Daniel Southerland - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch Sài Gòn - Ngày 8 tháng Sáu năm 1971
Cộng sản tuyên truyền giỏi đến nỗi huyền thoại Nguyễn Văn Bé, một
trong những anh hùng Việt Cộng hàng đầu, vẫn còn sống dai dẵng cho đến
ngày hôm nay bất chấp cách đây bốn năm người ta đã công bố rộng rãi
huyền thoại ấy hoàn toàn là dối trá.
Vào ngày Chủ Nhật, 30 tháng Năm, Việt Cộng đã tổ chức lễ truy niệm năm năm ngày mất và hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Bé.
Trận chiến về sự thật, mà bây giờ gần như đã chìm vào lãng quên, trong
câu chuyện anh Bé là một trong những trận đánh tuyên truyền lớn trong
cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trận đánh khai màn vào năm 1967 sau khi người ta khám phá Nguyễn Văn Bé,
người tưởng đâu đã chết anh dũng, thực sự đang còn sống và ở trong tù
và hoàn toàn chẳng phải là anh hùng.
Hóa ra trong tình thế hiểm nghèo bậc "anh hùng" ấy chỉ là một thanh niên
quá khiếp sợ, chưa bắn phát súng nào đã vội đầu hàng ngay quân đội
chính quyền Sài Gòn. Tưởng đâu anh đã chết, những người làm công tác
tuyên truyền của Việt Cộng quyết định biến anh thành một trong những anh
hùng cộng sản nổi tiếng nhất.
Nguyen Van Be is interviewed at the
JUSPAO radio studio by Contact Magazine Bureau Chief James Ridgeway in
late 1966, James Ridgeway Collection – The Virtual Vietnam Archive –
Texas Tech (Nguyễn Văn Bé được phỏng vấn tại phòng thâu radio Juspao bởi
James Ridgeway vào cuối năm 1966)
Thật ra Bé là người chẳng giống anh hùng và cũng chẳng bao giờ muốn trở
thành anh hùng. Là người lính hậu cần hiền lành chất phác, anh không đủ
tài giỏi để trở thành anh hùng tài ba. Tuy nhiên, Việt Cộng có thể đã
xem xét kỹ tất cả điều này nên quyết định đây là một lợi thế trong việc
giảng dạy ở các buổi học tập chính trị rằng "nếu Bé, người lính hậu
cần bình thường không được đào tạo nhiều, nhưng khi bị bọn xâm lược Mỹ
tàn bạo áp đảo và bao vây, đã "nhờ hành động anh hùng cách mạng" mà có
thể biến thất bại thành chiến thắng, thì các đồng chí cũng có thể làm
được như thế."
Rất vui khi biết Bé còn sống, và càng vui mừng hơn khi nghe câu chuyện
thật sự của anh, người Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tổ chức một trong
những chiến dịch "tâm lý chiến" lớn nhất trong cuộc chiến tranh Việt
Nam. Họ sử dụng tranh tuyên truyền, những đợt phát thanh từ trên máy bay
khi bay ngang qua các vùng Việt Cộng, thả truyền đơn, chương trình
radio, và chính Bé nhiều lần xuất hiện trên truyền hình để chứng tỏ
những chuyện về các hành động anh hùng của anh chiến đấu cho Việt Cộng
đều là những điều bịa đặt.
Phản ứng ban đầu của cộng sản là gia tăng cường độ tuyên truyền. Những
người làm công tác tuyên truyền của Mặt trận Giải phóng Dân tộc và Bắc
Việt đã sản xuất ra hàng chục bản nhạc mới, thơ, tranh cổ động, sách,
phim đèn chiếu, và cả nhạc kịch nhằm tuyên truyền về câu chuyện phi
thường là Bé, một người lính tải đạn bình thường, sau khi bị bắt, đã một
mình dùng mìn tiêu diệt 69 lính Mỹ và lính miền Nam.
Sự hy sinh dũng cảm ấy - người ta tin anh đã tự sát cùng với những người
khác-đã được ca tụng không tiếc lời đến mức chẳng bao lâu anh trở thành
anh hùng Việt Cộng số một trong cuộc chiến.
Nguyễn Văn Bé với bài báo "ca ngợi anh hùng"
Tuy nhiên, khoảng vào độ năm ngoái, Hà Nội rõ ràng bắt đầu hoài nghi về
sự khôn khéo trong quyết định tuyên truyên quá sâu rộng về huyền thoại
Bé nên đưa Bé xuống địa vị ít được ca tụng hơn trong nhóm những anh hùng
cách mạng. Chẳng hạn, vào năm ngoái, tờ Tiền Phong, tờ báo dành cho
tuổi trẻ miền Bắc, đã gỡ hình của Bé ra khỏi hình của nhóm sáu anh hùng
tuổi trẻ nổi tiếng trước đây thường được đăng chung với nhau và tên họ
đứng đầu danh sách những người nên được noi gương.
Bé cũng bắt đầu ít được nhắc đến trên đài. Như vậy rõ ràng chỉ còn lại
Nguyễn Văn Trỗi, người mà những hành động anh hùng được khen tụng quá
đáng tuy về cơ bản cũng có thật, là anh hùng Việt Cộng hàng đầu. Trỗi
nổi tiếng lúc anh chết trước đội hành quyết của chính quyền Sài Gòn sau
khi hô to "Hồ Chí Minh muôn năm." Trỗi dính líu vào vụ mưu sát
không thành nhằm giật sập cây cầu nơi bộ trưởng quốc phòng Robert S.
McNamara đi ngang qua trong một lần đến Sài Gòn.
Như vậy, chiến dịch của người Mỹ và chính quyền miền Nam nằm bóc trần
huyền thoại Nguyễn Văn Bé là một thành công tới mức độ khiến Hà Nội
quyết định không tiếp tục biến Bé thành anh hùng cao nhất. Chiến dịch
này cũng thành công khi tạo ra những hoài nghi dai dẳng về câu chuyện
của Bé trong lòng những người làm công tác tuyên truyền và các cán bộ
chính trị cấp cao của Việt Cộng.
Một Việt Cộng cấp bậc cao mới đào thoát gần đây, ông Bùi Công Tường,
trước đây từng là cán bộ chỉ huy tuyên truyền ở tỉnh Kiến Hòa, và là tác
giả bản nhạc về Bé thường được phát trên đài Mặt trận Giải phóng, đã có
những ngờ vực về câu chuyện của Bé. Theo lời ông kể, khi ông hỏi một
cấp trên của ông về các bản tin của đài Sài Gòn khẳng định Bé vẫn còn
sống, ông được bảo "Bọn Mỹ có thể tạo ra hàng ngàn anh Bé bằng phẫu
thuật thẩm mỹ. Kiến thức khoa học của họ rất cao. Cứ nghĩ xem, đến mặt
trăng mà họ còn lên được."
Về phía cộng sản giải thích lý do phẩu thuật thẩm mỹ cho chuyện Bé xuất
hiện trên tranh ảnh và trên các chương trình truyền hình của chính quyền
đã trở thành tín điều. Nhưng cách giải thích ấy vẫn hoàn toàn không
thuyết phục đối với nhiều cán bộ có học của Mặt trận Giải phóng. Là một
trong những người này, ông Tường bắt đầu tin rằng Bé vẫn còn sống, và
niềm tin của ông đã được chứng thực khi ông thật sự gặp Bé sau khi đào
thoát.
Một người khác mới đào thoát gần đây, Nguyễn Ngọc Mai, nhà văn người
miền Bắc, công tác tại tờ báo Quân đội Giải phóng, có dịp được gặp Bé
lần đầu tiên cách đây vài tuần.
"Tôi thật xấu hổ khi hiểu ra Bé chẳng phải là anh hùng thật sự," ông Mai nói. "Lúc
tôi ở ngoài Bắc tôi có viết vài câu chuyện về Bé bằng lời văn rất hoa
mỹ. Bé đã là anh hùng vĩ đại và là biểu tượng của tuổi trẻ thế hệ chúng
tôi."
Cả ông Tường và ông Mai đều nói bất chấp tất cả nỗ lực tuyên truyền
trong suốt bốn năm qua của Mỹ và chính quyền miền Nam và bất chấp bao
hoài nghi mà chiến dịch tuyên truyền này đã gieo vào lòng nhiều các cán
bộ cấp cao, người lính Việt Cộng bình thường vẫn còn tin tưởng vào hành
động dũng cảm của Nguyễn Văn Bé. Bằng cách áp dụng kỹ thuật tuyên truyền
cũ kỹ của Goebbels, tức lập đi lập lại những khẩu hiệu đơn giản đủ lâu
và đủ to, những người làm công tác tuyên truyền cộng sản đã làm cho
huyền thoại anh Bé sống lâu trong lòng người. ("Gương anh sáng mãi," là
tên của bài hát ca ngợi Bé.)
"Tôi đã chiến đấu với tinh thần Nguyễn Văn Bé," một người lính
Việt Cộng đào thoát thổ lộ, vì thế anh không tin vào tai mình khi được
bảo Bé vẫn còn sống bình an ở Sài Gòn. Mặc dù người này sẵn sàng thay
đổi chiến tuyến, nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ niềm tin về Bé mà anh
đã tin tưởng rất lâu và rất vững chắc.
Bé là một trong những anh hùng chính, hay có lẽ anh hùng chính duy nhất,
được miền Bắc và Việt Cộng dùng cho việc học tập chính trị và khích lệ
bộ đội nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công vào dịp Tết năm 1968. Và một
số cựu binh Việt Cộng hồi tưởng trong những buổi học tập chính trị mọi
người đều đứng lên hoan hô khi câu chuyện họ học đến đoạn Bé ném mìn vào
quân thù.
Câu chuyện được lập đi lập lại không ngừng trong hàng trăm cuộc họp
nhóm. Rồi đến phần "thảo luận" mà qua đó mọi người đều phải trình bày
cách họ có thể áp dụng tinh thần anh dũng cách mạng của Bé vào trong
cuộc sống của mình.
Nhiều nhà tâm lý chiến Mỹ và miền Nam thoạt đầu hy vọng dùng câu chuyện
của Bé để phá tan hoàn toàn uy tín của Hà Nội rồi từ đấy phá hoại những
chương trình thi đua anh hùng của cộng sản vốn rất quan trọng trong việc
duy trì tinh thần chiến đấu của Việt Cộng.
Tất nhiên, cuối cùng tuy họ có tạo ra những hoài nghi, nhưng những nhà
tuyên truyền Mỹ và miền Nam đã không phá tan được niềm tin phổ biến về
Bé.
Tóm lại, một chuyên gia tâm lý chiến đầy kinh nghiệm nói: "Chúng tôi
nhận thức chúng tôi sẽ không thuyết phục được mọi người ở phía bên kia.
Kiểm soát quá kỹ. Nhưng nếu chúng tôi tác động đến chỉ từ 3 đến 5 phần
trăm trong số họ thôi, chiến dịch này được coi là thành công."
Như thế, trong lòng của hầu hết mọi người ở "phía bên kia", huyền thoại
Nguyễn Văn Bé tiếp tục tồn tại. Nhưng quá xấu hổ do Bé hóa ra vẫn còn
sống, Hà Nội bây giờ có lẽ chỉ muốn toàn bộ vụ này trôi qua hoàn toàn.
Tuy nhiên guồng máy tuyên truyền miền Bắc đã đi quá xa với Bé nên giờ
đây không thể nào hoàn toàn bỏ rơi anh. Ở miền bắc Việt Nam, có nhiều
cánh đồng và một nhà máy phân bón mang tên Nguyễn Văn Bé. Công ty vận
tải Nguyễn Văn Bé góp phần chuyển quân nhu dọc theo mạng lưới tiếp tế
đường mòn Hồ Chí Minh. Có những huân chương Nguyễn Văn Bé. Và giả như
bây giờ miền Bắc từ bỏ huyền thoại Bé, họ sẽ làm gì với những tượng của
Bé tại Hà Nội? Hay tượng của anh ở Cuba?
Bé, 25 tuổi hiện đang làm việc cho cảnh sát Sài Gòn, cũng muốn quên đi
toàn bộ chuyện này. Anh muốn học nghề thợ điện và rồi sống cuộc sống
bình thường thay vì cứ mãi là người khác thường thỉnh thoảng được giới
báo chí và các nhà tâm lý chiến quan tâm đến. Nhưng ai muốn thuê một
người xưa kia vốn bình thường bây giờ nổi tiếng?
Diễn đạt sâu sắc hơn, toàn bộ chuyện này đã khiến Bé khổ đau rất nhiều.
Việt Cộng đã ám sát người em họ của anh vì khẳng định Bé còn sống. Sợ
không bảo toàn được tính mạng, cha Bé phải bỏ ruộng bỏ làng quê ở châu
thổ sông Cửu Long mà đi.
Kể tự lúc bị bắt rồi được thả ra, Bé thường đến vùng châu thổ, miền trù
phú nhất và đông dân nhất ở miền Nam Việt Nam. Không phải là người quá
hào phóng với những lời khen chính quyền Sài Gòn, Bé thật sự cảm nhận
rằng quân đội Quốc gia trong vùng châu thổ đã từ thế yếu chuyển sang thế
mạnh.
Nhưng về chiến tranh tuyên truyền, Bé không hoài nghi bên nào mạnh hơn.
So với những nhà tuyên truyền của chính quyền, những người làm công tác
tuyên truyền của Việt Cộng, theo quan điểm của Bé, "nói hay hơn và giỏi hơn."
Vừa là anh hùng vừa là nạn nhân trong cuộc chiến tuyên truyền giữa hai bên, Bé có thể biết được điều này.
Nguồn: Báo Christian Science Monitor số ra ngày 8 tháng Sáu năm 1971.
Nguồn hình ảnh: http://www.psywarrior.com/BeNguyen.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét