Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Thuận Thiên di sử - Hồi 54

HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN

Mục ngưu Thiền-chưởng

Đứng ngoài, nhìn trận đấu của Mỹ-Linh với Hoàng Văn, Khai-Thiên vương, Khai-Quốc vương đều thấy rằng Mỹ-Linh mới luyện võ gần đây, nên chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Rõ ràng nhiều lúc Hoàng Văn mất căn bản, mà Mỹ-Linh không biết lợi dụng hạ y. Bằng không, thì mấy chiêu nàng đã đả bại y dễ dàng. Còn Hoàng Văn, y đã từng giao đấu hàng ngàn trận, kinh nghiệm có thừa. Y chỉ mong Mỹ-Linh nới tay một chút, y có dịp vận Nhật-hồ độc chưởng hại nàng. Nhưng Mỹ-Linh tấn công ráo riết quá. Y trở tay không kịp.
    Trong đầu óc y, y nghĩ:
    — Không hiểu con nhỏ này học ở đâu ra thứ nội công kỳ diệu, gần giống như Tiêu-sơn, mà sát thủ mãnh liệt hơn. Còn chiêu thức, rõ ràng của phái Tiêu-sơn không sai.
    Viên gia tướng mà Khai-Thiên vương sai đi đã trở về. Y đến bên vương nói nhỏ:
    — Tiểu nhân đã khai quật mộ vương phi. Trong quan tài có bộ xương phu nữ. Nhưng y phục lại không phải y phục hồi khâm liệm. Châu báu đeo trên người vương phi cũng không thấy trong quan tài. Trước khi về đây, tiểu nhân chôn lại như cũ.
    Triệu Liên-Hương đứng bên chồng, nghe viên gia tướng phúc trình, bà biết chồng sai y đi quật mồ bà lên để khám nghiệm. Như vậy trắng đen đã rõ rệt. Bà thở dài một tiếng, trút được gánh nặng.
    Khi Mỹ-Linh đem bà về đến Khu-mật viện, đưa vào phòng kín, rồi mới gỡ lớp hoá trang cho bà thấy. Mẹ con nhận nhau, khóc lóc nức nở. Mỹ-Linh tóm lươc tất cả truyện nhà, truyện nước mấy năm qua cho mẹ nghe. Bà nghe Mỹ-Linh học được võ công kỳ diệu, tưởng bản lĩnh bình thườung thôi. Nào ngờ quan sát nàng đấu với Hoàng Văn, bà mới thực sự kinh ngạc.
    Lần đầu tiên, từ khi học được võ công Lĩnh-nam trong hầm đá, bây giờ Mỹ-Linh mới gặp một địch thủ xứng tay. Càng đấu, nàng xử dụng các chiêu thức Tiêu-sơn bằng nội lực Vô-ngã tướng Thiền-công thuần thục hơn.
    Trong sân xuất hiện thêm mấy người là Huệ-Sinh, Nùng-Sơn tử, Tôn Đản. Tôn Đản cực kỳ sủng ái người sư tỷ hiền hậu này. Nó thấy sư tỷ không thắng được Hoàng Văn, nó sinh bực mình. Thấy chiêu thức nào của Hoàng Văn, nó cũng phá được, mà sao Mỹ-Linh không biết?
    Chợt Tôn Đản nhớ lại hồi đầu năm, nó đấu với Quách Quỳ, chỉ vài chiêu thô sơ, nó thắng y, vì võ công của nó là võ công Cửu-chân khắc chế võ công Trung-quốc. Từ hôm về Thiên-trường, nó dạy Mỹ-Linh hầu hết những chiêu võ công Cửu-chân mà nó học được trong hầm đá. Hôm nay thấy Hoàng Văn dùng võ công Trung-nguyên, nó nảy ra ý nhắc Mỹ-Linh.
    Giữa lúc đó Hoàng Văn để hở hạ bàn, nếu đánh vào đó chiêu Thiết kình trầm hải ắt y bị bại. Nó hô lớn:
    — Chị Mỹ-Linh, Thiết-kình trầm hải.
    Mỹ-Linh đang định xuất chiêu Khổ hải vô bờ trong Tượng-đầu chưởng, thấy sư đệ nhắc, nàng đổi ra chiêu Thiết-kình trầm hải. Binh một tiếng, Hoàng Văn bị trúng chưởng bay vọt ra xa.
    Ai cũng tưởng Hoàng Văn trúng chưởng đó phải nát thây mà chết. Nào ngờ y lại đáp xuống an toàn. Chính y cũng không hiểu tại sao chưởng phong Mỹ-Linh mạnh như sóng vỗ, chiêu số ác hiểm mà y không chết. Y cho rằng Mỹ-Linh chưa muốn giết y, vì lý do nào đó.
    Được thư thả, y vận Hồng-thiết độc công, phát chiêu. Trong chưởng phong có mùi tanh hôi khủng khiếp.
    Tôn Đản hỏi Huệ-Sinh:
    — Đại sư! Tại sao tên Hoàng Văn bị trúng chưởng của chị Mỹ-Linh mà dường như y không hề hấn gì?
    Huệ-Sinh vỗ vai Tôn Đản:
    — Thí chủ nên biết rằng xưa Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung nghiên cứu chế ra võ công Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên bao gồm nội công và ngoại công. Phải hai thứ đó hợp với nhau, mới mãnh liệt. Đây thình lình Mỹ-Linh xuất chiêu Cửu-chân bằng nội lực Tiêu-sơn sao có kết quả được?          Tôn Đản vẫn không hiểu:
    — Xin đại sư dạy rõ hơn.
    Huệ-Sinh nở nụ cười từ bi:
    — Thí chủ đã biết Thiền-công của Mỹ-Linh là Vô-ngã tướng. Đúng ra nếu vận khí đúng, chỉ vài chiêu, tên Hoàng Văn bị hạ rồi. Khi xử dụng Vô-ngã tướng phải bỏ Ngũ-uẩn, Lục-căn ra ngoài. Bỏ ra nhân ngã tứ tướng. Nhân, ngã tứ tướng là gì? Nó có bốn thứ, tức Vô-ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng. Thế mà khi xử dụng, Mỹ-Linh nghĩ đến thù mẹ là « có ngã tướng ». Muốn thắng gấp đối thủ là « có nhân tướng », làm sao kiềm chế y nổi?
    Nùng-Sơn tử thêm vào:
    — Hồi nãy công chúa dùng võ công Cửu-chân đánh y bay đi dể dàng. Bây giờ y dùng Nhật-hồ độc chưởng e võ công Cửu-chân vô dụng.
    Tôn Đản dù sao vẫn còn trẻ, tính hiếu thắng nổi dậy, nó nghĩ thầm:
    — Võ công nào cũng thế, đánh trúng thì phải đau. Võ công Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên cũng khắc chế võ công Hồng-thiết giáo, chứ có đâu như lời Nùng đạo sư? Đã vậy ta xui chị Mỹ-Linh xử dụng võ công Cửu-chân lần nữa xem sao?
    Nó hô lớn:
    — Chị Mỹ-Linh, dùng võ công Cửu-chân gấp.
    Hồi nãy Mỹ-Linh dùng một chiêu võ công Cửu-chân thắng Hoàng Văn, bây giờ nghe sư đệ nhắc, nàng tỉnh ngộ:
    — Ta thử dùng võ công Cửu-chân nữa xem sao.
    Thuận tay nàng phát chiêu Thiết-kình phi chưởng. Binh, binh hai tiếng. Chưởng nàng chạm vào chưởng Hoàng-Văn, nàng bật lui lại đến ba bốn bước. Khí huyết nhộn nhạo cực kỳ khó chịu.
    Hoàng Văn không nhân nhượng, y phóng theo, đánh xuống một độc chưởng như sấm nổ. Mỹ-Linh kinh hoàng đẩy ra chiêu Nghiệp dĩ vô tận. Chiêu nghiệp dĩ vô tận lấy ý trong khi đức Thích-ca Mâu-ni ngồi dưới gốc Bồ-đề tu gần đắc đạo, thì có muôn ngàn ma vương, quỷ ác mà ngài mắc nghiệp với chúng từ muôn vàn kiếp trước. Chúng hiện đến quấy phá, đòi nợ. Ngài phải dùng Thiền-na để giải đi.
    Binh một tiếng, Hoàng-Văn bay tung lên cao. Y đáp xuống mái nhà. Mỹ-Linh nhảy vọt lên theo. Hoàng-Văn cười nhạt:
    — Con nha đầu kia, mi chết đến nơi mà không biết. Mi bị trúng Nhật-hồ độc chưởng rồi. Mau quỳ xuống lạy ta làm sư phụ, nhập bản giáo, ta sẽ cho thuốc giải. Mi không tin, thử nhìn tay xem, có phải tay mi tím bầm không?
    Mỹ-Linh đưa tay lên nhìn, thấy không có gì lạ, nàng cười:
    — Thiền-công của ta dùng để giết người thì khó, chứ dùng để chinh phục bọn ma quái các người thì dễ quá.
    Nùng-Sơn tử bảo Tôn Đản:
    — Thí chủ hiểu rõ chưa?
    — Xin đạo sư chỉ đạy cho.
    — Khi Hoàng Văn dùng võ công Liêu-Đông, tức võ công Trung-nguyên, công chúa dùng võ công Cửu-chân khắc chế được. Còn bây giờ y dùng Nhật-hồ độc chưởng, võ công này của Tây-dương giáo chủ tên Mã-Mặc và Lệ-Anh chế ra, võ công Cửu-chân không còn uy lực khắc chế nữa. Ngược lại khi công chúa dùng chiêu thức Tiêu-sơn Nghiệp dĩ vô tận  y bị đánh bại. Tại sao? Vì Hồng-thiết giáo thuộc ma, thuộc quỷ. Dẹp ma, trừ quỷ mà dùng võ công Phật-gia đương nhiên ma tính, quỷ tính phải tiêu trừ. Khi ma tính, quỷ tính ra đi, con người trở về với nhân tính. Cho nên y bị đánh bay đi, chứ không chết.
    Mỹ-Linh thấy sư phụ, nàng an tâm, vừa phát chiêu vừa hỏi:         
— Sư phụ! Sư phụ thấy con phát chiêu có đúng không?
    Huệ-Sinh muốn Mỹ-Linh giải quyết Hoàng Văn cho mau, ông mỉm cười nhắc nàng:
    — Mỹ-Linh, phàm xử dụng Thiền-công, phải bỏ ra ngoài Ngũ-uẩn, mới phát huy được Phật-tính.
    Nghe tiếng sư phụ nói, Mỹ-Linh cảm thấy ấm trong lòng. Nàng bỏ ra ngoài ngũ uẩn, trong khi đó tay phát chiêu. Kình phong biến đổi, ào ào tuôn như sóng vỗ, như thác đổ. Cứ mỗi chiêu nàng đánh ra, chưởng của Hoàng Văn biến mất như muối bỏ biển. Binh, binh, hai chưởng đụng nhau,người Hoàng Văn bật lui lại sau ba bốn bước liền. Y càng đấu càng kinh hãi, vì cứ mỗi chiêu Mỹ-Linh đánh ra, y vận công đỡ, cảm thấy nội lực biến mất. Y nghĩ thầm:      — Ta phải làm thế nào để đấu nội lực với con nhỏ này, rồi dồn độc khí sang người y thị mới mong sống sót hôm nay.
    Binh, binh, hai chưởng lại chạm nhau. Hoàng-Văn tiến lên một bước đánh thẳng một quyền vào ngực Mỹ-Linh. Mỹ-Linh xòe tay chụp chưởng của y, thì hai tay dính chặt vào nhau. Cuộc đấu nội lực bắt đầu.
    Đỗ Lệ-Thanh tiến lên quan sát trận đấu. Bà thấy Mỹ-Linh dùng Thiền-công hoá giải chất độc của Hoàng Văn, như vậy chẳng hoá ra tử tế với y ư? Bà phải lên tiếng bảo Mỹ-Linh đẩy chất độc trở lại người y, cho y nếm mùi đau khổ. Bà nói:
    — Công chúa, chẳng nên nhân nhượng với tên ma đầu này. Bàn tay nó đã đẫm máu biết bao nhiêu vạn mạng người. Công chúa buông lỏng chân khí Thủ-tam âm kinh, rồi dồn sang Thủ-tam dương kinh tấn công y.
    Mỹ-Linh nào phải không biết lý thuyết đó? Lúc đầu đấu với Hoàng Văn, nàng chưa đủ sức thắng y. Bây giờ nàng muốn giết y thực không khó. Nàng học Phật từ nhỏ, giết con kiến, con sâu nàng còn không nỡ, huống hồ đối với con người? Nàng muốn sao cho y khuất phục, giác ngộ, hồi đầu, rời khỏi bến mê. Vì vậy nàng chỉ vận có bẩy thành công lực.
    Triệu Liên-Phương trước đây theo học với sư thái Tịnh-Tuệ. Nay Tịnh-Tuệ đang là chưởng môn phái Mê-linh. Võ đạo phái Mê-linh khác với võ đạo phái Tiêu-sơn ở điểm, phái Tiêu-sơn dùng võ do bất đắc dĩ, lấy từ bi hỉ xả, dùng Phật pháp cảm hoá kẻ ác làm lẽ chính. Phái Mê-linh không thế, đối với kẻ ác, phải thẳng tay. Kẻ đã phạm tội phải bị trừng trị đích đáng. Vì vậy Liên-Phương tuy có học Phật pháp, nhưng lòng dạ khác xa Mỹ-Linh.
     Nhìn trước mắt, thấy con gái đang đấu nội lực với tên ma đầu, đã từng đánh bà một Nhật-hồ độc chưởng, đến nỗi đau đớn, chết đi, sống lại trong bốn mươi chín ngày, rồi bắt giam bà dưới hầm. Bà bị chuyển cho hết tên ma đầu này, tới tên ma đầu khác hãm hiếp, ôm ấp, gọi bà là cây thuốc để luyện công. Cuối cùng giam bà với Nhật-Hồ lão nhân dưới hầm sâu, cho lão dầy vò bà. Hận thù sâu như biển. Hơn nữa thời gian ở với bọn ma đầu, bị ma tính xâm nhập, trong người bà đầy dẫy thù hận, lẫn xảo quyệt. Rồi bà lại ăn bào thai biết bao lần, ác tính nổi dậy. Bà từ từ tiến đến bên Mỹ-Linh, cất tiếng nói:
    — Mỹ-Linh, con phải giết tên này ngay. Nếu để nó sống, ắt mẹ sẽ chết.
    Mỹ-Linh nghe mẹ nói, thực tại trở về với nàng. Đúng thế, nếu y chưa chết, y chính là nhân chứng về sự ô danh thất tiết của bà. Tin này lan truyền ra, đến phụ vương nàng không hy vọng nối ngôi ông nội đã đành, mà mẹ nàng sẽ bị xử voi dày ngựa xé. Phụ vương mất tước vương, bị đuổi về dân dã. Nàng phải giết y.
    Nghĩ vậy, chân khí tòng tâm phát ra. Ba kinh âm buông lỏng, chân khí của Hoàng Văn cuồn cuộn tràn vào người nàng. Hoàng Văn tự nhiên thấy chân khí Mỹ-Linh yếu dần, thì mừng lắm. Y dồn chất độc Nhật-hồ sang người nàng, trong lòng khoan khoái:
    — Con nha đầu này phải chết.
    Nhưng y chợt thấy ba luồng nội lực khác mạnh như xô núi, nghiêng biển hoá giải chất độc của y, xuyên qua tay, chạy vào tấn công nội tạng. Y kinh hoảng vận hết chân khí sang để chống lại. Nhưng chân khí ra đi bao nhiêu, mất hết bấy nhiêu.
    Huệ-Sinh đứng ngoài, ông hiểu ý Triệu Liên-Phương, Đỗ Lệ-Thanh. Ông có trái tim Bồ-tát, lòng dạ từ bi, ông chỉ muốn Mỹ-Linh hoá giải chất độc cũng như công lực y, rồi cảm hoá y, chứ không muốn giết y. Như vậy phải mấy năm sau, y mới phục hồi công lực. Trong thời gian đó ông có thể dùng Phật-pháp cảm hoá. Ông lên tiếng:
    — Mỹ-Linh! Không tâm, giải trừ Ngũ-uẩn.
    Mỹ-Linh trấn nhiếp tâm thần, đơn điền hư không, chân khí của Hoàng Văn tràn vào người nàng. Một lát trên đầu y phát ra làn hơi trắng. Y lảo đảo mấy cái, rồi ngã ngồi xuống.            
    Võ sĩ trói y lại.
     Sợ ông anh tra khảo, lộ vụ Triệu Liên-Phương bị dùng làm cây thuốc, Khai-quốc vương truyền giải y về Khu-mật-viện. Vương nói:
    — Vương huynh, đệ xin vương huynh một điều.
    — Chú hai muốn gì ta cũng chiều. Những biến cố trong gia đình ta thực đau khổ, đều do chú hai giúp ta thoát. Chú muốn một điều, chứ nghìn điều, ta cũng chuẩn.
    Khai-Quốc vương ghé vào tai anh nói nhỏ:
    — Chị Liên-Phương bị giam hai năm dưới hầm kín, tâm thần có đôi chút khác thường. Đệ xin anh tuyệt đối không bao giờ nhắc tới vụ này trước mặt bà. Thế thôi.
    Khai-Thiên vương những tưởng ông em xin mình điều gì khó khăn, không ngờ điều xin đó lại chỉ là vấn đề trị bệnh cho vợ mình.
    Vương cảm động:
    — Anh hứa.
    Khai-Quốc vương cùng Huệ-Sinh, Nùng-Sơn tử, Tôn Đản ra về. Vương bảo Thiệu-Thái:
    — Truyện ở đây xong rồi. Con về chầu mạ mạ đi. Nhớ sáng mai đến đây dự cuộc họp quan trọng. Mang theo Bảo-Hòa.
    Thiệu-Thái tiến đến trước Khai-Thiên vương quỳ gối:
     — Thưa cậu, mợ. Việc cứu mợ đã xong. Hoàng Văn cũng đã bị bắt. Con xin phép cậu mợ về chầu mạ, mạ.
    Khai-Thiên vương đã bớt ác cảm với Thiệu-Thái. Vương đỡ chàng dậy:
    — Ừ thôi cháu về. Mai gặp lại.
    Thiệu-Thái đưa mắt nhìn Mỹ-Linh, rồi lên ngựa ra về.
    Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm bịn rịn không muốn xa Kim-Thành, Trường-Ninh. Mỹ-Linh hiểu ý hai cậu em. Nàng mỉm cười:
    — Thiện-Lãm, Thuận-Tông. Ở lại chơi trăng với chị cho vui. Hôm nay mẫu tử trùng phùng, chị muốn hai em cùng chung vui.
    Thiện-Lãm, Thuận-Tông mừng rú. Chúng nói thầm trong lòng:
    — Cầu trời, cầu Phật cho chị mình tâm an, thần tĩnh. Bà chị mình thành Bồ-tát rồi. Nam-mô bồ tát Mỹ-Linh.


    Khu vực cư trú của đệ tử Tây-vu nằm ở ngoài thành Thăng-long, gần cửa Quảng-phúc. Thiệu-Thái về đến nơi, nọi người đã đi ngủ. Chỉ có ông nội, song thân, với Bảo-Hòa còn thức, đang uống trà thưởng trăng. Thấy chàng về công chúa Lĩnh-Nam Bảo-hòa hỏi:
    — Anh em con đi theo cậu hai riết rồi hành sự ẩn ẩn hiện hiện không biết đâu mà lường. Hôm trước vừa mới ăn cơm, có chim ưng gọi phải đi gấp, tới bây giờ mới về. Không chừng lát nữa lại có chim ưng gọi cũng nên.
    Tuy là phụ nữ, thích tò mò, luôn luôn muốn kiểm soát tất cả những việc con mình làm, nhưng công chúa Lĩnh-nam Bảo-hòa tự biết con hành sự dưới quyền của cậu em mình. Bà biết cậu em mình hành sự thần sầu quỷ khốc, nếu con khai ra thì khai, chứ bà không cật vấn. Vì đó là truyện quốc gia đại sự.
    Thiệu-Thái được Khai-quốc vương dặn dò cẩn thận, bới chỉ cần lộ ra việc vương phi Khai-thiên vương, Đông-chinh vương bị bọn Hồng-thiết giáo làm ô danh thất tiết, triều Lý ắt nghiêng ngả.
    Thiệu-Thái thuật sơ cho ông nội với song thân biết đại khái, chàng với Mỹ-Linh giải cứu được vương phi Khai-thiên vương, Đông-chinh vương cùng phu nhân Hồng-Sơn đại phu, Thiên-trường đại hiệp.
    Hồi nhỏ, anh em Thiệu-Thái học võ với ông nội là Thân Thiệu-Anh. Bản lĩnh anh em chàng vào loại hiếm có, so với người ngang tuổi. Từ hôm nhận lệnh vương mẫu, theo bọn Địch Thanh đi Thanh-Hóa, rồi chàng cùng Bảo-Hòa gặp hết kỳ duyên nọ đến kỳ duyên kia. Khi còn ở Bắc-biên, chàng cứ tưởng mạ mạ là người mưu trí bậc nhất. Không ngờ khi gặp Khai-Quốc vương, chàng mới thấy ông cậu này hơn mạ mạ xa. Có đi ra ngoài, mới mở rộng mắt ra. Trong thời gian gần năm, mà hai anh em tưởng như trải hơn mười năm vậy.
    Thân Thiệu-Anh làm thủ lãnh các khê động Bắc-biên. Nơi đây vẫn giữ phong tục từ thời vua Trưng còn lại. Giữa ông cháu, bố con, thân thiết đầm ấm, chứ không nghiêm khắc như miền xuôi, bị lễ giáo Khổng-Mạnh ngăn cấm. Ông cực kỳ sủng ái Bảo-Hòa. Ông nằm dài cho nàng đấm bóp. Vừa đấm bóp, Bảo-Hòa vừa thuật lại cuộc du hành kỳ thú gần năm qua của anh em nàng.
    Thân Thiệu-Anh là đại tôn sư võ học. Nên chỉ nghe cháu thuật qua, ông đã hiểu mọi chi tiết. Ông nghĩ:
    — Về nội công, hiện Thiệu-Thái cao không biết đâu mà lường. Nó có trăm năm Thiền-công nhà Phật, lại được Đỗ Lệ-Thanh dạy cho tâm pháp Chu-sa Nhật-hồ của Hồng-thiết giáo. Nhưng chiêu thức vỏn vẹn chỉ có bộ Tây-vu chưởng pháp, cùng mấy chục chiêu quyền thô sơ mà thôi. Phải dạy cho nó những tuyệt chiêu của Tây-vu mới được.
    Ông vẫy Bảo-Hòa, Thiệu-Thái ra khu đất trống. Ông bảo Thiệu-Thái diễn lại hết các chiêu số Tây-vu chưởng, rồi ông nói:
    — Phái Tây-vu có một pho chưởng pháp, gọi là Long-hổ. Pho chưởng này do tâm huyết bao đời tổ tiên bản phái truyền lại. Muốn luyện chưởng pháp, cần nội công tối cao. Chính bố cháu, cũng chỉ mới luyện thành gần đây. Hôm nay ông dạy cho hai cháu.
    Nói rồi ông hít hơi, vận khí, tay phải xòe thành chưởng, tay trái nắm thành quyền, hai tay cùng phát chiêu hướng vào thân cây to bằng bắp chân. Bình một tiếng. Cây bị gẫy, từ từ đổ xuống.
    Ông hỏi hai cháu:
    — Các cháu thấy sao?
    Bảo-Hoà đáp:
    — Cháu thấy hai tay ông có hai lực đạo khác nhau. Khi hai lực đạo đó đánh vào thân cây, trở thành một lực đạo hỗn hợp, có sức sát thủ kinh khiếp.
    Thiệu-Thái tiếp:
    — Lực đạo tay phải của ông như hàng chục mũi dùi xuyên thủng cây. Lực đạo tay trái như lưỡi búa chém ngang. Vì vậy hai lực đạo hợp làm một, cây bị tiện đứt.
    Thân Thiệu-Anh thấy hai cháu nhận ra được tinh hoa chưởng pháp, ông khoan khoái trong lòng:
    — Hôm nay ông dạy cho hai cháu. Pho chưởng này có mười tám chiêu, biến hoá ra âm, dương thành ba mươi sáu. Ba mươi sáu chiêu nối liền với nhau, thành một dây. Khi xử dụng cần phải có ý niệm một tay là tay rồng, một tay là tay hổ. Long, hổ cùng hợp nhau diệt kẻ thù.
    Ông giảng chi tiết về cách vận khí, phát chiêu, rồi để cho hai cháu luyện. Sau khi thuần thục, ông bảo Thiệu-Thái:
    — Cháu phát chiêu đầu Long-phi, hổ phục xem nào.
    Thiệu-Thái nhảy vọt lên cao, tay trái vòng xuống dưới, tay phải đẩy thẳng ra, hướng vào cây thông. Vèo một tiếng, lực phát ra như gió thoảng. Lực đạo thua cả một người chưa tập võ.
     Thiệu-Thái nhìn ông nội, xấu hổ.
     Thân Thiệu-Anh bực mình:
    — Cái thằng ngu quá, khi phát chiêu phải ý niệm một long, một hổ cùng muốn cắn, xé địch thủ chân khí mới thoát ra chứ!
    Thiệu-Thái vận khí lại, trong đầu chàng nghĩ tay trái tay long, tay phải tay hổ, rồi xuất chiêu. Vèo một tiếng như gió Xuân thổi qua, lực đạo kém lần đầu.
    Thân Thiệu-Anh thấy cháu vận khí, kình lực mạnh vô cùng, không hiểu sao lực lại không ra. Ông bứt rứt khó chịu bỏ vào nhà, miệng dặn cháu:
    — Luyện nữa đi, khi nào thành, vào báo cho ông biết.
    Thiệu-Thái cho rằng mình tăm tối, làm ông nội buồn. Chàng kiên tâm ngồi luyện, nhưng trải qua hơn hai mươi lần, mà lực cũng không phát ra. Chàng nghĩ thầm:
    — Hay công lực ta cạn rồi?
    Đầu óc chàng mơ mơ, hồ hồ như người trong mộng, tay phát một chiêu Tiêu-sơn tượng đầu chưởng. Rầm một tiếng, tảng đá to bằng cái thúng trước mặt chàng bị bay đi xa, rơi xuống đất. Cát bụi bay mù mịt.
    Chàng ngơ ngẩn xuất thần, không hiểu tại sao, chàng phát chiêu Tiêu-sơn mạnh như vậy, mà chiêu Long-hổ lại không có uy lực. Buồn bã chàng đưa mắt tìm Bảo-Hoà, không tìm ra em gái ở đâu. Thói quen, mỗi khi muốn tìm em, chàng hít hơi mấy cái, thấy mùi trầm hương ở hướng nào, thì đi về hướng đó sẽ gặp Bảo-Hòa. Chàng hướng mũi xung quanh đánh hơi, thấy mùi trầm ở về phía sông Hồng. Chàng lần bước theo hương thơm đi. Gần tới bờ sông, có tiếng chưởng phong phát ra cực lớn.
     Chàng than thầm:
    — Đêm khuya, ai mà đến đây đánh nhau thế này?
    Chàng chạy thực nhanh, tới bờ sông, dưới bóng tối của cây bồ-đề cổ thụ, Bảo-Hoà đang giao chiến với một người to lớn. Mặt trăng bị che mất, vì đám mây trắng trôi qua. Trong bóng tối, chàng không nhận ra đối thủ là ai.
    Bảo-Hòa xử dụng Phục-ngưu thần chưởng, chưởng phong rít lên vo vo, kình lực phát ra làm cây cối rung động. Mỗi chiêu nàng đánh như muốn vỡ núi, đổ thành. Còn người kia lại đứng im, chỉ phẩy tay một cái, Bảo-Hòa bật lui mấy bước liền.
     Thiệu-Thái kinh hãi nghĩ:
    — Người này là ai, mà võ công đến chỗ không lường được? Dù ông nội, dù Đào phò mã, dù Mỹ-Linh hay dù Hồng-Sơn đại phu, Trần Tự-An cũng không thể bằng được. Nhân vật như vậy đâu có nhiều?
    Thấy bóng y phục bay, dường như người đó mặc áo cà sa, chàng đoán:
    — Hay Minh-Không đại sư phái Tiêu-Sơn?
    Chàng chợt thấy không phải, vì hôm trước nghe đại hiệp Trần Tự-An nói, Minh-Không người gầy như que củi, có đâu to béo thế kia?
    Bảo-Hòa xuất liền ba chưởng Ác ngưu nan độ rồi Ngưu thực ư dã chuyển sang Thanh ngưu nhập điền. Bình, bình, bình, chưởng phong cực kỳ hùng dũng. Thế nhưng người kia vẫn ngồi im dưới gốc bồ đề, mỗi chưởng của Bảo-Hoà tới, y chỉ vẫy tay một cái, đẩy sang bên cạnh, khiến kình phong rít lên vo vo xoay tròn như con gió lốc.
    Bảo-Hòa đã phát hết ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu thần chưởng, mà không làm gì được người kia. Nàng kinh hãi ngừng, tần ngần suy nghĩ.
    Thiệu-Thái lần mò lại gần, đám mây trôi qua, ánh trăng rọi xuống rõ như ban ngày. Suýt nữa chàng bật cười. Vì nhà sư đó chính thị Bố-Đại hoà thượng. Chàng kêu lớn:
    — Bảo-Hoà ngừng tay. Không thể vô phép!
    Bảo-Hoà nghe tiếng anh nói, nhảy lùi lại. Thiệu-Thái tiến tới trước mặt Bố Đại. Chàng quỳ gối hành lễ:
    — A-di-đà Phật. Đệ tử Thân Thiệu-Thái xin tham kiến Bồ-tát.
    Bố Đại cười toe toét:
    — Con lợn! Con nhí đâu rồi?
    Thiệu-Thái kính cẩn đứng sang bên cạnh ngài, hai tay chắp vào nhau, cung cung kính kính:
    — Bạch đại Bồ-Tát, Mỹ-Linh hiện ở phủ Khai-Thiên vương.
    Bảo-Hòa thấy thái độ của anh, nàng kinh ngạc:
    — Gã thầy chùa ăn thịt chó này có quen biết với anh sao?
    Thiệu-Thái nghe em hỏi, chàng vội xua tay lắc đầu:
    — Bảo-Hoà không được vô phép, vị này là Bố Đại hoà thượng.
    Nguyên lúc Thiệu-Thái luyện Long-hổ chưởng pháp, Bảo-Hòa thấy trăng đẹp, nàng tản bộ ra phía bờ sông Hồng, nhìn những con thuyền của tao nhân mặc khách đang thả trôi trên sông, tấu nhạc, ngâm thơ, ngắm trăng. Suốt một giải dọc sông Hồng, đèn đuốc như sao sa, dẹp vô cùng.
    Chợt nàng để ý thấy dưới gốc cây bồ đề có người ngồi trong tư thức kiết-già luyện công. Tò mò, nàng lại gần, thấy đó là một hoà thượng bụng to như cái trống, nhưng mặt đẹp vô cùng. Tai hoà thượng dài xuống tận cổ. Nét mặt bảo rằng già cũng thấy già. Nói rằng trẻ cũng thực trẻ.
    Bảo-Hòa tiến đến gần chắp tay xá một xá. Hoà thượng vẫn ngồi yên, bất động. Nàng bực mình nghĩ thầm:
    — Ông hoà thượng này làm bộ đây. Rõ ràng ông ta ngồi, mắt mở thế kia, mà ta xá, ông không thèm đáp lễ. Đã vậy ta phá cho bõ ghét.
     Nàng tiến tới gần, lấy ngón tay chỏ chọc vào mắt vị hoà thượng. Ngón tay sắp tới mắt, mà ông vẫn như không biết. Nàng thu tay lại nghĩ:
    — Dường như một hoà thượng si ngốc!
    Tính tinh nghịch nổi dậy, nàng dùng tay cốc lên đầu ông. Cộp một tiếng, ông vẫn không nhúc nhích. Bảo-Hòa lui lại nghĩ:
    — Hay ông ta chết ngồi rồi?
    Nàng lên tiếng:
    — Hoà thượng ăn thịt chó kia, còn sống hay chết?
    Có tiếng trả lời:
    — Không sống, mà cũng chẳng chết.
     Bảo-Hòa mở to mắt nhìn xung quanh xem ai nói câu đó. Mà tuyệt, không có ai. Người nói không thể là ông hoà thượng được, vì ông vẫn ngồi im. Miệng, môi, mắt bất động. Nàng lên tiếng hỏi:
    — Ai vừa trả lời ta đó?
    — Không ai trả lời cả. Mọi vật trên thế gian, nhất thiết đều vô thường.
    Lần này Bảo-Hòa thấy tiếng nói phát ra từ phía sau hoà thượng. Nàng nhìn xung quanh ông, không có ai khác. Nàng hỏi:
    — Người là người, hay là ma?
    — Vua, chúa, thánh, thần, mai sau đều ra ma cả. Ta làm người không biết vô vàn kiếp, làm ma không biết bao nhiêu mà kể. Bây giờ mi hỏi ta là người hay là ma thì trả lời sao được.
    — Người có phải nhà sư béo tròn đâu mà trả lời ta. Ta hỏi nhà sư béo như cái thúng này kia. Nhà ngươi trả lời tức là nam-mô hớt có biết không?
    — Ta có nam-mô hớt đâu. Người hỏi ta, ta trả lời. Tại sao người lại nổi giận? Người nên biết cáu giận như vậy là tật xấu nhất của con gái không? Ta chính thị nhà sư béo tròn đây. Ta biết hôm nay người khó chịu trong lòng, nên giận cá chém thớt, người cáu với ta.
    — Tại sao người biết ta khó chịu trong lòng?
    — Ta biết vì ta biết. Ta biết người là con gái vua Bà Bắc-biên. Vua Bà định gả người cho cháu Dực-Thánh vương, mà người không chịu, cho nên người bị mạ mạ người mắng cho.
    — Vậy người biết ta là ai không nào?
    — Người họ Thân, tên Bảo-Hòa.
    Bảo-Hòa nghĩ đến trường hợp người Mường tại Bắc-biên thường nuôi ma xó. Khi người ta thù ai, thì sai ma xó theo rình rập đối thủ, rồi tìm cách hại. Nàng hơi rùng mình:
    — Người có phải là ma xó không? Người nên biết tất cả linh thần ở Bắc-biên đều phải qui phục mạ mạ ta. Người là ma xó, mà theo dõi ta, mạ mạ ta sẽ quật mồ người lên, đánh nát xương ra.
    — Không, ta là ta. Ta không phải ma xó. Ta không sợ linh thần, cũng không sợ vua bà Bắc-biên.
    Bảo-Hòa thấy bụng hoà thượng hơi chuyển động. Nàng hiểu liền:
    — Ta thực ngu. Lão hoà thượng này dùng thuật phúc ngữ. Bụng mở ra, khép lại, hơi đưa qua cổ, mà thành tiếng nói.
    Nàng cười lớn:
    — Thì ra hoà thượng ăn thịt chó. Người trêu bản cô nương từ nãy đến giờ. Này, người ăn thịt bao nhiêu con chó rồi? Thịt chó ngon không?
    — Thịt chó ư? Ta chưa ăn qua lần nào, thành ra không biết có ngon hay không. Nhưng ta biết chắc chó sạch sẽ hơn cô nương.
    Bảo-Hoà nổi giận:
    — Ông nói láo. Chó ăn phẩn thì phải dơ bẩn hơn người chứ?
    — Phẩn do đâu mà có?... Ở trong người ra. Chó ăn vào mà thành dơ, thì chính là người làm cho chó dơ. Ta biết rõ chân chó sạch hơn chân cô nương, vì chân chó không đá đồng lọai, còn chân cô nương xử dụng võ công đánh người. Chó chỉ biết sủa, không biết chửi bới, nói điêu, nói ngoa, nói cạnh nói khoé, như vậy miệng chó sạch hơn miệng cô nương.
    Bảo-Hòa nghe nhà sư nói, nàng nổi giận vung tay tát vào mặt ông. Ông không tránh, chỉ phẩy ngón tay một cái, chưởng lực Bảo-Hòa bị hoá giải mất. Biết gặp kình địch, Bảo-Hoà không nhân nhượng nữa, nàng phát một chiêu Phục-ngưu thần chưởng tấn công. Chưởng phong rít lên veo véo. Nhà sư vẫn ngồi im, bàn tay chuyển động một cái, chưởng phong của nàng bị đổi chiều đánh sang bên cạnh.
    Nhà sư cười:
    — À, đả miêu chưởng đây.
    Phục-ngưu thần chưởng, là chưởng pháp tinh diệu, hùng mạnh, danh trấn Hoa-Việt hơn ngàn năm qua. Thế mà nhà sư gọi là chưởng đánh mèo, Bảo-Hòa chịu sao nổi? Nàng quát lên phát ra chiêu Tứ ngưu phân thi, nhưng nhà sư thủy chung vẫn không đứng dậy. Ông phẩy tay, làm kình lực của nàng đổi chiều sang một bên.
    Đến đây, Thiệu-Thái xuất hiện.
    Nghe anh nói, Bảo-Hòa kinh hãi, nàng chửi thầm:
    — Mình đáng chết thực. Ừ trên đời làm gì có hoà thượng thứ nhì béo như thế này? Ta nghe truyền tụng rằng Bố Đại hoà thượng là Bồ-tát hoá thân, trở lại trần thế, giúp Đại-Việt lập nước. Công lực lão cao thâm khôn lường. Hôm nay ta mới thực sự thấy.
    Tuy vậy, vì tự ái, nàng vẫn không chịu nhận lỗi, chỉ nói một câu trống trơn:
    — Thực vạn hạnh.
    Bố Đại hoà thượng quan sát Thiệu-Thái, rồi ông lắc đầu:
    — Con lợn ơi! Tại sao mặt lợn lại bì bì ra thế kia? Này, lợn ạ, trong thế gian không có gì thường cả. Hôm nay lợn với ta hội ngộ. Ngày mai, ta một nơi, lợn một nơi. Việc nhỏ còn như thế huống hồ việc lớn như việc nước, việc dân.
    Thiệu-Thái tỉnh ngộ:
    — Đệ tử hiểu rồi. Long-hổ chưởng thì lợi hại với đệ tử Tây-vu, nhưng không thể với đệ tử Tiêu-sơn. Thiền-công hoá giải được ma nghiệp, nhưng giết người lại khó khăn.
    — Con lợn giác ngộ mau thực. Trong người lợn có một trăm năm Thiền-công, khi luyện bất cứ chiêu thức ngọai công nào của nhà Phật như Thiếu-lâm, Tiêu-sơn, Đông-a đều được. Còn Long-hổ chưởng, là chưởng của tục gia, mỗi chiêu biểu hiệu con long, con hổ giao chiến. Khi phát chiêu, phải vận đến hai lực đạo khác nhau. Trong khi Thiền-công phải dứt bỏ nhân ngã tứ tướng. Long-hổ chưởng, thuộc chưởng tục gia, thiên về sắc tướng. Dùng cái không, để làm cái có mà phát chiêu, chiêu không có lực.
    Nghe Bố Đại nói, Thiệu-Thái tỉnh ngộ:
    — Ông nội mình tuy là đại tôn sư võ học, nhưng cũng không nhìn ra vụ mình luyện Long-hổ chưởng bất thành. Ừ, sau đó mình phát chiêu Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng lại mãnh liệt vô cùng.
    Bảo-Hoà xì một cái:
    — Đại sư nói vậy e không đúng. Thế sao Phục-ngưu thần chưởng sát thủ kinh người, mà thời Lĩnh-nam, công chúa Yên-lãng Trần Năng lại dùng Vô-ngã tướng Thiền-công phát chiêu mà vẫn dũng mãnh? Vô-ngã tướng Thiền-công không thuộc Thiền-công  nhà Phật đó ư?
    Bố Đại cười khềnh khệch:
    — Vị nữ thí chủ này dùng Phục ngưu thần chưởng tấn công bần tăng. Phục-ngưu thần chưởng do tổ sư phái Tản-viên là Sơn-Tinh chế ra, mục đích khắc phục, chế ngự trâu, chứ không phải để giết trâu. Sau Vạn-tín hầu Lý Thân nhân đó chế ra nội công âm nhu khắc chế nội công dương cương, rồi biến ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu dương thành Phục-ngưu âm. Khi công chúa Yên-lãng gặp Tăng-giả Nan-đà, được ngài truyền Thiền-công cho. Công chúa dùng Thiền-công phát chiêu Phục-ngưu. Đến đây Phục-ngưu lại một lần nữa đổi đi thành pho võ công mới. Vì vậy khi Phục-ngưu Thiền-công này phát ra chỉ giải được chiêu thức ác độc của đối phương, mà không có sát thủ như trước nữa.
    Đến đây ngài đứng dậy, vận khí phát chiêu, đánh vào ụ đất bên sông. Binh một tiếng, ụ đất bay đi, rơi xuống sông ào ào. Bảo-Hoà nhận ra đó là chiêu Ngưu tẩu như phi. Nàng vỗ tay:
    — Đại hoà thượng! Phục ngưu thần chưởng của người mạnh thực.
    Bố Đại ngồi kiết già trở lại, mắt ông ngơ ngẩn xuất thần, nhìn vào không gian vô tận. Một lúc sau, ông nói:
    — Chúng ta đi tìm lẽ giải thoát, đi tìm Phật, như người vào rừng tìm trâu. Đi hoài, chỉ thấy này cây, này hoa, này cỏ. Càng tìm càng vô vọng. Trâu ở đâu, nào có thấy?
    Ông vận khí phát một chiêu hướng vào thân cây bên cạnh. Binh một tiếng, cây từ từ đổ xuống. Ông hỏi Bảo-Hòa:
    — Tiểu cô nương. Cô nương thấy thế nào?
    Bảo-Hòa đáp:
    — Trong chiêu vừa rồi của đại sư, dường như bao gồm nội công dương cương của tiểu bối, lại có nội công âm nhu khắc chế với tiểu bối. Lại có phần hoá giải, giống như Thiền-công. Cả ba đều nằm trong một chiêu của Phục-ngưu thần chưởng.
    — Giỏi!
    Ông chỉ thân cây đổ:     
— Con lợn thử nhìn xem, có gì lạ không?
    Thiệu-Thái chạy lại xem: Thân cây bị lực đánh vỡ ra thành từng miếng nhỏ. Trong các miếng nhỏ đó, có những chỗ nát nhừ ra, các thớ cây cong queo, lại có lực đạo tiện thân cây đứt như một nhát búa chặt. Chàng chợt hiểu, reo lên:
    — Trong chiêu vừa rồi, bao gồm ba thứ, lực dương cương làm đứt cây bằng phẳng. Âm nhu làm cho cây bị cắt ra thành thớ nhỏ. Thiền lực làm các thớ nát ra như bột.
    Bố-Đại gật đầu:
    — Ta đặt cho chiêu này tên là Sơn trung tầm ngưu, giống như người vào rừng tìm trâu. Như chúng sinh đi tìm Phật vậy. Phật ở đâu mà tìm? Tìm đến bao giờ? Thực giống như nằm mơ, phiêu phiêu, tưởng tưởng.
    Rồi không đợi Bảo-Hòa, Thiệu-Thái có đồng ý hay không, ông dạy hai người cách vận khí, xuất chiêu. Hai anh em cùng hợp sức luyện. Một lát sau, Bố-Đại bảo Thiệu-Thái:
    — Người phát chiêu ta xem nào!

    Thiệu-Thái phát chiêu hướng phần cây còn lại. Chát một tiếng. Phần trên bị tiện đứt bằng phẳng. Chàng cầm khúc gỗ lên xem. Khúc gỗ bị vỡ thành thớ, thành bột, giống như thân cây bị Bố Đại đánh gẫy vừa rồi.
    Bảo-Hoà reo:
    — Thành công rồi. Nhưng các thớ gỗ bị nghiền chưa nát mấy. Phải luyện lại.
    Bảo-Hòa xuống đinh tấn, vận khí phát chiêu hướng gốc cây. Ầm, cát bụi bay tung, gốc cây bị bật tung lên, nhưng các thớ cây vẫn còn nguyên.
    Bố-Đại cười khềnh kệch:
    — Giữa sắc tướng với vô tướng, làm sao hợp lại được! Vô ích.
    Tự ái nổi dậy, Bảo-Hòa nghĩ thầm:
    — Ông Bố Đại với anh Thiệu-Thái vốn cùng môn hộ. Nên ông dạy, anh ấy thụ lĩnh dễ dàng. Còn mình thì khác môn hộ, nếu mình tập theo ông không khác chúng sinh đi tìm Phật. Hay mình vận công âm nhu xem?
    Hồi ở Vạn-thảo sơn trang, Mỹ-Linh đọc khẩu quyết cho Bảo-Hoà luyện Phục-ngưu thần chưởng dương cương. Trong khẩu quyết có nhiều thuật ngữ đặc biệt. Nàng chiếu thuật ngữ Đặng Đại-Khê dạy rồi luyện thử, thành công. Lúc trở lại Vạn-hoa sơn trang, phò mã Đào Cam-Mộc dạy nàng thuật ngữ luyện Phục-ngưu thần chưởng âm nhu. Từ đấy đêm đêm nàng luyện nội công âm nhu, đến nay đã được mấy thành.
    Bây giờ Phục-ngưu thần chưởng của nàng bị Bố Đại hoà thượng gọi là Đả miêu. Uất khí nổi dậy, nàng ngồi vận công âm nhu. Vận một lúc, thấy người mình lạnh toát, rét run lên. Nàng không dám vận nữa. Trong cơ thể, nội lực dương cương phản ứng tự động, chống lạnh. Thế là hai thứ nội tức hoà hợp với nhau. Cứ thế nàng luyện đi, luyện lại. Vô tình nàng làm công việc tổng hợp âm dương, mà xưa kia chỉ Bắc-bình vương Đào Kỳ làm được.
    Mặc cho anh em Thiệu-Thái luyện chiêu Sơn trung tầm ngưu. Bố Đại ngồi tần ngần suy nghĩ một lúc, rồi ông phát một chiêu nữa. Chiêu này cực kỳ vũ dũng, rầm một tiếng, đất lũng xuống thành lỗ.
    Thiệu-Thái, Bảo-Hòa ngưng luyện công, chạy lại xem. Bố Đại hỏi:
    — Người thấy có gì lạ không?
    Bảo-Hòa nói:
    — Trong chiêu của đại sư vẫn bao gồm ba thứ kình lực. Nhưng chiêu thức rõ ràng tập hợp ba chiêu. Chỗ này là chiêu Thanh ngưu qui gia cho nên có vết lủng tròn, bằng phẳng. Chỗ này là chiêu Tứ ngưu phân thi nên có bốn lỗ hũng. Chỗ này là chiêu Lưỡng ngưu tranh phong. Vì chỗ đất lũng xuống có hai lỗ.
    Bố Đại hỏi Thiệu-Thái:
    — Người nghĩ sao?

    — Thưa Bồ-tát, chiêu này tượng trưng cho người đi tìm trâu đã thấy có vết chân trâu, nên đặt tên là Kiến tích dã ngưu nghĩa là tìm thấy vết trâu hoang.
    Bố Đại dạy Thiệu-Thái vận khí phát chiêu. Chàng vận công, phát chiêu, không có gì khó khăn cả.
    Bố Đại vẫy Thiệu-Thái lại gần:
    — Này con lợn! Trong Thiền-công, điều quan trọng nhất là hàng phục cái tâm mình. Tâm trong Đại-thừa là Ngã tướng. Thiền dạy cắt cái ngã tướng đi. Ngươi được truyền Thiền-công, mà không luyện được ngoại công nào để xử dụng, phát huy, cũng giống như chú mục đồng vào rừng. Đầu tiên thấy ve kêu, vượn hú, ngơ ngơ, ngác ngác, sau thấy có vết chân con trâu, lần theo mà đi. Chú mục đồng chạy mãi, cuối cùng thấy cái đuôi trâu thò ra trong bụi cây, rồi thấy nửa thân trâu. Thì ra trâu vẫn ở đây chứ có xa đâu? Tỷ như ta tìm Phật. Phật chính tại tâm, mà không biết.
    Thình lình ông hít hơi phát chiêu. Bùng một tiếng, chỗ đất trước mặt ông lủng một lỗ lớn.
    Bảo-Hòa thấy chiêu vừa rồi của Bố Đại đánh ra, hơi giống Phục-ngưu thần chưởng. Có điều chưởng phong kỳ diệu vô cùng.
    Thiệu-Thái reo lên:
    — Thành công rồi!
    Bảo-Hòa ngơ ngác không hiểu, hỏi:

    — Cái gì mà anh bảo thành công rồi?
    — Bồ-tát giảng cách phục tâm, như người đi tìm Phật. Phật ở trong tâm, như trâu ở phía trước chúng ta. Vì vậy ngài hợp ba chiêu Phuc-ngưu lại thành một chiêu. Tức trong một chiêu vừa rồi bao gồm Ác ngưu nan độ, Ngưu thực ư dã, Thanh-ngưu nhập điền. Kình lực phát ra gồm cả dương như của Sơn-Tinh, âm nhu của Vạn-tín hầu và Thiền như của công chúa Yên-lãng.
    Bố Đại giảng cách vận khí, chuyển khí, phát chiêu cùng cách biến hoá. Đầu tiên có thể phát một trong ba chiêu Ác-ngưu nan độ, hoặc Ngưu thực ư dã, hoặc Thanh-ngưu nhập điền. Sau đó biến ra chiêu nào cũng được. Trong một chiêu, gồm có cả ba thứ kình lực, sát thủ dương cương, âm nhu hoặc hoá giải như Vô ngã tướng Thiền-công.
    Bảo-Hòa, Thiệu-Thái cùng ngồi vận khí, luyện một lúc. Bố Đại bảo Thiệu-Thái:
    — Phát chiêu đi!
    Thiệu-Thái hướng tảng đá trước mặt phát chiêu. Binh một tiếng tảng đá bay lên cao, rồi rơi xuống đất.
    Bảo-Hòa cũng phát chiêu vào tảng đá khác. Đá cũng bay lên, rồi rơi xuống. Ba người cùng chạy lại xem. Tảng đá của Bảo-Hòa không có gì lạ. Nàng lắc đầu:
    — Chiêu thức vừa rồi của tiểu bối phát ra, cũng vẫn là chiêu Ác ngưu nan độ, không có gì thay đổi cả. Hoà thượng ơi, hợp ba chiêu lại không được đâu!
    Nàng chạy lại xem tảng đá của anh, bất giác, mở to mắt ra nhìn. Tảng đá có tới chín vết tích khác nhau. Chỗ nhẵn bằng là do Thiền-công đánh vào. Chỗ xoáy thành từng lỗ là do âm kình. Còn chỗ vỡ ra là do dương kình. Chỗ bị thủng vào là do chiêu Ác ngưu nan độ. Chỗ có bốn vết lủng là do chiêu Thanh ngưu nhập điền. Còn chỗ lấm tấm là do chiêu Ngưu thực ư dã.
    Bố Đại cười:
    — Chiêu này ta tạm gọi là tìm thấy trâu trong rừng, gọi bằng tiếng Hán-Việt là Lâm trung kiến ngưu.
    Bảo-Hòa hỏi:
    — Đại sư! Vì lẽ gì, tiểu bối đã luyện Phục-ngưu thần chưởng rồi, mà phát chiêu của đại sư lại không ra. Trong khi anh của tiểu bối, chưa biết gì về Phục-ngưu thần chưởng, mà lại luyện thành.
    Bố Đại an ủi Bảo-Hòa:
    — Tiểu thí chủ nên biết con lợn kia chỉ có cái xác là anh thí chủ thôi. Còn trong người y đầy dẫy Thiền-công. Y lại hàng phục được cái tâm, vì vậy y luyện thành. Còn thí chủ, luyện Phục-ngưu từ lâu, nhưng cái sắc tướng còn nhiều quá, thành ra lại trở về với Phục-ngưu.

     Bảo-Hoà là người cực kỳ thông minh, nàng hiểu liền:
    — Đại sư tổng hợp ba chiêu Phục-ngưu làm một. Trong mỗi chiêu bao gồm tới ba thứ kình lực khác nhau. Một là dương cương của Sơn-Tinh. Hai là âm nhu của Lý Thân. Ba là Vô-ngã tướng của Thiền-công. Còn tiểu nữ thì thiếu nội công âm nhu, với Thiền-công, thành ra khi phát chiêu vẫn chỉ là Phục-ngưu dương cương.
    — Đúng thế.
    Bảo-Hoà suy nghĩ, vận công. Chân khí tòng tâm, nội lực âm nhu phát ra tay phải, trong khi nội lực dương cương phát ra tay trái. Cả hai cuồn cuộn, khiến tay nàng rung lên. Nàng vung cả hai tay. Vô tình cả hai tay đều phát chiêu Ác-ngưu nan độ hướng vào hai cây khác nhau. Ầm một tiếng. Cây phía tay trái bị tiện đứt ngon, bằng phẳng như nhát búa chặt. Còn cây phía phải một đoạn bị dập nát, các thớ cong queo như vỏ bào.
    Bố Đại gật đầu:
    — Xưa kia Vạn-tín hầu, rồi Bắc-bình vương đều tổng hợp được âm, dương, luyện thành cả Phục-ngưu âm lẫn dương. Sau này Chu Tái-Kênh học lén cũng thành. Bà chỉ có thể phát hai tay cùng một chiêu, cùng âm, hoặc dương. Còn Vạn-tín hầu, cũng như Bắc-bình vương, có thể một lúc phát mỗi tay một chiêu khác nhau. Hoặc âm cả, hoặc dương cả, hoặc một tay âm, một tay dương. Như tay trái phát chiêu Ngưu thực ư dã âm. Tay phải phát chiêu Kiến ngưu tại điền dương. Vì vậy một người, mà thành hai. Cho nên trong trận cuối cùng ngài cùng vương phi giết hết Liêu-Đông tứ vương cùng Sầm Anh, Phùng Đức.
    Ngài chỉ Bảo-Hòa:
    — Phàm muốn phân tâm ra làm hai như vậy, phải là người chân thực như con nhí. Hoặc đần như con lợn. Tiểu quận chúa vì thông minh quá, nên khó tập trung tinh thần.
    Bảo-Hoà gật đầu, hiểu ra:
    — Nếu như người theo Phật, toạ thiền, để lòng lắng xuống, bỏ hết Ngũ-căn, Lục-trần, thần tĩnh, tâm an, như vậy dù linh lợi cũng thành công.
    — Đúng thế. Vừa rồi quận chúa xuất thần, hai tay phát cùng một chiêu, nhưng mỗi tay một kình lực khác nhau. Nào, quận chúa thử trụ tâm vào gốc cây đa này, buông lỏng hết cả. Tay phải phát chiêu Ác ngưu nan độ dương. Tay trái phát chiêu Ngưu tẩu như phi âm.
    Bảo-Hòa ngồi xuống, vận công, khí trầm đơn điền. Bao nhiêu tinh thần nàng trụ vào cây đa, rồi vận âm kình ra tay trái, dương kình ra tay phải. Phải khó nhọc lắm, kình lực mới ra như ý muốn.
    Nàng phát chiêu Ác ngưu nan độ ra tay phải. Lập tức tay nàng run lên, kình lực mạnh vô cùng. Nàng lại phát chiêu Ngưu tẩu như phi ra tay trái. Không khó nhọc. Hai tay tràn kình lực. Nàng hít hơi đẩy về trước. Bình, vèo hai chưởng cùng vọt ra, đánh trúng một thân cây.
    Thiệu-Thái chạy lại xem. Một đoạn thân cây bị đứt bằng phẳng, nhưng các thớ lại cong queo. Khúc cây khác chỉ rạn ra, không đứt, mà các thớ thì nát như bột. Chàng lắc đầu:
    — Em không thể tập trung tinh thần, mà cố qúa, nên có trình độ này. Tay phải dương. Tay trái âm. Nhưng khi xuất chưởng, tinh thần không phân nổi, nên có tình trạng nửa nọ, nửa kia.
    Bố Đại ngửa mặt nhìn trăng than:
    — Đúng là nghiệp dĩ. Quận chúa! Người không phát được hai tay hai chiêu khác nhau, với hai kình lực âm, dương khác biêt. Nhưng chính cái không hoàn toàn phân tâm đó, làm cho tay dương ba phần dương một phần âm. Tay âm, ba phần âm một phần dương. Nó không giống của Bắc-bình vương. Cũng chẳng giống Thiệu-Thái. Nó thành một thứ chưởng mới. Ta có lời yêu cầu.
    Bảo-Hoà xấu hổ:
    — Xin đại sư cứ dạy.
    — Chưởng hỗn loạn như vậy, cực kỳ bá đạo. Sát thủ kinh người. Kẻ bị lĩnh, dù nhẹ, dù nặng, cũng chết. Mỗi khi xử dụng, quận chúa thử nghĩ xem, tội đối thủ có đáng chết không, rồi hãy phát chiêu. Nếu phát bừa bãi, bần tăng e nghiệp quả cao lắm, chứ không thường đâu.
    — Đa tạ đại sư chỉ dạy.

    Thiệu-Thái ngây người ra suy nghĩ:
    — Như vậy bà Chu Tái-Kênh chỉ có thể chiêu trước, hai tay cùng phát dương. Rồi chiêu sau, hai tay cùng phát âm. Trong khi vận lực từ âm, sang dương, có khoảng thời gian ngăn cách, đối thủ lợi dụng chỗ đó mà tấn công. Nếu gặp đối thủ bậc trung thì không sao. Còn gặp đại đối đầu thực nguy tai. Tốt hơn hết bà chỉ nên đánh thuần dương hoặc thuần âm thôi. Nay Bảo-Hoà phát chiêu, không phân rõ như vầy, e còn lợi hại hơn Bắc-bình vương nữa.
    — Đúng vậy.
    Bố Đại giảng tiếp:
    — Thấy trâu, thì phải bắt lấy trâu, đừng để trâu đi mất.
    Nói rồi ngài lại phát chiêu, đặt chiêu này tên là Đắc ngưu hội thủ. Cứ như thế, một thầy, hai trò, hợp Phục-ngưu thần chưởng dương cương, âm nhu, vô ngã tướng thành pho chưởng mới, gồm mười chiêu mang tên như sau:
    1. Sơn trung tầm ngưu (Trong núi tìm trâu).
    2.Kiến tích dã ngưu ( Thấy vết trâu hoang).
    3.Lâm trung kiến ngưu ( Thấy trâu trong rừng).
    4.Đắc ngưu hội thủ ( Bắt trâu đem về).
    5.Mục ngưu ư dã (Chăn trâu ở đồng).
    6.Kị ngưu qui gia (Cỡi trâu về nhà).
    7. Vong ngưu tồn nhân (Trâu mất, người còn).
8. Nhân ngưu câu vong (Người và trâu đều mất).
    9. Phản bản, hoàn nguyên (Trở về cội nguồn).
    10. Nhập triền, thụy thủ (Buông tay, vào chợ).

    Bố Đại giảng:
    — Thiền công phát xuất từ Thiền-na, gọi tắt là Thiền. Muốn đạt được tối cao Thiền-công phải tìm cách hàng phục cái tâm. Tâm của Đại-thừa là Ngã tướng. Vì vậy Vô ngã tướng Thiền công tổng hợp tất cả các Thiền-công. Tâm của Thiền thì thu hẹp lại thành cái « niệm ». Thiền dạy cắt đứt tư duy, bỏ hết lý luận. Cho nên luyện Thiền-công phải bỏ hết Ngũ-uẩn, Nhân-ngã tứ tướng.
    Ngài ngừng lại, nhìn trời rồi tiếp:
    — Trong Mục ngưu Thiền chưởng ta bắt đầu bằng tìm trâu. Tìm ở đâu? Đâu cũng là hoang vu, là rừng rậm. Hình thành chiêu Sơn trung tầm ngưu. Sang chiêu thứ nhì, chú bé thấy dấu vết chân trâu, Kiến tích dã ngưu. Rồi thấy trâu. Thì ra trâu vẫn đó, trâu có trốn đâu, tại chú không thấy trâu mà thôi. Ấy là chiêu Lâm trung kiến ngưu. Cũng như cái tâm. Tâm với Phật như nhau. Tâm ở đâu? Tâm vẫn ở trong ta, Phật vẫn ở trong ta, mà ta mất công đi tìm.
    Thiệu-Thái, Bảo-Hoà lắng tai ngồi nghe. Đây là lần đầu tiên Bảo-Hoà được nghe thuyết pháp giản dị như vậy. Những ý niệm không ưa Phật-giáo biến dần đi khỏi tâm tư nàng. Bố Đại tiếp:
    — Rồi chú mục đồng bắt được trâu, tức chiêu Đắc ngưu hiệp thủ, chăn trâu Mục ngưu ư dã. Cuối cùng, dắt trâu về nhà  Kị ngưu qui gia. Cỡi trâu về nhà là ngự trị được cái tâm. Nhưng như vậy vẫn còn tâm. Còn tâm vẫn còn cảnh. Còn cảnh tức còn « Nhãn ». Nhãn là một phần của thân. Còn nhãn tức còn « thân ». Tức cảnh sinh tình là còn « Y Ù ». Như vậy thì Lục-tặc còn nguyên, chưa thoát khỏi Ngũ-uẩn. Làm sao phải Vô vô minh kia mà. Bây giờ phải dứt hết, tức bỏ cả cái tâm ra ngoài, tức trâu mất đi, chỉ còn người thôi. Đó là chiêu Vong ngưu tồn nhân. Khi tâm mất thì thân cũng mất, tức Nhân ngưu câu vong.
    Thiệu-Thái mỉm cười khoan khoái. Bố Đại hỏi:
    — Hiểu chưa, con lợn?
    — Bạch Bồ-Tát, khi người và trâu đều biến đi, thì đạt tới đắc pháp. Hôm trước Mỹ-Linh đọc kinh Lăng-già có đoạn đệ tử không hiểu, nay mới thấy rõ. Đó là đoạn:
        Buộc cảnh giới là tâm,
        Giác tưởng sinh là trí.
        Không thật có và thắng,
        Huệ ắt từ đấy sinh.

    — Đúng vậy. Người hãy nghe câu kệ này:

        Tầm ngưu tu phóng tích,
        Học đạo quý vô tâm.
        Tích tại, ngưu hoàn tại,
        Vô tâm đạo dị tầm.

    Thiệu-Thái thấy người nhẹ nhàng dị thường, chàng lẩm nhẩm dịch:

        Tìm trâu cần biết vết,
        Học đạo phải vô tâm,
        Dấu đâu, thì trâu đấy,
        Vô tâm đạo dễ tìm.                
    Bố Đại xoa đầu Thiệu-Thái:      
— Người có duyên, mà được Sùng-Phạm cho trăm năm Thiền-công. Thế nhưng cơ thể người là cơ thể ăn mặn. Cơ thể Sùng-Phạm là cơ thể ăn chay. Thiền công Sùng-Phạm dễ gì tuần lưu trong người được. Lại nữa, tâm xử dụng lực. Thế mà tâm của người đầy sắc tướng, làm sao xử dụng Thiền-công vô sắc kia? Người lại cũng không biết phát lực của Tiêu-sơn, thành ra người như đứa trẻ ngồi trên đống gạo, mà chết đói, vì không biết nấu ăn. Bây giờ người hiểu hết, người phát chiêu tòng tâm được rồi.
    Thiệu-Thái nhớ lại hôm gặp Bố Đại ở Hồng-hương mật cốc, Bố-Đại gọi chàng là con lợn, rồi xưng đếch, chó, chàng bực mình. Hôm nay chàng mới hiểu, dù chó, dù lợn, dù gì chăng nữa, cũng là không cả.

Ghi chú,       
    Đây là nguồn gốc của Thập-ngưu Thiền-chưởng, do Bố Đại hoà thượng thời Lý sáng tạo ra, truyền tụng đến đời Tây-sơn mới bị tuyệt. Sau khi rời Bố Đại trở về, công-chúa Bảo-Hòa vẽ lại mười bức tranh, để gợi ý, khi luyện tập. Mười bức tranh ấy, truyền tụng rất rộng trong Thiền-học. Người sau không hiểu Mục ngưu đồ, rồi giải thích lung tung. Có người giải thích đúng. Có người giải thích sai. Chỉ độc giả Thuận-Thiên di sử mới biết bức tranh này được ra đời trong hoàn cảnh nào.
    Sau này khi đem quân sang đánh Tống, công chúa Bảo-Hòa có truyền thiền-học cho nhiều danh sĩ, tăng lữ Trung-quốc, vì vậy đến cuối thế kỷ thứ mười hai, loại tranh Mục ngưu đồ này truyền tụng rất rộng trong các thiền-viện, Tùng-lâm. Cứ mỗi một đời truyền tụng, người sau giải thích, thêm bớt, nên biến hình đổi dạng có hàng ngàn bộ khác nhau, nhưng đại lược không có gì thay đổi.
    Tranh Mục ngưu đồ tuy nhiều, nhưng tựu trung có hai loại khác biệt nhau, đó là tranh Đại-thừa và tranh Thiền-tông. Đây là nguồn gốc tranh Thiền-tông. Sau này Bảo-Hòa được Bố Đại hoà thượng quy y cho, thầy trò lại hợp võ công thiên hạ, sáng chế ra mười chiêu Mực ngưu Thiền chưởng nữa, khác hẳn với Mục ngưu Thiền chưởng này. Bảo-Hòa cũng vẽ tranh. Để phân biệt, người sau gọi bộ tranh trước là tranh Thiền-tông. Bộ tranh sau là tranh Đại-thừa. Nhiều người thích chẻ sợi tóc làm tư, họ giải thích tranh Đại-thừa thế này, tranh Thiền-tông thể kia, mà không hiểu rằng đạo Phật có muôn vàn pháp môn, nhưng thu lại vẫn chỉ có một mối là đi đến chỗ ” Vô thượng chính đẳng, chính giác” giải thoát con người. Sang bộ Anh-hùng Đông-a gươm thiêng Hám-tử, thuật giả sẽ trình bày rõ ràng, chi tiết hai bức tranh Thiền-tông và Đại-thừa.

Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét