ỷ làm quan lớn, rồi muốn ăn hiếp thiên hạ ư? Dù các ngươi làm quan tới tể thần, cũng không thể vô lý như vậy.
    Sử-vạn Na-vượng kĩnh hãi hỏi:
    _ Mi, mi là ai?
    Tự-Mai dọa già:
    _ Hai lão tiên sinh ơi, dù hai lão có hóa trang đến đâu cũng không dấu được tông tích. Thế nào, hôm trước đây võ lâm Trung-nguyên đồn rằng hai tiên sinh mới phát tài một món lớn. Người ta nói những gì, tiên sinh nhập phủ Kinh-lược sứ Kinh-châu lấy cống phẩm xứ đoàn Xiêm đến hàng cân ngọc trai, hàng tạ vàng... Hai tiên sinh muốn anh em tại hạ nhường ba nàng này cho ư? Dễ lắm.
    Khiếu Tam Bản kinh hãi hỏi:
    _ Mi... mi là ai?
    Lê Văn cười:
    _ Bọn vãn sinh là ai, hai tiên sinh khỏi cần hỏi. Chỉ cần hai tiên sinh xác nhận xem những lời đồn đó có đúng hay không mà thôi.
    Khiếu Tam Bản quát:
    _ Chúng ta cứ bắt bọn sáu tên về tra xét xem ai xui chúng phao vu chúng ta ăn trộm.
    Nói rồi y vung tay chụp nhà vua. Lê Văn lạng người dùng lưng đỡ cho ông. Nó bị Sử-vạn chụp. Sử-vạn không ngờ chụp Lê Văn dễ dàng quá. Y nhắc bổng nó lên, rồi cười khành khạch:
    _ Ta chỉ định trừng phạt tên họ Lê mà thôi. Không ngờ mi tự hứng lấy đau khổ. Mi đừng trách ta tàn nhẫn.
    Lê Văn cười lớn:
    -- Lão Sử-vạn Na-vượng kia! Vì muốn làm phò mã, ta phải kính trọng Tống thiên-tử nên không thể dùng võ công. Chứ ta dùng võ công, thì e mười mi chúng ta cũng giết chết.
    Khiếu Tam Bản hỏi:
    _ Người nói cái gì phò mã?
    Lê Văn đáp:
    _ Chúng ta là ứng tuyển sinh phò mã. Khi làm phò mã đương nhiên thành cha mẹ dân, có đâu dụng võ với bọn mi?
    _ Mi là ứng sinh phò mã, chứ dù mi có là phò mã, công chúa, ta cũng không cần biết tới. Bây giờ mi phải kêu ta ba tiếng Ông nội ta sẽ tha cho mi.
    Lê Văn cười khành khạch, nó chĩa ngón tay điểm vào huyệt Khúc-trì Sử-vạn. Tay Sử-vạn bị tê liệt liền, Lê Văn cựa mình một cái đứng xuống cạnh nhà vua.
    Khiếu Tam Bản lạng người tới chụp nhà vua. Nhà vua kinh hãi gọi Tự-Mai:
    _ Nhị đệ cứu ta với.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét