Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Obama dùng chiến thuật cương nhu với Miến Điện

Photo By JASON REED/REUTERS

Hàng chục ngàn người hân hoan chào mừng vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Miến Điện. Barack Obama đã khéo léo sử dụng một chiến thuật vừa tưởng thưởng vừa gây áp lực để chính sách cải cách phải được tiếp tục. Hoa Kỳ không ảo tưởng về những chướng ngại trong tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện nhưng có nhiều lá chủ bài và thời cơ thuận tiện.
Là vị tổng thống Mỹ tại chức đầu tiên đến thăm Miến Điện, Ông Barack Obama đã chứng tỏ bản lãnh khôn khéo của lãnh đạo siêu cường, cân bằng áp lực và khen thưởng để thúc đẩy môt chế độ dân chủ nửa vời đi sâu vào con đường cải cách.
Chủ nhân Nhà Trắng đã dành trọn 6 tiếng đồng hồ thăm viếng ngắn ngủi trước khi sang Cam Bốt, để hội kiến với Tổng thống Thein Sein, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và đọc một bài diễn văn tại đại học Rangun.
Tổng thống Obama tuyên bố với người dân Miến Điện là « Hoa Kỳ ở bên cạnh các bạn ». Trong thông điệp « làm rung động lòng người » Tổng thống Mỹ kêu gọi « đừng để cho ngọn lửa soi đường dân chủ tàn lụi ».
Theo giới phân tích, chế độ « dân sự » tiếp nối tập đoàn quân phiệt đã tiến hành những bước cải cách một cách đáng kinh ngạc, ghi dấu thành công vượt bực cho ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Từ 2009, tân tổng thống Mỹ Obama sử dụng chiến thuật mới với Naypidaw khuyến khích tập đoàn quân sự cải cách không bằng áp lực trừng phạt mà qua tưởng thưởng từng bước.
Đây là một chính sách « đánh cược đầy rủi ro » nhưng đã tạo được sự tin tưởng trong hàng ngũ tướng lãnh Miến Điện. Gần hai năm sau, tháng 11/2010,lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được tự do sau hơn 15 năm tù đày và quản thúc.
Tiếp theo đó, chính quyền quân sự nhường chỗ cho chính quyền dân sự, thả tù chính trị và qua cuộc bầu cử quốc hội bổ khuyết, minh bạch, đã đưa hơn 40 dân biểu đối lập vào nghị trường. Tự do báo chí được mở rộng nhưng quân đội vẫn còn được xem là có vai trò chủ chốt trong chính trường.
Giới nhân quyền chỉ trích chuyến du hành của Tổng thống Obama tại Miến Điện là quá sớm. Nhưng hôm qua, tổng thống Mỹ tuyên bố « không một ai, kể cả ông lạc quan ảo tưởng về tương lai cải cách của chế độ ». Công luận không nên diễn dịch chuyến đi này như một động thái « công nhận chế độ Nayipidaw ». Nhưng theo ông, nếu chờ Miến Điện có một nền dân chủ toàn hảo rồi mới đến thăm thì sẽ còn rất lâu.
Theo tổng thống Mỹ, một trong những mục tiêu chuyến viếng thăm này là để « ghi nhận những tiến bộ đạt được và đề cập đến những tiến bộ quan trọng hơn nữa cần phải thực hiện trong tương lai ». Trước khi tổng thống Mỹ đến Rangun, một đợt thả thù chính trị lần này với 66 người đã được thông báo.
Các cố vấn của Tổng thống Obama cam kết, Washington quyết tâm không để cho chính quyền Miến Điện quay lui trong tiến tình dân chủ. Hoa Kỳ sắp thông báo mở lại viện trợ kinh tế. Một ngân sách viện trợ lên đến 170 triệu đôla sẽ được cấp cho Miến Điện trong tài khóa 2012-2013 kèm theo điều kiện tiếp tục cải cách chính trị.
Nhưng bên cạnh vấn đề chính trị, Miến Điện còn là ván cờ domino của Hoa Kỳ trong chiến lược địa lý chính trị bao quát hơn : chính sách Châu Á Thái Bình Dương án ngữ Trung Quốc. Ngay từ đầu nhiệm kỳ một của Obama, Hoa Kỳ đã xem khu vực này là ưu tiên số một của chính sách ngoại giao và an ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét