Bùi Tín -
Trong buổi nói chuyện ở trường Đại Học Rangoon - Miến Điện ngày tháng
10 năm 2012, Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã có đoạn nói : « Quyền tự
do cuối cùng tôi muốn nói đến là quyền mọi người được sống thoát khỏi sự
sợ hãi »
Nhà hùng biện nổi tiếng, có tầm nghĩ, có tâm huyết lớn, được tuổi trẻ
khắp nơi ngưỡng mộ đã sang Đông Nam Á trong cuộc xuất hành quan trọng
đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai để nhắn nhủ những tâm tình sâu
xa mà cháy bỏng. Ông mong muốn sinh viên, thanh niên, trí thức hãy dũng
cảm, khắc phục triệt để tệ sợ hãi cường quyền, dấn thân cho tự do, dân
chủ là chìa khóa thần kỳ mở ra cho phát triển và thịnh vượng mà mọi
người phải được chung hưởng.
Bà Aung San Syu Kyi đã có cả một luận văn, một cuốn sách nhan đề « Khắc
phục sự sợ hãi ». Bà phân tích rõ tệ sợ hãi của người dân bị cai trị bởi
các chính quyền phát xít, quân phiệt, cộng sản, những chính quyền ngồi
trên luật pháp, đầy bất công và tham nhũng, coi người dân như cỏ rác,
giam hãm người yêu nước, đòi nhân quyền và dân quyền cho nhân dân vào
nhà tù. Bà cũng chỉ ra sự sợ hãi của các nhà cầm quyền quân phiệt và
cộng sản sợ hãi bị mất quyền, mất ghế, mất đặc quyền, đặc lợi, sợ hãi sự
nổi dậy và trừng phạt của nhân dân khi nhân dân thức tỉnh đổ ra đường
phố đông đảo, làm tê liệt lực lượng đàn áp.
Hai nhà tư tưởng lớn gặp nhau ở trung tâm Đông Nam Á đang chuyển mình.
Obama và Syu Kyi đều thống nhất chính kiến cao độ khi cổ vũ cuộc đấu
tranh mạnh mẽ không khoan nhượng giành dân chủ tự do, coi khắc phục sự
sợ hãi là động lực cơ bản mầu nhiệm nhất.
Đọc kỹ bài diễn văn tuyệt diệu đầy cảm hứng trí tuệ và tình cảm, người
Việt yêu nước cảm thấy trong nhiều đoạn Tổng thống B. Obama như có ý
nhắn nhủ riêng cho sinh viên Việt, thanh niên Việt, trí thức Việt chúng
ta.
Có cảm giác như Tổng thống Mỹ gốc người da mầu, gốc một dân tộc thuộc
đia của Anh quốc, hiểu thấu tâm tư của nhân dân Miến Điện, Việt Nam và
Đông Nam châu Á, như đứng trên đất nước láng giềng Miến Điện để thổ lộ
với người Việt chúng ta.
Đúng vào lúc này, 3 nữ nhi bất khuất : Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần,
Huỳnh Thục Vy được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền
2012, lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tới tại Montréal – Canada.
Qua biểu dương 3 nữ nhi kiệt xuất trên đây tiêu biểu cho cả giới trẻ yêu
nước, cho cả một lớp đông đảo nữ nhi kiên cường không còn biết nỗi sợ
hãi là gì, đây là dịp động viên thanh niên cả nước, phụ nữ cả nước nhận
thức rõ trách nhiệm trước nhân dân mình, tổ quốc mình, vươn mạnh dậy,
dấn thân quả đoán, khắc phục những lưỡng lự, phân vân, e ngại.
Nhân dịp này, các bạn sinh viên, học sinh, thanh niên hãy tự đặt ra và tự trả lời câu hỏi:
- Ta không dấn thấn cứu nước, cứu dân thì ai đây?
- Ta không dấn thân lúc này thì lúc nào?
Điều then chốt cấp bách hiện nay, theo kinh nghiệm những cuộc xuống
đường ở Tunisia, Ai Cập và Lybia, các lực lượng dân chủ nổi dậy xuống
đường, ôn hoà nhưng vô cùng quyết liệt, phải vừa đẩy mạnh đấu tranh vừa
tìm ra một ẩn số trung tâm, đó là con số « x » qua đó lượng biến thành
chất. Trước con số « x », tình hình còn tiệm tiến, theo dạng giằng co,
khi đạt con số « x » của số người và khí thế đấu tranh thì tình hình ngả
ngũ cực nhanh.
Ở Tunisia, cuộc đấu tranh khởi đầu ngày 17/12/2010 khi anh sinh viên
nghèo khổ Mohamed Buazzi tự thiêu khai mào cho cuộc xuống đường ngày
3/1/2011 với 600 bà con thủ đô, ngày 5/1 tăng lên thành 2.000 và 3 thành
phố, ngày 6/1 tăng vọt lên gấp 3, thành hơn 6.000 trong 5 thành phố,
đến 12/1 lại vọt lên 9 ngàn là ngả ngũ, tổng thống Ben Ali và vợ con bỏ
chạy sang A-rập Xê-au-đi. Thời gian đấu tranh kéo dài chừng trong 9 ngày
đêm. Ẩn số « x »nhiệm mầu là 9.000 người xuống đường với hàng chục vạn
dân 2 bên đường phố cổ vũ hoan nghênh.
Tunisia có số dân 10 triệu.
Ở Ai Cập cuộc đấu tranh nổ ra ngày 23 tháng 1 năm 2011 để kết thúc thứ
sáu 11/2/2011 sau lễ cầu nguyện Hồi giáo, khi tổng thống Moubarak từ
chức, giao quyền cho Quân đội, và Quân đội cam kết 3 điều : không bắn
vào dân, có nghĩa vụ bảo vệ dân và ủng hộ yêu cầu dân chủ hóa của nhân
dân. Cuộc xuống đường khi nổ ra đã có 3 ngàn người tham gia, sau một
tuần lên gần 5 ngàn, để 10/2 lên đến 18 ngàn ở thủ đô Cairo cùng với 2
cảng Alexandria và Suez. Ở đây ẩn số « x » là con số 18 ngàn dân trong
18 ngày đêm xuống đường, được sự ủng hộ của hàng chục vạn nhân dân cả
nước. Ai Cập có số dân hơn 80 triệu.
Ở Libya cuộc tranh đấu và chiến đấu khởi đầu từ đầu năm 2011, kết hợp
đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, với bước nhảy vọt vào tháng
2/2011 khi Liên Hợp Quốc ra quyết định lập « vùng cấm bay » và kết thúc
vào ngày 20 tháng 10/2011 khi bắt sống tổng thống « kẻ điên bên bờ Đia
Trung Hải » Khađaphi trong ống cống.
Cuộc đấu tranh kéo dài hơn 10 tháng.
Có 2 nữ nhi kiệt xuất nổi lên ở Ai Cập. Đó là cô Mona Seif, 21 tuổi tốt
nghiệp điện toán Đại học Cairo và cô Gigi Ibrahim 24 tuổi nhà báo học từ
đại học California – Hoa Kỳ về, đã trở thành những người lãnh đạo sát
sao gan góc và thông minh cuộc đấu tranh, chỉ đạo cao trào xuống đường
qua máy điện thoại cầm tay và internet.
Xin gửi bài báo ngắn này đến 3 nữ nhi Việt không còn biết sợ hãi là gì
và tất cả các cô gái Việt Nam đang chuẩn bị cùng nhau xuống đường để
cùng chung sức tìm ra ẩn số « x » trên đường phố thủ đô Hà Nội và các
tỉnh thành lớn trong thời gian tới.
Trước khi đạt con số mầu nhiệm ấy, mỗi người tham gia đấu tranh có khi
có cảm giác mình chỉ là con số không - 0 -, nhưng khi đạt được con số « x
» thì bỗng nhiên con số ấy trở thành tuyệt đối, thành vô tận, và mỗi
con người chúng ta sẽ đều là một phần của vô tận vậy.
Paris 4/12/2012
Nhà báo tự do Bùi Tín
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét