Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Ông Romney Đã Vào Quỹ-Đạo

 
LTS.- Trong một thời-gian dài, ông Mitt Romney bị lẹt đẹt sau Tổng-thống Obama trong các cuộc thăm dò dư-luận. Nhưng cuộc tranh-luận hôm 3/10 đã thay đổi tất cả các con số thuận nghịch trước đó, với một đa-số giờ nghiêng về phía ông Romney, kể cả trong khối phụ nữ mà trước kia đã nghiêng hẳn về phía ông Obama. Sau đây là bài đánh giá triển-vọng của hai người do cây bút Jennifer Rubin viết hôm 14/10 trên RealClearPolitics, bà là một trang nhà phân-tích chính-trị nổi tiếng.

Ông Mitt Romney giờ đây đang dẫn Tổng-thống Obama trong các cuộc thăm dò trên toàn-quốc, và Tổng-thống Obama đang xuống đến những con số thấp nhất của ông trong các đánh giá trung-bình trên RealClearPolitics. Ông Romney đang dẫn đầu trong mấy tiểu-bang ngang ngửa (như Florida, Colorado và North Carolina) và cũng đã coi như xoá hẳn được sự thua sút trước đây trong mấy tiểu-bang như Ohio, Virginia và Nevada. Tỷ-lệ tán-đồng ông (cái tỷ-lệ "dễ mến" mà các nhà bình-luận thiên tự-do hầu như bị ám-ảnh) giờ đây cũng đã ngả sang phần thuận lợi; sự xa cách về mặt ủng-hộ giữa hai ứng-cử-viên hầu như đã không còn nữa.

Theo trang nhà Intrade, ông Obama bây giờ ở dưới tỷ-lệ 60 phần trăm. Các đám đông đến nghe Ông Romney và Dân-biểu Paul Ryan (CH-Wisconsin) đang ngày càng đông trong các tiểu-bang cần tranh thủ như Ohio. Hãng thông tấn Associaed Press ghi nhận:

"Các đám đông đi nghe [hai ông] cho ta thấy điều đó. Với ngày bầu cử cận kề, ông Romney đang thu hút những đám đông thật đông, vừa lớn vừa hăng say. Hãy xem các ruộng bắp bụi mù ở Iowa, các công-viên mưa sũng ở Virginia, các đất bùn lầy của khu Hội chợ ở Quận hạt Shelby, để mà thấy 9.500 người (gần nửa dân-số của thành phố ở phía tây Ohio này) đã ùn ùn kéo đến các nhà kho và chuồng ngựa ở đây trong một buổi tối tháng 10 lạnh cóng tuần qua để được ngó thấy ứng-cử-viên Tổng-thống của Đảng Cộng-hoà... Ông cũng thu hút được một đám đông ước-lượng là 12 nghìn người đến một cuộc gặp gỡ ở miền Trung Florida vào cuối tuần qua, 1.200 người đến một tỉnh ở Iowa mà dân-số chỉ có 1000 người, và hàng trăm người hơn thế nữa ở Newport News, Virginia, trong trời mưa như trút nước cuối tháng 10.

"Người ta tự hỏi không hiểu vì sao tôi lại cả tin là thế nào chúng tôi cũng sẽ thắng. Tôi tin chắc như vậy là bởi tôi được thấy các bạn có mặt ở đây trong một ngày như hôm nay. Thật không thể tưởng tượng được," ông Romney nói trong khi tóc ông ướt dính vào bên mặt ông. Các ủng-hộ-viên ướt sũng trong các vũng nước bùn lầy vỗ tay trong khi ông diễn đọc một bài diễn-văn rút ngắn của lập-trường ông. Có môt số người có poncho nhưng đa-phần những người khác đứng vừa run lập cập vừa ướt sũng người, tay thọc vào túi quần hay túi áo."

Đây lại càng là một điều đáng chú ý bởi ông Romney chưa bao giờ là một thứ con cưng của cánh hữu.

Các con số tiếp-tục tăng

Tờ New York Times cực chẳng đã cũng phải công-nhận là các con số về phía ông Romney ngày càng tăng. Những con "số nhảy vọt" của ông sau cuộc tranh-luận ngày 3/10 đã không hề sút giảm. Và những cuộc thăm dò dư-luận trong các tiểu-bang "nghiêng ngửa" cũng có khuynh-hướng lên theo so với toàn-quốc.

Tất cả những kết-quả này gợi ý cho ta là cuộc đua vào Toà Bạch Ốc đã thay đổi một cách căn-bản sau cuộc tranh-luận đầu tiên giữa hai ứng-cử-viên. Chắc hẳn nó còn thay đổi nữa, nhưng phủ-nhận là cuộc tranh-luận đã không ý-nghĩa hơn những diễn-biến khác trong cuộc thi đua năm nay thì là một ý tưởng khá ngốc nghếch.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Trước hết, cuộc tranh-luận đã phơi bầy một điều mà nhiều người trong đảng Cộng-hoà vẫn ngờ, đó là một số ủng-hộ-viên bên phe ông Obama khá nông, dựa trên thói quen hay không cho là ông Romney có thể là ứng-cử-viên xứng đáng. Ngay trong nhưng ngày tưng bừng có Đại-hội Đảng Dân-chủ các con số dành cho ông Obama vẫn không hơn 50 phần trăm trong các bảng tính trung-bình của RealClearPolitics hay ngay cả trong bất cứ tuần nào theo các cuộc thăm dò của hãng Gallup.

Ta nên nhớ rằng hầu hết chiến-lược của ông Obama là nhằm làm mất uy-tín ông Romney, cho ta không chính-đáng như một ứng-cử-viên vào Toà Bạch Ốc. Tất cả những quảng-cáo tiêu-cực trong mùa hè, dù ồ ạt, vẫn không thuyết phục nổi người nghe. Sau khi đã được xem phần tranh-luận xuất sắc của ông Romney thì gần như không còn cách nào để mạ lỵ hay biếm-hoạ ông ta nữa. Và đáng tiếc cho ông Obama là ông ta đã thực-sự không có Kế-hoạch B. Ông Obama chưa bao giờ đưa ra được một nghị-trình đáng nể cho nhiệm-kỳ 2 của ông. Ông chỉ có những dự-án hoặc không mấy được ủng-hộ (như Obamacare) hoặc không giúp gì cho ông (như đề nghị tăng thuế) hoặc chỉ lắt nhắt mà thôi (như đề nghị thuê thêm 100 nghìn giáo-viên). Do vậy mà ông Romney đã đưa ra được lập-luận "chúng ta không thể kéo dài bốn năm kiểu đó nữa" một cách khá hữu hiệu.

Ngoại-giao, một lãnh-vực bị đẩy ra tiền-trường

Và cuối cùng, như nhiều người cũng đã nghĩ, vấn-đề chính-sách ngoại-giao đã trở thành một lãnh-vực tiến ra tiền-trường. Việc Toà Lãnh-sự ở Benghazi bị tấn-công giờ đây đã được các phương-tiện truyền-thông chính-mạch đem ra bàn tán như là một vấn-đề khả-năng và độ tin cậy của chính-quyền Obama. Điều này chưa chắc đã giúp cho các con số của ông Romney tăng lên nhưng chắc chắn là đã ngăn cản các con số tăng lên về phía ông Obama.

Về mặt này, ông Romney nợ Phó-Tổng-thống Joseph Biden một món, đó là chính ông Biden đã, trong cuộc tranh-luận của ông với ông Paul Ryan, đưa ra một số khẳng-định mà trắng trợn là sai. Bởi khi ông Biden đổ tội cho ngành tình-báo thì ông có thể sẽ bị phản-ứng ngược do chính những người trong ngành này tuồn ra hay làm chứng khác với nhận-định của ông.Ông James Risen của tờ New York Times đã nhặt được một chuyện cách đây mấy tuần khi ông viết (một chi-tiết mà cho tới giờ chưa được mấy người chú ý):

"Các hãng tư-nhân lo về an-ninh cho các nhà ngoại-giao của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã tìm cách ký hợp-đồng với Bộ Ngoại-giao ở Lybia, và ít nhất một công-ty đã trực-tiếp nêu vấn-đề với Đại-sứ J. Christopher Stevens, người đã bị giết trong cuộc tấn-công của bọn khủng-bố vào ngày 11/9--đó là theo một viên-chức cao-cấp trong công-ty đó.

"Nhưng vì chính-phủ Lybia cấm không cho các nhà thầu tư-nhân tham-gia các cuộc đấu thầu ở đây, chính-quyền Obama đạ tỏ ra sốt sắng tìm cách giảm thiểu sự hiện-diện của Mỹ ở xứ này. Sau khi gọi thầu các hãng an-ninh đưa ra dự-án làm việc ở Lybia, các viên-chức Bộ Ngoại-giao đã không tiếp-tục theo đuổi công-tác này.

"Chúng tôi vào vận-động, thúc đẩy chuyện này nhưng rồi chẳng có chuyện gì xảy ra cả," người của hãng an-ninh kia cho biết. Ông ta cho biết là nếu như họ muốn, chắc chắn Bộ Ngoại-giao đã tìm được ra cách vượt lên trên những sự chống đối của chính-quyền Lybia."

Vậy chúng ta nên trông chờ là sẽ có những tiết-lộ kiểu đó ngày càng rò rỉ khi có những người sẵn sàng ra kể chuyện từ phía quan-điểm của họ.

Ông Romney chưa thắng cuộc đua vào Toà Bạch Ốc. Một vài vấp váp trong hai cuộc tranh-luận còn lại có thể thay đổi kết-quả một lần nữa. Ông Obama cũng như các tay cố-vấn chính-trị của ông ở Chicago vẫn có thể còn có một hai chuyện bất ngờ để tung ra vào tháng 10 này. Nhưng ít nhất ngay giờ, cả yếu-tố thời-gian lẫn mô-men đang ở về phía ông Romney. Đối với một đa-số các cử tri ông không chỉ là một người có thể thay thế được ông Obama mà còn là một người thay thế ngon lành. Trừ phi chuyện này đổi thay và đổi thay thật nhanh (không nên quên là ai muốn bầu sớm đã có thể bầu được rồi), ông Romney sẽ thắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét