Một cuộc thăm dò mới đây (1) cho thấy gần 1/3 cử tri Mỹ gốc Á chưa quyết định sẽ bầu cho đương kim Tổng Thống Barack Obama hay ứng cử viên đảng Cộng Hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 tới đây.
Trong cuộc thăm dò này thì 32% chưa có quyết định sẽ bầu cho ai. Theo GS Ramarkrishnan của đại học UC California Riverside, thì đa số người Mỹ gốc Á là dân nhập cư thế hệ đầu tiên và cần thời gian để xem họ thích đảng nào.
Vậy thì người Mỹ gốc Việt sẽ bầu cho ai? Chúng ta có thể dùng tiêu chuẩn nào để đánh giá các ưu tiên của chúng ta? Với một số người, việc chọn tổng thống là dễ ợt: Cứ xét xem Tổng Thống Obama làm được việc được hay không? Về kinh tế-thất nghiệp ra sao? Nợ công ra sao? Chính sách an sinh xã hội ra sao? SSI, housing, huấn nghệ, giáo dục, y tế? Chính sách đối ngoại? Nếu các chính sách của Tổng Thống Obama tệ thì ta tìm người khác.
Nói vậy nhưng không dễ, vì hiện nay chúng ta chỉ có thể đánh giá chính quyền Obama mà thôi trong khi phía ứng cử viên Romney chỉ mới là những lời hứa. Hơn nữa không phải chỉ có vấn đề bầu Tổng Thống mà còn việc chọn thượng nghị sĩ (TNS) và dân biểu (DB) liên bang và tiểu bang, chưa kể các ứng cử viên hội đồng thành phố, các học khu, v.v.
Cử tri Mỹ gốc Việt còn nhiều “định kiến”. Trong một bài trước đây (2) tác giả đã đánh giá chính sách ngoại giao của Tổng Thống Obama. Công bằng thì chỉ có thể dựa trên các tuyên bố chính sách của Thống Ðốc Romney để so với Tổng Thống Obama mà lựa chọn.
Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân. Một số khá đông cử tri chỉ chú trọng đến những gì ứng cử viên NÓI hay HỨA mà không tìm hiểu sự thật đàng sau hậu trường về những gì ứng cử viên đã, hay sẽ làm.
Ðể giúp cử tri Mỹ gốc Việt chọn ứng cử viên tổng thống, TNS, DB liên và tiểu bang hay các đại diện thành phố hay khu vực, tác giả xin đề nghị một số tiêu chuẩn để cử tri Mỹ gốc Việt dựa vào đó mà chọn lựa, hầu có thể sử dụng lá phiếu của mình một cách đúng đắn.
Bầu cử tại Mỹ
Cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ không dựa trên “phổ thông đầu phiếu (50% số phiếu +1)” mà dựa trên cử tri đoàn. Nếu đa số phiếu của California bầu cho Dân Chủ thì đảng Dân Chủ nắm 55 ghế cử tri đoàn cho tiểu bang này trong khi đa số phiếu của tiểu bang Texas bầu cho Cộng Hòa thì đảng Cộng Hòa nắm trọn 38 cử tri đoàn cho tiểu bang này. Do đó hai đảng DC và CH chú trọng-tập trung nỗ lực tranh cử vào độ 10 tiểu bang coi là “chưa ai thắng-chưa ai thua” như Colorado, Florida, Iowa, Michigan, Ohio, v.v. để làm sao có trên 270 phiếu cử tri đoàn.
Ngoài việc bầu cử tổng thống còn bầu Quốc Hội (QH) gồm Thượng nghị sĩ và dân biểu liên bang hay tiểu bang, là những người làm luật trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Hơn nữa còn các đại biểu thành phố, khu học chánh, v.v. Như vậy đưa ra những hướng chính của lập trường các phe sẽ giúp cử tri chọn lựa một cách sáng suốt, ít “định kiến” và giúp nêu lên các yêu cầu của cộng đồng Mỹ gốc Việt.
Các vấn đề chính của Dân Chủ và Cộng Hòa
1. Kinh tế:
Obama
- Áp dụng gói kích kinh tế gọi là “American Recovery and Reinvestment Act” $768bn;
- Giảm thuế - Ðầu tư vào giáo dục, Hạ tầng, Y tế, năng lượng và các chương trình khác.
- Trợ giúp ngành Xe hơi.
Romney
- Dự trù: Giảm thuế đồng đều 20%;
- Bỏ Obama cải cách Y tế 2010;
- Giảm bớt cải cách Wall Street và Ngân Hàng;
- Chống trợ giúp ngành Xe hơi;
-Giảm chi tiêu Liên Bang.
Ðánh giá
Về giáo dục nay các học sinh và sinh viên được trợ giúp thẳng không qua trung gian các ngân hàng.
2. Thuế
Obama
- Bỏ luật giảm thuế của Tổng Thống Bush cho các gia đình có lợi tức trên $250,000/năm.
- Dự trù đánh thuế “triệu phú”: tăng tỷ lệ thuế trên triệu phú.
Romney
- Tiếp tục giảm bộ luật giảm thuế của Tổng Thống Bush.
- Tiếp tục giảm thuế lợi tức cá nhân.
- Giảm thuế cho lợi tức đầu tư, cho các công ty, v.v.
Ðánh giá
Trung tâm “non-partisan Tax Policy Center” cho là nhà giàu lợi nhiều hơn.
Xem tranh luận lần thứ 1 giữa hai bên về thuế. Tổng Thống Obama nói ông đã cắt giảm các chương trình của chính phủ không hoạt động hiệu quả. Obama nói Hoa Kỳ không nên miễn giảm thuế cho các công ty đưa công ăn việc làm ra nước ngoài.
Ông Romney từ chối tăng thuế trong khi giảm chi.
Tờ Time tường thuật buổi tranh luận: Tổng Thống Obama nói ông Mitt Romney từng hứa với người giàu rằng sẽ giảm 5,000 tỉ USD tiền thuế, vậy mà “tối hôm qua, cái gã đứng trên sân khấu lại nói chẳng biết gì về chuyện đó”. Mitt Romney thật cũng từng nói muốn giảm sĩ số giáo viên đứng lớp, vậy mà “cái gã đứng trên sân khấu lại nói yêu mến giáo viên đến nỗi sẽ tăng sĩ số giáo viên”... Tóm lại, “cái gã đó chẳng muốn nhận trách nhiệm về những gì Mitt Romney thật nói hồi năm ngoái. Nếu muốn làm tổng thống thì phải nói thật với dân chứ”!
3. Y tế
Obama
- Cải cách bảo hiểm y tế năm 2010 - giúp mọi người có bảo hiểm.
- Cấm việc các hãng bảo hiểm không chịu bán bảo hiểm cho những người có bệnh sẵn.
- Giúp các tiểu bang tăng dịch vụ Medicaid.
Romney
- Bỏ Obamacare.
- Trả Y tế cho tiểu bang.
- Giảm các vụ kiện bác sĩ.
- Khuyến khích mua bảo hiểm qua các công ty bảo hiểm tư nhân.
Ðánh giá
Ông Romney bảo đảm rằng ông không có kế hoạch thay đổi chương trình an sinh xã hội hay Medicare nhưng muốn thực hành cải cách y tế qua khu vực tư và qua các bang. Xem tranh luận lần thứ 1 giữa hai bên về t tế.
4. An ninh
Obama
- Hạ sát Osama Bin Laden.
- Rút khỏi Iraq.
- Giảm $487 triệu chi phí QP trong 10 năm vì Cộng Hòa tại QH đòi hỏi việc cân bằng ngân sách.
Romney
- Tăng chi phí QP khoảng $100 tỷ.
Ðánh giá
Nợ công của Mỹ tăng mau là do hậu quả của chiến tranh Iraq và Afghanistan. Trung bình mỗi người lính tốn 1 triệu US/năm.
5. Ngoại giao-quốc phòng
Obama
- Không cho Iran có vũ khí hạt nhân.
- Chống việc Israel ném bom Iran trong ngắn hạn vì cần giải pháp ngoại giao.
- Chuyển trọng tâm qua Á Châu.
- Rút quân ra khỏi Afghanistan 2014.
Romney
- Ủng hộ Israel.
- Sẽ xét lại các kế hoạch rút quân năm 2014.
Phân tích đối nội
Về kinh tế Tổng Thống Obama nói rằng ông thừa hưởng nền kinh tế với quá nhiều khó khăn và đang cố gắng vượt qua những khó khăn để vươn lên trở lại, nhưng còn nhiều việc phải làm. Ông nói rằng đầu tư vào giáo dục, đào tạo, và cắt giảm thuế là con đường hữu hiệu nhất cần theo đuổi. Hiện nay những con số cho thấy là nạn thất nghiệp có phần giảm và Tổng Thống Obama đang đi đúng đường.
Thống Ðốc Mitt Romney nói rằng nước Mỹ phải chọn một con đường khác. Ông nói rằng các kế hoạch của ông bao gồm cả việc gia tăng sản xuất năng lượng, mở cửa hơn nữa cho giao thương quốc tế, đào tạo nhiều hơn nữa, cân bằng ngân sách và hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ.
Nên nhớ là đa số các gia đình Mỹ gốc Việt cũng như các người Mỹ khác sẽ tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng kinh tế chung của Hoa Kỳ để đánh giá đời sống của mình có khá hơn hay không.
Về thuế trong một quốc gia tự do dân chủ và công bằng thì người giàu nên đóng góp nhiều và người nghèo đóng góp ít. Tại Hoa Kỳ, điều này đã và đang được thực hiện: Tầng lớp 1% giàu nhất đóng góp 36.7%, tầng lớp 50% có lợi tức cao đóng góp 97.7% và tầng lớp 50% có lợi tức thấp chỉ đóng góp 2.3% vào quỹ thuế lợi tức liên bang.
Lập trường hai người về thuế có vấn đề là phe CH theo: “Supply side economics - giảm thuế là giải quyết mọi chuyện trong khi phe DC muốn tăng thuế để giảm bội chi ngân sách (deficit) gây nên bởi hai chiến tranh Iraq và Afghanistan. Cần lưu ý là đa số các gia đình Mỹ gốc Việt (theo census 2010) có lợi tức thấp hay trung bình, do đó tỷ lệ thuế còn cao hơn ông Mitt Romney 15% (nhưng đừng quên mặc dù tỷ lệ thuế thấp nhưng con số thuế đóng cao - trong khi ông Obama nói ông Mitt, nói dối - Bill Clinton là một bằng chứng. Ông ấy tăng thuế nhà giàu và kinh tế phát triển chưa từng thấy trong khi ông Bush giảm thuế thì kinh tế sụp đổ. Vậy ông định làm gì để tránh vết xe đổ đó?).
Về an sinh xã hội, ông Romney nay hứa không thay đổi chương trình an sinh XH (khác với khi tranh cử sơ khởi). Trong việc cải tổ y tế năm 2010 thì lần đầu tiên chính phủ đứng ra giải quyết - theo mô hình bảo hiểm y tế tại Massachusetts - để có một hệ thống bảo hiểm y tế cho đa số. Quan niệm xã hội hóa việc săn sóc y tế dân Canada hay Âu Châu đã có từ lâu mà ngành y tế Hoa Kỳ vẫn chưa có được. Theo Census 2010 thì trên 20% gia đình Mỹ gốc Việt còn tùy thuộc vào an sinh xã hội vì còn lợi tức thấp. Thành phần này được hưởng Housing, SSI, Medicare, Medical, v.v. tùy thuộc vào trợ cấp của chính phủ liên bang.
Phân tích đối ngoại
Tại Trung đông như tại Lybia hay tại Syria, chính phủ Obama cho là hai nước này không đe dọa Mỹ cho nên không có lý do can thiệp trực tiếp mà chỉ làm gián tiếp qua NATO, đứng đàng sau giúp Pháp, Anh giải quyết Lybia, hay yểm trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Arập trong vấn đề Syria. Việc này cũng không khác gì tại Á Châu - không can thiệp trực tiếp khi chưa cần như tại Philippines hay Nhật mà khuyến khích các nước trong vùng giúp đỡ trong thế liên hoàn, nhưng có Mỹ đứng đàng sau. Ðây là chính sách thực tế trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt.
Tuyên bố tại Virginia Military Institute, Thống Ðốc Romney chỉ trích chính quyền Obama đòi thay đổi chính sách ngoại giao tại Trung Ðông (3) nhưng không đưa ra nhiều chi tiết.
Ông kêu gọi cảnh cáo Iran và trợ giúp phe đối lập tại Syria (ông Romney cho là ông Obama thiếu lãnh đạo - không giúp phe nổi dậy Syria. Ðài BBC [4] cho thấy là súng đạn đã được gởi cho phe Syria bởi Saudi Arabia - theo chính sách Obama giúp ở phía đàng sau). Ông ta nói là vụ Benghazi nằm trong một tranh chấp lớn ở Trung Ðông.
Hè 2012 Thống Ðốc Romney tuyên bố tại Israel là nên lấy Jerusalem làm thủ đô [bất chấp việc các chính phủ Mỹ đều không chấp nhận điều đó trong nhiều thập kỷ qua, do sự phản đối của Palestine]. Jerusalem là một thành phố có nhiều tôn giáo - Thiên Chúa, Hồi Giáo và Do Thái Giáo, đã bị Israel chiếm của Palestine [theo suy nghĩ này thì Hoàng Sa và Trường Sa sẽ thuộc về TQ]. Ông Romney muốn tăng cường quốc phòng - đóng thêm 15 tàu chiến/năm kể cả 3 tàu ngầm.
Tại Á Châu, Mỹ đã thay đổi chính sách đối với TQ. Tại Hà Nội vào tháng 7 2010, Mỹ đã có chính sách rõ ràng hơn trong việc tranh chấp tại biển Ðông, muốn nói “thẳng thừng” với TQ về các “giới hạn”. QH Hoa Kỳ cũng cho thấy nhiều dấu hiệu bực mình và đã ra một nghị quyết được thông qua năm 2011, chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng võ lực tại biển Ðông, kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho các tranh chấp ở Ðông Nam Á.
Mỹ “tuyên bố chuyển hướng - tái cân bằng tại Á Châu”. Ðầu năm 2012 Tổng Thống Barack Obama đã đến Ngũ Giác Ðài công bố chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ. Hướng chủ đạo của chiến lược này là giảm lực lượng nhưng vẫn duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ tại Á Châu -Thái Bình Dương. Bản phúc trình (5) của Pentagon nêu các ưu tiên cho Á Châu. Mặc dù không nêu đích danh, nhưng chiến lược quân sự của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc đang thách thức vai trò cường quốc Châu Á Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đang nắm giữ. Tổng Thống Obama nhắc là Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các phương tiện không những quân sự mà còn là ngoại giao, phát triển kinh tế, tình báo và an ninh quốc nội cho mục tiêu này.
Cuộc khảo cứu của Pew Research center (6) thì 45 % dân cho là chính sách Obama đối với TQ không đủ mạnh trong khi đa số chuyên gia cho là đủ. Khác hẳn với chính quyền Bush ông Obama rất “mềm dẻo” lúc nào cũng dùng ngoại giao nhưng cũng không ngần ngại sử dùng quân đội - sức mạnh để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Chính sách ngoại giao và quân sự của chính quyền Obama cho thấy quan tâm đặc biệt của ông này đối với Á Châu - một quan tâm mà nhiều phe thân Israel đang cố gắng làm thay đổi trong thời kỳ tranh cử vào tháng 11 sắp tới.
TNS và DB liên bang/tiểu bang
Dân Mỹ sẽ không những bầu tổng thống mà còn đi bầu TNS và DB và các dại diện ở cấp tiểu bang và cấp quận hay thành phố. Các vị này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các luật lệ quốc nội và các chính sách quốc ngoại của chính phủ Mỹ.
Ngoài các tiêu chuẩn đảng phái (chính sách thuế, dịch vụ xã hội, v.v.) các tiêu chuẩn đánh giá TNS và DB hay chính quyền địa phương sẽ dựa trên việc ủng hộ lập trường người Mỹ gốc Việt, có thể tóm tắt là các vấn đề: Quan tâm về nhân quyền, dân chủ, và biển Ðông. [Ví dụ như Dân Biểu Sanchez (DC) của quận Cam ủng hộ nhân quyền tại VN trong khi Dân Biểu Ed Royce (CH) ủng hộ RFA (đài Á Châu Tự Do) hay là nghị quyết về biển Ðông. Như vậy yếu tố đảng phái không quan trọng bằng việc ủng hộ lập trường của cử tri).
Tạm kết
Theo tác giả thì Hoa Kỳ trong hai thập niên qua chia rẽ nặng nề thành hai phe không nhân nhượng nhau. Một bên thì nghĩ chính phủ cần làm nhiều hơn cho người dân, bên kia thì cho rằng chính phủ can thiệp quá nhiều vào đời sống người dân. Và hai phe không tìm thấy điểm dung hòa.
Nước Mỹ có truyền thống sinh hoạt lưỡng đảng nhưng từ 2010 khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ nghị viện (với sự xuất hiện của nhóm Tea Party cực hữu) thì Quốc hội Hoa Kỳ hoàn toàn bế tắc. Theo luật ký ngày 8 tháng 3, 2011 (tự động cắt giảm chi phí) thì cuối năm 2012, ngân sách quốc phòng phải giảm chi 600 tỉ Mỹ kim và các chi tiêu khác phải giảm 600 tỉ (theo một chương trình giảm chi 10 năm). Giảm chi quốc phòng sẽ giảm sức mạnh của Hoa Kỳ, và các giảm chi khác sẽ làm giảm an sinh xã hội và giáo dục. Vì vậy khó tránh được khủng hoảng về an ninh và xã hội.
Người cử tri đứng trước sự chọn lựa: Hoặc bầu cho Tổng Thống Obama được tái cử để chấp nhận hiện trạng; hay bầu cho ông Romney để tạo thay đổi, dù chưa biết rõ là những thay đổi gì. Chỉ biết chắc rằng ông Romney sẽ cắt giảm chi tiêu các chương trình cần cho người yếu kém trong xã hội và hy vọng rất mong manh giải quyết thâm thủng ngân sách quốc gia.
Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử quan trọng nhất của thập niên này và lá phiếu của mỗi cử tri Mỹ gốc Việt rất quan trọng. Nó sẽ giúp nêu một cách tích cực để tiếng nói của cộng đồng Mỹ gốc Việt càng mạnh.
TT, TNS, DB liên bang hay tiểu bang là các vị dân cử mà chúng ta có thể nhờ họ giúp đỡ, thỉnh cầu những việc như đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (vì đàn áp tôn giáo) hoặc vận động Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân Quyền, hay về biển Ðông, v.v.). Họ là những người nói lên tiếng nói và quan tâm của chúng ta về Việt Nam.
Bài nầy nhằm mục đích phân tích lập trường của ứng cử viên tổng thống Romney của đảng Cộng Hòa và của Tổng Thống Obama đảng Dân Chủ và ứng cử viên khác, vị nào gần lập trường chúng ta thì chúng ta sẽ dồn phiếu cho họ. Các tiêu chuẩn chọn lựa về kinh tế: Có gây việc làm hay xuất khẩu việc làm qua TQ? Thuế công bằng hay không? Có bảo hiểm về xã hội tốt hay không? Về an ninh thì liệu chính sách ngoại giao sẽ thiên về Á Châu hay lại trở về Trung Ðông như trước?
Nếu biết dùng đầu óc để phân tích một cách khách quan, bỏ thói quen bỏ phiếu theo cảm tính, thì cộng đồng Việt Nam sẽ tránh được những màn “mị dân”, chúng ta sẽ có một cộng đồng Việt Nam mạnh hơn và trưởng thành hơn.
Các ghi chú:
(1) VOA ngày 8 tháng 10, 2012.
(2) “Chính sách ngoại giao của chính quyền Obama” ngày 27 tháng 9, 2012 http://www.diendantheky.net/2012/09/inh-xuan-quan-chinh-sach-ngoai-giao-cua.html
(3) BBC 8 tháng 10, 2012.
(4) BBC 8 tháng 10, 2012.
(5) Sustaining Global Leadership: Priorities for 21st century Defense, Pentagon, DC Jan 3rd, 2012.
(6) The Pew Research Center for the People & the Press, 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét