HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN
Trên cánh đồng Tương
Trên cánh đồng Tương
Trước đây Khai-Quốc vương nghe sư phụ Huệ-Sinh không tiếc lời khen đại hiệp Tự-An về tài dạy dỗ đệ tử. Bảy đệ tử của ông đều là những quái kiệt trong giới võ lâm. Ngoài bản lĩnh cao thâm ra, họ đều có biệt tài về một bộ môn văn hóa. Khi cầm quyền trấn nhậm Nam-thùy Đại-Việt, tiếp xúc với Ngô An-Ngữ, Vương tìm thấy ngay Ngữ có tài dùng binh, mà hiện trong triều chỉ có phụ hoàng hơn được.
Tuy biết võ công Ngô cao thâm, dùng binh giỏi. Nhưng Ngô xuất thân phái Đông-a. Mà bấy giờ phái Đông-a đang chống triều đình, vì vậy tuy yêu tài Ngô, vương cũng chỉ có thể trao cho cầm một trong mười đạo quân Thiên-tử-binh. Sau vụ phụ hoàng cùng Khai-Thiên vương tập kích Trường-yên, bị Ngô An-Ngữ bắt sống tướng Mai Hựu chỉ huy quân của Khai-Thiên vương. Bấy giờ Vương mới có cớ thăng Ngô-an-Ngữ lên chức quản Khu-mật viện Nam-thùy, một chức vụ lớn hơn Tiết độ sứ. Hơn nữa, chức vụ tín cẩn.
Sau chính nhờ An-Ngữ, vương biết thêm Đoàn Thông, viên đô đốc chỉ huy hạm đội Thăng-long. Vương nghiên cứu lại hoạn đồ Đoàn Thông, thấy y gặp gian nan vì trực tính, không thuận theo ý Dực-Thánh vương. Vương truyền gọi Thông đến yết kiến, an ủi rồi thăng lên một lúc hai bậc, trao cho thống lĩnh ba hạm đội Âu-Cơ, Bạch-Đằng, Gia-Hưng.Tuy biết võ công Ngô cao thâm, dùng binh giỏi. Nhưng Ngô xuất thân phái Đông-a. Mà bấy giờ phái Đông-a đang chống triều đình, vì vậy tuy yêu tài Ngô, vương cũng chỉ có thể trao cho cầm một trong mười đạo quân Thiên-tử-binh. Sau vụ phụ hoàng cùng Khai-Thiên vương tập kích Trường-yên, bị Ngô An-Ngữ bắt sống tướng Mai Hựu chỉ huy quân của Khai-Thiên vương. Bấy giờ Vương mới có cớ thăng Ngô-an-Ngữ lên chức quản Khu-mật viện Nam-thùy, một chức vụ lớn hơn Tiết độ sứ. Hơn nữa, chức vụ tín cẩn.
Giờ đây, vương mới được gặp đại đệ tử Trần Phụ-Quốc trong một chức võ quan không nhỏ của Tống. Chỉ tiếp xúc sơ sài, vương thấy ở Quốc một người yêu nước nhiệt thành, một thái độ ngang tàng, hơn nữa một thi nhân lãng mạn.
Sáng hôm sau thuyền đi vào địa phận Trường-sa. Hai lão Tôn, Lê lại trở về thuyền của Phụ-Quốc. Vương với Vương-phi đang dùng điểm tâm. Hai lão đưa lời vấn an rồi hỏi:
_ Vương gia! Năm thị vệ sai đi hôm qua, cho đến giờ phút này vẫn không có tin tức gì. Với con mắt thần của Vương-gia, Vương-gia thử đoán xem tình trạng họ ra sao?
Khai-Quốc vương biết hai lão nghi ngờ mình, Vương tảng lờ:
_ Năm vị thị vệ đó võ công cực kỳ cao thâm, không dễ gì có người hại được họ. Theo cô-gia, trong khi đuổi theo bọn thiếu niên kia, họ đã gặp việc gì quan trọng, rồi theo dõi, nên không về phục lệnh nhị vị Quốc-công chăng.
Lão Lê lắc đầu, rồi hỏi Vương Văn:
_ Vương tướng quân. Tướng quân có nghe biết vụ án hơn trăm người bị giết chết trong thành Hành-nam chứ?
_ Trình quốc công có. Tất cả nạn nhân đều thuộc bang Nhật-hồ Hành-nam. Quan Kinh-lược an phủ sứ cùng Chuyển-vận sứ thân đến nơi điều tra. Số người chết gồm một trăm mười hai người. Họ đều chết vì chưởng lực chính đại quang minh. Một người trong bọn họ bị thương nặng, còn sống sót cho biết hung thủ chỉ có hai người. Một người là nhà sư, một người là đàn bà. Chúng ra tay cực tàn bạo. Giết người xong, chúng còn viết lên tường câu Tru diệt bọn Nhật-hồ.
Lão Lê đưa mắt nhìn Thanh-Mai:
_ Những người không biết võ công Lĩnh-Nam, đều cho rằng hung thủ thuộc phái Thiếu-lâm. Nhưng theo lão phu, hai người đó tinh thâm võ công phái Đông-a, Sài-sơn, Tản-viên. Người xử dụng võ công Sài-sơn, dùng nội lực Đông-a thực tàn bạo. Mỗi chiêu đánh trúng người nào, người ấy bị nát nhừ tạng phủ. Trong khi cơ thể nguyên vẹn. Vương phi! Những người như thế, thực không hai. Lão phu nghe nói huynh trưởng của Vương-phi luyện nội lực Đông-a tới chỗ cao thâm khôn lường. Người lại học được Thiên-vương mật dụ, nên luyện thành võ công Sài-sơn. Như vậy...
Y cười cay đắng:
_ Phải chăng hung thủ là quý trưởng huynh?
Thanh-Mai khâm phục kiến thức lão Lê nàng nghĩ thầm:
_ Nếu mình chối, sau nảy ra sự thực, ắt hai con ma này khinh thường mình. Mình phải nói nước đôi mới được.
Nàng cười:
_ Quốc công thực xứng đáng là người tổng trấn Nam-thùy Đại-Tống, không việc gì trên đất Việt mà Quốc-công không biết. Nhưng Quốc-công ơi, huynh trưởng của tôi đã hoàn tục lâu rồi, đâu còn làm sư nữa. Người hành hiệp nay đây mai đó khó có thể biết người ở đâu. Nếu sự thực hơn trăm người đó bị huynh trưởng của tôi giết, chắc chắn Tống triều hài lòng lắm. Bởi mấy chục năm nay Tống triều hằng truy nã bang chúng Nhật-hồ khắp nơi mà. Lão Tôn nghiến răng:
_ Tôi nghi chín kị mã hôm rồi đón đường sứ đoàn, dụ cho năm thị vệ đuổi theo cũng do thiếu hiệp Trần Thông-Mai chứ không sai. Đây thuộc điạ phận Trường-sa, lão phu chịu thua y, chứ y mà đến Biện-kinh, lão phu cam đoan chỉ ba ngày sẽ gô cổ y lại.
Thân Thiệu-Thái hỏi:
_ Vãn bối nghĩ hai vị tước tới Công. Quan cao cực phẩm, khi nghe thấy những kẻ thù của triều đình bị giết ắt vui mừng lắm, chứ có đâu lại giận dữ? Tỷ như thiếu hiệp Thông-Mai có giết bọn bang Nhật-hồ, vãn bối nghĩ Quốc-công phải tấu về triều ban thưởng cho người chứ? Còn chín thiếu niên trêu chọc các thị vệ đại nhân, vãn bối cho rằng không phải Trần thiếu hiệp.
_ Tại sao?
Lão Tôn hỏi.
_ Chín người đó võ công rất cao cường. Họ xử dụng võ công Trung-quốc. Hơn nữa họ đều là người Hán, đã trúng cách sơ tuyển, đang trên đường về kinh hy vọng thành Phò-mã. Thiếu-hiệp Thông-Mai làm sao sai khiến được họ?
Mặt trời đã lên cao, viên thuyền trưởng hành lễ với Vương Văn:
_ Thưa tướng quân, hôm qua tướng quân có lệnh khi thuyền đi vào cánh đồng Tương phải báo cho tướng quân biết. Cánh đồng Tương có ba. Bây giờ thuyền vào tới khu thứ nhất rồi. Xin trình để tướng quân rõ.
Vương Văn hỏi hai lão Tôn, Lê:
_ Khai-Quốc vương muốn viếng thăm di tích cánh đồng Tương, hồ Động-đình nơi phát tích ra hai vị Quốc-mẫu tộc Việt. Không biết hai Quốc-công định thế nào?
Phẫn hận vì vụ đám bang chúng Nhật-hồ bị giết, thêm vào mối lo lắng năm trưởng lão của mình đuổi theo đám thiếu niên mất tích. Hai lão Tôn, Lê trút hận lên đầu sứ đoàn. Hai lão thấy rằng suốt hơn năm mươi năm qua, bóng vía chúng đến đâu, thiên hạ đều kinh hãi. Thế nhưng mấy hôm nay, dường như có một thế lực vô hình nào đó vừa có tính chất đe dọa vừa có tính chất khinh khi hai lão. Hai lão cho rằng trên thế gian chỉ Khai-Quốc vương mới có khả năng làm truyện đó. Hai lão nghĩ thầm:
_ Tất cả những gì xẩy ra, có thể tên Long-Bồ chuẩn bị trước. Vậy muốn phá hỏng kế hoạch của y, ta cứ làm ngược lại những gì y đề nghị.
Nghĩ vậy lão Tôn nói:
_ Sau vụ năm thị vệ biệt tăm. An ninh của sứ đoàn bị đe doạ. Chúng ta cứ vượt Tương-giang vào hồ Động-đình, ra Trường-giang. Sang Kinh-châu sẽ liệu, chẳng nên vào Tương-đài làm gì.
Lão ngừng lại một lát, rồi nói:
_ Tương truyền khi Quốc-tổ phong cho một trăm con đi các nơi qui dân lập ấp, người có hẹn rằng : Mỗi năm các hoàng tử phải về cánh đồng Tương hội họp một lần. Chỗ hội họp đắp nhiều đài, gọi là khu Tương-đài. Hồi ấy, cánh đồng Tương gồm trọn vẹn lưu vực sông Tương từ hồ Động-đình tới chân núi Tương-Nam. Sau này dân chúng đến cư ngụ ngày một đông, thành ra bây giờ còn ba khu. Khu này gọi là Tương-Nam. Tới Trường-sa còn khu nữa gọi là Tương-trung và khu tiếp giáp hồ Động-đình là Tương-âu. Nơi mà các hoàng tử hội họp là Tương-âu chứ không phải Tương-nam, Tương-trung.
Thiệu-Thái ngơ ngác hỏi Mỹ-Linh:
_ Mỹ-Linh à, anh nghe bà vú kể: Quốc-tổ Lạc-Long quân lấy Quốc-mẫu Âu-Cơ, đẻ ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai. Sau đó Quốc-tổ nói với Quốc-mẫu rằng : Ta là loài rồng, nàng là tiên không thể ở với nhau được. Nay ta đem nămn mươi con xuống biển. Nàng đem năm mươi con lên núi. Rồi truyền ngôi cho người con cả. Sao nay Lê quốc công lại nói phong cho trăm con, mỗi người đi một nơi qui dân lập ấp?
Câu hỏi của Thiệu-Thái làm mọi người bật cười. Mỹ-Linh chưa kịp trả lời, lão Tôn nói mỉa:
_ Giáo chủ Lạc-Long giáo, mà lịch sử về Lạc-Long quân còn không thông, thì còn mong mỏi gì?
Thanh-Mai đáp thay Thiệu-Thái:
_ Biết những chi tiết nhỏ trong lịch sử, nhưng lòng lang dạ thú như Nhật-Hồ lão nhân thì ích gì? Lạc-Long giáo lấy tinh thần tộc Việt làm chủ đạo. Chính cái tinh thần đó mới quan hệ. Ví như Thiên-Thánh hoàng đế, vốn là con cháu họ Triệu. Nhưng liệu có biết hết chi tiết nhỏ nhặt về Tống thái tổ không?
Nàng giảng cho Thiệu-Thái:
_ Tộc Việt mình có hai loại sử là chính sử và huyền sử. Ví như Cao-cảnh hầu Cao Nỗ chế ra nỏ thần, bắn liên tiễn. Dân chúng huyền thoại rằng vua An-Dương được thần cho móng rùa, làm nẫy bắn một lúc ngàn mũi tên. Đức thánh Gióng dùng Thiên-vương chưởng, rồi dùng kế đốt quân Ân. Dân chúng huyền thoại rằng ngựa sắt của ngài phun ra lửa.
Nàng nhấn mạnh từng tiếng:
_ Câu truyện về Quốc-tổ, Quốc-mẫu đẻ ra bọc trăm trứng chỉ là huyền sử. Nguyên Quốc-mẫu là công chúa con vua Đế-Lai, lâu ngày sử không ghi được tên thực. Nhân khi thành hôn, hai ngài ngao du trên cánh đồng Tương, cùng núi Tam-sơn. Vùng này có rất nhiều chim Âu, bởi vậy mới gọi Quốc-mẫu là Âu-Cơ. Âu tức chim âu. Cơ là người vợ. Khi nói đến chim Âu đẻ, đương nhiên sẽ đẻ ra trứng. Thế thôi. Huyền thoại vốn do người dân truyền tụng, sức tưởng tượng của họ cũng thực tế như thế đó.
Nàng nhìn lão Lê:
_ Sự thực Quốc-tổ cùng Quốc-mẫu vẫn ở vùng hồ Động-đình. Trong khi con trưởng làm vua, đóng đô ở Phong-châu, gần Mê-linh bây giờ. Còn các con, ngài phong cho mỗi vị làm vua một vùng. Vùng đó bao gồm từ Ngũ-lĩnh về Nam tới Chân-lạp, Tây tới Xiêm-la. Cho nên sử Hoa-Việt gọi tộc Việt bằng danh xưng Bách-Việt...
Thình lình tiếng nhạc du dương, trầm bổng từ xa vọng lại, làm Thanh-Mai phải ngừng nói. Mọi người hướng theo tiếng nhạc, tìm xem phát ra từ đâu.
Trên con thuyền nhỏ dài khoảng hai trượng, một cánh buồm lớn no gió phồng lên. Giữa cánh buồm vẽ con chim âu vỗ cánh dưới ánh nắng mặt trời. Một thiếu niên ngả mình trên chiếc ghế theo tư thức nửa nằm nửa ngồi, mặt quay về trước, hai chân đạp lên hai sợi dây. Hai sợi dây này nối với cánh buồm. Tay thiếu niên ôm cây đàn độc huyền cầm (đàn bầu), bật lên những âm thanh dài dặc vang đi rất xa. Trong khi y dùng chân điều khiển buồm.
Lão Tôn kinh ngạc:
_ Âm thanh phát ra rõ ràng có tiếng trống, tiếng phách, tiếng tiêu cùng tiếng đàn. Trong khi trên thuyền chỉ có mình thiếu niên tấu đàn. Vậy những nhạc khí kia do ai xử dụng?
Con thuyền phăng phăng chạy rất mau. Thế nhưng tiếng nhạc vẫn dìu dặt lên bổng, xuống trầm, véo von vọng đi rất xa. Thoáng một cái, thuyền của thiếu niên đã chạy ngang với thuyền Vương Văn. Y chú tâm vào tiếng đàn, mắt nhìn trời, không biết đến trên chiến thuyền có nhiều binh lính, gươm đao sáng lòe.
Lão Lê cất tiếng khen:
_ Tuyệt vời! Thực tuyệt vời. Thiếu niên vừa dùng chân điều khiển thuyền, vừa tấu nhạc, mà âm điệu không bị lạc. Khó kiếm được người giỏi thủy tính hơn y.
Lão cất tiếng gọi:
_ Bạn trẻ. Bạn trẻ hãy ngừng lại cho lão phu hỏi đôi lời.
Con thuyền nhỏ vẫn phăng phăng trôi, tiếng nhạc đổi sang nhẹ nhàng như tơ trời.
Lão Tôn hỏi Mỹ-Linh:
_ Công chúa! Công chúa giỏi âm nhạc. Công chúa có biết tại sao trước mặt chúng ta chỉ thấy một thiếu niên tấu đàn, mà có đến bốn âm thanh khác nhau? Vậy tiếng trống, tiếng tiêu, tiếng phách từ đâu mà có?
Mỹ-Linh ở Hoàng-cung được nghe tấu đủ thứ âm nhạc, nàng lại tinh thông hết các nhạc khí. Hồi ở trong Vạn-thảo sơn trang, nàng được Thiếu-Mai, Lê Văn giảng giải cho nghe hầu hết các tinh hoa âm nhạc Lĩnh-Nam. Vì vậy khi nghe tiếng nhạc từ con thuyền nhỏ phát ra, nàng đã phân biệt đươc.
Nghe lão Tôn hỏi, nàng mỉm cười đáp:
_ Tôn tiên sinh thử vãn bối làm gì. Tiên sinh ơi, tiên sinh hãy nhìn xem. Kìa tấm ván phía trước con thuyền có lỗ thủng. Lỗ thủng đó được trám bằng miếng da trâu. Thiếu niên dùng chân điều khiển cánh buồm, khiến con thuyền khi phải, khi trái, bị sóng đánh vào, bật ra những tiếng kêu như tiếng trống, chứ có gì lạ đâu.
Chính Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thiệu-Thái cùng mọi người cũng đang thắc mắc như lão Tôn. Khi nghe Mỹ-Linh giảng, mới bật ra tiếng kinh ngạc. Mọi người đều nghĩ như nhau:
_ Nằm dài, dùng chân điều khiển cánh buồm, lái thuyền. Trong khi tay tấu đàn bầu đã cực khó. Đây thiếu niên này còn điều khiển cho sóng vỗ vào ngực con thuyền thành tiếng trống theo nhịp điệu mới thực là tuyệt.
Thanh-Mai hỏi:
_ Thế còn tiếng tiêu, tiếng phách?
Mỹ-Linh chỉ lên cánh buồm:
_ Kia, trên đỉnh cột buồm có mấy ống trúc. Y điều khiển thuyền cho gió lọt vào ống trúc phát ra âm thanh như tiếng tiêu. Còn tiếng phách ư? Kìa ngón chân y đạp vào cái cần. Đầu cần có cục đồng. Cục đồng gõ vào phách, thành nhịp.
Mọi người giật mình nhìn lại, quả đúng như Mỹ-Linh nói.
Thiếu niên ngửa mặt nhìn lên chiến thuyền, miệng mỉm cười. Y cất nói tiếng bằng giọng Trường-sa:
_ Hàn sĩ này vốn nghèo, làm nghề tấu nhạc trên bến Tương-giang độ nhật. Hơn tháng trời thiếu tiền, ăn toàn rau, xót ruột lắm rồi. Nay thấy các quan gia qua Tương-giang, mạo muội tấu mấy khúc. Nếu lọt tai, xin cho ít tiền mua thịt lợn ăn.
Khi y nói đến tiếng »trư nhục», đưa mắt nhìn Thiệu-Thái méo miệng một cái. Trong khi nói, tiếng nhạc vẫn phát ra đều đều.
Mỹ-Linh móc trong bọc ra một đĩnh bạc, hai tay trịnh trọng đưa lên ngang mày rồi ném qua thuyền thiếu niên:
_ Xin tạ tài Trương Chi.
Thiếu niên xòe tay bắt lấy đĩnh bạc, thủ pháp nhanh tuyệt vời, tiếng nhạc không bị đứt đoạn.
Thiếu niên đã tấu hết bản nhạc. Y co chân một cái, cánh buồm thu nhỏ lại. Con thuyền trôi song song với chiến thuyền. Y nói vọng sang:
_ Tiểu sinh nghe nói, hôm nay có sứ đoàn Đại-Việt qua đây, nên chờ đợi tấu nhạc kiếm tiền. Người ta đồn trong sứ đoàn có công chúa Bình-Dương sắc nước hương trời, đẹp hơn Tây-Thi, Dương-phi. Nay mới thấy lời đồn không đúng sự thực.
Mỹ-Linh cười:
_ Chắc anh thấy tôi xấu như con ma, con quỷ phải không?
_ Bậy nào! Tôi thấy lời đồn thực vô phép. Tây-Thi, Dương-Phi chỉ đẹp thôi, chứ vô hạnh, bất tài. Còn công chúa vừa đẹp, vừa thông thái, vừa ôn nhu, đức độ. E khắp thế gian không có hai.
Lão Tôn hỏi:
_ Này huynh đệ, người thiếu tiền, được công chúa ban thưởng, rồi nịnh công chúa phải không? Tại sao người biết công chúa thông thái, ôn nhu, đức độ?
_ Ông cụ ơi! Ông cụ khinh người quá vậy? Này nhé, các ông trên dưới bẩy mươi tuổi, mà không hiểu hết những nhạc khí tôi xử dụng. Duy công chúa nhận ra. Có phải công chúa thông thái không? Tôi nói một câu nước đôi, ngụ ý chê công chúa xấu. Thế mà công chúa không giận, còn cười với tôi. Như vậy có phải là ôn nhu không? Công chúa ban thưởng cho tôi, hai tay trịnh trọng cầm nén bạc tung sang. Như vậy có phải là đức độ không?
Y nói với Mỹ-Linh:
_ Công chúa là người Việt, ắt thích bản Động-đình ca của Trương Chi chứ? Tiểu sinh xin tấu hầu công chúa. Nếu hay xin ban thưởng.
Không đợi Mỹ-Linh trả lời, thiếu niên rút thanh kiếm bên cạnh, tay cầm cái cần có lông ngựa căng thẳng. Y cọ cái cần vào thanh kiếm. Một âm thanh vọng ra như tiếng nhị (đàn cò). Trong khi đó chân y điều khiển buồm, tiếng tiêu, tiếng trống tiếng phách vang lên.
Động-đình ca là bản nhạc tối cổ của tộc Việt, nội dung ca tụng Quốc-tổ, Quốc-mẫu phong đất cho trăm con, qui dân lập ấp thành lập tộc Việt. Suốt mấy nghìn năm được dùng làm bản nhạc tế Quốc-tổ. Đến thời Lĩnh-Nam, anh hùng Nguyễn Tam-Trinh nhuận sắc lại, thành bản nhạc thiết triều của vua Trưng. Chư tướng dùng làm nhạc xuất quân. Sau thời Lĩnh-Nam, tộc Việt lại chỉ dùng để tế Quốc-tổ vào ngày mười tháng ba. Từ Khai-Quốc vương cho tới Thiệu-Thái đã từng nghe nhiều lần. Những lần đó, phường bát âm cùng tấu. Nhưng lần này bản nhạc được tấu lên giữa cánh đồng Tương, nơi mà mấy nghìn năm trước tổ tiên hàng năm hội ở đây. Vì vậy mọi người đều ngồi nghiêm trang, sửa sang quần áo cho ngay thẳng, im lặng lắng nghe.
Thiếu niên vừa tấu nhạc, miệng cất tiếng ca. Giọng của y thực tốt, vang đi rất xa. Khi đến câu cuối cùng Đời đời chính khí Tiên-Rồng y lập đi lập lại ba lần, rồi co chân lại. Cánh buồm thu nhỏ, gió không căng, con thuyền bớt sóng, tiếng tiêu, tiếng trống dứt cùng tiếng phách và tiếng nhị kiếm.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Khai-Quốc vương nhìn Vương-phi, Mỹ-Linh. Cả ba mỉm cười với nhau. Thiệu-Thái móc đĩnh vàng trong bọc đưa ra trước ngực, rồi trịnh trọng tung sang tặng thiếu niên. Thiếu niên phẩy tay một cái, nén vàng rơi tọt vào túi y. Y nói vọng sang:
_ Đa tạ giáo chủ ban vàng. Giá giáo chủ có thịt lợn, cho xin một miếng thì quý quá.
Thiệu-Thái kinh ngạc tại sao thiếu niên lại biết tên húy lợn của mình? Chàng hỏi:
_ Này bạn trẻ. Cao danh quý tính của bạn là gì vậy?
_ Cao danh quý tính ư? Để tôi nói cho anh biết, anh sẽ hết hồn. Danh tôi trấn giang hồ Hoa-Việt. Tôi họ Chu tên Bội-Phản. Tôi phản tổ phản tiên, phản quốc phản dân, phản thầy phản bạn. Khi lưu lạc kiếm ăn, tôi có tên là Trôn bất đức. Hiện chuyên làm nghề giặt váy cho người đàn bà họ Lưu.
Mọi người đưa mắt nhìn lão Tôn. Ai cũng đều biết thiếu niên chửi xéo lão, vì lão hiện mang tên Tôn Đức-Khắc, nhưng thực sự lão họ Chu tên Bội-Sơn.
Mặt lão Tôn xám như tro, lão hỏi vọng xuống:
_ Thiếu niên kia! Ai sai người đến đây trêu ghẹo lão gia?
Thiếu niên không trả lời, duỗi chân một cái, cánh buồm dương phồng lên. Con thuyền vọt về trước. Tay y cầm cây đàn bầu bật lên mấy tiếng hợp với tiếng trống, tiếng tiêu tiếng phách. Y tấu bản Xuân Việt-nữ chiến Trường-an của Nguyễn Giao-Chi.
Thủy thủ quát lên:
_ Chú bé con kia! Quốc công gọi chú, mà chúng không trả lời, như vậy thực vô phép quá. Mau ngừng thuyền lại.
Thiếu niên như không nghe tiếng nói quát, y để hết tâm tư vào tiếng đàn. Con thuyền của y vượt qua thuyền Vương-Văn, đang song song với chiến thuyền phía trước.
Lão Tôn hướng sang thuyền phía trước ra lệnh:
_ Lão Ngũ! Người bắt thiếu niên kia phải ngừng thuyền lại cho ta.
Lão Ngũ là một trưởng lão bang Nhật-hồ, giả làm thị vệ. Nghe lão Tôn ra lệnh, y cầm một cuộn dây tung lên cao. Dây cuốn lấy mũi thuyền. Lão Ngũ cầm dây ghì mạnh, con thuyền nhỏ đang chạy mau, từ từ trôi song song với chiến thuyền phía trước. Bản nhạc bị rối loạn, vì tiếng trống, tiếng tiêu không phát ra như ý muốn.
Thiếu niên cầm lấy cái cần câu bên cạnh, tay vung lên, véo một tiếng, sợi dây đứt đôi. Thủ pháp của y nhanh vô cùng. Tuyệt ở chỗ tay y chụp cần câu vung lên, mà điệu nhạc không đứt đoạn. Con thuyền của y lại phăng phăng vọt về trước. Dây đứt, khiến lão Ngũ mất đà chao người đi suýt ngã. Xấu hổ, lão chạy về phía đầu chiến thuyền, rồi tung mình nhảy xuống con thuyền nhỏ.
Thiếu niên lại cầm cần câu vung lên. Véo một tiếng, viên chì ở đầu dây câu trúng huyệt Đại-truy của lão. Người lão rơi bộp xuống giữa thuyền của thiếu niên. Lão nằm dài bất động. Bấy giờ con thuyền của thiếu niên mới vọt lên như tên bắn.
Lão Tôn hô lớn:
_ Chèo thuyền đuổi mau.
Cả đoàn chiến thuyền chèo hết sức. Nhưng con thuyền nhỏ đã đi khá xa. Lão Tôn kinh ngạc:
_ Âm nhạc của thiếu niên này đường đường chính chính, mà võ công có vẻ tà môn. Tại sao chỉ với viên chì trúng huyệt Đại-trùy mà làm cho lão Ngũ như người tê liệt không phản ứng được?
Lão Lê cau mặt:
_ Động tác vung cần câu cắt đứt dây dường như là chiêu Hoa khai vọng nguyệt thuộc Mê-linh kiếm pháp biến chế ra. Chiêu vung cần câu đánh lão Ngũ giống như Thiên-vương chưởng. Tại sao giữa vùng này lại có thiếu niên biết xử dụng võ công Đại-Việt? Rõ ràng y nói giọng Trường-sa, chứ không phải giọng Quảng.
Con thuyền của thiếu niên tới ngã ba sông, thì rẽ vào. Các chiến thuyền cũng rẽ theo.
Vương Văn than:
_ Dường như thiếu niên chủ tâm trêu ghẹo quan quân thì phải. Nếu y chạy ắt đã đi xa lâu rồi. Y cố tình giữ khoảng cách với chúng ta.
Mỹ-Linh hỏi Vương Văn:
_ Vương tướng quân! Con sông nhỏ này là sông gì vậy?
Vương Văn đáp:
_ Khải công chúa chúng ta đang rẽ vào Tĩnh-giang.
Mỹ-Linh reo lên:
_ Tôi biết rồi! Chúng ta đã vào địa phận Tương-Âu phải không? Tôi đọc sách thấy nói rằng cánh đồng Tương-Âu nằm về bên trái sông Tương. Phía Đông giáp sông Tương. Phía Tây giáp sông Tư-thủy. Phía Nam giáp sông Âu-giang. Phía Bắc giáp hồ Động-đình. Để vào cánh đồng Tương, thuyền tới Tĩnh-giang thì theo sông này đi về phía Tây. Khoảng năm dậm, tới một cái hồ, gọi là hồ Âu-Tương. Nơi này là chỗ Quốc-mẫu thường tắm gội.
Thuyền đi một lát quả nhiên tới cái hồ, nằm giữa cánh đồng mênh mông, cây cỏ xanh tươi. Khu bãi cỏ bờ hồ, hàng nghìn con chim âu đang rỉa lông. Trên trời, nhiều con đang bay lượn.
Thiếu niên ghé thuyền vào bờ. Trên bờ, sau bụi cây có hai con ngựa. Y nhảy lên một con, cầm cương cho ngựa thả bước, tay rút trong bọc ra một đồng tiền. Y cầm đồng tiền cọ vào cái roi ngựa. Một điệu nhạc nhu hòa phát ra nghe rất lọt tai.
Lão Tôn hô lớn:
_ Lão Tứ hãy nhảy hảy xuống nước, bơi vào bờ đuổi theo.
Lão Tứ tung mình xuống sông. Sông không sâu cho lắm. Nhảy nhót mấy cái, đã vào đến bờ. Lão vọt nhảy lên lưng con ngựa còn lại ra roi đuổi theo thiếu niên. Phút chốc cả ba biến mình vào khu đồng rộng bao la.
Không hổ là đại tôn sư võ học, dù biến chuyển xẩy ra đột ngột, hai lão Tôn, Lê vẫn bình thản như không có gì quan trọng. Lão Tôn nói với Khai-Quốc vương:
_ Chúng ta đang ở giữa cánh đồng Tương-Âu. Kia là khu Tương-đài. Kính thỉnh Vương-gia cùng Vương-phi lên bờ, thăm lại đất tổ.
Chợt lão động tâm cơ:
_ Con bà nó, mình định không cho bọn này thăm Tương-đài, rút cục mải đuổi theo thằng ôn con, bây giờ đã ở Tương-Âu rồi. Không lẽ tên Lý Long-Bồ bầy ra vụ này để được thăm Tương-đài?
Lão ra lệnh cho Vương Văn:
_ Vương tướng quân lên bờ kiểm điểm đã, rồi hãy thỉnh Vương-gia, Vương-phi cùng Công-chúa.
Thuyền đã bắc cầu. Vương Văn lên trước cùng đám thủy thủ kiểm soát khu bờ xung quanh. Sau khi không thấy có gì lạ. Y hướng xuống dưới:
_ Trình quốc công, hoàn toàn an ninh.
Lão Tôn chỉ tay vào cầu:
_ Thỉnh Vương-gia, Vương-phi, cùng Công-chúa.
Theo luân lý Đại-Việt hồi đó, Thiệu-Thái, với Mỹ-Linh phải đi sau Khai-Quốc vương với vVơng-phi. Nhưng trong khi đi sứ, Khai-Quốc vương là chúa, Thiệu-Thái phải đi trước, xem có an ninh không đã. Vì vậy Thiệu-Thái lách mình cùng Mỹ-Linh lên trước. Chàng quan sát xung quanh bãi rồi nói:
_ Xin mời cậu mợ lên.
Khai-Quốc vương cùng Thanh-Mai lên bờ.
Vương Văn chỉ về phía trước:
_ Khải tấu Vương-gia, trước kia là Long-đài, Tiên-đài cùng Bách-tộc đài, nơi hàng năm Quốc-tổ, Quốc-mẫu hội các vị hoàng-tử.
Tuy trông thấy đài, nhưng từ bờ hồ đến nơi cũng khá xa. Trong đài thấp thoáng bóng xanh, đỏ, trắng vàng, dường như có người đang vãng cảnh.
Mặt hai lão Tôn, Lê đăm lại như mặt nước hồ mùa Đông. Về võ công, hiện trong thiên hạ khó ai địch nổi hai lão. Tổ tiên lão Tôn xuất thân phái Cửu-chân. Tổ tiên lão Lê xuất thân phái Khúc-giang. Cả hai theo phò Thái-tử Ngô-triều sang Quảng-Đông mong tìm kho tàng. Nhờ có bộ Lĩnh-Nam võ kinh trong tay. Cả hai nhà đều luyện tới mức cao thâm khôn lường. Lúc hai lão khi mới hai mươi tuổi đã nổi danh vô địch, được nối nghiệp cha, thụ phong tới chức tước cao nhất triều Ngô-Việt.
Triều đình Ngô-Việt đầu hàng Tống. Hai lão cũng sư huynh Ngô Quảng-Thiên thủ tiết lui về ẩn ở thôn dã, mưu phục hồi nghiệp tổ. Thế rồi chỉ vì nóng lòng, muốn bước tắt trong sự nghiệp phục hưng, hai lão theo Nhật-Hồ lão nhân. Nhật-Hồ lão nhân nhận ra thiên tài trong hai lão, nên dốc túi truyền Hồng-thiết kinh cùng Hồng-thiết tâm pháp cho, rồi phong làm Tả, Hữu hộ pháp. Hai lão được phụ trách giáo chúng vùng Nam-hải, Quế-lâm thời Lĩnh-Nam, bao gồm vùng Lưỡng-Quảng, Đàm-châu, Quế-châu của Tống.
Trong cuộc đại hội Hổ-môn, anh hùng Ngô-Việt bàn định phục quốc. Ngay ngày đầu, hai lão đưa ra ý kiến nên lấy tinh thần Hồng-thiết giáo làm khởi điểm cho cuộc phục hưng. Các anh hùng đều chống lại. Ngay đêm đó, mật sứ của Lưu thái hậu âm thầm gặp hai lão bàn định hợp tác. Hai lão nghĩ: Nếu dùng võ thắng anh hùng, thì lực lượng Hồng-thiết của hai lão bị hao tổn không ít. Hai lão nghĩ tới dùng binh lính Tống diệt anh hùng các nơi, rồi một mình Hồng-thiết giáo cầm đầu cuộc nổi dậy.
Thế là cuộc trao đổi diễn ra: Hai lão trao cho Lưu hậu bản đồ kho tàng Tần-Hán. Ngược lại Lưu hậu trọng đãi, phong chức tước thực lớn cho hai lão. Hôm sau, giữa lúc buổi họp diễn ra, thiết kị Tống xuất hiện, hợp với Hồng-thiết giáo diệt chư lộ anh hùng. Ngô Quảng-Thiên võ công cao hơn hai lão, nhưng vì không đề phòng, bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng. Tuy bị trúng độc chưởng, nhưng Ngô Quảng-Thiên cũng kịp thời học thuộc bản đồ cùng mật ngữ kho tàng rồi đốt đi.
Lưu hậu bèn đem Quảng-Thiên cùng vợ, ba con trai về Biện-kinh an trí, hẹn rằng hễ khai ra kho tàng, bà sẽ thả ra. Một mặt bà giam lỏng Ngô Cẩm-Thi ở Tuyệt-phong làm mồi câu anh hùng Ngô-Việt xuất hiện để giết chết. Cho đến nay cả hai lão được phong tới Quốc-công. Một người thống lĩnh binh mã Nam-thùy. Một người coi Ngự-lâm quân cùng thị vệ.
Lưu hậu nhận sớ tâu rằng sứ thần Đại-Việt là một thiếu niên tài ba xuất chúng, được anh hùng tộc Việt tôn làm trừ quân tên Lý Long-Bồ. Long-Bồ đang cùng vợ trên đường sang cống. Nhưng sự thực để đào kho tàng. Bà muốn chiếm kho tàng ấy , nên lập tức bà sai hai lão Tôn, Lê cùng bọn mười trưởng lão Hồng-thiết giáo đi cùng Tào Khánh tiếp dẫn. Còn hai lão theo dõi trong bóng tối. Hai lão mật sai anh em họ Phương dẫn Trường-giang thất quỷ bắt sống Vương uy hiếp.
Nào ngờ, bọn Trường-giang thất quỷ lại được Thiệu-Thái giải Chu-sa ngũ độc chưởng cho. Chúng cảm động qui phục Nam-triều.
Hai lão tâu về triều rằng Định-vương Nguyên-Nghiễm đã có bản đồ kho tàng trong tay, đang điều động binh tướng Lưỡng-Quảng đào kho tàng. Lưu hậu sai bang trưởng Nhật-hồ Đặng Đại-Bằng đón đường mong giết Vương. Nào ngờ Vương được Khai-Quốc vương cứu thoát. Hai người kết anh em. Còn kho tàng bị Đại-Việt đào mang đi mất.
Hai lão nghĩ:
_ Truyện kho tàng hỏng, ít ra cũng diệt hết vây cánh Định-vương, như vậy Lưu hậu ắt hài lòng.
Bất đắc dĩ hai lão phải xuất hiện, đánh thuốc độc gây chia rẽ giữa Định-vương với Khai-Quốc vương. Nhưng trên đường từ Khúc-giang về đến đây, hai lão cảm thấy như có nguy cơ ẩn tàng hại hai lão, mà hai lão không biết do ai điều khiển. Hai lão khuất phục bang chúng Nhật-hồ Hành-nam theo hai lão, thì chỉ mười lăm ngày sau, toàn thể đám này bị giết.
Khi sắp tới Hành-nam, hai lão gặp bọn ứng thí phò mã đón đường. Năm trưởng lão đuổi theo đều bị mất tích. Mới đây, một thiếu niên đi trên thuyền tấu nhạc, dùng thứ võ công kỳ ảo bắt sống thêm một trưởng lão bang Nhật-hồ trước mặt lão, mà lão không đoán được hành tung.
Cuối cùng lão sai trưởng lão thứ Tư đuổi theo thiếu niên, nhưng cũng biến mất trên cánh đồng Tương này. Tuy trong lòng lo lắng, mà hai lão vẫn giả bộ bình tĩnh.
Lão Tôn ra lệnh cho Vương Văn:
_ Tướng quân cùng thủy thủ ở lại giữ thuyền. Còn lại lão Nhất, Nhị, Tam theo chúng ta hộ tống Vương-gia được rồi.
Chín người rảo bước hướng các đài. Càng đến gần, càng trông rõ. Trên khoảng đất rộng, bên phải một đài cao xây bằng những tấm đá hình vuông. Giữa đài tạc tượng một người ngồi rất uy nghiêm, đầu hơi giống đầu rồng. Cạnh đó một đài vuông vức cũng bằng đá. Trên đài tạc tượng một phụ nữ trang phục như các tiên trong tranh. Hai đài song song hướng về phía Nam.
Mỹ-Linh nhận ra, nàng chỉ hai đài giảng cho Thiệu-Thái:
_ Em đọc sách Văn-lang di sử nói: Đài có tượng hình rồng đá kia là Long-Đài. Đài có tượng hình chim âu là Tiên-đài. Còn lại mười đài, gọi là Bách-tộc đài. Khi hội họp Quốc-tổ ngự trên Long-đài, Quốc-mẫu ngự trên Tiên-đài. Còn mười đài dành cho các hoàng tử.
Thiệu-Thái ngơ ngác hỏi:
_ Bách tức một trăm. Tại sao lại chỉ có mười.
Mỹ-Linh phì cười:
_ Thì mỗi đài dành cho mười hoàng tử.
Càng đến gần, càng trông rõ khu lễ đài. Hai bên Long-đài, Tiên-đài đều có cờ xí bay phất phới, khói hương nghi ngút. Gần lễ đài, dăm ba trẻ mục đồng đang ngồi trên mình trâu. Chúng đưa con mắt ngơ ngác nhìn đoàn người.
Lão Tôn ngạc nhiên:
_ Không biết ai mà đến đây hội họp, tế lễ thế kia?
Nói rồi lão thúc mọi người rảo bước.
Mỹ-Linh chỉ cho Thanh-Mai:
_ Thím nhìn kìa! Cạnh Long-đài, Tiên-đài có đủ cờ của các triều đại tộc Việt: Cờ Văn-lang, Âu-lạc, Lĩnh-Nam. Còn mười đài Bách-tộc có cờ Đại-lý, Ngô-Việt, Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la.
Thiệu-Thái đưa mắt nhìn các đài rồi nói:
_ Ờ kìa đài thứ nhất có cờ của Lý Nam-Đế, Bố-cái đại vương, triều Ngô, triều Đinh, triều Lê, bản triều và cả cờ Bắc-biên nữa.
Lão Tôn vốn coi thường Thiệu-Thái, dọc đườnglão thấy hết Khai-Quốc vương đến Vương-phi, Mỹ-Linh giảng giải cho chàng. Bây giờ tự nhiên chàng nhận ra được những loại cờ, mà chính lão không rõ. Lão đâu biết rằng, tại đền thờ Quốc-tổ ở Bắc-biên có đủ thứ cờ trong lịch sử tộc Việt. Vì vậy nhác trông thấy chàng nhận ra được ngay.
Cả đoàn đã tới khu Tương-đài. Khu Tương-đài rộng tới hơn mười mẫu. Xung quanh rào trúc thấp, có tám cửa ra vào. Bên ngoài hàng rào năm sáu đứa trẻ chăn trâu, đưa mắt nhìn đoàn người.
Long-đài, Tiên-đài đối diện với mười đài Bách-Việt. Chính giữa có một đài nữa, theo hình vuông. Trên đài bầy lễ vật nào trâu thui, nào lợn luộc, nào gà quay, nào xôi nén, nào hoa quả. Hương khói nghi ngút. Nhưng tuyệt không một bóng người. Nhất là hai bên bàn thờ còn treo cái trống đồng với cái chuông thực lớn.
Khai-Quốc vương vờ làm như lão Tôn, Lê sai người sắm lễ cho mình lễ Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Vương trịnh trọng:
_ Đa tạ nhị vị quốc công chu đáo sắm sửa lễ cho cô gia tế tổ.
Lời nói của Vương khiến hai lão Tôn, Lê ngẩn người ra. Vì sợ bóng sợ gió Khu-mật viện Đại-Việt. Hai lão cho rằng từ chín thiếu niên bầy ra cuộc cản đường bắt mấy trưởng lão của hai lão, cho đến cuộc thảm sát Hành-Nam, thiếu niên tấu nhạc bắt người cho đến lễ này đều do bàn tay của Khu-mật viện Việt bầy ra. Bây giờ nghe Vương cảm tạ. Hai lão ngơ ngác nhìn nhau khóc dở, mếu dở.
Chợt động tâm cơ, lão Tôn dùng Lăng-không truyền ngữ nói với lão Lê:
_ Thôi rồi, đúng tên Long-Bồ bầy ra. Ta không chịu cho y thăm Tương-đài, lập tức y sai tên ôn con tấu nhạc để dẫn dụ ta vào đây. Nhưng tại sao y lại chuẩn bị lễ vật chu đáo, mau chóng thế này?
_ Ôi thôi, nào có khó gì. Trước khi đến đây, y đã cho bộ hạ chuẩn bị lễ vật, cờ xí. Nếu ta thuận cho y thăm Tương-đài, thì đã có lễ sẵn. Vì ta không đồng ý vào Tương-đài, y mới bầy ra tên ôn con tấu nhạc trêu ta, dụ ta vào chỗ này.
Khai-Quốc vương thấy chuông trống treo trên hai cây cột quá cao, thì mỉm cười:
_ Hai quốc công cho treo chông trống cao thế kia, ai mà với tới thỉnh được?
Vương dắt Vương-phi, hai cháu đến trước lễ đài quỳ gối lễ tám lễ. Vương vừa lễ, tiếng tiêu tấu bản Động-đình ca, cùng tiếng chuông trống vang rền.
Lão Tôn kinh hãi ngơ ngác nhìn xem ai đánh trống, thỉnh chuông. Bất giác mặt lão tái đi vì giận. Chân tay lão run lẩy bẩy.
Mỹ-Linh nhìn lên chỗ treo trống, chuông. Nàng hiểu liền, chỉ cho Thiệu-Thái:
_ Anh coi kìa, một đầu cái dùi treo lủng lẳng trước chuông trống. Cán dùi cột đính với cái chong chóng. Gió thổi chong chóng quay, khiến dùi đập vào chuông trống giống như ta gióng vậy. Nhưng không hiểu người ta làm thế nào, mà khi chú thím lên đài, dùi mới đánh vào chuông trống.
Thiệu-Thái chỉ vào những vật treo trên cột cờ lễ đài. Đó là những ống tre, khiến gió thổi vào thành tiếng tiêu.
Khai-Quốc vương với Vương-phi lễ xong, thì tiếng chuông tiếng trống cũng im, chỉ còn tiếng tiêu. Mỹ-Linh, Thiệu-Thái lên đài. Hai người vừa quỳ gối, thì tiếng chuông trống lại vang lên, nhịp điệu không sai trật, giống như người cầm dùi thỉnh vậy.
Hai lão Tôn, Lê đưa mắt cho ba trưởng lão bang Nhật-hồ, rồi năm người tung mình ra xung quanh tìm kiếm. Lão Nhất về phương Bắc. Lão Nhị về phương Đông. Lão Tam về phương Nam. Còn hai lão về phương Tây. Hai lão tìm kiếm một lúc, cũng không thấy một bóng người, một vết tích gì cả.
Chán nản, hai lão trở về lễ đài.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đã lễ xong. Âm nhạc chấm đứt.
Khai-Quốc vương hỏi lão Tôn:
_ Quốc-công, chúng ta có nên thụ lộc tổ tại đây không? Hay mang về thuyền?
Lão Tôn đổ quạu, y đáp gọn lỏn:
_ Ăn tại đây quách.
Biết rằng mình lỡ lời, y hỏi Mỹ-Linh:
_ Công chúa! Ba thị vệ đâu rồi?
_ Ba vị chẳng tuân lệnh nhị vị quốc công đi tìm gian nhân đó ư? Vãn sinh chưa thấy họ trở về.
Hai lão không dằn được. Lão Tôn chạy về phương Bắc. Lão Lê chạy về phương Đông. Cả hai sục xạo. Nhưng chỉ thấy cây cỏ rậm rạp, cùng tiếng chim kêu. Tuyệt không một bóng người.
Lão Tôn vận nội lực hét lên:
_ Lão Nhất! Lão Nhị! Lão Tam ở đâu?
Không có tiếng đáp lại. Lão trở về Tương-đài, đã thấy lão Lê ôm gối ngồi đó từ bao giờ. Lão nghiến răng:
_ Thực lạ lùng! Ba gã thị vệ đi đâu? Ai mà có bản lĩnh bắt nổi ba gã?
Khai-Quốc để ý thấy giữa Long, Tiên đài có tấm bia khá lớn. Thiệu-Thái la lên:
_ Mỹ-Linh! Bia bằng chữ Khoa-đẩu. Mỹ-Linh đọc lên đi.
Thực ra từ Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Mỹ-Linh cho đến Thiệu-Thái đều học văn tự Khoa-đẩu. Nhưng Thiệu-Thái sợ đọc lên, gặp những chỗ khó khăn không hiểu. Vì vậy chàng mới gọi Mỹ-Linh.
Mỹ-Linh cất tiếng đọc:
Bia ghi công đức Quốc-tổ Lĩnh-Nam
Đại phàm mọi việc ở đời đều do thiên mệnh an bài. Xưa vua Đế-Minh cháu ba đời vua Thần-Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ-lĩnh kết hôn với tiên nữ, sinh ra thái tử Lộc-Tục. Ngài phong cho con trưởng làm vua phương Bắc. Phong cho Lộc-Tục làm vua phương-Nam. Triều đại Thần-Nông phân ra Nam, Bắc từ đấy.
Thái tử Lộc-Tục làm vua phương Nam, hiệu là Kinh-Dương. Vua Kinh-Dương kết hôn với công chúa con vua Động-đình sinh ra Quốc-tổ Lạc-Long. Quốc-tổ Lạc-Long kết hôn với công chúa Âu-Cơ sinh ra trăm hoàng tử. Lịch sử tộc Việt được hình thành kể từ đây, biệt hẳn với triều Thần-Nông.
Vua Lạc-Long truyền các hoàng tử đi khắp nơi qui dân lập ấp:
Hoàng tử trưởng được kế vị làm vua, đóng đô ở Phong-châu. Lại cắt đất Giao-chỉ thành chín vùng phong cho hoàng tử thứ nhì tới thứ mười. Mỗi người làm vua một vùng.
Hoàng tử thứ mười một đến thứ hai mươi được phong vùng phía Đông, tức đất Nam-hải, đảo Hải-Nam.
Hoàng tử thứ hai mươi mốt đến thứ ba mươi được phong vùng đất Quế-lâm thuộc Nam Ngũ-lĩnh.
Hoàng tử thứ ba mươi mốt đến thứ bốn mươi được phong vùng đất Cửu-chân ở về Nam Giao-chỉ.
Hoàng tử thứ bốn mươi mốt đến thứ năm mươi được phong vùng Tượng-quận ở về phía Tây Quế-lâm, Bắc Giao-chỉ.
Hoàng-tử thứ năm mươi mốt đến thứ sáu mươi được phong vùng Nhật-Nam ở về Nam vùng Cửu-chân.
Hoàng tử thứ sáu mươi mốt đến thứ bẩy mươi, được phong vùng Kim-biên ở về Nam Nhật-Nam, nay là vùng Phù-Nam.
Hoàng tử thứ bẩy mươi mốt đến thứ tám mươi được phong vùng ở vùng Tây-biên nay thuộc Lão-qua.
Hoàng tử thứ tám mươi mốt đến chín mươi được phong vùng Cực-Tây, nay thành Xiêm-la.
Hoàng tử thứ chín mươi mốt đến một trăm được phong vùng hồ Động-đình.
Khi các hoàng tử lên đường qui dân lập ấp, Quốc-tổ dạy rằng: Mỗi năm về cánh đồng Tương hội một lần. Từ đấy, lệ hàng năm các lạc hầu đều tề tựu về đây. Cứ mười vị ngồi trên một đài Bách-tộc, chầu Quốc-tổ, Quốc-mẫu trên Long-đài, Tiên-đài.
Tộc Việt ta vốn hiếu hoà, lại có phong hoá, văn minh sớm, nên nông-tang, văn học, điển chế, luật lệ đều sớm hơn phương Bắc. Phương Bắc trải qua triều Hoàng-Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ rồi sang Thương, Chu. Trong khi ở Nam phương, tộc Việt ta chỉ có triều Văn-lang.
Trong khi phương Bắc, Tần thống nhất Trung-nguyên, ở phương Nam vua Hùng thứ tám mươi tám rượu chè, dâm ô. Các Lạc-hầu tộc Việt họp nhau tôn một lạc hầu tên Thục-Phán lên làm vua, đuổi vua Hùng thứ tám mươi tám đi. Tên nước Văn-lang đổi thành Âu-lạc.
Tần Thuỷ-Hoàng sai Đồ Thư đem năm mươi vạn quân sang đánh Âu-Lạc. Vua An-Dương sai Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung mang quân chống, giết chết Đồ Thư, diệt toàn quân Tần. Oai biết bao! Hùng biết mấy!
Sau vua An-Dương tuổi già lầm lẫn, bị xẩy ra việc Mỵ-Châu, Trọng-Thủy mà mất nước. Trải biết bao nhục nhã. Qua biết mấy đau thương. Cho đến nay, anh hùng tộc Việt gồm một trăm sáu mươi hai vị họp nhau trên hồ Động-đình, phục hồi Lĩnh-Nam.
Ta vâng lệnh vua Trưng tổng trấn vùng Bắc-biên, hồ Động-đình, nhân ngày lành, thăm lại Tương-đài trên cánh đồng Tương, dâng một lễ, tế liệt tổ, ghi lại công đức muôn vàn cho đời sau cùng biết.
Niên hiệu vua Trưng
năm thứ hai, ngày tiết lập Xuân.
Công chúa Phật-Nguyệt soạn
Lão Tôn chạy ra ngoài hàng rào hỏi một đứa trẻ chăn trâu:
_ Này các cháu. Các cháu ở đây từ sáng đến giờ phải không?
_ Vâng. Hôm qua cháu thấy một toán người tới đây cắt cỏ, đốn cây, lau chùi các đài thì biết ngay hôm nay có người đến lễ nên chầu chực từ sáng đến giờ.
_ Tại sao cháu chầu chực?
_ Tại vì sau khi lễ, thế nào người ta cũng cho chúng cháu ăn xôi, ăn thịt cùng bánh trái.
_ Thế từ sáng đến giờ có ai đến đây không?
_ Khi chúng cháu tới đây, đã thấy lễ vật bầy xong rồi. Còn ai bầy lễ vật cháu không biết. Ban nãy cháu thấy có anh cỡi ngựa tay cắp một người quan võ. Phía sau, một người quan võ nữa đuổi theo. Hai người vào trong Tương-đài đánh nhau.
Một đứa khác nói:
_ Sau khi đánh với nhau có đến mười hiệp. Anh trẻ tuổi tung người bên hông cho ông quan võ. Ông quan dơ tay bắt lấy. Không hiểu sao sau đó ông ấy ngã lăn xuống ngựa. Anh kia ôm cả hai người để nằm ngang trên mình một con ngựa, rồi cỡi con ngựa khác chạy vào rừng.
Lão Tôn bảo mấy đứa trẻ:
_ Tất cả lộc, ta cho các cháu. Các cháu vào hạ xuống chia nhau mà ăn.
Y nói với Khai-Quốc vương:
_ Nơi này đầy bí hiểm, xin Vương-gia mau rời khỏi, chẳng nên nấn ná làm gì.
Hai lão Tôn, Lê nhìn nhau. Cả hai dường như cùng cảm thấy đau đớn nhục nhằn. Mười cao thủ bang Nhật-hồ thuộc loại hiếm có trong võ lâm. Thế mà trên đường từ Hành-Nam đến đây bị bắt mất tích một cách kỳ lạ. Giả như nếu công khai đấu với nhau, hai lão bị thua thì không sao. Đây đến mặt mũi địch thủ ra sao, hai lão cũng không biết.
Về tới chỗ thuyền đậu, hai lão truyền lệnh cho Vương Văn nhổ neo thực gấp. Khác với dự trù, lão Tôn đi thuyền trước, lão Lê đi thuyền sau. Vương Văn đi thuyền giữa. Bây giờ hai lão đi cùng thuyền với Vương.
Dọc đường, mặc cho sứ đoàn nói truyện với nhau. Hai lão lầm lỳ ngồi nhìn trời, nhìn đất.
Chiều hôm đó thuyền đi đến đoạn cuối sông Tương. Hồ Động-đình đã hiện ra xa xa. Vương Văn hỏi lão Tôn:
_ Trình quốc công, chiều neo thuyền tại bờ hồ qua đêm hay đi luôn?
_ Phiền tướng quân cho thuyền sang Kinh-châu, càng mau càng tốt. Tới Kinh-châu, nhiệm vụ tướng quân hết. Chúng tôi sẽ dùng đường bộ.
Mỹ-Linh hỏi lão Tôn:
_ Này quốc công. Quốc công có thể ghé lại núi Tam-sơn, cho chúng tôi viếng nơi mà xưa kia Quốc-tổ, Quốc-mẫu lên đó thưởng thanh phúc trong ba năm không?
Lão Tôn lầm lì:
_ Lão phu cũng muốn chiều Công-chúa. Đưa Công-chúa viếng di tích tổ tiên là điều lão phu hãnh diện vô cùng. Nhưng Công-chúa ơi, lão phu xin khất đến lúc Công-chúa trở về vậy. Vì xung quanh chúng ta, biết bao nguy hiểm đang chập chờn đe dọa.
Lão Lê hỏi Khai-Quốc vương:
_ Cứ như vương gia nghĩ, ai là người chủ mưu trong vụ đe dọa anh em lão phu? Vương-gia cứ thực tâm mà trả lời. Dù gì chúng ta cũng là người Việt với nhau.
Khai-Quốc vương nghĩ thầm:
_ Hai con quỷ này bối rối ra mặt rồi đây. Ta cũng nên trả lời thực cho hai lão biết. Như vậy mới đáng là quân tử.
Vương ngồi ngay ngắn lại:
_ Nếu như tất cả những việc từ mấy hôm nay đều do một người chủ trương, thì người đó thế lực phải lớn lắm. Thế lực lớn nhất phải kể Lưu thái hậu, Định-vương Nguyên-Nghiễm, bang Nhật-hồ cùng các đại môn phái Thiếu-lâm, Võ-đang, Nga-mi, Hoa-sơn, Không-động.
Vương đưa mắt nhìn Vương Văn:
_ Hai vị đang thi hành chỉ dụ của hậu, ắt không phải hậu hại hai vị rồi. Còn các đại môn phái, họ vốn quy thuận triều đình. Ai dại gì gây hấn với quan tổng chỉ huy Ngự-lâm quân cũng như thị vệ? Cuồi cùng là Định-vương với bang Nhật-hồ. Định-vương muốn hại hai vị, người chỉ việc truyền chỉ cho Tư-mã Đàm-châu, dẫn thiết kị bắt hai vị đem chặt đầu. Chứ đâu cần làm trò ú tim này? Vả Vương là người quân tử, hành sự luôn vì việc dân, việc nước, có đâu đón đường làm hại sứ đoàn? Cuối cùng chỉ còn bang Nhật-hồ, nay đổi thành bang Hoàng-Đế là đáng nghi mà thôi.
_ Lão phu nghi đám con em họ Ngô muốn hại lão phu. Vì chúng xử dụng toàn võ công Lĩnh-Nam. Chúng gây ra những vụ này, làm cho lão phu mất hết uy tín, không còn chí khí phục hồi Ngô-Việt nữa. Hồi đầu lão phu nghi Khu-mật viện Đại-Việt. Nhưng sau thấy không phải, vì nếu là người Việt nói tiếng Hoa phải ngọng, có đâu nói toàn giọng Trường-sa?
Lão Lê nhăn mặt:
_ Thực khó nói vô cùng. Rõ ràng Vương-gia muốn thăm Tương-đài. Lập tức có thiếu niên trêu ghẹo, đưa đến bọn lão phu đổi theo, rồi tới Tương-đài. Trên Tương-đài bầy sẵn lễ vật. Việc này có thể nghĩ rằng Vương-gia ra tay.
Khai-Quốc vương cười nhạt không trả lời.
Mỹ-Linh đáp thay chú:
_ Chú cháu tôi đi đứng đều có hai vị bên cạnh, làm sao có thể truyền lệnh ngoài cho thủ hạ hành sự? Chẳng qua người này muốn làm cho hai vị nghi ngờ chú của tiểu nữ, làm điên đầu hai vị lên mà thôi.
Thuyền đã đi vào hồ. Mặt hồ về mùa Đông nước trong veo. Mờ mờ bên kia có ngọn núi. Vương Văn chỉ núi nói:
_ Kia là núi Tam-sơn, nơi mà sau khi Quốc-tổ, Quốc-mẫu thành hôn rồi lên đó hưởng thanh phúc. Tương truyền, hai ngài lên vào đầu Xuân, bấy giờ chín vạn hoa Tầm-xuân nở.
Ba chiến thuyền dàn hàng ngang lướt trên mặt hồ. Xa xa, nhấp nhô một con thuyền nhỏ, có mui che kín bập bềnh trên sóng lăn tăn.
Thiệu-Thái chỉ thuyền nhỏ:
_ Trên thuyền kia nhất định có ngư ông đang câu cá.
Mỹ-Linh cười:
_ Tại sao phải ngư ông mà không là ngư bà?
Gió thoảng từ trước vọng lại tiếng đàn tranh, lẫn tiếng tiêu.
Vương Văn góp ý:
_ Công-chúa với Thế-tử đoán sai rồi. Trên thuyền nhất định có thi nhân đang tiêu dao mây nước.
Chiến thuyền mỗi lúc một gần con thuyền nhỏ. Càng gần nhìn càng rõ. Trên thuyền có một trung niên nam tử ngồi thả chân xuống nước. Tay ông ta ôm một cái chậu bằng đồng đựng nước. Tay kia vuốt trên thành chậu thành một thứ âm thanh vang vang kỳ lạ. Trong khoang thuyền vọng ra tiếng đàn tranh hợp tấu.
Lão Tôn hỏi Vương Văn:
_ Vương tướng quân. Người có biết thứ đàn kia là đàn gì mà âm thanh quái gở không?
Vương Văn kính cẩn đáp:
_ Thưa quốc công, vào thời vua Hùng thứ sáu mươi, có một người ca nữ thường phải tập ca. Nhưng vì trong nhà có mẹ già yếu, nên phải chui đầu vào chum luyện giọng. Khi luyện như vậy, tay nàng chà xát vào thành chum thành âm thanh hợp tấu. Dần dà, nàng biến phương pháp chà tay thành một thứ âm nhạc riêng. Người sau biến đổi đi, làm cái chậu bằng đồng có hai ngăn. Ngăn dưới đựng nước. Ngăn trên có những mấu lồi. Sau đó dùng tay chà, âm thanh vọng từ trong ra rất ảo diệu. Đàn đó gọi là đàn chậu. Ngày nay, đàn chậu biến thành hàng trăm loại khác nhau.
Thủy thủ đứng đầu chiến thuyền cầm loa gọi lớn:
_ Thuyền nào kia mau tránh sang bên cạnh, bằng không bị thuyền này đụng bẹp.
Người nghệ sĩ vẫn ôm cái chậu, tay xoay, tiếng vang càng lớn hơn. Mỗi lần y vuốt tay một cái, mọi người đều cảm thấy trong tim đau nhói, tai ù đi, trong khi chân tay múa mênh không tự chủ được. Rồi một giọng ca âm u như từ thế giới nào vọng về lọt vào tai.
Lão Tôn than:
_ Trời ơi yêu quái. Thực là yêu quái!
Mặc hai lão hò hét, đám thủy thủ chân tay nhảy múa cuồng lọan, miệng ca hát theo tiếng ca vọng lại.
Lão Lê cất tiếng la lớn, làm nhiễu loạn tiếng đàn chậu kia. Quả nhiên tiếng hát cùng tiếng đàn không lọt vào tai đám thủy thủ. Chúng thở hồng hộc tỏ vẻ mệt mỏi. Vương Văn truyền chúng tiếp tục chèo.
Chiến thuyền càng tới gần thuyền kia, người nghệ sĩ càng vuốt tay nhiều hơn, trong khi tiếng tiêu trên đỉnh cột buồm, tiếng đàn trong thuyền vọng ra thành thứ âm thanh mới. Tim mọi người như muốn nhảy khỏi lồng ngực, tai như ù đi. Từ Khai-Quốc vương cho tới Thiệu-Thái đều phải vận công mới trấn nhiếp được tâm hồn. Đám thủy thủ bỏ chèo, bỏ lái, tay ôm ngực, bịt tai lăn lộn. Ba chiến thuyền không người điều khiển quay ngang trôi theo chiều gió.
Lão Tôn kinh hãi:
_ Khổ thực! Chuyến đi này của mình gặp toàn bọn ma quái. Làm sao bây giờ?
Hai lão cùng vận công hướng về phía con thuyền câu cất tiếng la chống lại các âm thanh. Được một lúc, trên đỉnh vột buồm kêu mấy tiếng lốp bốp. Mấy ống tiêu vỡ tan, những mảnh bay tung trêm mặt hồ. Trung niên nam tử mỉm cười nói vọng sang:
_ Võ công Cửu-chân thực lợi hại. Ta hưu chiến một lúc.
Tiếng đàn chậu phía trước đã ngừng. Thủy thủ đâu vào đấy. Lão Tôn ra lệnh:
Dùng vải nhét vào lỗ tai, chèo về phía con thuyền kia cho ta.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ
Biểu hình cổ của Đại-Việt: Rồng nguyên lý dương là cha. Âu, nguyên lý âm là mẹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét