Con
Người được tác tạo với hai phần tuy khác biệt nhưng lại hòa nhập với
nhau làm một: Thể Xác và Tinh Thần. Tùy theo giáo dục gia đình và học
đường và tùy theo nhận thức mà Con Người sinh hoạt theo từng đẳng cấp:
Hướng Hạ, Nhân Bản, Hướng Thượng và Cao Thượng. Tầng lớp Hướng Hạ sống
miễn cưỡng, buông thả và không biết chăm sóc bản thân mình, để mặc cho
thể xác và tinh thần bệnh hoạn, mặc cho những kết quả của sự buông thả
của mình lôi kéo mình đi vào một tương lai vô định. Lớp Nhân Bản sống
đúng theo những nhu cầu căn bản của Nhân Loại, sống bình dị, và biết lo
lắng cho thân thể và tinh thần mình tráng kiện. Giá trị cao hơn một cấp
là lớp Hướng
Thượng,
tầng cấp này là những nhà giáo dục, những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ,
nghệ sĩ chân chính, kiến trúc sư…luôn tìm cách vươn lên một tầm cao hơn
thế đứng hiện tại, đặt tâm hồn và trí thức mình hướng về việc làm cho
Nhân Loại thăng hoa cũng như thích chia xẻ những điều Hay, Đẹp cho người
khác. Phần thưởng mà họ mong muốn là những nụ cười hạnh phúc của thiên
hạ. Vượt qua những đẳng cấp ấy là lớp người Cao Thượng, sẵn sàng hy sinh
mình cho niềm vui và hạnh phúc của người khác, tuy biết rằng một khi hy
sinh Thể Xác thì Tinh Thần cũng tan biến, sự hiện diện của cá nhân mình
trên mặt đất này sẽ không còn nữa. Lớp người Cao Thượng này không hề
nghĩ đến đau đớn của Thể Xác một khi chấp nhận hy sinh. Họ cũng không
cần Quá Khứ, Hiện
Tại, và Tương Lai của chính mình, vì nếu đã hy sinh Thể Xác, thì mọi
liên hệ của Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai đều biến mất trong chớp mắt.
Sự hy sinh như thế là tận cùng của sự thất thoát và lỗ lã.
Vậy, họ là ai? Với khoa học, họ là những người miệt mài với các công thức y khoa hay các thí nghiệm vật lý, hóa học, chấp nhận hy sinh mọi nhu cầu cá nhân cho nhân loại được khỏe mạnh, tiện nghi và thăng tiến xã hội. Với tôn giáo, họ là những người Tử Vì Đạo, vì lòng tin của mình cho một thế giới tốt đẹp hơn. Với Việt Nam, họ là những Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đấu tranh cho sự trường tồn của Dân Tộc, cho ý thức Dân Chủ và cho Nhân Quyền được tôn trọng.
Những
người lính Cộng Hòa, một khi đã chấp nhận ra chiến trường thì coi cái
chết bản thân nhẹ tựa lông hồng, coi thương tật vĩnh viễn là sự may mắn
cho gia đình, trong khi đó lại coi sự tồn vong của đất nước như một
trách nhiệm đương nhiên, không cần giải thích. Những người lính ấy cười
ngạo nghễ trước Thần Chết, khinh bỉ mũi súng của quân thù, xung phong
vào chỗ đạn lửa như vào chốn nghỉ ngơi, chẳng hề nhớ tiếc đến nụ cười
hay ánh mắt của người đẹp đằng sau, quên tất cả những lời ước hẹn “anh
sẽ trở về với em”, mà chỉ biết đến nhiệm vụ phải hoàn thành, phải đưa
dân ra khỏi vòng binh khói, phải cứu bạn ra khỏi chỗ pháo dập, và
phải diệt bọn tà ma quỷ quái đang đặt mìn, đắp mô trên tỉnh lộ, đang
chĩa pháo vào khu dân cư, hay đang chuẩn bị hành hình những viên chức xã
ấp là những người phục vụ dân chúng. Trong số những người lính anh dũng
ấy, có biết bao nhiêu khuôn mặt non trẻ, chưa hề biết một nụ hôn ngọt
ngào như thế nào, chưa hề biết cảm xúc ra sao khi được một bàn tay ngà
chạm nhẹ đến cổ áo, quấn cho anh chiếc khăn quàng của em gái hậu
phương…Và cũng có biết bao người lặng lẽ chia tay với người vợ trẻ và
mấy đứa con thơ, cố bịt tai để khỏi nghe tiếng khóc tiễn đưa, cố nhắm
mắt để khỏi nhìn thấy những giọt lệ tuôn trào ướt áo, và cũng lặng lẽ
băng mình vào sương khói mờ mịt mà chẳng dám quay lại, nói lời “hẹn tái
ngộ”, vì biết có
“tái”, có “ngộ” không sau trận chiến đẫm máu này…
Họ,
những Thiên Thần Mũ Đỏ, Mũ Xanh, Mũ Nâu, những Anh Hùng Tiếp Vận, Kỵ
Binh, Hải Quân, Không Quân, Công Binh, Pháo Binh, Địa Phương Quân,
Truyền Tin, Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, những Anh Thư Nữ Quân Nhân,
các Anh Hùng Biệt Kích, Lôi Hổ, Biệt Hải, Giang Đoàn, Lực Lượng Đặc
Biệt… đã chấp nhận trở về trong “hòm gỗ cài hoa” hay “trên đôi nạng gỗ”,
hoặc trong tấm “poncho” lạnh lẽo, dưới những cơn mưa phũ phàng và trong
tiếng gầm của đạn pháo tiễn đưa.
Họ,
những chàng trai hay những thiếu nữ mắt sáng quắc như ánh sao, hồn rực
lửa yêu từng tấc đất quê hương, đã là những Thiên Thần Hộ Mệnh cho miền
Nam sống an lành trong biết mấy thập niên, và những tưởng sẽ tiếp
tục giang cánh tay bảo vệ mạng sống người dân mãi mãi, nhưng không ngờ,
bị bạn bè phản bội, bán đứng cho giặc, nên đành bẻ gẫy kiếm gươm, chôn
vùi vũ khí và chôn cả quãng đời chiến đấu dang dở trong ngục tù Cộng
Sản.
Thế đó,
mà giờ đây, có bao người còn nhớ đến lời CÁM ƠN NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG
HÒA? Trong lễ Thanksgiving của thiên hạ, có bao người biết ngả mũ, cúi
đầu trước anh linh lẫm liệt của hơn bao chiến sĩ đã hy sinh Thể Xác và
Tinh Thần cho quê hương, cho lịch sử và cho ba triệu người vượt biển an
toàn? Có bao người đang giầu sang, hạnh phúc biết bắt tay và nói lời CÁM
ƠN người lính Cộng Hòa đang vất vả ngược xuôi trong xứ lạ?
Vậy,
trong không khí mừng lễ Tạ Ơn của thiên hạ, xin những ai đọc bài này,
hãy quay sang bên cạnh về phía những người chiến sĩ cũ và một lần nói
lên lời CÁM ƠN NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG HÒA. Cám ơn anh, cám ơn chị, cám ơn
em, cám ơn chiến hữu, cám ơn các Niên Trưởng, cám ơn tất cả những ai đã
tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Tự Do ấy. Nếu không có Tâm Hồn Cao Thượng
của các anh, các chị, các em.. đã xả thân hy sinh, thì cả thế hệ chúng
ta, đã không thể như hiện tại…
Tạ Ơn Người.
Chu Tất Tiến, Thanksgiving 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét