Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Anh hùng Tiêu Sơn - Hồi 16

HỒI THỨ MƯỜI SÁU

Lĩnh-Nam vũ kinh

Thình-lình Triệu Huy lao người lại chỗ bụi hoa ba người nấp. Y xử dụng một thế hổ trảo chụp Mỹ-Linh. Thanh-Mai vọt người lên cao. Từ trên cao nàng phóng một chưởng xuống đầu Triệu Huy. Triệu Huy vội thu tay về biến thành chưởng đỡ chưởng của Thanh-Mai. Bình một tiếng, Thanh-Mai bật lên cao. Nàng cảm thấy trời long đất lở, khí huyết chạy nhộn nhạo trong người, tai kêu lên những tiếng vo vo như sáo diều.
Tự biết mình không phải đối thủ của Triệu, nàng đá gió một cái, tà tà đáp xuống trước thềm đền thờ.
Triệu Huy thấy người đối chưởng với mình là một thiếu niên. Nhưng chưởng lực khá mạnh, cánh tay y cảm thấy ê ẩm. Nhất là trong chưởng đó bao hàm phong, lôi, thủy, hỏa, có sức sát thủ khủng khiếp. Lại thấy thiếu niên biết ứng phó, mượn sức vọt ra xa, để tự vệ.
Kinh nghiệm, Triệu-Huy biết đây là con nhà danh gia, được huấn luyện rất chu đáo. Trong chuyến đi này, Tống đế ban chỉ dụ cho Triệu Thành bằng mọi gía phải thu phục nhân tâm cùng kết thân với võ-lâm Lĩnh-nam. Vì vậy y tỏ vẻ khách khí:
— Triệu Huy phái Thiếu-lâm nhà Đại-tống, hân hạnh được biết danh tính thiếu hiệp. Thiếu hiệp mới bằng này tuổi, mà công lực dã tới mức không ngờ. Dường như thiếu hiệp thuộc phái Đông-a thì phải!
Thanh-Mai cố giữ giọng khàn khàn:
— Tại hạ là Trần Thông-Mai thuộc phái Đông-a, xin tham kiến Triệu đại hiệp.
Nàng tự xưng tên anh mình, để dấu tông tích. Nàng đảo ngược tên Mỹ-Linh, Bảo-Hòa đi, chỉ vào hai người:
—Vị này là em con dì với tại hạ, họ Lý tên Linh-Mỹ. Vị này là Nùng Hòa-Bảo, nghiã đệ của tại hạ.
Ngô Tích tỏ vẻ hiểu biết tình hình võ lâm Lĩnh-nam:
— Trần công tử, thì ra công tử là trưởng nam của Côi-sơn đại hiệp đấy. Khi còn ở Trung-nguyên, tại hạ từng nghe đồn rằng chưởng môn phái Đông-a có bốn người con. Con trưởng là Trần Thông-Mai tuy tuổi hai mươi, mà võ công cái thế. Thứ là Trần Thanh-Mai bác học uyên thâm. Hai người con còn nhỏ là Trần Tự-Mai, Trần Thanh-Nguyên kiến thức siêu phàm. Hôm trước đây anh em tại hạ đã được diện kiến nhị tiểu thư, tam công tử cùng tứ tiểu thư. Hôm nay mới hân hạnh được gặp đại công tử.
Triệu Anh chỉ vào miệng hầm:
— Bọn tại hạ đang đêm theo giúp Đàm hiệu úy thi hành mật lệnh của ngài Đàm an-phủ-sứ. Không biết đã phạm tội gì với các vị. Mà các vị lại đem rơm hun đốt anh em tại hạ gần chết ngộp?
Bảo-Hòa quên mất rằng mình gỉa trai, không còn là quận chúa. Nàng đem chính nghiã ra chất vấn:
— Này Triệu tiền bối. Người đường đường là tiến-sĩ nhà Đại-tống, lại là cao thủ bậc nhất phái Thiếu-lâm. Tại hạ tuy ở xó rừng núi, mà cũng nghe danh Tung-sơn tam kiệt, được Tống đế phong cho làm lang-trung phụ trách Khu-mật-viện người lại được cử theo Bình-nam vương cùng sứ đoàn sang Chiêm-quốc. Hà cớ lại đi ăn trộm?
Triệu Huy là người mưu trí cực kỳ cao thâm. Y tự biết ba thiếu niên này phục ở đây giữa đêm trăng, chắc chắn đã biết rõ sứ mệnh của bọn y. Hơn nữa ba người đã chất rơm đốt bọn y thì ba người cũng biết bọn y võ công cao hơn. Như vậy trong trận đấu này, ba thiếu niên đã biết mình, biết người thì có chối cũng vô ích. Y chỉ Đàm An-Hòa:
— Nùng thiếu hiệp trách bọn tại hạ như vậy, có điều đúng, có điều sai. Nhân tại hạ qua đây, Đàm hiệu úy nhờ tại hạ giúp ý kiến trong công vụ, nên bọn tại hạ đi theo người. Sao lại bảo là trộm cắp?
Mỹ-Linh chỉ ba xác chết:
— Các người đã ra tay giết ba người này, tội không nhỏ đâu nhé.
Triệu Huy cười:
— Giết ba người này chính là Vệ-vương. Lý thiếu hiệp núp ở đây từ lâu, hẳn đã nghe Vệ vương gia tường thuật thân thế. Vương gia đây là dòng chính thống của vua Đinh, thì ngài xử tử một vài con dân là truyện riêng của Giao-chỉ, anh em tại hạ đâu dám xen vào?
Mỹ-Linh hỏi An-Hòa:
— Gã họ Đàm kia. Mi đường đường là quốc cữu. Chị mi hiện là qúi phi, đang được sủng ái trong cung. Cha mi làm tể thần. Anh mi được trọng dụng làm tới tuyên-vũ-sứ, giữ chức tổng trấn vùng này. Thế mà mi lại tư thông với ngoại quốc. Hôm trước mi nghe lệnh Triệu Huy bắt giam người ngay, vô phép với con gái lương gia. Hôm nay mi lại dẫn những người này đi ăn trộm. Mi có biết tội này, sẽ đưa đến diệt tộc không?
Khi gặp lại Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Đàm An-Hòa đã cảm thấy hơi quen quen. Trong nhất thời, y không đoán ra được tung tích nàng. Bây giờ nghe chất vấn, y mới tỉnh ngộ. Không nói, không rằng, y xuất thế ưng-trảo chụp Mỹ-Linh.
Hôm trước vì tuân lời Tịnh-Huyền, Mỹ-Linh không dám động thủ, An-Hòa mới vô phép được với nàng. Chứ hôm nay, nàng đã học được nhiều kinh nghiệm, nàng là đệ tử yêu của Huệ-Sinh, đệ nhất cao thủ đương thời, dễ gì y chạm vào người nàng được? Mỹ-Linh không tránh né, cũng không đỡ đòn. Nàng ra tay sau, mà lực đạo tới trước, tát vào mặt An-Hòa hai cái, y ngã lộn đi một vòng.
Tuy bị đau, nhưng An-Hòa vọt người dậy, vung chưởng tấn công Mỹ-Linh. Mỹ-Linh đá cho y một lưu vân cước. Y lại ngã lộn đi hai vòng. Biết không phải đối thủ của Mỹ-Linh. Y nói với Triệu Huy:
— Triệu đại nhân, con nha đầu này tên thực là Mỹ-Linh, thứ nữ của Khai-thiên vương Phật-Mã. Y thị được phong là công chúa Bình-dương.
Triệu Huy đã nhận ra Bảo-Hòa, Thanh-Mai, y cười:
— Thân quận chúa, Trần cô nương. Các vị giỏi thực, đã qua mặt được bọn tại hạ. Không hiểu bọn tại hạ có tội gì với các vị, mà các vị theo phá hòai?
Về võ công, kinh nghiệm thì Mỹ-Linh kém Bảo-Hòa với Thanh-Mai, chứ về luật pháp, văn học, nàng được thầy là một nhà Nho cực kỳ uyên thâm, tên Lý Đạo-Thành dạy dỗ rất kỹ. Nàng lên tiếng:
— Triệu an-phủ-sứ. Bất cứ ai nói câu đó thì được chứ người nói thì không được. Về văn, người đậu tiến-sĩ. Về võ người là cao thủ phái Thiếu-lâm lại đang giữ trọng trách trấn nhậm biên cương trọng thần, coi biên giới phía Nam nhà đại Tống. Người phải biết luật lệ chứ? Đừng nói ta là công-chúa, Bảo-Hòa là quận-chúa, mà bất cứ con dân Đại-Việt nào, thấy đạo tặc đều phải ngăn cản. Huống hồ, các người đường đường là sứ thần đại Tống, lại đi ăn trộm. Hôm trước bọn người với Quách Qùi ăn trộm ở đền thờ Tương-Liệt đại-vương. Địch Thanh trộm vàng ở Lạng-châu. Hôm nay các người đến đây ăn trộm ở đền thờ đanh nhân Trung-quốc. Ta phải bắt giải về triều Tống để trị tội.

Tiếng nói Mỹ-Linh trong mà ngọt ngào, nhưng lý luận đanh thép. Bọn Triệu Huy nhìn nhau chưa biết hành động ra sao. Để ba cô gái này đi, thì cơ mưu bị bại lộ. Hơn nữa trong chuyến đi, nhiệm vụ của bọn y có ba phần. Một là ăn trộm di thư thời Lĩnh-nam. Hai là kết nạp võ lâm Đại-việt, ba là gây bất hòa giữa võ lâm, dân chúng với triều đình nhà Lý, chuẩn bị đánh chiếm Đại-việt, lập lại quận huyện.
Bây giờ di thư ra manh mối. Y với Đinh Tòan đã khám phá ra ký hiệu ghi trên chiếc áo da của vua Đinh, tìm được nơi cất. Y biết nơi cất di thư có cơ quan, cạm bẫy nguy hiểm. Y bàn với An-Hòa, sai ba viên hiệu úy tìm trước. Nếu có nguy hiểm thì bọn chúng chết thay. Còn trường hợp tìm ra rồi, thì Đinh Toàn sẽ ra tay giết ba viên hiệu úy để bảo mật. Khi Toàn giết ba viên hiệu úy, đương nhiên An-Hòa lĩnh thêm tội trạng là theo nghịch thần nhà Đinh, giết quan quân. Như vậy An-Hòa suốt đời bị bọn y không chế.
Ngờ đâu vừa xuống hầm tối, thì bị chị em Thanh-Mai hun khói. Bọn chúng ngộp thở tưởng chết. Giữa lúc nguy nan, thì tìm ra được cửa khác, thông với đáy hồ sen trước ao, mà thoát nạn.
Bây giờ y phải hành động thế nào? Để ba cô gái này đi, thì quan quân kéo đến, di thư không đến tay. Đụng chạm đến Mỹ-Linh, y không sợ, vì khi sang đây, đương nhiên y đối lập với triều đình .Song đụng với Thanh-Mai, là đụng với phái Đông-a, người nhiều, võ công cực kỳ cao. Tống đế truyền bằng mọi gía phải mua chuộc, y không thể trái chỉ. Đụng đến Bảo-Hòa là đụng đến 207 khê động, ắt biên giới phía Nam Trung-quốc không yên? Vậy phải làm thế nào bây giờ?
Triệu Huy đưa mắt nhìn Triệu Anh, cả hai gật đầu, như đồng ý giết ba con nhỏ này đốt xác đi,thì ai mà biết được. Thanh-Mai nhìn sắc diện bọn Triệu Huy, biết nguy hiểm sắp tới, nàng nói với Bảo-Hòa: — Sư phụ chị đang nhập thiền ngoài bờ hồ. Em ra mời người vào nói truyện với Triệu đại nhân.
Triệu Huy cười nhạt:
— Trần cô nương. Cô nương không qua mắt tại hạ được đâu. Nếu sư phụ cô nương ở đây, thì không bao gìơ cô nương phải dùng rơm đốt anh em tại hạ. Cô nương ơi, giữa cô nương với anh em tại hạ không thù, không óan. Triệu vương gia của tại hạ lại sủng ái cô nương cùng cực. Song một là vì việc nước. Hai là vì tự bảo vệ mạng sống, anh em tại hạ phải vô phép với cô nương.
Mỹ-Linh hất hàm hỏi Triệu Anh:
— Các người định giết chúng ta ư? Ông nội ta sẽ băm vằm các người ra từng mảnh. Đừng nói ông nội ta, chỉ cần các người đụng đến sợi tóc của Thanh-Mai thôi, thì dù người có cánh bay lên trời cũng không thoát khỏi màng lưới phái Đông-a trả thù.
Đinh Toàn đang muốn thu phục nhân tâm để trở về làm vua, y kéo Triệu Anh vào một góc nói nhỏ:
— Triệu lang trung, cần có giải pháp nào tốt đẹp chứ tôi không thuận giải pháp giết ba tiểu cô nương này. Nước tôi có câu tục ngữ cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra. Nếu các vị giết chúng, mạng sống cá nhân các vị cũng như gia đình không tòan với phái Đông-a. Lại bọn họ Thân đang làm vua 207 khê động giáp giới Hoa, Việt ắt cử binh sang trả thù. Lý Công-Uẩn đời nào chịu khoanh tay khi các vị giết cháu yêu của lão? Các vị sang đây tìm di thư, chưa biết có hay không, mà đã gây chiến, tôi e Tống đế sẽ tru di tam tộc các vị. Các vị chỉ cần khống chế chúng, đợi lấy di thư xong, hay thả ra, tôi cho là giải pháp tốt nhất.
Triệu Anh gật đầu, nhận thấy lời Đinh Toàn đúng. Y nói với Thanh-Mai:
— Trần cô nương, bọn tại hạ xin cô nương dạy cho mấy chiêu.
Bảo-Hòa cười nhạt:
— Đánh nhau thì đánh nhau. Thân Bảo-Hòa này đâu sợ các người. Xin Triệu đại nhân cho thể lệ cuộc đấu.
Triệu Huy cười:
— Thế thì còn gì bằng. Tại hạ có ba huynh đệ, thêm Vệ vương là bốn. Bên quận chúa có ba người, chỉ cần các vị thắng được hai người trong bọn tại hạ là đủ, không biết quận-chúa, muốn đấu bằng phương thức nào?
Thanh-Mai hỏi Đinh Toàn:
— Đinh vương gia. Thời đức Tiên hòang dựng nghiệp, ông nội tiểu nữ từng cầm gươm theo hầu, lập đại công. Khi thành đại nghiệp, Tiên-hòang phong cho tước công, người không nhận. Lại khi Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, ông nội tiểu nữ định khởi binh trả thù. Chỉ vì lúc đó giặc Tống sắp qua, người đành chịu nhịn. Hiện giờ, trong phái Đông-a không một ai làm quan với triều Lý. Chẳng lẽ vương gia lại đi đấu với bậc con cháu công thần nhà Đinh ư? Như vậy dù sau này chiếm lại được giang sơn, thì ai phục vương gia nữa đây?
Đinh Toàn gật đầu:
— Ta không dự vào cuộc đấu này. Triệu lang-trung, các vị tính sao thì tính.
Triệu Huy đổ quạu, y muốn lên tiếng chửi, mà không tiện. Y nói với Thanh-Mai:
— Chúng ta cùng đấu ba cuộc. Nếu bên cô nương thắng hai cuộc, thì bọn tại hạ tha mạng sống cho các cô. Các cô chỉ phải khuất thân theo anh em tại hạ trong một tháng. Còn ngược lại...
Thanh-Mai biết ngược lại chúng giết chị em nàng. Thế không đừng được, Thân Bảo-Hòa tán thành, nàng nói:
— Chính ta là người khởi xướng đem rơm nướng các người, ta lại đã từng theo các người từ Bắc-biên về đây. Ta xin đấu trận đầu. Trong ba vị, dường như Triệu lang-trung võ công cao nhất thì phải. Ta xin được lĩnh giáo cao chiêu của người.
Thanh-Mai biết võ công Bảo-Hòa tuy cao thực, song còn kém mình xa, thế mà nàng lại nhận đấu với Triệu Anh là tên có võ công cao nhất trong bọn, thì ắt nàng có mưu kế gì đây. Hôm trước đến Địch Thanh, mà nàng còn làm cho dở sống dở chết, thì đối với Triệu Anh hẳn nàng có phương pháp kiềm chế.
Thanh-Mai liếc nhìn Bảo-Hòa, chỉ thấy đôi mắt nàng sáng long lanh như hai viên kim cương.
Triệu Anh cười:
— Thân quận chúa. Ta nể quận chúa vì quận chúa là con vua bà vùng Nam biên đại Tống. Chứ còn đấu võ thì... hà hà, chỉ cần ba chiêu, ta bắt quận chúa như bắt con rùa trong rọ. Nào, quận chúa ra chiêu đi.
Bảo-Hòa phóng chưởng tấn công liền. Triệu Anh kinh ngạc không ít. Y nghĩ:
— Con mọi này thực không biết điều. Đến bố nó là Thân Thừa-Qúi, chưa chắc đã chịu được ta qúa trăm hiệp, mà y thị dám đấu với ta, thì thực là ngạo mạn quá sức.
Y vung tay đỡ, bộp một tiếng, cánh tay y tê dại. Còn Bảo-Hòa thì lảo đảo lùi lại ba bước. Qua một chiêu, Triệu Anh thấy chưởng của Bảo-Hòa tinh diệu vô cùng. Y không dám coi thường, hỏi:
— Quận chúa. Chiêu vừa rồi dường như không phải võ công Tây-vu. Nó là võ công gì vậy?
Bảo-Hòa cười:
— Nó là chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục-ngưu thần chưởng. Hãy đỡ chiêu thứ nhì.
Nàng lại đánh ra một chiêu nữa. Triệu Anh đỡ, rồi lui một bước. Bảo-Hòa đánh chiêu thứ ba. Mồ hôi Triệu Anh vã ra như tắm, y lùi đến sát tấm bia đá, dựa lưng vào bia chống đỡ. Khi Bảo-Hòa đánh đến chiêu thứ 12, thì y bải hoải cả chân tay. Song sang chiêu thứ mười ba, thì nàng lại đánh trở lại từ chiêu đầu.
Triệu Anh tỉnh ngộ:
— Mình nghe nói xưa kia Đào Kỳ danh trấn Trung-nguyên, Lĩnh-nam nhờ ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Nay con nhỏ này dường như mới luyện, mà uy lực đã đến dường này. Hà! Y thị chỉ biết có mười hai chiêu, không đủ biến hóa, bằng không mình phải bỏ mạng tại đây.
Triệu Anh không thèm đỡ chiêu của Bảo-Hòa, tay trái đánh một hư chiêu, tay phải xuất ưng trảo túm sau gáy nàng. Hư chiêu chưa ra, mà Bảo-Hòa đã cảm thấy ngộp thở. Người nàng choáng váng, chưa kịp định thần, thì đã bị nhắc bổng lên cao.
Triệu Anh cười:
— Tiểu quận chúa. Người chịu thua chưa? Ta nghe Phục-ngưu thần chưởng có 36 chiêu, mà sao quận chúa chỉ thuộc có 12 chiêu?
Bảo-Hòa nói:
— Ta ngộp thở qúa làm sao mà nói cho được. Người hãy cho ta thở chút xíu đã.
Triệu Anh bỏ nàng xuống đất. Y vừa thu tay về thì cảm thấy có vật gì động đậy, lành lạnh từ cổ chui xuống ngực. Tưởng là ám khí. Y kinh hoàng, giật áo dũ ra. Vật đó chuồn xuống bụng, bụng y đau nhói một cái. Y luồn tay vào chụp vật đó ra, thì là con rắn lục mầu xanh, óng ánh đưới trăng. Y vội hít một hơi, vận chân khí chống độc.
Bảo-Hòa tung một nắm phấn trắng bao trùm người y. Y hít trọn vẹn đám phấn vào ngực. Người y chóang váng, rồi ngã ngồi xuống đất. Bảo-Hòa cười ngất:
— Đa tạ Triệu đại hiệp đã nhẹ tay cho. Triệu đại hiệp, trận thứ nhất tại hạ thắng. Như vậy là thắng trận đầu rồi đấy nhé.
Triệu Huy hỏi sư huynh:
— Đại-ca, cái gì vậy?
Triệu Anh gượng gạo:
— Bị rắn cắn. Trúng độc. Chân tay bải hoải.
Triệu Huy nghĩ rất nhanh:
—Trước hết ta đánh bại con nha đầu họ Trần, sau đó túm cổ cả hai con này một lúc. Không cần đạo lý nữa, mới mong lấy thuốc giải cứu đại ca.
Y nói với Thanh-Mai:
— Trần cô nương, tại hạ lớn tuổi hơn cô nương, mà đấu với cô nương, e mang tiếng lớn hiếp bé. Vậy thế này: tại hạ đấu với cô nương mười chiêu. Nếu trong mười chiêu, cô nương làm cho tại hạ phải lui lại năm bước thì coi như tại hạ thua.
Y phát chiêu tấn công Thanh-Mai. Thanh-Mai biết cái gì sắp xẩy ra. Nàng vận đủ mười thành công lực đỡ chiêu của Huy. Bình một tiếng, Thanh-Mai bật lui lại bốn bước liền. Trong khi cánh tay Huy cũng cảm thấy ê ẩm. Y nhủ thầm:
— Trước đây sư phụ ta thường nói, chưởng pháp phái Đông-a trong cái nhu có cái cương, rất khó chế thắng. Bây giờ ta mới hiểu. Ta không nên giết con nhỏ này vội, cứ thủng thẳng xem võ công Đông-a như thế nào.
Thanh-Mai thấy Triệu Huy suy nghĩ. Nàng phát chiêu thứ nhì tên Đông hải lưu phong. Đây là một chiêu dũng mãnh nhất trong 18 chiêu Đông-a chưởng pháp. Triệu Huy thấy chiêu chưởng hung dữ, y lùi lại một bước đẩy ra một Kim-cương Thiếu-lâm chưởng. Bình một tiếng, Thanh-Mai bật lui hai bước, còn Triệu Huy thì đứng im.
Triệu Huy cười nhạt:
— Trần cô nương, cứ khoan thai phát chưởng, không đi đâu mà vội.
Trong khi ngộp thở, vô tình Thanh-Mai vận khí về Đốc-mạch, rồi dẫn tới huyệt Mệnh-môn, đưa qua thận, dồn sang Nhâm-mạch, phát chiêu Thủy ba vô để, đúng như Huệ-Sinh dạy nàng. Triệu Huy thấy chưởng không có gió, tưởng nàng đã kiệt sức, y phất tay, chỉ vận có ba thành công lực. Không ngờ khi hai tay giao tiếp nhau, y cảm thấy một lực đạo vô cùng nhu hòa phát ra. Bịch một tiếng, y bị bật lui liền bốn bước, trong khi Thanh-Mai đứng nguyên.
Mặt Triệu Huy nhợt nhạt:
— Trần cô nương. Tôi muốn lĩnh giáo võ công Đông-a chứ đâu có muốn lĩnh giáo võ công Tiêu-sơn? Vừa rồi cô nương dùng chiêu thức Đông-a, mà dùng nội lực Tiêu-sơn, như vậy không kể.
Thanh-Mai muốn kéo dài thời gian chờ viện binh. Nàng cười khanh khách:
— Này Triệu đại nhân, sao người hủ lậu lắm vậy. Người có biết rằng tổ sư phái Đông-a nhà tôi là Trần Tự-Viễn, nhân học nội công Tiêu-sơn mà lập ra môn phái ư? Thôi được, tôi phát chiêu thứ tư đây này.
Thanh-Mai áp dụng lý thuyết của Huệ-Sinh dậy. Nàng phát chiêu Kình ngư thăng thiên, bằng cách dẫn khí theo Đốc-mạch đến huyệt Chí-dương đưa vào tim, một phần đến huyệt Mệnh-môn đưa vào thận, rồi cho hai luồng khí giao nhau. Chưởng phong xoáy như con trốt ập về trước. Triệu Huy ra chiêu đỡ. Không ngờ khi hai chưởng sắp gặp nhau, Thanh-Mai chỉ phát ra ở Thủ-tam-âm kinh thuần âm. Huy khám phá ra thì đã muộn. Bộp một tiếng, y lọang choạng lui lại... y phải nhảy vọt lên cao để khỏi ngã.
Triệu Huy biết nếu còn chần chờ, e Thanh-Mai sẽ dùng kỳ chiêu. Không chừng y bị bại cũng nên. Song qua mấy chiêu, y tìm thấy trong Đông-a chưởng pháp đôi phần phảng phất giống Thiếu-lâm chưởng của y. Có điều Đông-a chưởng pháp hung dữ hơn nhiều. Y nghĩ thầm trong lòng :
— Trước đây ta nghe sư phụ nói trong các phái võ Lĩnh-nam, chưởng pháp mạnh nhất phải kể phái Tản-viên với Phục ngưu thần chưởng. Chưởng pháp này lúc đầu thuần đương, do Sơn-Tinh chế ra. Sau Vạn-tín-hầu Lý Thân chế ra Long-biên kiếm pháp, thắng được Sơn-Tinh bên bờ sông Hắc-long. Long-biên kiếm đặt cơ sở trên âm nhu. Tuy thắng được Sơn-Tinh, nhưng Lý Thân cũng khâm phục pho chưởng này vô song, vô đối. Ông nhân ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu, chế ra ba mươi sáu chiêu âm nhu khắc chế ba mươi sáu chiêu dương cương. Đến thời Đông-hán, thì Phục-ngưu chưởng âm nhu bị tuyệt tích, mà các chiêu dương cương cũng chỉ còn mười hai. Sau Hán-trung-vương Đào Kỳ có cơ duyên tìm luyện được cả âm lẫn dương chửơng, mà thành anh hùng vô địch. Từ ngày ấy đến giờ trải một nghìn năm, Lĩnh-nam bị sát nhập làm quận huyện Trung-quốc, quan cai trị các thời cấm tập võ. Võ công thời Lĩnh-nam gần như bị tuyệt chủng.
Y nhìn Thanh-Mai, nhăn mặt:
— Ngày nay tuy vẫn còn phái Tản-viên, Mê-linh, song Phục-ngưu chưởng dường như chỉ sót lại mười hai chiêu. Còn Long-biên-kiếm thì mất hết tinh hoa. Ta đã đấu với một vài cao thủ phái Tản-viên, thì thấy chưởng Phục-ngưu mạnh tuy có mạnh. Song hôm nay đối bốn chưởng với con nha đầu này, mới thấy chưởng Đông-a hung hiểm vô cùng. Nếu bảo rằng dương cương thì cũng thấy dương cương, nếu bảo rằng âm-nhu thì cũng thấy âm-nhu. Song trong cái cương nhu hợp nhất này có ẩn tàng cái sát thủ ghê gớm. Hèn chi trước khi lên đường, hoàng thượng ân cần dặn đi dặn lại phải mua chuộc phái Đông-a bằng mọi giá. Tuyệt đối cấm gây hấn với họ. Con nhỏ này là con gái yêu Trần Tự-An, đương kim chưởng môn Đông-a. Năm nay y thị khỏang 17-18 tuổi là cùng, mà công lực đã tới dường này thì không ai có thể ngờ tới. Ta nghe sư bá chưởng môn Thiếu-lâm nói, người đã đối chưởng với Tự-An, mà chỉ chiụ được có 15 chiêu, đành xin thua. Hôm nay ta cứ chần chờ đấu với con này ít chiêu nữa xem sao.
Triệu Huy chỉ biết nội công phái Đông-a xuất phát từ phái Tiêu-sơn một cách lờ mờ. Mà phái Tiêu-sơn với Thiếu-lâm cùng đặt căn bản trên Thiền-công nhà Phật. Thiền công quang minh chính đại, mà sao Đông-a chưởng lại sát thủ như vậy?
Triệu Huy phát một Kim-cương ban nhược trong Thiếu-lâm chưởng tên Vô nhân giả tướng. Chiêu này chuyên hóa giải tất cả những chưởng hung ác khác. Thanh-Mai thấy Huy tần ngần một lúc, nàng đoán hai chiêu vừa rồi mình áp dụng thủy hỏa tương hợp trong Thiền-công mà Huệ-Sinh mới dạy khiến cho y sợ. Bây giờ nàng trở về với Đông-a chưởng thuần túy, nàng ra chiêu Phong ba hợp bích Chưởng phong ào ào tuôn ra. Trong khi chưởng phong dồn dập, nàng cố bỏ Lục-căn ra ngoài. Triệu Huy thấy rõ ràng chưởng của nàng cực kỳ hùng hậu, rồi lại biến mất. Khi hai chưởng giao nhau, chưởng của Thanh-Mai không mất tích như y thường thấy mỗi khi đấu với người khác. Ngược lại chưởng của y như hạt muối rơi xuống biển. Người y bay bổng lên cao. Y phải cố định thân mới đứng xuống đất an toàn. Ngô Tích giật mình:
— Tam đệ, cái gì vậy?
Mặt Triệu Huy nhợt nhạt như gà cắt tiết. Y hít hơi lấy lại thăng bằng:
— Không hiểu nữa.
Triệu Huy khám phá ra Thanh-Mai mơí học được một thứ nội công, mà chưa có dịp xử dụng. Hôm nay nàng đem ra thí nghiệm lần đầu. Y cần thắng nàng tức khắc, bằng không thì khó kiềm chế nổi.
Y hít hơi vận đủ mười thành công lực, đánh xuống ba chưởng. Thanh-Mai thấy chưởng lực y hùng hậu vô cùng, nàng không dám đỡ, vội vọt mgười lên cao tránh. Triệu Huy không tha, y đánh ngược lên một chỉ.
Thanh-Mai ở trên cao, thấy chỉ của y bao trùm hạ bàn. Nàng kinh hoảng rút kiếm lia ngang dưới chân. Triệu Huy thu chỉ nhảy lui lại. Thanh-Mai vừa rơi xuống đất, lực đạo hết. Triệu Huy túm lấy phiá sau cổ nàng.
Bỗng y cảm thấy như có ai đánh trộm vào sau gáy. Y vung tay gạt. Bộp một tiếng, tay y chạm phải vật gì mềm mại, vỡ tung ra làm nhiều mảnh, bay tứ tung. Mùi thơm bốc lên, thì ra một quả bưởi.
Bọn Triệu Huy kinh hãi, không biết người tung bưởi ở đâu, tung bằng cách nào, mà không một tiếng động. Người này dường như không ác ý với chúng. Bằng không chúng mất mạng rồi.
Trong khi y suy nghĩ, một vật khác lại bay tới trước ngực y. Kình lực làm y ngộp thở. Y vội buông Thanh-Mai, vận sức vào hai chân thực ững, bắt lấy vật đó. Y nhìn lại, thì ra một cái đầu con hoẵng nướng, đã khoét hết thịt.
Bọn Thanh-Mai, Bảo-Hoà nhận ra cái đầu con hoẵng, hồi chiều chị em nàng lóc thịt ăn, rồi chôn ở trong rừng. Cả ba mừng không thể tưởng tượng được, vì biết đây là cao nhân theo bên cạnh mình.
Triệu Huy nói lớn:
— Cao nhân phương nào xin cho được tương kiến.
Không có tiếng trả lời. Xa xa vọng lại tiếng chim đánh ống dài thê lương dưới trăng. Bọn Đinh Toàn, Triệu Anh cùng chạy xung quanh, bới cỏ, vạch cây tìm, mà nào thấy ai?
Triệu Huy đang lo lắng về cao nhân, bị Thanh-Mai đục một quyền trúng vai, đau thấu xương. Y nổi cộc đánh liền ba chưởng như vũ bão. Thanh-Mai đở được hai chưởng, chân tay rũ liệt, nàng ngã ngồi xuống. Triệu Huy túm cổ áo nhắc bổng nàng lên cao.
Y định quật chết, nhưng nghĩ lại mấy chiêu nhập môn vừa rồi của phái Đông-a, khiến y đã choáng váng, thì với một cao thủ y chịu sao nổi? Phái Đông-a người nhiều thế mạnh, đến Tống đế còn kiêng nể. Nếu y giết con gái yêu của chưởng môn, thì dù có cánh bay lên trời cũng không toàn mạng. Nghĩ vậy y bỏ nàng xuống, quát lớn:
__ Trần cô nương chịu thua rồi. Như thế mỗi bên thắng một trận. Vậy trận kết thúc là trận thứ ba. Nào, mời công-chúa Bình-dương xuất thủ dạy dỗ cho nhị sư huynh tôi mấy chiêu.
Giọng nói của y đểu giả vô cùng.
Mỹ-Linh biết mình tuổi còn nhỏ, công lực không được làm bao, muôn ngàn lần không bằng Ngô Tích. Nàng mỉm cười:
— Tôi nghe Ngô đại hiệp nổi tiếng tài kiêm văn võ, được phong tới chiêu-thảo-sứ. Vậy không biết chúng ta đấu văn hay đấu võ.
Vô tình Mỹ-Linh đánh trúng yếu điểm của Ngô. Trong ba sư huynh, sư đệ, thì võ công Ngô kém nhất. Song y tự hào văn chương quán thế, mà rút cục y chỉ được phong chức quan võ. Trong khi Triệu Anh được phong tới lang-trung, Triệu Huy được phong tới an-phủ-sứ là chức tước cả văn lẫn võ. Từ lâu y không nói ra, nhưng vẫn ấm ức trong lòng. Bây giờ Mỹ-Linh thách y đấu văn, thực là dịp y được trổ tài. Y kính cẩn nói:
— Tại hạ xin được hầu tiếp tài nàng Ban, ả Tạ của công-chúa điện hạ.
Trong khi hai người nói truyện, thì Triệu Anh đau đớn khủng khiếp, miệng y rên lên hừ hừ, hai hàm răng đánh vao nhau lộp cộp. Triệu Huy dơ tay lên nói:
— Xin công-chúa nói với quận-chúa Bảo-Hòa trao thuốc giải cho Triệu đại ca. Bằng không, chúng tôi bất chấp luật lệ võ lâm.
Biết không đừng được, Bảo-Hòa móc trong túi ra một viên thuốc, đưa cho Huy:
— Đây là thuốc trừ rắn. Còn thuốc trừ phấn độc, phải dùng châm cứu mà trị. Tôi không biết châm cứu. Trước hết Triệu tam hiệp phải cắt một lỗ nơi vết thương cho máu chảy bớt chất độc ra ngòai. Còn viên thuốc này, thì bỏ vào miệng, vận khí cho mau tan. Khi thuốc tan trong vị, dùng khí dẫn thuốc theo Thủ-thái-âm phế kinh, sau đó lưu chuyển khắp vòng Đại-chu thiên. Trong bẩy lần bẩy là bốn mươi chín ngày không được xử dụng võ công, cũng không được uống rượu, cùng gần đàn bà. Bằng không thì đừng có chê thuốc của tôi không công hiệu.
Triệu Huy trấn ở biên cương đã lâu, y biết Bảo-Hòa nói thực. Trong trận đánh Như-hồng cách đây mấy năm, đã có nhiều người trúng phấn độc, lương y xem xét rồi dùng châm cứu chữa khỏi. Nhưng phấn thì không nguy hiểm trong chốc lát. Đợi sau việc ở đây kiếm thầy châm cứu cũng còn kịp? Y biết phấn độc này để quá mười ngày mới nguy hại. Còn hiện thời, chỉ làm chân tay tê liệt mà thôi.
Triệu Huy nhét viên thuốc trị nọc rắn vào miệng sư huynh. Y lầm con dao nhỏ rách một vết nhỏ trên vết rắn cắn ,máu chảy ra ngoài đầm đìa. Phút chốc mặt Triệu Anh tươi hẳn lên, y không run rẩy nữa.
Ngô Tích hỏi Mỹ-Linh:
— Xin công chúa cho đầu đề.
Mỹ-Linh moi trong bọc ra một bình son, một cái nghiên, sáu cái bút. Nàng đổ son vào nghiên, cầm bút chấm son, viết trên thành cái bể cạn:
Nam-sơn trúc bất tận.
Nét bút hoa dạng, sống động, trong cái nhu, có cái sắc sảo. Cả bọn Triệu Huy đều đã sống cạnh những bậc đại danh Nho triều Tống. Những người hoa tay thực không thiếu, nhưng đa số họ đều già. Ở đây, Mỹ-Linh tuổi bất quá mười sáu, lại là con gái, cho nên bọn Huy đờ người ra.
Mỹ-Linh cười:
— Mấy chữ mèo cào không bõ làm trò cười cho bậc danh sĩ đại Tống. Xin mời Ngô tiên sinh đối cho.
Lúc nghe Mỹ-Linh đòi đấu văn, Ngô Tích tưởng nàng sẽ đem ý nghĩa kinh điển ra thi thố với mình. Nào ngờ nàng lại bắt đấu bút pháp, và bắt thù tụng bằng câu đối. Ngô có trí nhớ, đọc thiên kinh, vạn quyển, nhưng bút pháp y lại rất dở. Đã trót, y đành cầm bút suy nghĩ. Thanh-Mai không cho y suy nghĩ, nàng muốn y chia trí, cười nói:
— Này Ngô đại nhân, coi chừng thua cô em tôi thì phiền lắm đấy. Trước kia Tào Thực bẩy bước thành thơ. Từ nãy đến giờ nếu tôi bước thì đã được bẩy trăm bước, mà Ngô đại nhân chưa xong vế đối ư? Để tôi giảng ý nghiã vế trên của Bình-Dương cho đại nhân nghe. Em tôi đề vế câu đối trên bể cạn nhỏ xíu. Trên bể có vài nhánh trúc. Thế mà em tôi ví với rừng Nam-sơn bên qúi quốc là nơi có hàng vạn mẫu, chuyên trồng trúc để làm bút viết.
Nàng chợt dừng lại, vì không muốn trêu Ngô Tích. Bởi trong ba người cùng bọn, Ngô có vẻ ôn hòa, nghiêm trang, tư thái khác phàm. Sở dĩ nàng với Bảo-Hòa bầy ra cuộc đấu là muốn kéo dài thời gian, đợi viện binh. Nay viện binh chưa tới, mà cuộc đấu kết thúc, dù chị em nàng có thắng, bọn chúng cũng phải giết để phi tang. Vì vậy nàng muốn nói mấy câu mua lấy chút cảm tình của Ngô:
— Cây trúc tượng trưng cho người quân tử. Em tôi muốn ví tiên-sinh giống như trúc rừng Nam-sơn đấy.
Ngô Tích quả bị chia trí. Sự thực y có coi câu đối trên ra gì đâu.Y có thể đối lại bằng cả chục vế khác. Ngặt vì nếu y thắng, thì sư đệ của y sẽ giết ba cô gái này. Y là văn nhân, vốn lãng mạn, đa tình. Y đành chịu nhục, chứ không muốn ba cô gái xinh đẹp thế kia phải chết uổng. Y ném bút nói:
— Tại hạ chịu thua công chúa.
Chị em Thanh-Mai kinh ngạc đã đành, bọn Triệu Huy sững sờ người ra. Y hỏi:
— Nhị ca... việc này...
Ngô Tích nhăn mặt:
— Không hiểu sao hôm nay đầu óc ta lộn xộn qúa, nghĩ không ra.
Y nói với Mỹ-Linh:
— Xin công chúa cho thêm vế nữa.
Mỹ-Linh cầm bút viết thêm:
Đông hải ba vô cùng.
Ngô Tích tấm tắc khen:
— Hay tuyệt, vế này đối với vế trên chan chát: biển Đông sóng không bao giờ hết .Cái bể cạn con con này, mà công chúa ví với biển Đông thì còn gì hay hơn. Khâm phục, khâm phục.
Thanh-Mai, Mỹ-Linh biết Ngô Tích tốt với chị em nàng. Cả hai chắp tay:
— Đa tạ Ngô tiên sinh dạy dỗ.
Ngô Tích nghĩ lại một chút, chợt tìm ra Mỹ-Linh chửi xéo bọn y. Song đã trót. Y biết hai câu trên nàng lấy trong bài biểu đánh Lý Mật đời Đường. Về đời Đường, khi sọan bại biểu kể tội Lý Mật, danh sĩ đã viết rằng:
Quyết Đông hải chi ba lưu ác bất tận,
Khánh Nam-sơn chi trúc thư tội vô cùng.
Nghĩa là: dù lấy hết nước biển Đông rửa cũng không hết tội ác. Dù cắt hết trúc Nam-sơn cũng không chép hết tội ác.
Ngô Tích ngửa mặt lên trời cười, tỏ ý tha thứ. Mỹ-Linh muốn nói một câu cảm ơn y, mà anh em y không hiểu, nàng nói bâng quơ:
— Quân tử thản. đãng đãng
Câu này lấy ý trong Luận-ngữ, nghĩa là người quân tử dù gặp việc bất như ý sự, lúc nào cũng thản nhiên.
Ngô Tích chắp tay tạ Mỹ-Linh:
— Đa tạ công chúa quá khen.
Y nói với Triệu Huy:
— Chúng ta thua hai trận. Tuy nhiên vì việc cơ mật, chúng ta cần giữ ba cô này mấy ngày, rồi sau đó thả ra. Như vậy không làm mất lời hứa, lại không hại gì đến công việc.
Triệu Huy có ý định sau ba trận đấu, dù thua, dù thắng, y cũng giết ba người để phi tang. Nhưng một, y sợ trách nhiệm, trái chỉ dụ Tống đế là không được gây hấn với võ lâm Lĩnh-nam. Hai, y sợ đụng tới phái Đông-a. Y đành tuân lệnh nhị sư huynh. Tuy nhiên y cần dọa Bảo-Hòa:
— Bây giờ ta trói ba cô lại. Nếu trong mấy ngày, không tìm ra thầy châm cứu, ta sẽ giết ba cô chôn chung với đại huynh ta. Như vậy đại huynh có chết cũng đỡ cô độc. Ta nói trước, trong khi đi theo bọn ta, các cô phải tịnh khẩu. Nếu các cô mở miệng, ta quyết không tha.
Y quẳng dây cho An-Hòa trói ba người lại. Sau khi trói bọn Bảo-Hòa, An-Hòa còn lấy khăn lụa cột miệng lại. Y nói sẽ vào tai Triệu Anh:
— Triệu đại nhân. Tôi nghi con nha đầu này có thuốc giải, mà y thị không chịu đưa ra. Bây giờ chúng ta đem phấn độc bắt thị ngửi. Nếu thị có thuốc, ắt phải tự cứu mình. Bằng không thì thị chết chung với đại nhân.
Triệu Anh không ngờ gã họ Đàm lại linh mẫn đến thế. Y lục trong bọc Bảo-Hòa, quả có hộp phấn độc, y lấy chiếc lá múc ra một ít, rồi vung chưởng đánh vào đầu Bảo-Hòa. Bảo-Hòa ngộp thở, nàng ngửa mặt lên trời hít hơi. Đúng lúc đó, y bắn phấn độc vào mặt nàng. Bảo-Hòa vốn tính ngang bướng, nàng biết mình trúng độc, mà vẫn nín thinh không nói một lời. Thanh-Mai thấy mồ hôi nàng vã ra, thì hỏi:
— Quận chúa. Có sao không?
Bảo-Hòa cười nhạt:
— Tôi không sao cả.
Bảo-Hòa nhìn về phía con đừơng dẫn vào đền, tuyệt không thấy bóng viện quân. Nàng nghĩ:
— Lát nữa đây chúng sẽ bắt bọn ta đi. Chi bằng ta để lại dấu vết cho anh ta biết mà tìm.
Nàng giả vờ say thuốc, chân tay run rẩy, trong khi đó dùng ngón tay viết xuống mảnh vườn phía sau mấy chữ vùng Tây-vu.
Từ đầu đến cuối, Quách Qùi không nói, không rằng, bây giờ y mới lên tiếng:
— Sư thúc. Cô này viết chữ để lại cho đồng bọn.
Nói rồi y chỉ vào mấy chữ Bảo-Hòa vừa viết:
— Mấy chữ này có nghiã Em bị bọn Tống bắt, hãy hỏi chim ưng để biết đường.
Triệu Huy lấy chân di vết tích mấy chữ ấy đi. Thanh-Mai chữa thẹn:
— Quách công tử. Tổ tiên Quách công tử quả bền chí thực. Lúc đầu ta lấy làm lạ, tại sao Tống đế sai sứ đòan sang Đại-Việt với một công tác cực mật, mà lại mang một thiếu niên như công tử theo. Thì ra vì công tử biết nói tiếng Việt, và đọc được chữ Khoa-đẩu.
Nàng nói với Bảo-Hòa:
— Xưa kia Quách Quân-Biện bị bắt làm tù binh, y đã dầy công học tiếng Việt, cùng chữ Khoa-đẩu. Y biết rằng quân luật triều Tống rất nghiêm, khi bị giặc bắt, mà không tự tử, lúc được tha về e khó thóat tội bêu đầu. Tống bị thua trận Bạch-Đằng, muốn báo thù ắt phải cần người biết nói, biết viết chữ Việt. Y được tha chết. Y đem chữ Khoa-đẩu dạy con cái. Cho nên Quỳ mới đọc được.
Triệu Huy nói với Đinh Toàn:
— Nào bây giờ chúng ta cùng xuống hầm. Tuy vậy ta cần để Đàm hiệu-úy giữ miệng hầm. Còn ba con cọp cái này, thì phải mang theo. Tôi đi trước, phiền vương gia đi sau coi chừng chúng.
Nhưng chúng chỉ chú ý đến Bảo-Hòa mà quên mất Mỹ-Linh. Nguyên trong phái Mê-linh, các đệ tử đều học văn tự Khoa-đẩu. Thân-mẫu Mỹ-Linh rất giỏi loại văn tự này. Bà đem đạy cho nàng. Trong khi bọn Triệu Huy chú ý đến Bảo-Hòa, thì nàng dựa lưng vào cây chuối, dùng móng tay viết mấy chữ Khoa-đẩu Thiệu-Thái, em với Bảo-Hòa bị nạn. Theo dấu chim ưng tìm bọn em.
Triệu Huy cầm đuốc đi trước. Xuống bẩy bậc thềm thì vào hẳn trong hang động. Hang rộng khỏang mười bước, hình bát giác, mỗi cạnh lại có một cửa ngách. Giữa là bốn tảng đá đặt song song nhau, hình dạng như cái ghế. Triệu Huy cầm đuốc soi vào mấy cái ghế, thấy không có gì lạ, y lại soi tới tám tấm vách đá. Tấm thứ nhất khắc hình cái búa. Bên dưới chằng chịt những chữ. Y không hiểu chữ gì. Y hỏi Đinh Toàn:
— Phải chăng đây là chữ Giao-chỉ?
Đinh Toàn lắc đầu:
— Giao-chỉ không có chữ, từ hơn nghìn năm nay đều dùng chữ Hán như Trung-quốc.
Khi vào đến miệng hầm, Bảo-Hòa đã biết các bia đều chép bằng chữ Khoa-đẩu. Nàng lờ đi như không chú ý tới. Nàng biết Đinh Tòan cũng học chữ Khoa-đẩu như nàng. Có lẽ Tòan không muốn bọn Tống ăn cắp học thuật Lĩnh-nam, y chối cho qua.
Triệu Anh hỏi Quách Quỳ:
— Đồ đệ, người có đọc được chữ này không?
Quách Quỳ liếc qua, y đã biết rất tường tận các tấm bia đều chép bằng văn tự Khoa-đẩu. Tính láu cá nổi dậy, y nghĩ:
— Sư phụ có dạy ta cả đời, thì bất quá võ công cũng bằng người mà thôi. Võ công của Thiếu-lâm muôn ngàn lần không thể so với võ công trong bộ Lĩnh-nam vũ kinh. Chi bằng mình làm bộ không biết, rồi âm thầm chép lấy, đem về luyện tập. Chỉ mấy năm, bản lĩnh mình thành vô địch, bấy giờ sư phụ có khám phá ra, cũng chẳng làm gì nổi mình.
Quỳ làm bộ nhăn mặt, coi đi, coi lại rồi nói:
— Cứ trăm chữ, đệ tử mới đọc được một chữ, thành ra không hiểu gì cả. Mong sư phụ tha tội.
Soi sang tấm thứ nhì, có khắc hình một đứa trẻ cỡi ngựa, tay cầm gậy, con ngựa phun ra những tia lửa dài. Dưới cũng khắc chữ cổ. Tấm thứ ba vẽ một cái xe, bắn ra nhiều mũi tên. Tấm thứ tư vẽ hình con trâu mập. Trên lưng trâu, một người cỡi trong tư thế đánh xuống đầu trâu. Tấm thứ năm vẽ một con sông, cạnh năm ngọn núi. Tấm thứ sáu, vẽ hình tám con vật: khỉ, ong, rắn, voi, chó, ưng, beo, cọp.
Triệu Huy muốn ngộp thở. Y soi tới tấm thứ bẩy có hình con rồng bay lượn. Tấm thứ tám vẽ hình con phượng. Y rút kiếm trao cho Triệu Anh:
— Đại ca hãy cầm thanh kiếm này, đề phòng. Nếu ba cô nương đây có dở chứng thì giết không tha.
Y cầm đuốc cùng Đinh Toàn đi vào đường hầm thứ nhất, cạnh tấm bia vẽ hình đứa trẻ chăn trâu. Đường hầm hẹp khoảng một người đi lọt. Hai bên có nhiều tấm bia. Trên bia khắc chi chít những chữ quái dị cùng đồ hình võ công. Tất cả có ba mươi sáu đồ hình khác nhau. Y quay lại các tấm bia phía sau cũng có ba mươi sáu đồ hình nữa. Y suy nghĩ:
—Đây là võ công gì mà có tới 72 chiêu.
Y hỏi Đinh Toàn:
— Vương gia. Vương gia có biết trong các kho võ công Lĩnh-nam, pho nào có 72 chiêu không?
— Có, đó là kiếm pháp Long-biên. Trong 72 chiêu biến hóa thành âm, dương, hóa ra 144 chiêu... rồi biến thành tới mấy trăm ngàn chiêu theo Bát-quái.
Triệu Huy lẳc đầu:
— Lạ một điều, nếu là kiếm pháp, thì sao đây lại khắc hình chưởng pháp?
Quách Quỳ theo sát chân sư thúc. Nó đọc qua biết trên bia chép Phục-ngưu thần chưởng. Phía trước chép ba mươi sáu chiêu dương. Phía sau chép ba mươi sáu chiêu âm.
Y lui trở ra, theo phía sau tấm bia khắc hình con rồng, thì thấy vẽ những chiêu thức kiếm thuật. Y chán nản lui trở lại, thuật cho Triệu Anh, Ngô Tích nghe. Tuy Anh bị trúng độc, song nhờ công lực mạnh, đầu óc cũng không đến nỗi mê man.
Hai người nhìn Đinh Toàn. Toàn cũng đang vò đầu, vò óc nghĩ không ra.
Đinh Toàn chợt chỉ vào một cái bia nhỏ, ngay cửa đường hầm đi xuống:
— Bia chữ Hán.
Huy, Tích cùng Đinh chạy lại. Một tấm bia nhỏ trên khắc chữ Hán, nét khắc rất thanh tao. Y lấy vạt áo lau bụi, đọc:
Ta vốn sinh, lớn lên trong ở Thục, trong gia đinh võ lâm. Thân phụ ta cùng sáu đồng môn kết thành Thiên-sơn thất hùng. Nhân thời thế lọan lạc, bẩy người rút gươm khởi nghĩa cưú dân, mưu lập nước Nghiêu-Thuấn. Nào ngờ trời không chiều người, sự nghiệp chỉ được vài chục năm rồi tan vỡ.
Quách Quỳ học sử Lĩnh-nam rất kỹ, y nói:
— Sư thúc, đúng rồi. Người khắc bia này họ Vương tên Sa-Giang, gốc đất Thục. Bà ta nổi tiếng hoa khôi thời Đông-Hán. Cha của bà tên Vương Nguyên,làm thừa tướng cho Ngỗi-Hiêu. Khi Thục bị Hán diệt, y còn kháng chiến mấy năm mới bị diệt. Triệu-Huy đọc tiếp:
Nhân Thục liên kết với Lĩnh-nam, ta găp đấng quân tử Đào Nhị-Gia,kết thành phu phụ. Từ lúc gặp nhau, chúng ta như đôi chim liền cánh. Chàng sủng ái ta cùng cực, tình nghiã như nước, tưởng không bao giờ hết. Ta theo chàng chinh chiến, khi thì Trường-an, khi thì Động-đình, khi thì Nam-hải.
Niên hiệu vua Trưng thứ ba, vua Bà cùng triều đình bị Lê Đạo-Sinh phục binh, dùng muôn nghìn mũi tên sát hại. Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng vương phi là tể tướng Lĩnh-nam, muốn đánh một trận cho thỏa lòng rồi chết. Ngặt vì còn con nhỏ, ra đi không đành. Vương là sư huynh của Nhị-Gia. Vương ủy thác hai con là Tử-Khâm cùng Tường-Qui cho trượng phu với ta. Chúng ta vì thế không được tuẫn quốc với người.
Quách Quỳ giảng:
— Đào Nhị-Gia hồi còn bé có tên Sún-Rỗ, học trò Đào Thế-Kiệt. Nhị gia là một đại tướng khét tiếng với đội Thần-ưng.
Triệu Huy mừng quá, muốn đứng tim:
Ngày mười lăm tháng tám. Vương phi hộ tống vợ chồng chúng ta ra khỏi vòng vây Long-biên, dặn ta đem hai con vào Cửu-chân, chịu nhục, ẩn thân nuôi dạy dùm người. Vương còn trao bộ « Lĩnh-Nam vũ kinh » cùng bộ « Dụng binh yếu chỉ » cho trượng phu ta, vì sợ học thuật Lĩnh-nam mai một.
Nay Tử-Khâm, Tường-Qui đều thành người, văn tài lỗi lạc, võ công vô địch. Trong khi đó, tuổi chúng ta đã trên năm mươi. Ta bàn với trượng phu cần khắc tất cả bộ Lĩnh-nam võ-kinh với bộ Dụng-binh yếu-chỉ, rồi chôn một chỗ. Để khỏi làm mất đi biết bao tâm huyết của tiền nhân. Nhân tìm được bãi đất này, chúng ta khắc để lại. Ta tự biết, chôn đâu rồi cũng có thể bị đào lên. Chúng ta mới nghĩ được một kế: các tham quan Hán sang Lĩnh-nam cai trị. Muốn yên thân, họ luôn tự xưng sang giáo hóa man dân. Họ bắt thờ Nhâm Diên, Tích Quang, để dân chúng dễ qui phục họ. Vì vậy nơi thờ Nhâm, Tích không bao giờ người Hán dám động đến. Nhân đó chúng ta bỏ tiền xây đền thờ trên động đá này là ý nghĩa đó.
Đương thời ta được tôn làm « Cầm tiên, tiêu thần ». Sợ rằng sau khi chết đi, nghệ thuật không còn, ta cũng khắc bia để lại. Kẻ hậu thế có duyên thì tìm được mà học, dưới suối vàng, ta cũng đỡ ân hận.
Khắc ngày lành, tháng Giêng niên hiệu Lĩnh-nam thứ ba mươi.
Vương Sa-Giang.
Triệu Huy nói với Đinh Toàn:
— Vương gia, quả thực kho tàng học thuật Lĩnh-nam đây rồi. Nhưng tất cả lại chép bằng chữ Lĩnh-nam, đến vương gia cũng không biết, thì ai đọc được bây giờ?
Thình lình Ngô Tích à lên một tiếng:
— Ta hiểu rồi.
Triệu Huy hỏi:
— Hiểu cái gì?
— Hiểu nội dung mấy tấm bia này. Thời Lĩnh-nam, có bẩy phái võ và nhóm Tây-vu là tám. Đây là tám cái bia chép lại di thư tám phái. Bia khắc đứa trẻ cỡi ngựa kia chắc là chép võ công phái Sài-Sơn. Vì tổ sư phái này là Phù-Đổng thiên-vương. Bia khắc xe chở máy bắn tên kia chắc là chép võ công phái Hoa-Lư. Còn mấy bia kia, sư đệ thử đoán xem thuộc phái nào.
Quách Quỳ biết nếu mình chối tuột không biết chữ Khoa-đẩu, e sư phụ nghi ngờ. Y làm bộ đọc được vài chữ:
— Sư phụ. Tấm bia khắc cái búa, chép võ công phái Cửu-chân.
Y làm bộ nghẹo đầu, nghẹo cổ một lúc rồi nói:
— Bia có hình đứa trẻ cỡi trâu chép võ công phái Tản-viên.
Triệu Huy đoán già:
— Tấm bia khắc hình con rồng chắc là chép võ công phái Long-biên. Còn bia khắc hình tám con vật kia, tượng trưng cho tám đội binh thú rừng thời Lĩnh-nam của Tây-vu, hẳn là chép võ công Tây-vu.
Ngô Tích chỉ vào hai tấm bia còn lại:
— Tấm bia khắc con phụng, chắc ghi võ công phái Quế-lâm. Tấm còn lại khắc hình năm ngọn núi hẳn là chép võ công phái Khúc-giang.
Hơn ngàn năm trước, khi vua Trưng ra lệnh chép học thuật Lĩnh-nam để lại, thì Khúc-giang ngũ hùng đã qua đời, vì vậy học thuật phái Khúc-giang thất truyền. Tấm bia khắc năm ngọn núi chính là nơi chép bộ Lĩnh-nam dụng binh yếu chỉ. Còn bia khắc con phụng, chép võ công phái Thiên-sơn, cùng nghệ thuật đàn, tiêu của Sa-Giang. Ngô Tích tuy thông minh, mà đóan cũng không ra.
Lúc ở trên sân đền, Bảo-Hòa viết mấy chữ Khoa-đẩu, bị Quách Quỳ khám phá ra. Từ khi xuống hầm thấy những tấm bia khắc chữ Khoa-đẩu, Quách Quỳ giả bộ không hiểu hết... nàng biết trước sau gì bọn Triệu Huy cũng bắt nàng dịch sang Hán-văn cho chúng. Vì vậy nàng giả bộ trúng độc, nằm thiêm thiếp ngủ. Tuy nhiên vẫn lắng tai nghe ngóng động tĩnh. Quả nhiên Triệu Huy trở lại chỗ ba chị em nàng ngồi, gọi:
— Này quận chúa Bảo-Hòa. Chữ Khoa-đẩu là chữ cổ xưa của Lĩnh-nam. Cô nương biết viết, tất biết đọc. Phiền cô nương dịch sang Hán-văn dùm tại hạ. Tại hạ cam đoan sẽ đem cô nương trở về Lạng-châu an toàn.
Thanh-Mai đỡ lời Bảo-Hòa:
— Quận chúa bị các vị phun phấn độc, hiện đang mê man. Xin các vị chữa cho quận chúa trước, rồi hãy bàn đến dịch võ kinh. Tôi nói cho các vị biết, chữ Khoa-đẩu hiện chỉ còn hai người đủ khả năng đọc được. Một là sư phụ của Bảo-Hòa. Hai là Bảo-Hoà. Sư phụ Bảo-Hòa dường như qui tiên rồi thì phải. Các vị mau chữa cho Bảo-Hòa ngay mới kịp.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét