Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Thuận Thiên di sử - Hồi 31

HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT.

Trên đỉnh núi Dục-thúy,

Lắng nghe Audio:
Quân sĩ đem đuốc lại gần soi. Đó là một người đàn ông tuổi trung niên. Miệng y ứa máu. Đỗ Lệ-Thanh cầm mạch gật đầu:
— Còn hy vọng.
Mụ lấy một viên thuốc nhét vào miệng người kia. Thiệu-Thái sờ tay lên ngực y. Xương ngực vỡ làm nhiều mảnh vụn. Chàng không ngờ mình chỉ phất tay nhẹ nhàng, mà khiến cho người kia ra nông nỗi ấy.

Một lát người kia tỉnh dậy. Y rên lên một tiếng. Thanh-Mai hỏi:
— Người là ai ? Tại sao lại đột nhập vào đây dò thám ?
Người kia rên rỉ:
— Tôi làm theo lệnh lão gia. Lão gia bắt, tôi phải làm. Bằng không...cả nhà tôi sẽ bị giết chết.

Đỗ Lệ-Thanh nắn bóp cho y mấy cái. Mặt y tươi lên một chút. Thanh-Mai
hỏi tiếp:
— Lão gia là ai ?
— Là trưởng lão Hòng-thiết giá.
Đỗ Lệ-Thanh kinh hoảng la lên:
— Úi chà.
Mụ hỏi:
— Lão ở đâu ?
— Lão gia nay đây, mai đó, rất khó được gặp. Thường tôi chỉ được tiếp xúc với sứ gỉa của lão gia mà thôi.
— Lần này người đến đây làm gì ?
— Tôi đến trao thuốc giải cho một người. Ối...
Y mửa ra một búng máu, rồi ngẹo đầu sang một bên, hết thở.
Mỹ-Linh truyền giao thi thể người đó chu Khu-mật-viện Trường-yên khám xét.
Thanh-Mai hỏi Mỹ-Linh:
— Khi Vương gia vắng mặt tại đây, thì ai là người thay thế ?
— Trước kia do sư huynh Tạ Sơn. Sau này sư huynh về kinh lĩnh chức Điện-tiền chỉ huy sứ thì An-phủ-sứ Trường-yên thay thế.
Lát sau, Tôn Trung-Luận vào cùng với một viên thư lại. Viên thư lại bưng cái khay, trên khay để một số vật dụng. Y trình bày:
— Trên trán của gian nhân có xâm chữ Thiên-tử binh như vậy y ở trong quân ngũ. Thẻ bài trong người y khắc tên Phùng-Hiên, Ngự-long vậy y thuộc đạo Ngự-long. Đạo Ngự-long mới đi Cửu-chân về Thăng-long tháng qua. Trên người y còn một bình hai viên thuốc. Không hiểu thuốc gì ?
Đỗ Lệ-Thanh cầm viên thuốc đưa lên mũi ngửi, rồi nói:
— Đây là thuốc giải Chu-sa độc chưởng. Nhưng thuốc này đã cải đi nhiều, không giống thuốc giải nguyên thủy.
Từ khi nghe nói về Chu-sa độc chưởng, Mỹ-Linh, Thanh-Mai đều cảm thấy đau nhói trong lòng. Hồi đầu Mỹ-Linh nghi Vương mẫu của nàng bị chết về chưởng này của Nguyên-Hạnh. Sau nghe Đỗ Lệ-Thanh biện luận, nàng bỏ ý tưởng ấy ra ngoài.
Trên đường từ Cửu-chân ra Trường-yên, Mỹ-Linh đem truyện Vương mẫu cùng Hồng-sơn phu nhân chết vì cùng nguyên do cho Thanh-Mai nghe. Thanh-Mai lại choáng váng mặt mày. Vì chính mẫu thân của nàng cũng chết trong cùng một chứng bệnh. Có điều võ công bà cao. Hôm ác nhân đánh bà là lúc chồng bà vắng nhà cùng với các đại cao thủ trong phái. Bà với ác nhân đấu trên trăm chiêu. Cuối cùng ác nhân bị trúng chưởng của bà phun máu miệng. Trong khi bà cũng bị trúng một chưởng vào lưng. Ác nhân chờ cho hôm sau bà lên cơn đau. Y mới xuất hiện, nói cho biết bà bị trúng độc chưởng, nếu không có thuốc giải, sẽ đau đớn trong bốn mươi chín ngày rồi chết.
Ác nhân bắt bà tuân theo ba điều kiện. Một phải tuyên thệ nhập bang Nhật-hồ Đại-Việt. Hai phải cung cấp mọi tin tức trong phái Đông-a cho y. Ba phải phải tuyệt đối tuân lệnh bang Nhật-hồ Đại-Việt.
Bà từ chối, vì không thể phản chồng. Khi đại hiệp Trần Tự-An trở về, thì bà sắp chết. Bà thuật mọi chi tiết cho ông nghe. Ông như điên như khùng, tung đệ tử đi khắp nơi tìm tung tích bọn Nhật-hồ, mà không thấy. Câu truyện tưởng như trôi qua. Bây giờ nghe gian nhân khai, Thanh-Mai lại thấy ánh sáng ló dạng. Có thể tìm ra Nhật-hồ tung tích thủ phạm.
Nàng hỏi Đỗ Lệ-Thanh:
— Chu-sa chưởng của bang Nhật-hồ Trung-quốc gồm có Chu-sa chưởng và Ngũ-độc chưởng. Vậy có thể nào khi sau khi luyện Chu-sa chưởng. Người ta phát chiêu Chu-sa riêng, Ngũ-độc riêng hay phải phát Chu-sa Ngu-độc một lúc không?
Đỗ Lệ-Thanh nhảy phắt lên:
__ Cô nương thực thông minh. Có thể như thế. Ác nhân tấn công Vương-phi, Hồng-Sơn phu nhân cũng như Tự-An phu nhân bằng Ngũ-độc chưởng mà thôi. Tôi chưa thử phát chiêu Ngũ-độc đánh người, nên không biết họ có đau đớn như các nạn nhân đã bị hay không ?
.....
An-phủ sứ Tôn Trung-Luận chỉ lên tấm bản đồ vẽ trên lụa:
— Bọn Hồng-hương giải ba người họ Chu vượt sông, hiện đang ở trên núi Dục-thúy. Hôm qua bọn thiếu niên Hồng-hương do Phan Thi chỉ huy bị đám Chu An-Bình đánh bị thương đã cùng Nguyên-Hạnh đến Dục-thúy. Bọn này tạm dùng thuốc giải độc của họ Chu. Nên bớt đau nhức .
Thanh-Mai hỏi Đỗ Lệ-Thanh:
— Đỗ phu nhân, thuốc giải của họ Chu có hiệu lực trong bao lâu ?
— Chỉ được một ngày. Thuốc này trấn thống, nhưng sau bốn mươi chín ngày bệnh nhân cũng chết. Chứ không giống thuốc giải của tiểu tỳ, có hiệu lực một năm, và không bị chết.
Thanh-Mai quyết định:
— Bây giờ thế này. Chúng ta âm thầm cứu bọn thiếu niên Hồng-hương, bắt chúng tuyên thệ trung thành với ta. Sau đó cho chúng thuốc giải. Khi bọn họ Chu thấy đám đệ tử Hồng-hương có thuốc giải. Tất y tưởng Nguyên-Hạnh biết chế thuốc. Chúng sẽ theo quấy rối y hòai.
Mỹ-Linh cười:
— Như vậy ta kiếm cho Nguyên-Hạnh những kẻ thù ghê gớm của bang Nhật-hồ Trung-nguyên. Y sẽ ăn không ngon, ngủ không yên với người của bang này.
Thanh-Mai gật đầu:
— Trong khi đó ta cứu bọn họ Chu ra, để chúng báo về Trung-quốc rằng đã tìm ra tông tích Dương-Bá. Nào bây giờ An phủ sứ cho chúng tôi biết tình hình, địa thế núi Dục-thúy.
Tôn Trung-Luận chỉ một viên Đô-thống:
— Xin Đô-thống trình bày:
Viên đô-thống lấy ra một cái trục lụa. Trên trục vẽ bản đồ thành phố Trường-yên (nay là thị xã Ninh-bình). Y chỉ vào bản đồ:
— Núi Dục-thúy còn có tên là núi Non-nước, gồm ba ngọn dính liền nhau. Ba quả núi dựng đứng bên sông cái. Mặt nhìn ra sông thẳng đứng, chơi vơi. Mặt trong thoai thỏai hướng vào thị trấn. Trên đỉnh núi có khu bằng phẳng rộng ước hơn hai mẫu. Thời vua An-dương, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ dựng một tháp đá rất to, dùng làm cột cờ. Nay trên đó vẫn kéo cờ.
Y lấy trục lụa khác mở ra:
— Trước kia trên núi có quân đóng. Từ bốn năm nay, giao cho thiếu niên Hồng-hương trông coi. Từ trấn muốn lên, có một con đường chính và một con đường mật. Con đường này từ sông lên thẳng đỉnh núi.
Thanh-Mai hỏi Đỗ Lệ-Thanh:
— Đỗ phu nhân. Nếu Nhật-hồ lão nhân còn sống, năm nay ông bao nhiêu tuổi ? Hình dạnh ông như thế nào ?
Đỗ Lệ-Thanh đáp:
— Không ai nhớ hình dạng lão ra sao. Chỉ biết lão có mười đệ tử, đều là người Việt. Còn về tuổi tác, nếu lão còn sống năm nay ít ra cũng hơn trăm tuổi. Tiểu tỳ nghĩ lão đã chết rồi. Tên gian nhân hôm qua nói rằng tuân lệnh lão...tiểu tỳ chắc chữ lão để chỉ đệ tử Nhật-Hồ. Khu-mật viện ắt biết rõ tung tích lão.
Thanh-Mai đưa mắt nhìn viên đô thống.
Viên Đô-thống kính cẩn:
— Thưa Vương-phi, Nhật-Hồ lão nhân nguyên gốc người vùng Cửu-chân, xuất thân trong gia đình văn học. Thân phụ làm quan thời vua Ngô. Lớn lên lão ngao du sang Trung-nguyên, vô sở bất chí. Sau lưu lạc sang vùng Tây-vực, được giáo chủ Hồng-thiết giáo Tây-dương đời thứ nhì tên Xích Trà-Luyện thu làm đệ tử. Nhờ vậy lão học được trọn bộ Hồng-thiết kinh. Võ công lão rất cao cường. Độc công càng thâm hậu. Lão về Trung-quốc lập bang Nhật-Hồ. Người thừa kế lão tên Lưu Trí-Viễn lập ra nhà Hán. Nhật-Hồ lão nhân về Đại-Việt thu mười đệ tử, rồi lập Hồng-thiết giáo. Thời kỳ Thập-nhị sứ quân có bốn sứ quân theo giáo phái này. Sau khi vua Đinh dẹp sứ quân, đệ tử Hồng-thiết bị truy lùng rất gắt. Mãi tới khi đức Hoàng-đế bản triều lên ngôi ban chiếu chỉ ân xá, giáo chúng mới tụ lại dần dần.
Mỹ-Linh rất chú tâm đến vụ này, nàng hỏi thêm:
— Hồi ở Thăng-long, tôi nghe chú hai nói lão chết gần hai mươi năm rồi. Đệ tử thứ ba của lão têmn Lê Ba xây lăng cho lão rất lớn. Lão linh thiêng, nên dân chúng cúng quải ngày sóc, ngày vọng tấp nập. Còn mười đệ tử của lão hiện nay ra sao?
— Không ai biết rõ mặt mũi họ, nhưng việc làm của họ thì ai cũng biết. Họ được phong trưởng lão trong hội đồng giáo vụ trung ương. Đại đệ tử tên Vũ Nhất-Trụ, võ công cùng binh pháp vô địch. Nhị đệ tử tên Đặng Trường ẩn hiện không chừng. Tên này giết người không gớm tay. Tam đệ tử tên Lê Ba, hành tung cực kỳ bí mật. Kế tiếp Nguyễn Chí, Phạm Trạch, Phạm Hổ, Đỗ Xích-Thập, Lê Đức, Hoàng Liên, Hoàng Văn. Tất cả hiện ẩn danh. Có tin nói rằng đám trưởng lão Hồng-thiết giáo không phải ai đâu xa lạ, mà chính là những đại tôn sư võ học.
Thanh-Mai thấy viên Đô-thống không biết gì thêm, nàng xua tay:
— Bây giờ chúng ta trở lại vụ núi Dục-thúy.
Bảo-Hòa chỉ vào con đường mật trên bản đồ:
— Bây giờ chúng ta lên đỉnh núi Dục-thúy cứu bọn họ Chu và cấp thuốc cho bọn Hồng-hương. Không biết ai nên đi ?
Thanh-Mai đưa mắt nhìn Bảo-Hòa:
— Ở đây chưởng lực của Thiệu-Thái dư sức thắng Nguyên-Hạnh. Tuy nhiên đối với Nguyên-Hạnh thì Mỹ-Linh, Thiệu-Thái chết rồi. Hai người không đi được. Chỉ còn tôi với Bảo-Hòa mà thôi. Ngặt vì chúng tôi khó thắng được độc chưởng của Nguyên-Hạnh. Làm thế nào bây giờ ?
Mỹ-Linh mỉm cười:
— Thế thì ta đem Nguyên-Hạnh đi chỗ khác. Bây giờ An-phủ sứ cho người lên núi Dục-thúy thỉnh Nguyên-Hạnh tới đây thuyết pháp, rồi dâng cơm chay. Trong khi đó Bảo-Hòa với Thanh-Mai ra tay.
Tôn Trung-Luận gật đầu:
— Nguyên-Hạnh là tên thầy chùa ăn thịt chó, nhưng mặt nạ còn nguyên. Chúng ta cứ để cho y đội lốt tăng sĩ, rồi tính sau. Ty chức xin thảo thư mời y.
Đỗ Lệ-Thanh trao cho Bảo-Hòa một bình thuốc, dặn dò cách xử dụng. Thanh-Mai với Bảo-Hòa chờ trời tối lên đường. Hai người hướng bờ sông mà đi.
Tới bờ sông, đã thấy con đò chờ sẵn. Thanh-Mai mừng thầm, vì Khu-mật-viện Trường-yên bố trí phương tiện cho mình. Trên con đò nhỏ, mui cong, một cô gái xinh xinh đang ngồi bên tay lái. Cô thấy hai người, đon đả chào:
— Xin mời hai cô nương xuống đò dọc sông ngắm cảnh ?
Muốn ăn chắc. Bảo-Hòa hỏi lại mật khẩu Khu-mật-viện Trường-yên đã dặn nàng:
— Giá bao nhiêu một buổi ?
— Mười đồng hai người. Một người hai mươi đồng.
— Tại sao hai người thì rẻ mà một người lại đắt ?
— Tại vì tôi là người Việt.
Thấy đúng như mật hiệu, hai người bước xuống đò. Cô gái nhoẻn miệng cười rất tươi. Cô cất tiếng hát. Giọng của cô trong, dài vang vang hắt vào vách núi rồi đội lại như nhiều giọng cùng hát. Sóng sông li ti vỗ bào mạn thuyền thành những tiếng rì rào nho nhỏ.
Thuyền ra khỏi bờ một quãng, cô lái kéo lên mảnh buồm, rồi gác mái chèo. Cô đưa mắt nhìn trời, dùng chân điều khiển bánh lái.
Bảo-Hòa phóng mắt nhìn sang bên kia sông, vách núi Dục-thúy thẳng như bức tường. Ánh trăng chiếu vào núi đá, có nhiều chỗ óng ánh coi như bạc. Trời xanh, không gợn chút mây tơ. Cô lái đò hỏi:
— Hai chị có muốn nghe thổi sáo không ? Em thổi cho hai chị nghe một bài, nhất định hai chị sẽ thích thú lắm.
Không đợi trả lời, cô lái đò rút ống tiêu bên mình ra để lên miệng thổi. Trái với tính tình nhanh nhẹn, vui vẻ. Bản nhạc của cô trầm buồn, thê lương vô cùng. Bảo-Hòa nghe mà não cả lòng. Nàng hỏi:
— Cô lái ơi!Bản nhạc đó tên gì mà buồn vậy ?
Cô gái đưa mắt liếc Thanh-Mai:
— Bản nhạc này không có tên, vì tôi theo hoàn cảnh mà điều khiển âm thanh. Hôm qua tôi nằm mơ thấy tình quân đến, mờ mờ, ảo ảo. Chàng yêu tôi sâu hơn biển, cao hơn núi, dào dạt như sóng sông này. Có điều tôi chỉ thấy chàng trong mơ mà thôi. Buồn thực là buồn, một ngày không gặp nhau, đài bằng ba thu.
Thanh-Mai có cảm tưởng như cô gái biết tâm sự mình, nên cô nói mấy câu trêu chọc. Nàng nhìn cô mỉm cười tỏ vẻ khoan thứ. Cô cất tiếng ngâm thơ:

Phương thảo như bích ty,
Tần tang đê lục chi.
Đương quân hoài qui nhật,
Thị thiếp đọan trường thì.
Xuân phong bất tương thức,
Hà sự nhập la vi?
Bảo-Hòa không giỏi về thơ văn, nàng hỏi cô lái:
— Chị ơi ! Thơ gì mà buồn vậy ?
Cô lái đò nhìn Thanh-Mai:
— Bài thơ trên vốn của Lý Bạch đời Đường. Lý Bạch diễn tả tâm sự một thiếu phụ trẻ nhìn cỏ xuân xanh mượt như tơ, nhìn cồn dâu xanh ngắt. Nàng nghĩ rằng đang lúc này, tình quân nhớ mong, muốn về gặp nàng, thì đúng lúc nàng nhớ chàng muốn đứt ruột ra được. Gío xuân kia, vốn không quen biết. Tại sao lại nhập vào phòng, lay động cả màn cửa lên.
Bảo-Hòa hỏi cô lái:
— Thơ Hán hay thì hay thực. Bộ người Việt mình không có những câu hát tình tứ đó sao ?
Cô gái cười:
— Có chứ. Để em hát hai chị nghe cho vơi tâm sự.
Cô cất tiếng ngâm sa mạc:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai.
Nhớ ai giọng những bồi hồi.
Như đứng đống lửa như ngồi đống rơm.
Thuyền đã đến gần vách đá. Cô gái chỉ vào cái hang nhỏ, ẩn sau lùm cây:
— Hai chị lên đó, lần vết chân người, sẽ tới đỉnh.
Hai người vọt khỏi con đò, tà tà đáp vào vách núi. Qủa đúng như cô gái nói, sau lùm cây có một hang đá. Bảo-Hòa leo núi đã quen, nàng tung mình theo vết chân đường mòn trên núi mà đi. Vách núi tuy cheo leo, nhưng hai người khinh công đều vào hàng thượng thừa, nên thóang một cái đã tới đỉnh.
Trên đỉnh, tháp thờ vua An-dương đứng sừng sững, trên nóc tháp ngọn cờ Đại-Việt bay phất phới. Một khu đất bằng phẳng. Trên có dãy nhà, tường bằng đá, ước khoảng mười gian. Trước dãy nhà có hàng chữ:
Hồng-hương thiếu niên, thiền đường Trường-yên
Trong sân có mấy thiếu niên Hồng-hương đang luyện võ. Xung quanh sân, trồng tòan một thứ cúc vàng, hương thơm ngát. Thanh-Mai đưa mắt cho Bảo-Hòa. Hai người nhún chân vọt lên mái nhà phía sau, ghé tai xuống nghe ngóng. Có nhiều tiếng rên rỉ vọng lên, cùng tiếng quát tháo. Có tiếng Trí-Nhật:
— Bần tăng không muốn làm ác với cô nương. Nhưng cô nương ơi. Cô nương mau khai rõ phương thuốc trị Chu-sa độc chưởng ra, để bần tăng cứu mấy chục người bị chú cháu cô nương đánh trọng thương. Nếu cô nương không khai, bần tăng đễ mặc các thiếu niên này họ hành tội cô nương.
Tiếng An-Việt khóc:
— Tôi không biết phương thuốc đó. Chú tôi cũng chẳng hơn biết. Tôi nói cho đại sư hay. Đại sư mà hành tội tôi, khi chúng tôi chết đi, sẽ không có người chế thuốc trấn thống cho các vị nữa. Các vị sẽ cùng chết với chúng tôi.
Có tiếng Trí-Nguyệt hỏi:
— Sư phụ đi xuống trấn, bao giờ trở về ?
— Không biết nữa, An-phủ sứ vốn người vùng mình. Ông ta viết thư thỉnh sư phụ xuống thuyết pháp, cùng dùng cơm chay. Chắc tối người mới về.
Thanh-Mai biết Nguyên-Hạnh đi vắng. Nàng không còn úy kị gì nữa. Hai chị em truyền trên mái nhà sang phòng bên cạnh ghé mắt nhìn xuống. Trong nhà gần ba chục thiếu niên Hồng-hương đang đau đớn rên siết. Có người nói:
— Như vậy không hy vọng gì chúng mình sống được. Hôm nay đã là ngày thứ tư. Chỉ còn bốn mươi lăm ngày nữa ắt phải chết. Thôi đằng nào cũng chết. Chi bằng tự tử quách đi cho rồi.
— Đám anh em bị đốt cháy hôm trước, lại hóa ra may mắn. Họ được chết sớm đỡ khổ sở.
Một thiếu niên khác nói:
— Hay chúng mình bỏ trốn xuống Vạn-thảo sơn trang tìm Hồng-Sơn đại phu cứu, biết đâu chẳng thoát nạn.
Một thiếu niên khác nói:
— Tôi vốn người xã Vạn-thảo đây chứ ai. Bốn năm trước phu nhân của Hồng-Sơn đại phu cũng chết về chưởng độc này. Ông có chữa được đâu ?
Một thiều nữ lên tiếng:
— Hôm rồi, người ta nói có tiên nữ giáng trần ở Vạn-thảo. Không biết bây giờ tiên nữ đó đâu. Chúng ta tìm được người, ắt người cứu được chúng ta.
Có tiếng chuông ngân vang. Một thiếu niên nói:
— Chúng ta mau sang thiền-đường. Tới giờ thiền rồi.
Có nhiều tiếng chân người đi. Thanh-Mai núp trên mái nhà nhìn đám thiếu niên đang lũ lượt đến phòng thiền.
Bảo-Hòa bàn:
— Em xuống cứu chú cháu Chu An-Bình. Chị ở trên này canh chừng.
Bảo-Hòa đáp xuống sân nhẹ như chiếc lá. Nàng đẩy cửa phòng giam chú cháu họ Chu bước vào. Ba người bị trói ngồi dưới đất. Họ thấy Bảo-Hòa, thì đưa mắt lãnh đạm nhìn. Bảo-Hòa lên tiếng:
— Chu tiền bối. Tôi cứu người đây.
Nàng rút kiếm đưa một nhát, dây đứt hết. Nàng đưa hai nhát nữa, dây trói An-Khôi, An-Việt cũng đứ hết. Chu An-Bình kinh ngạc hỏi:
— Cô nương là ai? Tại sao lại cứu bọn tại hạ ?
Bảo-Hòa xua tay:
— Khoan hỏi tôi là ai. Các vị mau trốn đi. Bằng không họ trở lại bây giờ e không chạy kịp đâu.
Miệng nói, tay nàng chỉ vào khu rừng:
— Xuống khỏi khu rừng này có ngọn suối. Đi theo ngọn suối mà xuống đưới trấn. Mau lên.
Chu An-Bình đưa mắt cho hai cháu. Ba người quỳ mọp xiống đất lạy Bảo-Hòa ba lạy. Y nói:
— Nguyên sẽ có ngày báo đáp tiên cô.
Ba người biến vào rừng mất dạng. Bảo-Hòa thung dung sang các phòng bên cạnh. Thanh-Mai đã đáp xuống cạnh nàng. Hai người tới gian nhà cô lập, đóng kín cửa. Nàng đẩy cửa bước vào. Trong phòng có mùi hôi nồng nặc xông ra, với nhiều tiếng gầm gừ. Bảo-Hòa bật cười với Thanh-Mai:
— Thì ra họ giam bốn ông kễnh ở đây.
Nàng cũng gầm gừ, dùng tiếng của loài cọp nói truyện với chúng. Bốn con cọp nghe tiếng nàng, chúng vẫy đuôi mừng như chó. Bảo-Hòa sống với cọp từ nhỏ, coi chúng như chó thành quen. Vì vậy mỗi khi thấy ai giam giữ cọp, nàng nổi giận liền.
Bảo-Hòa vận âm kình vao tay phát ra một chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Mấy thanh gỗ chuồng cọp bị tiện gãy như nhát búa chặt ngọt. Bốn con cọp mừng rỡ, chạy đến liếm tay nàng. Nàng dẫn bốn con cọp ra ngòai, chỉ mấy bụi cây, bảo chúng ẩn thân vào đấy.
Thanh-Mai dặn Bảo-Hòa:
— Em hãy dùng mấy con cọp này, để thu phục nhân tâm như hồi trước đã làm ại xã Vạn-thảo. Bảo-Hòa cười:
— Đúng thế. Chị đọc được suy nghĩ của em chắc !
Hai chị em tiếp tục dò thám. Thấy một căn phòng có tiếng rên rỉ. Nàng đẩy cửa bước vào. Trong phòng có một thiếu niên Hồng-hương bị trói vào cột. Mặt, tay y đỏ tươi như máu. Bảo-Hòa nhận ra y là một hoàng nam của xã Vạn-thảo nàng đã gặp trước đây. Nàng hỏi:
—Thiếu niên này. Người vốn ở xã Vạn-thảo, tại sao người bị trói ở đây?
Thiếu niên trông thấy Bảo-Hòa, mặt y biến đỗi thực đột ngột. Y run run nói:
— Tấu lạy tiên cô. Tiên cô lại giáng trần. Xin tiên cô cứu đệ tử với.
Bảo-Hòa búng ngón tay một cái, dây trói đứt hết. Thiếu niên qùi xuống đất lạy liền bốn lạy:
— Đệ tử bị trúng Chu-sa chưởng đau đớn tưởng chết được. Vì đệ tử muốn tự tử, nên anh em trói lại.
Bảo-Hòa móc trong bọc ra viên thuốc:
— Người mau xưng tên đi.
— Lạy tiên cô. Đệ tử họ Trần tên Minh.
Bảo-Hòa nói:
— Cô cho thuốc cứu người. Thuốc của cô chỉ có thể giúp người một năm không bệnh. Hằng năm đến ngày Đông-chí, người phải tìm cô mà xin thuốc. Nếu không bệnh sẽ tái phát. Người mau qùi xuống thề như thế này: Đệ tử Trần-Minh xin thề ba điều trước cô. Một là trọn đời đệ tử nguyện trung thành với Đại-Việt. Hai là đệ tử dùng hết tâm trí, tài năng phục vụ cho Đại-Việt. Ba là thấy kẻ gian mưu hại dân, hại nước, đệ tử phải cáo giác với quan quân.
Trần Minh thề theo. Bảo-Hòa vận kình lực vào tay búng mạnh. Viên thuốc quay tròn kêu lên những tiếng vo vo. Khi sắp tới người Trần Minh thì vỡ tan thành bụi, chụp xuống người y.
Trần Minh thấy Bảo-Hòa bắn thuốc. Y nhắm mắt lại. Khi thuốc chụp vào người, y rùng mình một cái. Người y như bị nhảy vào hồ nước lạnh. Y mở mắt ra, bàn tay y trở lại bình thường. Y cử động mấy cái, không thấy đau nhức nữa. Mừng quá, y lại cúi xuống lạy Bảo-Hòa bốn lạy nữa. Bảo-Hòa dặn y:
—Trong anh em Hồng-hương, còn nhiều người bị trúng Chu-sa chưởng. Cô sẽ lần lượt chữa cho. Song phải kín đáo, bằng không Nguyên-Hạnh nó biết e nó giết chết đấy.
Trần Minh kinh ngạc:
— Tấu lạy tiên cô. Con tưởng đại-sư Nguyên-Hạnh thành Thông-huyền Bố-tát, đời nào người hại con.
Thanh-Mai biết thiếu niên này còn u mê. Nàng phải dùng cái u mê mới chữa được. Nàng chỉ vào Bảo-Hòa:
— Tiên cô đây vốn người nhà trời. Tiên cô biết hết. Nguyên-Hạnh không phải Bồ-tát, cũng chẳng phải hòa thượng. Y là tên giặc Tống sang ẩn ở đất Việt. Ta cho ngươi biết mà đề phòng. Bằng không y giết chết lúc nào không hay.
Thanh-Mai nháy Bảo-Hòa. Hai người dùng khinh công thượng thừa, thoáng một cái, biến vào trong rừng. Đến bên bờ suối, Bảo-Hòa hỏi Thanh-Mai:
— Bây giờ chúng ta phải làm gì để cứu hết đám thiếu niên vô tội này?
— Chúng ta hãy đợi sau khi hết giờ thiền, bọn chúng thấy Trần Minh khỏi bệnh, phản ứng ra sao, rồi hãy tiếp tục.
Hai người lại lên mái nhà ẩn thân. Trăng thượng tuần chiếu ánh sáng mờ ảo xuống rừng núi cô quạnh.
Sau giờ thiền, bọn thiếu niên Hồng-hương từ thiền-đường đi ra. Một thiếu niên từ căn phòng giam bọn Chu An-Bình chạy tới hớt hải nói với nhà sư Trí-Nhật:
— Sư phụ. Bọn họ Chu trốn hết rồi.
Nhà sư Trí-Nguyệt cùng các thiếu niên chạy vào xem. Một thiếu niên cầm dây trói dơ lên:
— Có người cứu chúng ra rồi. Đây, dây trói chúng do dao cắt ra.
Trí-Nguyệt hỏi Trí-Nhật:
— Sư huynh, như vậy trong chúng ta có gian tế.
Một thiếu niên khác chạy lại báo:
— Chuồng cọp bị phá vỡ. Cọp đi đâu mất rồi, không còn con nào trong chuồng.
Các thiếu niên Hồng-hương bị trúng độc kinh hoàng la lên:
— Bọn Tống thoát ra được, làm sao có thuốc giải. Thôi, chúng ta đành chịu chết rồi.
Vừa lúc đó Cao Thạch-Phụng từ dưới chân núi cùng bẩy trung niên nam tử đi lên. Thị hỏi han tình hình một lúc, rồi cười nhạt:
— Không sao cả. Sư phụ có thuốc giải cho các người đây rồi. Các người hãy vào trong thiền-đường ngồi kiết gìa. Ta đi pha thuốc cho các người uống.
Thị bảo Trí-Nguyệt:
— Người không bị bệnh, hãy dẫn các thiếu niên không bệnh xuống núi, trở về Sơn-tĩnh ngay. Ta sẽ về sau cùng với những người bị bệnh này.
Trí-Nguyệt vâng dạ lên đường ngay. Bẩy người đi cùng Thạch-Phụng xuống nhà bếp, lấy thùng nấu nước. Nước sôi rồi, Thạch-Phụng mở bọc đem ra bốn gói thuốc. Thị bỏ vào thùng. Hơi thuốc bốc lên thơm ngát. Bẩy người đi theo bưng những bát thuốc đến để trước mặt mười chín thiếu niên. Cao Thạch-Phụng nói:
— Các thiếu niên nghe đây. Sư phụ ban thuốc trị bệnh cho các người. Uống thuốc này xong, thân thể trở thành cường tráng. Không bao giờ cần đến thuốc nữa. Các người hãy quỳ xuống đọc kinh đi.
Các thiếu niên cùng quỳ gối đọc bài kinh. Bài kinh nội dung ca tụng công đức Thông-huyền Bồ-tát cùng Túc-không Quan-âm, cầu hai Bồ-tát ban phúc, che chở cho bản thân và gia đình.
Sau khi các thiếu niên đọc xong bài kinh. Cao Thạch-Phụng hô:
— Tất cả cùng bưng thuốc uống.
Đám thiếu niên bưng thuốc uống cùng một lúc. Thuốc vào, chúng cùng từ từ nằm xuống tại chỗ, chân tay bất động. Cao Thạch-Phụng mỉm cười:
— Các người nghe đây. Vì nghiệp chướng muôn vàn kiếp trước đến đòi nghiệp. Cho nên các người trúng độc Chu-sa chưởng. Sư phụ ban thuốc cho các người uống vào, chân tay tê dại. Sau đó ta sẽ châm lửa thiêu nhục thể các người. Các người sẽ được về Tây-phương cực lạc.
Các thiếu niên tuy chân tay tê liệt, nhưng tai còn nghe được. Họ biết bị đánh lừa nhưng đã trễ. Bẩy người theo Thạch-Phụng khuân củi, rơm chất đầy vào phòng thiền.
Thạch-Phụng cười nói với bẩy người đi theo:
— Chúng ta châm một mồi lửa rồi phải chạy cho mau. Bằng chậm trễ quân dưới trấn lên đây e mưu cơ bại lộ. Sau khi căn nhà này cháy. Chúng ta cứ đổ diệt cho bọn Tống là xong hết.
Thị đánh lửa châm vào đống rơm trong phòng thiền. Ngọn lửa bùng lên tức thời. Thị cười khanh khách, rồi cùng bẩy người lên ngựa phi xuống núi.
Bảo-Hòa, Thanh-Mai theo dõi từ đầu đến cuối. Đợi cho ngọn lửa bốc cao Thanh-Mai nhảy vào phòng thiền. Nàng xuất cầm nã thủ chụp từng người một liệng ra sân. Bảo-Hòa đứng ngoài, mỗi người bay ra, nàng phẩy nhẹ tay một cái, người đó rơi nhẹ nhàng xuống sân.
Sau khi cứu đến người cuối cùng, ngọn lửa bốc lên mịt mờ, tỏa khói lên trên trời. Bảo-Hòa hú một tiếng, Trần Minh từ trong rừng cùng bốn con cọp chạy ra. Bốn con cọp đứng xung quanh nàng vẫy đuôi như...chó. Nàng chỉ đám thiếu niên Hồng-hương nói:
— Con mau lấy nước lạnh dội vào mặt các bạn, cứu họ.
Trần Minh vội vàng làm theo. Các thiếu niên uống phải ma dược, chân tay tê liệt, chứ đầu óc vẫn tỉnh. Tai vẫn nghe rõ, mắt vẫn nhìn tận tường. Sau khi chân tay cử động được, họ nghiến răng, cắn môi nguyền rủa Nguyên-Hạnh, Thạch-Phụng. Trong đám thiếu niên bị nạn, có đến bốn người quê ở xã Vạn-thảo. Họ đã từng nghe, từng thấy Bảo-Hòa sai bảo thú rừng, trăn bắt giặc. Dân trong xã coi Bảo-Hòa như một tiên cô giáng trần cứu khốn phò nguy. Từ ngày Bảo-Hòa rời Vạn-thảo, họ truyền tụng nhau ngày càng nhiều. Trong khi truyện trò với bạn đồng đội, các thiếu niên Hồng-hương gốc Vạn-thảo không tiếc lời xưng tụng Bảo-Hòa.
Hôm nay họ sắp tới cửa quỷ môn quan, lại được Bảo-Hòa cứu viện. Bọn cùng nhau đến trước Bảo-Hòa lậy thụp xuống đất:
— Tấu lạy tiên cô. Cô là người nhà trời. Cô lại đến cứu bọn đệ tử.
Trần Minh nói lớn:
— Anh em nghe đây. Chúng tôi vẫn thường đem công đức của tiên cô Bảo-Hòa hiện xuống xã Vạn-thảo nói cho các bạn nghe. Các bạn ao ước được gặp tiên cô, thì hôm nay tiên cô hiện đến cứu các bạn giữa lúc các bạn sắp chết cháy.
Đám thiếu niên Hồng-hương thấy Thanh-Mai túm họ liệng ra sân, Bảo-Hòa chỉ phẩy tay một cái, họ rơi xuống êm đềm. Trong lòng họ đã kính phục. Bảo-Hòa mặc quần áo miền thượng, khác với quần áo miền xuôi, càng làm cho họ thấy vẻ huyền bí. Bây giờ nghe Trần Minh nói, họ tin ngay. Họ đưa mắt nhìn nhau ra hiệu rồi lạy thụp dưới đất tạ ơn Bảo-Hòa cứu mạng.
Trần Minh đưa tay lên cho các bạn nhìn:
— Tôi may mắn được tiên cô chữa độc chưởng Chu-sa cho. Hiện nay hòan toàn không còn đau nhức nữa.
Đám thiếu niên Hồng-hương tuy được Bảo-Hòa, Thanh-Mai cứu cho thóat nạn chết cháy. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bị ám ảnh bởi cái chết gần kề do nọc độc Chu-sa chưởng trong người. Bây giờ nghe Trần Minh nói, họ lại qùi gối xuống lạy:
— Tấu lạy tiên cô. Xin tiên cô tế độ ra tay cứu cho đệ tử.
Bảo-Hòa phất tay cho họ ngừng lạy. Nàng cầm bình thuốc đưa ra trước mặt mọi người:
— Thuốc của cô chỉ có thể hiệu nghiệm trong vòng một năm. Vì vậy, mỗi năm cứ đến ngày Đông-chí, cô sẽ gửi thuốc đến cho các người. Nếu cô quên, các người phải tìm đến cô mà xin thuốc.
Ngừng lại cho mọi người đủ thời giờ thu nhận, nàng tiếp:
— Vậy các người phải qùi gối xuống thề. Nếu trong năm, các người trái lời thề, cô sẽ không cho thuốc nữa. Bấy giờ các người chỉ có...chết.
Trần Minh hô mọi người qùi xuống thề như chàng đã thề.
Bảo-Hòa cùng Thanh-Mai dùng ngón tay búng thuốc vào các thiếu niên Hồng-hương. Sau khi thuốc chụp vào người. Họ cảm thấy trong cư thể khoan khoái dị thường.
Thanh-Mai nói:
— Việc tiên cô cứu các người. Các người không được tiết lộ ra. Bây giờ các người phải tuân lệnh tiên cô đây.
Các thiếu niên Hồng-hương im lặng chờ đợi. Bảo-Hòa nói:
— Cô muốn các người trở về xã Sơn-tĩnh.
Mọi người kinh hoàng hỏi:
— Thưa cô, bọn đệ tử chúng con phải về Sơn-tĩnh ư ?
— Đúng. Nhưng các người phải chúng khẩu đồng từ khai với Nguyên-Hạnh, Thạch-Phụng rằng, sau khi Thạch-Phụng rời núi Dục-thúy, chân tay các người không cử động được. Các người tụng kinh Thông-huyền Bồ-tát và Túc-không Quan-âm tự nhiên chân tay cử động được, rồi vượt ngọn lửa ra ngòai.
Đến đó có nhiều tiếng người ồn ào. Thanh-Mai quay lại, một toán Thiên-tử-binh dưới trấn đã tới. Người dẫn đầu là Sùng-ban lang tướng Ngô An-Ngữ. Thanh-Mai mừng qúa hỏi:
— Sư huynh. Sư huynh về đây từ bao giờ ?
An-Ngữ đáp:
— Khai-quốc vương mới truyền lệnh cho sư huynh đem đạo quân Quảng-khánh về đây gấp. Người thăng sư huynh lên làm Chiêu-thảo-sứ coi Khu-mật-viện Trường-yên. Sư huynh mới tới đây, đã được Tôn Trung-Luận trình bầy tất cả mọi việc. Thấy trên này có lửa bốc cháy. Sư huynh vội đem quân lên, phòng sư muội có gì sơ xẩy chăng ?
Muốn bảo tòan bí mật, Thanh-Mai chỉ đống than bốc khói nghi ngút:
— Vì bất cẩn, có người hút thuốc, ném đóm ra cỏ. Cỏ khô bốc cháy sinh hỏa hoạn, chứ không có gì lạ.
Ngô An-Ngữ ra lệnh cho tóan binh dọn dẹp tro tàn. Thanh-Mai vẫy chàng đến chỗ vắng. Nàng tường thuật cho sư huynh nghe mọi diễn biến xẩy ra, rồi nói:
— Em định cho đám này trở về Sơn-tĩnh, để làm tai mắt cho triều đình. Trăm hay không bằng tay quen. Vì vậy em giao họ cho sư-huynh. Sư-huynh thiết trí sao cho họ trở về, mà Nguyên-Hạnh không nghi ngờ. Em sẽ giới thiệu sư huynh là sứ giả của quận chúa Bảo-Hòa. Hàng năm phát thuốc giải cho họ. Như thế, bất cứ sư-huynh ra lệnh gì, họ cũng phải răm rắp tuân theo.
Trong khi đám Thiên-tử-binh dọn dẹp đống than. Bảo-Hòa chỉ Ngô An-Ngữ nói với đám thiếu niên Hồng-hương:
— Các đệ tử nghe cô nói.
Đám thiếu niên dạ ran. Bảo-Hòa tiếp:
— Cô giới thiệu cho các đệ tử biết, đây là Chiêu-thảo-sứ Ngô An-Ngữ. Ngô tướng quân chính là sứ giả của cô. Các đệ tử muốn liên lạc với cô thì hỏi người. Ngược lại, cô truyền lệnh gì, cũng do Ngô tướng quân nói lại. Các đệ tử phải tuân lệnh tướng quân cũng như tuân lệnh cô. Ai trái lệnh tướng quân là trái lệnh cô. Nghe không ?
Đám thiếu niên dạ ran.
Bảo-Hòa nói:
— Thôi cô đi.
Nàng hú lên một tiếng cùng Thanh-Mai và bốn con cọp chạy vào rừng. Bọn thiếu niên Hồng-hương còn hướng theo vái mỗi người ba vái.
Về tới phủ Khai-Quốc vương, trời gần sáng. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái vẫn còn thắp đèn ngồi chờ. Nhìn gương mặt lo âu của Mỹ-Linh, Thanh-Mai ngạc nhiên:
— Tại sao sư muội lại lo âu quá như vậy ? Có gì không ?
Mỹ-Linh nói nhỏ:
— Khu-mật-viện cho biết bọn Triệu Thành đang trên đường đi Thiên-trường dường như để gặp phụ thân sư-tỷ. Em lo qúa.
Thanh-Mai thông cảm với Mỹ-Linh. Vì hơn ai hết Mỹ-Linh biết tình yêu giữa chú mình với Thanh-Mai đã đến chỗ sâu đậm. Thanh-Mai lại nhất tâm, nhất trí cùng với chú nàng, mưu phục hồi cố thổ Lĩnh-Nam. Nhưng giữa đại hiệp Trần Tự-An với triều Lý có chỗ không thuận. Bây giờ Triệu Thành lại đi Thiên-trường. Chắc chắn y sẽ thuyết phục Trần Tự-An theo Tống hay ít ra chống triều đình nhà Lý. Một trong hai việc xẩy ra, không biết Thanh-Mai sẽ phản ứng ra sao ? Theo bố thì chống lại người yêu, chống lại tất cả chí hướng cửa Thuận-thiên cửu-hùng. Còn chống bố, thành con bất hiếu. Một lý do khác, trong câu truyện mà Thanh-Mai thuật về đời sống gia đình nàng, Mỹ-Linh biết Thanh-Mai được đại hiệp Trần Tự-An cưng chiều rất mực. Nhất đán xẩy ra một trong hai điều, Thanh-Mai sẽ đau khổ lắm.
Thiệu-Thái tiếp:
— Bọn Chu An-Bình còn lẩn quẩn quanh đây. Chúng được Thanh-Mai với Bảo-Hòa cứu ra. Chúng kinh ngạc vô cùng. Vì trên đường từ Thanh-hóa ra đây, chúng hoàn toàn không ngờ hai người biết võ. Chúng chưa biết Bảo-Hòa, Thanh-Mai là ai.
Bảo-Hòa cười:
— Chỉ nội đêm nay, đám thiếu-niên Hồng-hương đi chơi trong trấn đều nói rằng chúng được uống thuốc của Nguyên-Hạnh, rồi đọc kinh Thông-huyền Bồ-tát và Túc-không Quan-âm mà khỏi độc Chu-sa chưởng. Bọn An-Bình tin rằng Nguyên-Hạnh là Dương-Bá. Từ đó chúng sẽ sục sạo khắp Hồng-hương cốc tìm Đỗ phu nhân. Đương nhiên chúng không địch nổi Nguyên-Hạnh, chúng sẽ báo về Trung-nguyên. Bang Nhật-hồ Trung-nguyên ắt gửi nhiều cao thủ sang đối phó với Nguyên-Hạnh.
Mỹ-Linh cố quên đi mối lo nghĩ, nàng nói sang truyện khác:
— Bọn Triệu Thành thế nào cũng bị bọn Chu An-Bình dùng độc chưởng tấn công. Trong trường hợp này chúng ta giúp bên nào ?
Thanh-Mai cười:
— Ta giúp cả hai bên. Nếu bọn Chu lâm nguy, ta trợ giúp chúng, để chúng tiếp tục gieo độc vào người bọn Triệu Thành. Còn ngược lại bọn Triệu Thành bị trúng độc. Ta giả làm người của Nguyên-Hạnh cho thuốc giải, khống chế bọn chúng theo mình.
Bảo-Hòa đề nghị:
— Chúng ta nên đi Thiên-trường trước, báo cho sư bá Tự-An biết rõ âm mưu của bọn Triệu Thành, hầu sư bà đề phòng. Như vậy hay hơn.
Thanh-Mai đồng ý:
— Vậy sáng mai chúng ta lên đường sớm.
Đỗ Lệ-Thanh nói với Thiệu-Thái:
— Thế-tử nghĩ xem, trong chúng ta, những ai nên đi Thiên-trừơng. Liệu sự hiện diện của Công-chúa có làm cho Trần đại hiệp bực mình không ?
Thanh-Mai phất tay:
— Đỗ phu nhân đừng lo. Bố tôi là người khoáng đạt, chứ không cố chấp như Hồng-Sơn lão nhân đâu. Ai làm người ấy chịu, chứ không đến nỗi ghét ông rồi ghét cả cháu.
Mỹ-Linh thăm dò Thanh-Mai:
— Trường hơp sư bá hỏi han những việc xẩy ra. Chúng ta có nên nói hết không ? Nếu nói hết, sợ chú hai không bằng lòng. Mà không nói hết, sư bá biết được, ông nghĩ rằng chúng ta thiếu tin cẩn ông.
Bảo-Hòa bẹo má Mỹ-Linh:
— Em nghĩ sai rồi. Việc của cậu hai là việc quốc sự. Từ xưa đến giờ, các đại tôn sư tuy kình chống nhau, đó cá nhân. Nhưng khi cùng mưu quốc sự, lập tức họ ngồi lại với nhau. Cái gương võ lâm thù Lê Hòan biết bao. Thế mà khi quân Tống sang. Các ngài cùng tuốt gươm đánh giặc. Đánh giặc xong, lại hiềm khích nhau như trước. Cho nên những điều cơ mật càng phải kể cho Trần sư bá biết hết. Có như vậy, người mới coi cái thế khó của triều Lý thành cái thế khó chung của Đại-Việt, sĩ dân Đại-Việt đều phải gánh vác.
Thanh-Mai nắm tay Bảo-Hòa:
— Bảo-Hòa hay thực. Em có cái nhìn quá rộng. Chị nói thực, may chị biết em rồi, chứ không chị cững qùi gối lạy em, gọi em là tiên cô.
Thằng bé Ngô Tuấn ngồi nghe từ đầu đến cuối, nó không giám xen vào truyện người lớn, bây giờ thình lình nó lên tiếng:
— Thì cô Bảo-Hòa là tiên thực chứ đâu phải đùa. Cô sai được thú. Người cô có hương thơm tiết ra. Chỉ Bố Đại hòa thượng thành Bồ-tát Di-lặc mới sánh được với cô mà thôi.
Mỹ-Linh kéo Ngô Tuấn lại bên canh. Nàng cắn vào má nó một cái:
— Cháu tôi kiến giải hay thực. Thôi đi ngủ.

THUẬN THIÊN DI SỬ
Lịch-sử tiểu thuyết
(Đọc sau bộ Anh-hùng Tiêu-sơn)

Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ

Quyển I
(392 trang)
THUẬN THIÊN DI SỬ Q1
Lịch sử tiểu thuyết
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ
Tác giả giữ bản quyền.
Copyright @ Trần Đại-Sỹ
All right reserved.
-Asiatique) tái bản 2001:
Cùng một tác giả
Do Nam-á Paris xuất bản, tái bản nhiều lần.
Anh hùng Lĩnh-Nam, 4 tập, 1318 trang.
Động-đình hồ ngoại sử, 3 tập, 880 trang.
Cẩm-khê di hận, 4 tập, 1305 trang,1992.
Do Thư viện Việt-Nam và Xuân-thu Hoa-kỳ ấn-hành. Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản:
Anh hùng Tiêu-sơn, 3 tập, 1120 trang,
Thuận-Thiên di sử, 3 tập, 1080 trang,
Anh-hùng Bắc-cương, 4 tập, 1556 trang,
Anh-linh thần-võ tộc Việt,4 tập,1708 trang,
Do Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành. Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001.
Cốt tủy Tử-vi tuổi Tý, 1 tập, 362 trang,
Nam-quốc sơn-hà, 5 tập, 2230 trang,
Anh hùng Đông-a : Dựng cờ bình Mông, 5 tập 2566 trang.
Sẽ xuất bản:
Anh-hùng Đông-a, Gươm thiêng Hàm-tử.
Giáo huấn tình dục bằng y học Trung-quốc,
(Sexologie Médicale chinoise)
Do Thư-viện Việt-Nam, California,
Hoa-kỳ ấn hành.
Muôn vàn tiếc thương
Bào đệ Trần Huy Quyền
từ trần tại Úc, tháng 1 năm 2001
Em vừa là em, vừa là học trò của anh, rồi trở thành cố vấn cho anh khi thuật huân nghiệp tổ tiên. Sao em đã vội ra đi, trong khi công việc vẫn còn cần đến em về đức kiên nhẫn, trí minh mẫn và nhất là tấm lòng son đối với tộc Việt.
Những chữ viết tắt trong sách này.
AHBC Anh-hùng Bắc-cương
AHLN Anh-hùng Lĩnh-Nam
AHĐA-DCBM Anh-hùng Đông-a dựng cờ bình
Mông
AHTS Anh-hùng Tiêu-sơn
ALTVTV Anh-linh thần võ tộc Việt
ANCL An-Nam chí lược
CEP Coopérative Européenne
Pharmaçeutique (Liên hiệp các viện bào chế châu Âu)
CKDH Cẩm khê di hận
CMFC Commité Médical Franco-Chinois
(Ủy ban trao đổi y học Pháp-Hoa)
DTLSVH Di tích lịch sử văn hóa được xếp
hạng
IFA Institut Franco-Asiatique (Viện
Pháp-Á)
KĐVSTGCM Khâm định Việt sử thông giám
cương mục
ĐĐHNS Động-đình hồ ngoại sử
ĐNLTCB Đại-Nam liệt truyện chính biên
ĐNLTTB Đại-Nam liệt truyển tiền biên
ĐNNTC Đại-Nam nhất thống chí.
ĐNTLCB Đại-Nam thực lục chính biên
ĐNTLTB Đại-Nam thực lục tiền biên
ĐVSTT Đại-Việt sử ký toàn thư
MCMS Mông-cổ mật sử
NS Nguyên-sử
TS Tống sử
TTDS Thuận-thiên di sử.
Trước khi vào đề:
Đôi lời về đạo pháp thế kỷ thứ 10-11
Quý độc giả đã đọc chín trăm trang, bộ Anh-hùng Tiêu-sơn, giai đoạn một, mang tên Thầy tăng mở nước. Danh từ thầy tăng mở nước xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ mười một. Các sử gia tranh luận bao năm về vấn đề: Thầy tăng đó chỉ vào ai? Ngài La Quý-An? Ngài Vạn-Hạnh? Ngài Lý Khánh-Vân hay ngài Bố-Đại? Như quý độc giả thấy, tất cả các ngài, chứ không phải một ngài.
Cho đến nay, không ai xác nhận danh tự ấy chỉ vào vị nào! Sự thực bấy giờ các tăng sĩ đều quan niệm Đạo pháp, dân tộc là một. Cũng như mới đây, hoàn cảnh đất nước, đã khiến linh mục Lương Kim-Định nêu ra: Linh-mục phải Một vai vác Thanh-giá, một vai gánh non sông. Còn hầu hết các tăng ni, dù giòng nào, dù chi nào, dù phái nào, cũng ngửa mặt nhìn về thời đại Tiêu-sơn, suy ngẫm hành sự sao cho đúng với tinh thần Đạo pháp dân tộc là một.
Giai đoạn thứ nhì của bộ Anh-hùng Tiêu-sơn mang tên Thuận-Thiên di sử. Thuận-Thiên là niên hiệu của vua Lý Thái-Tổ. Ngài sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp-Tuất (8-3-974). Nhằm niên hiệu năm thứ năm đời vua Đinh. Băng hà ngày 3 tháng 3 năm Mậu-Thìn (31-03-1028). Nhằm niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười chín.
Tuy vua Lý Thái-Tổ lên ngôi vua ngày 12 tháng mười năm Kỷ-Dậu (1009) nhưng theo truyền thống, cho đến hết năm đó, ngài vẫn dùng niên hiệu Cảnh-thụy thứ nhì của vua Lê ngọa triều.
Năm sau ngày 1 tháng giêng năm Canh-Tuất (1010), ngài mới đặt niên hiệu Thuận-Thiên. Ngài băng hà tháng ba năm Mậu-Thìn (1028). Như vậy thời gian Thuận-Thiên gồm mười chín năm.
Thời gian Thuận-Thiên được ca tụng như những năm tháng thanh bình, hạnh phúc nhất trong lịch sử tộc Việt. Thế nhưng những người nghiên cứu sử Hoa-Việt, đều không ít thì nhiều đặt các nghi vấn như sau:
_ Đầu triều Tống, Nho học chưa mấy thịnh. Thế mà khi Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh. Tống Thái-Tông hùng hổ sai Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Triệu Phụng-Huân, Quách Quân-Bảo... đem mấy chục vạn quân sang đánh, nêu lý do diệt kẻ thoán vị, cướp ngôi vua của ấu quân, khi chúa qua đời. Thế mà giữa đời Tống, Nho học cực thịnh. Triết lý trung quân đề cao, tại sao Lý Công-Uẩm cướp ngôi của nhà Lê, vua tôi nhà Tống lờ đi, hơn nữa còn sai sứ sang phong chức tước cho nữa? Có thực Tống tử tế như thế không? Hay vì dư oai trận Bạch-đằng chưa hết? Hoặc vì lý do nào khác? Thưa sự thực vìø Lý Công-Uẩn là phò mã của vua Lê Đại-Hành. Nho-giáo hết sức đề cao việc vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, vì vua Thuấn là người hiền, hơn nữa ngài được vua Nghiêu gả hai công chúa là Nga-Hoàng và Nữ-Anh cho. Nay Lý Công-Uẩn cũng là người hiền, cũng là phò mã!
_ Tống, Việt, ngăn cách nhau bằng khu núi rừng, mang tên Bắc-biên. Nơi đó có 207 bộ tộc sống như những nước nhỏ. Khi Tống mạnh, theo Tống. Khi Việt mạnh theo Việt. Triều đình cũng như biên thần nhà Tống hết sức dành dân, lấn đất. Thuận-Thiên hoàng đế cùng anh hùng thời đó làm cách nào giữ được, cho đến nay vẫn thuộc Việt?
_ Hồi Lê-Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, đem quân chống lại, gây cảnh tương tàn. Lại còn Ngô Nhật-Khánh mượn quân Chiêm về đánh phía Nam. Thế sao khi Lý Công-Uẩn cướp ngôi vua, bấy giờ chỉ giữ chức vụ khiêm tốn Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Tức coi hệ thống bảo vệ vua Lê. Vậy các quan trấn ở ngoài, cũng như trong triều đâu, mà không chống trả? Nguyên do nào?
_ Vua Lý Thái-Tổ, đã cai trị dân như thế nào, mà các sử gia sau này ca tụng công đức đến không tiếc lời?
_ Sử nói rằng, thời đại Tiêu-sơn, là thời đại cực thịnh của Phật-giáo. Thế nhưng một người Việt không rõ tên họ, cùng Lưu Trí-Viễn mang một thứ tôn giáo ở bộ lạc Sa-đà về Trung-quốc. Rồi từ đó lập ra triều Hán (Thời Lục-triều). Sau ông ta trở về Đại-Việt tranh dành ngôi vua, gây thành cảnh núi xương sông máu thời mười hai sứ quân. Hành trạng của ông ta ra sao?
Xin độc giả theo dõi trong chín trăm trang, bộ Anh-hùng Tiêu-sơn, giai đoạn hai, mang tên Thuận-Thiên di sử.
NIÊN BIỂU THUẬN-THIÊN.
Các sự kiện niên biểu này, chúng tôi theo bộ Việt-sử lược, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, Tống-sử và bộ Hoàng-Việt giáp tý niên biểu.
1009. Kỷ-Dậu
Đại-Việt, Lê Long-Đĩnh, Cảnh-thụy, năm 2.
- Nhà vua đi Ái-châu. Thân chinh Đô-lương, Án-động, Thiên-liễu, châu Hoan. Tháng 10 âl. Lê Long-Đĩnh băng. Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý-công-Uẩn được triều thần tôn lên làm vua.
- Đại xá cho tù trên toàn quốc. Phàm người thành án hay chưa, cùng tất cả các vụ tranh tụng đều xóa bỏ.
- Cho phép ai có việc tranh tụng, được đến triều đình tâu bầy. Vua thân xử.
- Truy tôn cha làm Hiển-Khánh vương. Mẹ họ Phạm làm thái hậu Minh-Đức.
- Lập vợ chánh là Công-chúa con vua Lê làm hoàng hậu, lập sáu bà phi. Phân biệt y phục, xe cộ giữa chánh hậu và cá bà khác.
- Lập con trai là Phật-Mã làm thái tử.
- Phong hầu cho con trai, phong công chúa cho 13 con gái.
- Phong anh, chú tước vương. Cháu, anh em con chú chức thái úy, tổng quản.
- Phong Đào Cam-Mộc tước Trung-nghĩa hầu, gả công chúa An-Quốc cho.
- Phong con gái thứ nhì làm Lĩnh-Nam bảo quốc hoà dân công chúa, gả cho con trai Thân Thiệu-Anh là Thân Thừa-Quý.
Trung-quốc, Tống Chân-tông, Đại-trung tường phù, năm 2.
- Biên thần phía Nam thượng biểu tâu kế sách chiếm Đại-Việt. Vua giao cho Khu-mật viện nghiên cứu.
Đại-lý, Đoàn Tố-Liêm lên ngôi vua. Phong cho em là Đoàn Huy làm Trấn-Nam vương, phụ quốc thái úy, tổng đốc binh mã.
1010. Canh-Tuất.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên nguyên niên.
- Đổi niên hiệu là Thuận-Thiên.
- Tháng 2 âl. nhà vua về cố hương, thuộc châu Cổ-pháp. Ban tiền, lụa cho các bậc kỳ lão. Yết lăng thái hậu. Đo mấy dặm đất làm Sơn-lăng.
- Sai viện ngoại lang Lương Nhậm-Văn, Lê Tái-Nghiêm sang sứ Tống kết hiếu.
- Tháng 7 âl. Dời đô từ Hoa-lư đến Đại-la. Khi thuyền sắp tới, thấy con rồng vàng bay trên thành Đại-la, đổi tên là Thăng-long.
- Đổi châu Cổ-pháp thành phủ Thiên-đức. Thành Hoa-lư thành phủ Trường-yên. Sông Bắc-giang thành sông Thiên-đức.
- Xây dựng kinh đô Thăng-long:
_ Xây điện Càn-nguyên làm nơi thiết triều. Hai bên điện Càn-nguyên có điện Tập-hiền, Giảng-võ.
_ Mở cửa Phi-long thông với cung Nghinh-xuân. Cửa Đan-phụng thông với cửa Uy-viễn.
_ Xây điện Long-an, Long-thụy làm nơi nhà vua an nghỉ.
_ Dựng cung Thúy-hoa, cho phi tần ở.
_ Lập kho đạn, xây thành, đào hào.
_ Mở bốn cửa thành Tường-phù, Quảng-đức, Đại-hưng, và Diệu-Đức.
- Phát hơn hai vạn quan tiền, để dựng tám cảnh chùa, lập bia ghi công đức. Sử không ghi rõ tên. Trong thành Thăng-long dựng các chùa Hưng-thiên, Thái-thanh, Vạn-tuế. Ngoài thành có các chùa Thắng-nghiêm, Thiên-vương, Cẩm-uy, Long-hưng, Thánh-thọ, Thiên-quang, Thiên-đức.
- Các chùa trong nước bị đổ nát, đều cho tu bổ.
- Xá thuế ba năm cho cả nước. Xá bỏ thuế còn thiếu cho cả nước.
- Phát quần áo cho tù binh Tống bị bắt cuối đời Lê, tha cho về.
- Đổi mười đạo làm làm 12 lộ, đổi Ái-châu, Hoan-châu làm trại.
- Độ dân làm sư. Phát 1680 lượng bạc, lấy trong kho đúc chuông lớn treo ở chùa Đại-giáo.
- Sứ Tống sang phong cho nhà vua làm: Kiểm hiệu thái phó. Tĩnh hải tiết độ sứ, quan-sát-sứ, xử-trí-xứ. An-nam đô hộ phủ. Ngự-sử đại phu. Thượng-trụ quốc, Giao-chỉ quận vương. Thực ấp tam thiên (3000), thực phong nhất thiên (1000). Suy thành thuận-hoá công thần. Cuối năm thêm: Đồng bình chương sự, thực ấp thiên hộ (1000) thực phong tứ bách hộ (400).
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Đại-trung tường phù năm 3.
- Khu-mật viện dâng biểu nên phủ dụ triều Lý, không nên đánh ngay.
Cao-ly, Hiển-vương Nguyên-văn vương đời thứ tám lên ngôi.
1011, Tân-Hợi.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 2.
- Đặt hoàng cung vệ sĩ gồm hai đội tả, hữu, mỗi đội 500 người.
-Nhà vua tự làm tướng đánh giặc Cử-long ở Thanh-hoá.
- Tháng 4 âl. Dựng điện Hàm-quang ở bên sông Phú-lương.
- Đổi phủ Ứng-thiên làm Nam-kinh.
- Sai viện ngoại lang Lý Nhân-Nghĩa, Đào Khánh-Văn sang sứ Tống đáp lễ thụ phong. Khánh-Văn trốn ở lại nước Tống. Tống bắt trao trả, xử tội đánh chết bằng trượng.
Trung-quốc, Tống Chân-tông, Đại-trung tường phù, năm 4.
- Ba động Như-an, Ngân-giang thuộc Tống, theo về Đại-Việt.
1012 Nhâm-Tý.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ Thuận-Thiên năm 3.
- Phong Thái-tử Phật-Mã làm Khai-Thiên vương. Dựng cung Long-Đức ngoài thành cho ở, để am hiểu dân tình.
- Tháng 7 âl. nhà vua xem bơi trải ở sông Phú-lương. Từ đấy việc thi bơi trải trở thành lệ.
- Tháng chạp âl.(1013) sứ Chân-lạp sang cống. Nhà vua cầm quân đánh giặc ở Diễn-châu.
- Sứ Tống sang gia phong cho nhà vua: Khai-phủ nghị đồng tam ty. Dực đới công thần. Thực ấp thất bá hộ (700) thực phong tam bá hộ (300).
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Đại-trung tường phù, năm 5.
Nhật-bản, Thiên-hoàng thứ 67 của Nhật-bản lên ngôi, kiến nguyên là Trường-hoà.
1013 Quý-Sửu.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 4.
- Quy định thuế khoá gồm sáu loại. (1) Thuề đầm ao, ruộng đất. (2) Thuế tiền và thuế bãi dâu. (3) Thuế lâm sản. (4) Thuế mắm muổi. (5) Thuế sừng tê, ngà voi, hương liệu. (6) Thuế hoa quả, gỗ. Đặt rõ lệ ngạch cho vương hầu, công chúa quản lĩnh.
- Tháng 6 âl. Phong thái tử thứ nhì Lý-Long-Bồ tước Khai-Quốc vương, truyền trấn thủ Trường-yên.
- Tháng 1O âl. Châu mục Vị-long là Hà Trắc-Tuấn nổi dậy. Ý muốn theo Tống. Nhà vua cầm quân đánh. Trắc-Tuấn bỏ chạy.
Trung-quồc, Tống Chân-Tông, Đại-trung Tường-phù, năm 6.
- Biên thần Tống xúi Hà Trắc-Tuấn chống triều đình. Khi Trắc-Tuấn thua chạy, Tống không dám cứu viện.
1014 Giáp-Dần.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên năm 5.
- Tháng giêng âl. Hạc Thác ở ngoài biên giới Bắc vào cướp. Dực-Thánh vương đem quân đánh, dẹp được.
- Tháng 9 âl. Phát 310 lựơng bạc đúc chuông treo ở chùa Hưng-thiện.
- Sứ Chân-lập sang cống.
- Sứ Tống sang gia phong: Bảo-tiết thủ chính công thần. Thực ấp thiên hộ (1000) thực phong tứ bá hộ (400).
- Sai Phùng Chân, Lý Thạc đi sứ Tống báo chiến thắng Hạc Thác, cống 200 ngựa
- Đắp đất quanh thành Thăng-long. Phát 800 lượng bạc trong kho đúc lại hai quả chuông lớn treo ở chùa Thắng-nghiêm và lầu Ngũ-phương.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Đại-trung Tường-phù, năm 7.
- Vua tuyển văn thần có khả năng binh sự, trấn Quảng-Đông, Quảng-Tây-lộ.
1015 Ất-Mão.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 6.
- Hà Trắc-Tuấn được tế tác Tống giúp, lại nổi dậy. Dực-Thánh vương, Vũ-Đức vương đem quân đánh, bắt được, bêu đầu ở cửa Đông thành.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Đại-trung Tường-phù, năm 8.
- Vợ, con Trắc-Tuấn chạy sang Tống xin lưu ngụ. Phò mã Thân Thừa-Qúy đòi. Biên thần Tống chịu trả. Tha cho vợ con Trắc-Tuấn.
1016 Bính-Thìn.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 7.
- Lập ba bà hoàng hậu: Tá-quốc, Lập-nguyên, Lập-giáo.
- Tháng 12 (1017) sứ nhà Tống sang gia phong Nam-bình vương, thực ấp thiên hộ (1000), thực phong tứ bá hộ (400).
- Được mùa khắp nơi. Lúa gạo rẻ.
- Tha tô thuế ba năm cho cả nước.
Tống, Tống Chân-Tông, Đại-trung tường phù, năm 9.
- Biên thần tấu về Đại-Việt được mùa, mà lại tha thuế ba năm. Nhà vua kinh ngạc.
1017 Đinh-Tỵ.
Đại-Việt, Tống Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 8.
- Lại xuống chiếu tha thuế tô ruộng cho cả nước.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Đại-trung Tường-phù, năm 10.
- Đô đốc vùng Mân-Quảng thượng biểu về việc nhiều tế tác ngoại quốc nhập lãnh hải Tống. Ý chỉ Đại-Việt. Vua cho rằng vô căn cứ.
Nhật-bản, Thiên-hoàng Hậu Nhất Điền nguyên niên. Vị Thiên-hoàng thứ 68 của Nhật-bản, kiến nguyên Khoan-Nhân.
1018 Mậu-Ngọ.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 9.
- Tháng 6 âl. sai Nguyễn Đạo-Thành, Phạm Hạc đi sứ Tống xin kinh Phật.
- Tháng 10 âl. Tha một nửa tô thuế cho cả nước.
- Phong thái tử Lực làm Đông-Chinh vương.
- Sứ Tống sang gia phong: Kiểm-hiệu thái úy, thực ấp thiên hộ (1000), thực phong tứ bá hộ (400).
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Thiên-Hy nguyên niên.
- Tể tướng Vương Đán chết. Vương Khâm-Nhược lên thay.
Đại-lý, Đoàn-Tố-Long lên ngôi.
1019 Kỷ-Mùi.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 10.
- Tháng giêng âl. phổ độ dân trong nước làm sư.
- Dựng nhà Thái-miếu ở lăng Thiên-đức.
- Xuất vàng, bạc đúc chuông lớn ở chùa Hưng-thiện, Đại-giáo, Thắng-nghiêm.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Thiên-Hy , năm 2.
- Nhà vua bệnh nặng.
1020 Canh-Thân.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 11.
- Tháng chạp âl. nhà vua sai Khai-Thiên vương đánh Chiêm-thành.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Thiên-Hy, năm 3.
- Biên thần lưỡng Quảng mật tấu về tình hình Đại-Việt, nói rõ Đại-Việt khống chế Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la.
1021 Tân-Dậu.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 12.
- Đặt ngày sinh nhật của vua làm tiết Thiên-thánh. Sai kết trúc làm núi gọi là Vạn-thọ Nam-sơn ở cửa Quảng-phúc. Trên núi làm hình chim bay, thú chạy, nhiều vẻ kỳ lạ. Ban yến cho bầy tôi mua vui.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Thiên-Hy, năm 4.
- Vua bệnh nặng.
1022 Nhâm-Tuất.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 13.
- Tháng 2 âl. bãi bỏ kết trúc mừng lễ sinh nhật vua, vì sợ nhọc sức dân.
- Đại Nguyên-Lịch trên đất Tống quấy nhiễu biên cương. Vua sai Dực-Thánh vương đem quân đi đánh dẹp. Quân Việt tràn sang trại Như-hồng, thiêu đốt kho đụm của họ, rồi rút về.
- Đổi tên trấn Triều-dương thành châu Vĩnh-an.
- Sứ Tống sang gia phong: Kiểm hiệu thái-sư.
Trung-quốc, Tống Chân-Tông, Càn-hưng nguyên niên.
- Cải niên thành Càn-hưng. Vua băng, Thái-tử lên nối ngôi, lại di chiếu cho Lưu hoàng hậu quản trị việc nước.
1023 Quý-Hợi.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 14.
- Sai Lý Khoa-Thái, Nguyễn Thủ-Cường đi sứ Tống, mừng Nhân-Tông lên ngôi.
Trung-quốc, Tống Nhân-Tông, Thiên-thánh nguyên niên.
- Lưu hậu biếm danh sĩ Khấu Chuẩn ba lần. Chuẩn buồn, rồi chết.
- Phong chú, cũng là thầy dạy của vua là Cung-huệ vương Nguyên-Nghiễm làm Thái-uý, Thượng-thư lệnh kiêm Trung-thư lệnh. Khi lâm triều khỏi xưng tên, được đeo kiếm khi chầu vua.
1024 Giáp-Tý.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 15.
- Mùa Xuân, sai Khai-Thiên vương đánh châu Phong. Khai-Quốc vương đánh Đô-Kim.
- Sửa sang kinh thành Thăng-long.
- Tháng chín âl. dựng chùa Chân-giáo ở Thăng-long.
- Vua nghe lời dèm của cung nga, thái giám hầu hoàng hậu Tá-Quốc phao Khai-Quốc vương phản. Đang đêm cùng Khai-Thiên vương đem quân tập kích Trường-yên. Bị thất bại. Tướng chỉ huy quân là Mai Hựu bị sùng ban lang tướng Ngô An-Ngữ thuộc phủ Khai-Quốc bắt sống. Khai-Quốc vương mời vua vào thành.
- Khám phá ra lời vu cáo, giết 5 cung nga, 6 thái giám hầu hoàng hậu Tá-quốc. Phong Khai-Quốc vương làm phụ quốc thái úy, quản Khu-mật viện, tổng đốc binh mà toàn quốc kiêm trấn thủ từ Trường-yên đến Chiêm-thành.
- Lệnh tuyển 200 mỹ nữ, gả cho các thân vương, thái tử. Đàm Thụy-Châu được phong quý phi.
Trung-quốc, Tống Nhân-Tông, Thiên-Thánh, năm 2.
- Lưu hậu lại đầy tể thần. Xung đột giữa Lưu hậu và Định-vương Nguyên-Nghiễm.
1025 Ất-Sửu.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 16.
- Theo đề nghị của Khai-Quốc vương. Vua cho cải cách lớn về binh bị.
- Em của quý phi Thụy-Châu là Đàm Toái-Trạng được phong Tuyên-vũ sứ Thanh-hoá.
Trung-quốc, Tống Nhân-Tông, Thiên-Thánh, năm 3.
- Thi võ ở Biện-kinh, chọn 36 người đậu, cho làm tướng.
1026 Bính-Dần.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 17.
- Sai Lý Trưng-Hiển, Lê Tái-Nghiêm sang sứ Tống.
- Lại tuyển mỹ nhân tiến cung.
- Tháng giêng âl. Sửa Ngọc-điệp (gia phả) nhà vua.
- Tháng 11 âl. sai Khai-Thiên vương đánh Diễn-châu.
Trung-quốc, Tống Nhân-Tông, Thiên-Thánh, năm 4.
- Vua đã lớn, có ý muốn cầm quyền, mở rộng biên cương phía Nam. Trọng dụng chú là Nguyên-Nghiễm.
Đại-lý, Đoàn-Tố-Trinh lên nối ngôi.
1027 Đinh-Mão.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên năm 17.
- Tháng 7 âl. sai Khai-Thiên vương đánh châu Thất-Nguyên. Đông-Chinh vương Lực đánh Văn-châu.
- Tháng 8 âl. đại hội anh hùng ở Thăng-long.
- Tháng 9 âl. Khai-Quốc vương kết hiếu với các nước Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la, Đại-lý.
1028 Mậu-Thìn.
Đại-Việt, Lý Thái-Tổ, Thuận-Thiên, năm 18.
_ Tháng 1, Khai-Quốc vương đi sứ Tống.
- Ngày 3 tháng 3 (31-03-1928) vua băng.
- Dực-Thánh vương, Đông-chinh vương, Vũ-Đức vương nổi loạn. Khai-Quốc vương từ Tống về dẹp yên. Vũ-Đức vương chết tại trận.
- Khai-Thiên vương lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên-Thành.
- Đặt lệ bầy tôi họp ở miếu Đồng-cổ. Ai vắng mặt bị đánh 50 trượng.
- Lập bẩy bà hoàng hậu.
- Phong cho Mai Hựu, Đinh Ngô-Thương, Vương Đỗ, cha các bà hậu làm thượng tướng.
-Đặt 10 vệ cấm quân, chia làm tả, hữu, để hộ vệ.
- Sứ Tống sang truy phong vua Lý Thái-Tổ làm Thị-trung Nam-Việt vương.
Trung-quốc, Tống Nhân-Tông, Thiên-Thánh, năm 6.
- Nghe Đại-Việt rối loạn, biên thần tấu về xin mang quân đánh. Thái-sư Nguyên-Nghiễm cực lực bài bác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét